Thật ra, đề tài của ông chỉ là một tổng kết thành tựu nghiên cứu của ngành VN học ở VN. Nhưng ngay cả điều đó cũng không ngăn được tôi, một học trò nhỏ ngồi tít ở hàng cuối cùng, cảm thấy lòng mình trào dâng một tình cảm lạ lùng, vừa hãnh diện vừa ngưỡng mộ đến nỗi suýt huých tay cô nghiên cứu sinh xinh đẹp người Ba Lan ngồi bên để thầm thì điều cô đã biết: "Nhà khoa học VN đấy!".
Đúng lúc ấy, bức màn trắng sau lưng ông sáng lên một màu xanh mát, chiếu nội dung tóm tắt của báo cáo. Mái đầu bạc hình như của Philippe Langlet, giáo sư danh tiếng người Pháp, se sẽ lắc.
Tôi gần như không tin vào mắt mình. Báo cáo bằng tiếng Anh chi chít lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp. Ngay từ tiếng Anh Vietnamology (VN học) cũng bị viết sai thành Vietnamolody. Phần điểm tên các nhà nghiên cứu người Pháp thì tám tên ghi sai đến bảy, ví dụ Paul Pelliot thành Pau Pelliot, Emile Gaspardonne thành Emil Gaspardon, André - Georges Haudricourt thành André - Geoges Haudricourd, Madeleine Colani thành Madelein Colani...
Tôi len lén đứng dậy, chuồn ra ngoài hành lang. Ông nói một thứ tiếng Anh ngọng nghịu, điều ấy không hề gì: tiếng Anh không phải là tiếng Việt, đòi hỏi ông phải nói lưu loát là quá khắt khe. Nhưng phần trình bày bằng PowerPoint chuẩn bị ở nhà, hẳn ông tự tin lắm mới không cần nhờ một người giỏi tiếng Anh sửa chữa. Và tên của những nhà khoa học lẫy lừng và quen thuộc với ngành VN học của ông, làm thế nào ông có thể viết sai?
Sao ông lại nỡ như thế chứ?
Và tôi sợ hãi khi nghĩ tới tháng mười hai này cơ quan của ông là một thành viên chủ chốt tổ chức hội thảo quốc tế về VN học lần thứ ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận