30/08/2008 06:16 GMT+7

Ứng dụng CNTT trong giáo dục, chưa tương xứng với nhu cầu

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Ngày 29-8, hội thảo quốc gia "Công nghệ thông tin trong giáo dục" đã được Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình với năm điểm cầu trên cả nước.

B2g0ekJL.jpgPhóng to
Học sinh lớp 8 Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) trong giờ tin học - Ảnh: NHƯ HÙNG
TT - Ngày 29-8, hội thảo quốc gia "Công nghệ thông tin trong giáo dục" đã được Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình với năm điểm cầu trên cả nước.

Không chỉ được ứng dụng rộng rãi ở những nơi có điều kiện như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng..., công nghệ thông tin (CNTT) đang ngày càng được ngành giáo dục các địa phương, kể cả các tỉnh miền núi, vùng khó khăn, chú trọng ứng dụng vào công tác quản lý và giảng dạy. Nhận định này của ông Quách Tuấn Ngọc - cục trưởng Cục CNTT Bộ GD-ĐT - được minh chứng bằng kết quả triển khai trên thực tế tại nhiều địa phương.

Vùng khó cũng ứng dụng

Đại diện Sở GD-ĐT Ninh Bình cho biết do được nâng cao trình độ tin học, nhiều giáo viên ở Ninh Bình thường xuyên giảng dạy bằng giáo án điện tử, sở đã sử dụng nhiều phần mềm quản lý ngân hàng đề thi, soạn thảo giáo án điện tử... và đang tiến tới xây dựng hệ thống hội họp qua cầu truyền hình, qua web.

Từ kinh nghiệm thực tế của trường mình, ông Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho rằng để ứng dụng CNTT hiệu quả, lãnh đạo các đơn vị phải là những người đi tiên phong. Các trường phải mạnh dạn đưa công nghệ mới vào ứng dụng và kết hợp nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn từ hợp tác quốc tế, để phát triển CNTT.

Là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn, song theo bà Nguyễn Thị Lợi - giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, đến nay 100% trường từ bậc THCS trở lên và 32% số trường tiểu học, 7% trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã nối mạng Internet, triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục và nhiều phần mềm quản lý nhà trường, các phần mềm hỗ trợ dạy học...

Tương tự, Kontum là một tỉnh nghèo, thậm chí có nơi còn chưa có điện thắp sáng, chưa phủ sóng điện thoại, song theo ông Nguyễn Sỹ Thư - giám đốc Sở GD-ĐT Kontum, ngành giáo dục tỉnh đã xác định ứng dụng CNTT trong dạy học là hướng đột phá đổi mới phương pháp dạy học để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và đã triển khai nhiều chương trình phần mềm quản lý, phục vụ dạy học từ năm 2005. Đến nay, sở đã thực hiện kết nối Internet băng thông rộng cho tất cả các trường trên địa bàn có hỗ trợ kết nối, tạo hơn 30.000 email với tên miền kontum.edu.vn cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Đối với các trường ĐH, đại diện nhiều trường ĐH phát biểu tại hội thảo cho biết đã xây dựng các trung tâm học liệu với nguồn tư liệu trực tuyến phong phú, triển khai hệ thống e-learning (học điện tử), số hóa các giáo trình và đưa lên mạng thành nguồn tài nguyên sử dụng chung. Các trường cũng đồng loạt triển khai nhiều ứng dụng phục vụ sinh viên như đăng ký học, xem điểm, quản lý kế hoạch học tập trực tuyến, thực hiện hành chính điện tử...

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Ngọc cho hay bản thân việc ngành giáo dục đi tiên phong trong tổ chức hội thảo, hội nghị qua cầu truyền hình là một ứng dụng CNTT hiệu quả, có thể mở rộng thực hiện trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Đồng thời Bộ GD-ĐT phối hợp với Viettel đã và đang triển khai một chương trình kết nối Internet băng thông rộng trên quy mô toàn ngành, phát triển hệ thống thông tin trên website của bộ, đặc biệt là việc đưa hàng ngàn bài giảng, giáo trình điện tử lên mạng để sử dụng chung...

Hạn chế do thiếu định hướng?

Nhìn thấy hiệu quả từ ứng dụng CNTT, nhưng cán bộ quản lý các trường, các sở GD-ĐT nhìn nhận việc ứng dụng còn chưa đồng bộ. Theo ý kiến của đại diện nhiều sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ, ngoài những hạn chế do thiếu kinh phí, do hạ tầng CNTT, một nguyên nhân quan trọng hạn chế hiệu quả ứng dụng CNTT là do vẫn còn thiếu những định hướng cụ thể từ Bộ GD-ĐT. Thậm chí sự phối hợp chỉ đạo về ứng dụng CNTT từ bộ cũng chưa thống nhất giữa các vụ, cục, dự án, gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện.

Theo TS Võ Trung Hùng, khó khăn khi triển khai ứng dụng CNTT các trường ĐH thường gặp phải là chưa có kinh phí để mua bản quyền phần mềm, thiếu kinh phí để duy trì và cải thiện chất lượng các dịch vụ mạng...

Ông Bùi Tiến Dũng, Sở GD-ĐT Hà Nội, kiến nghị bộ cần sớm có định hướng cụ thể về ứng dụng CNTT cho các sở, các trường học, trong đó có quy định những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, thiết bị, mức độ ứng dụng. Ông Dũng cũng đề nghị bộ xây dựng chuẩn quy định về kỹ năng ứng dụng CNTT đối với giáo viên, cán bộ quản lý, có chương trình, dự án đào tạo tin học cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên... Bà Nguyễn Thị Lợi đề xuất Cục CNTT cần phối hợp với các dự án thuộc bộ để thống nhất về các phần mềm triển khai trong ngành, tránh việc các đơn vị cấp dưới phải sử dụng quá nhiều phần mềm khác nhau. Các trường ĐH cũng kiến nghị: do trình độ CNTT của hơn 300 trường ĐH, CĐ khác nhau nên bộ cần có những "chuẩn" chung, cần tạo ra các phần mềm dùng chung để các trường sử dụng phục vụ quản lý và giảng dạy cho đồng bộ.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên