Phóng to |
Cối lõi của giáo dục là dạy làm người, sau đó mới dạy kiến thức - Ảnh: Minh Đức |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhiều bạn đọc gửi bài tham gia bàn luận tiếp vấn đề này. Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết dưới đây của TS Trần Hữu Quang.
Lâu nay khi bàn về giáo dục, một số người hay nhắc tới vấn đề "triết lý giáo dục", nhưng hình như ít có ai đào sâu vào câu chuyện này. Bài này thử nêu ra một vài ý tưởng phác thảo, mong góp phần vào cuộc thảo luận chung. Thế nào là triết lý giáo dục? Đó là hệ thống những tư tưởng và quan niệm chi phối toàn bộ hoạt động của một bộ máy giáo dục nào đó. Ngoài kinh tế, hiện nhiều lĩnh vực vẫn còn bị thống trị bởi quan niệm về sự độc tôn của Nhà nước, rằng Nhà nước phải bao trùm lên tất cả, làm tất cả, nhất nhất cái gì cũng phụ thuộc Nhà nước. Lĩnh vực giáo dục là một trong những lĩnh vực điển hình của tình trạng này.
Dạy làm người
Đã đến lúc chúng ta cần đặt ra câu hỏi: ai là chủ thể của hoạt động giảng dạy? Chắc chắn ai cũng thấy rằng không phải là Bộ GD-ĐT hay các sở giáo dục, mà chính là thầy giáo, nhà trường.
Chức năng của Nhà nước là quản lý nhà nước về mặt giáo dục chứ không phải đi dạy học, và lại càng không thể can dự trực tiếp vào việc dạy học như in sách giáo khoa, ra đề thi, tổ chức thi hay cấp bằng một cách tréo ngoe như hiện nay, bởi lẽ đây là những phần việc thuộc về chức trách của nhà trường và nhà giáo. Chính quan niệm "Nhà nước hóa" này đã ảnh hưởng nặng nề tới mối quan hệ "cấp trên/cấp dưới" giữa ban giám hiệu với sở và Bộ GD-ĐT thậm chí kể cả mối quan hệ giữa giáo viên với ban giám hiệu.
Chính vì thế, cần xác lập lại quan niệm cho rằng nhà trường là một tổ chức thuộc về định chế giáo dục, có vị thế độc lập với các tổ chức thuộc về định chế chính trị (như Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân...). Sự độc lập này, tất nhiên là tương đối, có nghĩa nhà trường không phải là "cấp dưới" (hiểu theo nghĩa hành chính) và càng không phải là "công cụ” của các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy, nhà trường mới có thể thật sự tiến hành việc giảng dạy theo đúng chức trách của mình.
Quan niệm về vị trí của định chế giáo dục như vừa nói trên có liên quan trực tiếp tới sứ mệnh của giáo dục và triết lý về giáo dục. Đã đành ai cũng đồng ý rằng nhiệm vụ của nhà trường nói chung là đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, phục vụ xã hội, nhưng đừng quên rằng sứ mệnh cốt lõi của giáo dục là dạy làm người, sau đó mới dạy kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp...
Nói cách khác, sứ mệnh của giáo dục không phải là đào tạo ra những công cụ cho xã hội, mà là đào tạo ra những con người chủ thể của xã hội. Hiểu như vậy, ngay mối quan hệ giữa người thầy và người trò cũng không còn là một quan hệ quyền lực thầy - trò, mà là một quan hệ đồng hành, hướng dẫn, gợi mở...
Giáo điều và thực dụng
Nếu xét về mặt tổ chức, định chế giáo dục VN đang bị căn bệnh "Nhà nước hóa", thì xét về mặt triết lý, theo chúng tôi, nền triết lý giáo dục của VN đang bị nhiễm nặng nề hai "căn bệnh": giáo điều và thực dụng.
Theo xu hướng giáo điều, giáo dục là nhồi nhét kiến thức (hậu quả là chỉ biết học thuộc lòng, đọc - chép...), là áp đặt một cách thô thiển, là dạy dỗ những điều luôn được coi là chắc chắn, là chân lý, mà không để học trò dám đặt câu hỏi. Trong khi đó, đáng lý giáo dục không phải chỉ là dạy cái gì chúng ta đã biết, mà quan trọng hơn, nhất là trong thời buổi ngày nay, còn là dạy cách đi tìm cái mà chúng ta chưa biết, dạy cách suy nghĩ, cách hoài nghi, cách đặt câu hỏi.
Trong tiếng Việt, theo GS Tôn Thất Nguyễn Thiêm, có một chữ rất hay là "học hỏi". Học mà không biết hỏi thì chưa phải là học, vì hỏi cũng là một quá trình học. Chúng ta có thể định nghĩa "học" là một quá trình bao gồm ba yếu tố: học, hỏi và suy nghĩ. Học mà không suy nghĩ thì chưa phải là học; nhưng đồng thời có suy nghĩ mà không học thì cũng nguy! Lối tư duy giáo điều thường không chấp nhận việc suy nghĩ độc lập, và không bao giờ dung thứ cho những ai dám nói khác.
Xu hướng thực dụng trong giáo dục phản ánh xu hướng thực dụng trong đời sống xã hội, khi mà người ta lúc nào cũng chỉ chú ý tới con người kinh tế (homo oeconomicus), lúc nào cũng chỉ nhằm cái gì có lợi (về mặt kinh tế và vật chất) mà thôi. Vì bị nhiễm xu hướng thực dụng này nên nền đạo đức xã hội bị xáo trộn: vì chỉ chăm bẳm vào mục đích nên rốt cuộc đi đến chỗ coi mọi phương tiện đều tốt, miễn là đạt mục đích, thậm chí với bất cứ giá nào.
Từ đó mới xuất hiện những điều kỳ quái như coi việc làm giàu là "lý tưởng sống" của thanh niên, ao ước được làm giám đốc, được trở nên nổi tiếng, đạt kỷ lục quốc tế..., trong khi đáng lý phải coi những thứ đó chỉ là những hệ quả có thể có của việc học tập chăm chỉ và lao động cần cù, mà đây mới thật sự là những giá trị cần được đề cao. Chính đấy cũng là nền tảng triết lý sâu xa của căn bệnh thành tích trong giáo dục và của biết bao tệ nạn như chạy điểm, mua bằng cấp, thi cử gian dối, ngồi nhầm lớp...
Để có thể xây dựng một nền triết lý giáo dục đúng đắn, lành mạnh, theo chúng tôi, trước hết cần khắc phục được hai căn bệnh nói trên. Đồng thời, phải xác lập được tinh thần khai minh và tinh thần nhân bản trong giáo dục, vì óc giáo điều đối lập với óc khai minh, còn óc thực dụng thì đối lập với óc nhân bản.
Làm thế nào để sứ mệnh của giáo dục không phải là đào tạo ra những công cụ cho xã hội, mà là đào tạo những con người chủ thể của xã hội không chỉ là lý thuyết; hoặc đến khi nào bằng cấp mới phản ánh đúng thực chất khả năng của người đi học... Xin mời bạn đọc tiếp tục trao đổi ý kiến với chúng tôi qua email tto@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ font chữ có dấu tiếng Việt).
---------------------------------------
10 tuổi, không có chút năng khiếu vẽ vời nào, đứa bé loay hoay đến tội nghiệp. Ông bố thương con cũng xoay trần ra đánh vật với bút chì và màu vẽ. Nhưng rồi ông cũng đành chịu thua. Cuối cùng thì người mẹ được mách nước đã đi "nhờ" cậu sinh viên mỹ thuật cạnh nhà vẽ giúp. Vậy là cả nhà yên tâm: thế nào cũng có điểm 10 đỏ chói.
Những đứa trẻ, chủ nhân tương lai của xã hội, sau khi mang điểm 10 về cất thì chẳng còn gì trong hành trang vào đời. Tức là thời gian, công sức và sự trông đợi mà xã hội gửi gắm vào môn học này trở thành con số 0 tròn trĩnh.
Số 0 tròn trĩnh ấy chính là một biểu hiện của phương cách giáo dục thiếu thực chất. Thực chất việc dạy và học môn mỹ thuật không phải để tất cả học sinh trở thành họa sĩ, mà để nâng cao năng lực mỹ cảm của người học. Đơn giản là hãy dạy đứa bé biết thế nào là một bức tranh đẹp, cảm nhận được những mảng màu của cuộc sống để có thể sống tốt hơn, nhìn mọi thứ đẹp hơn, chứ không cố gắng bắt ép học sinh trở thành họa sĩ một cách không thể thực hiện được.
Chính vì mục tiêu giáo dục của môn học bị sai lệch, sẽ kéo theo những hệ lụy về nội dung học, cách thức học và lẽ dĩ nhiên, cách thi cử và cách đánh giá kết quả của môn học này cũng khác. Cái sự khác này làm bật lên một câu hỏi: "sứ mệnh" hay mục tiêu của môn họa là tạo ra giá trị gì, năng lực gì cho người học ngoài cái điểm 10 vô trách nhiệm ấy?
Nhưng đâu chỉ có môn họa, mà nhìn đâu cũng thấy rằng mục tiêu của việc học đang được xác định hay triển khai một cách thiên lệch. Như môn thể dục, xét cho cùng là để học sinh biết cách rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh trong cả cuộc đời mình. Chẳng hạn như nên học ăn gì, uống gì, ngủ ra sao, tập luyện thế nào... Thể dục chính là một phần quan trọng của ba yếu tố mà mỗi con người cần được xây dựng để biết làm người: thể dục, trí dục và đức dục. Nhưng hiện nay cứ nhìn vào lịch học của học sinh chúng ta: thể dục là học chạy, học nhảy... tựa như để đào tạo ra những vận động viên điền kinh tương lai.
Thử nhìn mọi điều của giáo dục bằng phương pháp luận 2W1H, chỉ khi nào có "mục tiêu của sự học" (why) rồi thì mới có thể xác định được là nên "học cái gì” (what) và sau cùng mới xác định được là nên "học như thế nào" (how). Bản chất cơ bản của giáo dục là một quá trình học liên tục, học để biết cách giải quyết những vấn đề của cuộc sống: học làm người, học làm việc và học làm dân.
Dư luận vẫn thường kêu ca là giáo dục VN đang "làm nhà từ nóc". Nhưng không làm từ nóc thì làm từ đâu bây giờ? Có lẽ bắt đầu từ cái móng chăng? Không được! Nếu không có bản vẽ kiến trúc thì làm móng thế nào đây. Vậy nhưng làm sao có được bản vẽ? Tất cả phải bắt đầu từ ý tưởng về ngôi nhà mà mình muốn xây dựng.
Tương tự như vậy, ngôi nhà giáo dục cũng phải bắt đầu từ một ý tưởng rõ ràng, từ những mục tiêu cụ thể và thuyết phục: chúng ta muốn có một ngôi nhà giáo dục ra sao, muốn tạo ra những con người như thế nào cho xã hội tương lai!?
Phóng to |
Giáo dục VN muốn đào tạo những con người như thế nào cho tương lai - câu hỏi chưa có lời đáp? Trong ảnh: đông đảo tân sinh viên chờ gọi tên đóng học phí nhập học (năm học 2007-2008) tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Đó là triết lý giáo dục, là cái nền vững chắc mà không có nó ngành giáo dục của ta sẽ tiếp tục đi loanh quanh. Người đòi cái đuôi con voi phải dài hơn mới đẹp. Kẻ đề nghị tai voi phải to và tròn hơn. Người khác cho rằng chân voi phải dài mới đúng. Cũng vậy, cho dù có đặt vấn đề ba không hay bốn không, hai hay ba vạn tiến sĩ, đại học có nên tự trị hay không thì cũng chỉ là vá víu.
Cho nên tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả Giản Tư Trung là trước tiên phải trả lời cho bằng được câu hỏi: "Ta muốn tạo ra những con người như thế nào cho xã hội tương lai?". Từ đó mới có thể xác định nội dung, phương pháp, đào tạo người dạy rồi tổ chức quản lý...
Đó đây tôi có gặp, có nghe vài nhà giáo dục tâm huyết nêu vấn đề này nhưng tiếng nói của họ như rơi vào khoảng trống. Thật đáng tiếc!
Tôi nghĩ nếu có một diễn đàn xung quanh vấn đề này, chắc chắn với sự đóng góp rộng rãi của toàn dân ta sẽ hình dung được con người VN mà đất nước cần đến để đi tới. Họ cần phải có những phẩm chất nhân văn nào, những kiến thức, kỹ năng và thái độ nào?
Ta đang tìm mô hình trên thế giới để sao chép. Thật ra không ai thay ta để trả lời câu hỏi trên được. Họ chỉ có thể đóng góp về mặt nội dung, phương pháp khi ta xây xong cái nền cho "Ngôi nhà giáo dục VN".
Ý kiến bạn đọc:
Hãy giúp các em xây dựng thế giới tâm hồn!
Tôi là một sinh viên sư phạm nhưng có chút tài nghệ vẽ vời từ lúc nhỏ. Lên đến cấp III rồi đại học thì tài năng nhỏ ấy không còn đem lại cho tôi những điểm số cao ngất nữa, nhưng ngược lại, tôi vẫn để cho tài năng của mình được thăng hoa trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa và cá nhân cần chút "hoa tay".
Cô ruột của tôi cũng là giáo viên, trong đó đứa con trai út đang học trường THCS Hà Nội Amsterdam, một trường rất nổi tiếng ở Hà Nội. Nó học giỏi tất cả các môn nhưng lại đì đẹt trong môn họa. Thế là, với danh tiếng của mình, tôi nghiễm nhiên trở thành chỗ dựa tin cậy của hai mẹ con cô, khi em có bài tập vẽ về nhà! Tôi không thể từ chối vì nể nang.
Phóng to |
Giờ học vẽ tại trường Việt Triều. Ảnh: VNE |
Tôi luôn có một thắc mắc rằng: chẳng lẽ các thầy cô dạy vẽ lại không nắm được trình độ mỗi em học sinh do mình giảng dạy. Bài tập về nhà thì không nói, nhưng những bài tập tại lớp do chính em tôi vẽ sẽ rất khác với tôi vẽ. Chẳng lẽ giáo viên dạy vẽ của em không nhớ được nét vẽ của học sinh mình? Hay các thầy, các cô không cần biết đang giáo dục các em cái gì mà chỉ cần những kết quả đẹp mắt để đem trưng bày, làm bản báo cáo lên cấp trên?
Trường mà em tôi đang học là một trong những trường nổi tiếng nhất Hà Nội, nơi của toàn những học sinh giỏi, đến quá nửa luôn đảm nhiệm việc đi thi học sinh giỏi các môn, các cấp của cả thủ đô rộng lớn? Phải chăng, người ta vẫn chỉ quan tâm đến những môn bác học còn việc dạy những môn năng khiếu chỉ là cho "đủ", để chứng minh rằng "giáo dục Việt Nam luôn chú trọng phát triển toàn diện trí-đức-văn-thể-mỹ trong học sinh", trong khi thực tế kết quả việc này là rất yếu và rất thiếu?
Từ một vài tập vẽ cũng cho thấy "căn bệnh thành tích" ít nhiều còn tồn tại trong giáo dục nước ta. Có một quan niệm sai lầm rằng: những môn phụ, môn năng khiếu sẽ là những điểm bù đắp tuyệt vời cho khiếm khuyết của một danh hiệu nào đó. Lướt qua sổ điểm của những học sinh giỏi, thấy ngay những điểm 9 phẩy, thậm chỉ xấp xỉ 10 của môn họa. Đó là số điểm khá lớn để kéo những lỗ hổng kiến thức ở các môn khác, để trường có nhiều học sinh giỏi, xuất sắc, học sinh đi thi được cộng điểm...
Đúng như các ý kiến của mọi người, trên hết, dạy hội họa cho các em là dạy các em biết yêu cái đẹp, biết nhận thức và phản ánh nó thông qua lăng kính trí tưởng tượng trong sáng của đúng lứa tuổi các em, qua đó mà các em yêu cuộc sống hơn, thích khám phá thế giới xung quanh hơn. Một bức tranh hoàn hảo và giống thật đến từng chi tiết cũng chẳng khác nào một tấm ảnh sao chép cuộc sống. Còn một bức họa được vẽ bằng nét cọ ngoằn ngoèo nhưng chứa đựng cả cái nhìn yêu thương, sự rung động từ chính tâm hồn sẽ còn đẹp hơn vạn lần sự sao chép.
Tôi nghĩ, môn họa hay các môn năng khiếu nói chung chỉ nên là một tổ hợp môn ngoại khóa để học sinh được sinh hoạt, thư giãn sau giờ học căng thẳng. Các trường có quyền được lấy điểm hay không lấy điểm nhưng việc nhận xét, đánh giá phải đúng, chân thực và giúp các em rút ra được nhiều điều từ bức tranh mà mình đã vẽ nên.
Tại sao các môn học khác đều có hẳn một tiết gọi là "trả bài" thì tại sao môn họa không thể được coi trọng như thế? Sau mỗi đề tài, hãy để cho các em được nói nhứng điều các em gửi gắm trong bức tranh, hãy chỉ ra cho các em cái gì các em đã làm được và cái gì chưa, chứ không đơn thuần chỉ là trả bài và đọc những con số điểm.
Ngành giáo dục đang nói nhiều hơn làm!
Theo tôi, giáo dục nước ta đang nói nhiều hơn làm. Là một sinh viên đang theo học trên ghế nhà trường ở một môi trường đào tạo chính quy, có hệ thống, thế nhưng dường như công việc học tập của chúng tôi mang tính chất đối phó, thường thì chỉ chú ý đến chuyện làm thế nào để thi qua học phần mà không phải thi lại.
Trên thực tế, các môn sau bao giờ cũng có những kiến thức từ những môn học trước, các môn học có quan hệ với nhau, nhưng khi học các môn mới thầy giáo hỏi lại những kiến thức cũ thì phải đến 99,99% sinh viên trong lớp không trả lời được cho dù đó là những kiến thức vừa mới thi xong.
Chúng ta đang "chống" đọc - chép, thế nhưng khi giáo viên không "nói" cho sinh viên "ghi" lại thì đến kỳ thi không có gì để mà viết, giáo viên cứ nói rằng sinh viên cần phải sáng tạo trong khi làm bài, khuyến khích những bài viết sáng tạo (không như thầy giảng)... nhưng khi một số làm như thế thì điểm lại thấp hơn những người làm y như những gì thầy "nói" và sinh viên "ghi" lại trên lớp.
Thực tế cho thấy sinh viên không có nhiều cơ hội để "chuyển hóa" cái của thầy thành cái của mình, may chăng thì có những sinh viên ngành báo chí là "lăn lộn" viết lách va chạm với ngành mình học, còn hầu hết thì chỉ là học "chay", và sau này công việc, các cơ quan sẽ "đào tạo" cho họ thêm một lần nữa. Cứ như thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác nối tiếp nhau theo "vết xe đổ", và sinh viên khóa sau không hơn gì khóa trước về kiến thức vì họ hỏi nhau cách học, hỏi nhau tính cách của mỗi thầy...
Môn Tiếng Việt cần trong sáng hơn
Phóng to |
Dạy và học văn cần những cuộc thảo luận sôi nổi. Trong ảnh: Một giờ học văn tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Văn là một môn học không có tính độc lập lớn như các môn toán, lý... mà nó luôn liên quan mật thiết với tất cả các môn học khác. Văn giúp cho học sinh nhận định rõ ràng hầu hết các môn học, nhất là các môn khoa học nhân văn như sử, địa, kể cả ngoại ngữ. Đồng thời văn còn đòi hỏi người học phải có một trình độ kiến thức phổ thông tương đối, hay nói cách khác học sinh muốn giỏi văn cần phải giỏi đều các môn khác. Từ những nhận định này, ta có thể khẳng định văn là một môn học hết sức quan trọng...
Trong chương trình bậc tiểu học, môn văn dược hiểu là môn Tiếng Việt và môn Ngữ Pháp. Hai môn học căn bản để học sinh đọc thông viết thạo và phát huy một phần nào trong việc diễn giải một số ý tưởng, tình cảm giản đơn... Trong những năm gần đây, sách giáo khoa thay đổi liên tục. Cái hay là sách sinh động hơn, nhiều bài văn hay đương đại được cập nhật, những giải trình về lối học và dạy cũng khoa học hơn. Tuy nhiên đa số giáo viên khó nắm bắt được những kiến thức và lối dạy mới. Học sinh thì dễ bị chênh lệch trình độ giữa những thế hệ khác nhau. Phụ huynh cũng khó hỗ trợ, chỉ dẫn con em mình vì vốn đã quen với lối học cũ.
Từ hệ quả này, bản chữ cái a, b, c... của nước ta mãi đến nay vẫn chưa có một cách đọc thống nhất như hàng trăm nước trên thế giới. Chẳng hạng mẫu tự “C” có người đọc là “xê”, có người đọc là “cờ”, thậm chí ngay trên truyền hình, phát thanh viên đọc một dòng địa chỉ e-mail cũng rất ngớ ngẩn, trước đó thì “Ti” (T) sau đó lại “Cờ” (C) tiếp nữa lại “Hát” (H)... Có nghĩa Anh, Việt , Pháp sống chung một nhà rất đề huề!
Văn tuy là một bộ môn có tính khoa học, nhưng tính khoa học ấy linh động chứ không có những công thức cứng nhắc như các bộ môn khoa học khác. Ở đây tính dân tộc được đặt nặng, mà đã dân tộc thì truyền thống là chính yếu. Điều quan trọng là chúng ta giúp cho học sinh đọc thông viết thạo môn Tiếng Việt, vậy Xê hay Cờ để phát âm mẫu tự C là đều thứ yếu. Bộ GD-ĐT không nên tốn quá nhiều công sức và giấy mực để cải cách một điều quá nhỏ bé mà kết quả là làm mất đi tính dân tộc vốn có trong ngôn ngữ Việt Nam từ bao thế hệ nay.
Như ngay từ đầu chúng tôi đã nói, môn văn đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, nên việc dạy và học môn Tiếng Việt cũng cần sinh động hơn các môn khác. Không nhất thiết chỉ có tiết văn ta mới dạy cho trẻ môn Tiếng Việt mà môn Tiếng Việt cần được rèn luyện từ bất cứ thời gian nào và bất cứ nơi đâu. Một câu chào hỏi đúng quy cách, một lời giải toán hợp lý, dễ hiểu, một bài hát được phát âm chuẩn xác, một bài tập lịch sử đúng chính tả... Tất cả đều là cách trau dồi tiếng mẹ đẻ. Và một điều dễ đem đến kết quả tốt cho môn tiếng Việt là sách truyện thiếu nhi.
Gần đây, sách báo thanh thiếu niên không hiếm trên thị trường, nhưng để đến được tay các em còn cần nhiều điều kiện khác như tiền bạc, thói quen, thư viện... Công việc này hiện nay rất ít được gia đình, trường học, xã hội quan tâm đúng mức, mà chúng ta chỉ chú tâm vào sách giáo khoa và các tiết học chính quy mà thôi.
Một vấn đề sai lầm nữa là cách dạy và học môn Tiếng Việt chưa được hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học. Các em vốn nặng về cảm tính khi thu nhận một ý tưởng hoặc một sự hiểu biết, các em không cần định nghĩa quá nhiều như các sách Ngữ Pháp đã làm. Tiếng Việt hầu như rất ít đi vào khuôn khổ văn phạm như Pháp Văn hay Anh Văn. Từ “hồng” vừa là danh từ (hoa hồng), vừa là tính từ (màu hồng), vừa là động từ (đôi má ửng hồng). Có rất nhiều những thí dụ tương tự như thế, vậy không nên quá chú trọng vào những bài Ngữ Pháp đầy rẫy những định nghĩa thô cứng.
Những ý niệm như Trạng từ là gì ? Túc từ là gì?... hình như chỉ thích hợp với những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học hơn là đối với các em lớp Ba, lớp Bốn. Nếu chúng tôi không lầm thì có nhiều bài thi Tiếng Việt mà số điểm dành cho môn Ngữ Pháp chiếm hơn một nửa. Một giáo viên Tiếng Việt giỏi cần phải như một bà mẹ hiền dạy từng lời ăn tiếng nói cho con, bà mẹ chỉ dùng toàn phương pháp cảm thụ thay vì hỏi tại sao hoặc định nghĩa. Phương pháp cảm thụ này đã được lan truyền khắp thế giới trong việc dạy hấp dẫn và thành công một sinh ngữ.
Còn một thực trạng nữa cũng khá nao lòng, ấy là bài văn của các em không khác gì bài quan sát, chẳng hạn: “Bà ngoại em cao 1m50, cân nặng 45kg...”. Ta nên hiểu một bài văn trọng yếu vẫn là phần tình cảm, chẳng hạn: “Cây bàng trong sân trường là người bạn thân yêu nhất của em. Cây không cao to như đại thụ các đình chùa nhưng vẫn đủ che cho em cùng các bạn vui chơi trong những ngày đến lớp”...
Thế mà có nhiều cô thầy vẫn cho điểm thật cao các bài văn khô cứng hoặc chép từ sách báo ra hoặc copy giống nhau. Khôi hài nhất là cứ đến ngày 20-11, bất thần các em học sinh đều trở thành nhà thơ cả... Tại sao ta không quan niệm văn là người, mà người thì phải có độ rung cảm trong những hoàn cảnh riêng tư cũng như những sáng kiến khác nhau.
Dạy văn ngoài việc chuyển tải kiến thức, ta còn dạy cho các em đạo đức, tình cảm... Nên việc dạy văn rất khó, Giáo viên phải luôn tự trau luyện mình bằng lời ăn tiếng nói, bằng cách đọc sách báo thật nhiều và một công tác hết sức cấp thiết là nên mở những lớp chuyên đề về văn để giáo viên có dịp bàn thảo, học tập lẫn nhau để thế hệ con em chúng ta không còn là những sinh vật để chúng ta mãi mang ra làm thí nghiệm.
Sự trong sáng trong Tiếng Việt cũng là một điều đáng phải quan tâm. Có lẽ ảnh hưởng thổ nhưỡng một dải đất hẹp và dài như Việt Nam, nên cách phát âm một từ cho chuẩn là việc khó khăn cho từng vùng của nước ta. Người miền Bắc thường nói sai những phụ âm như x và s, l và n, d và r. Nguyên âm thì thường sai: ưu và iêu... Người Nam Trung bộ thì không phân biệt những âm cuối như có g hoặc không g, ôi hoặc âu, a hoặc e , v hoặc d...
Đã đến lúc chúng ta nên xích lại gần nhau hơn để học hỏi lẫn nhau và tìm ra một lối phát âm tương đối chuẩn mực hầu giúp cho các em học sinh học tốt hơn.
Khi tiếng mẹ đẻ chưa trong sáng thì chúng ta chưa nên mơ ước một điều gì!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận