01/11/2006 15:29 GMT+7

Ông giáo già và lớp học tình thương

Bài, ảnh: LÊ VĂN SƠN
Bài, ảnh: LÊ VĂN SƠN

TTO - Tuổi 68, tiền sử bệnh hen suyễn mãn tính khiến phải ra vào bệnh viện thường xuyên nhưng ông tràn đầy nhiệt huyết dạy học, bởi "Diệt giặc dốt mà "buông súng" chẳng khác nào đầu hàng nó!"...

sWSvkBgQ.jpgPhóng to
Ông Tư Phê trong giờ lên lớp - Ảnh: Lê Văn Sơn

Ngày trước, vì mưu sinh mà ông Huỳnh Văn Phê - thường được gọi là Tư Phê - phải cùng người vợ rời vùng quê Bến Tre để đến cư trú tại ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây đất rộng người thưa, sớm trở thành nơi tụ hội của những người không ruộng đất, không nghề nghiệp đổ về với mong muốn tạo dựng cuộc sống khấm khá, một tương lai tươi sáng hơn.

Hằng ngày, những người lớn tỏa đi các lò gạch, khu công nghiệp làm việc. Còn con cái họ, những đứa được việc thì theo phụ giúp cha mẹ, những đứa nhỏ thì chẳng ai trông nom, lăn lóc tụ tập, chơi bời lêu lổng. Lâu ngày chúng đâm quậy phá, hư hỏng. Giặc dốt và mầm mống của tệ nạn xã hội cũng từ đó mà phát sinh.

Cha mẹ chúng quần quật làm việc cả ngày chẳng đủ miếng ăn thì làm sao có tiền cho chúng đi học? Mà nếu có tiền thì trường lớp nào nhận con cái của những người nhập cư không hộ khẩu, cũng chẳng KT3? Mỗi khi nghĩ về tụi nhỏ, ông Tư không khỏi day dứt về sự luẩn quẩn của cái nghèo đói, dốt nát.

Đời cha mẹ chúng đã thế, không lẽ chúng chẳng thể khác? Chúng lại vẫn cứ lầm lũi tiến theo dấu chân của cái nghèo đói, ít học. Rồi một ngày ông bàn với bà Tư quyết định mở lớp tình thương dạy dỗ chúng.

Và như thế, từ nhân viên bảo vệ (ông bà được Công ty Đại Dương tại ấp Tân Lập xã Đông Hòa, huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương nhận làm bảo vệ), ông bà Tư trở thành "hiệu trưởng, hiệu phó" - những người hùng diệt giặc dốt! Căn nhà nhỏ lợp mái tôn lụp xụp giờ trở thành ngôi trường luôn ríu rít tiếng nói cười. Nơi mà tụi nhỏ không những chỉ được học cái chữ mà còn được học cách làm người.

Giờ đây, khi lớp học đã bước sang năm thứ mười bốn, ông Tư nhớ lại những ngày đầu mở lớp với giọng nghèn nghẹn: "Dạy lần lần lên mà đâu nghĩ có được như ngày hôm nay!".

Những ngày ấy thì khó khăn đủ bề. Hai vợ chồng ông, người thì phải đi đến gia đình từng đứa vận động chúng đi học, rồi mua sắm sách vở, đồ dùng dạy và học, người tất bật với việc sửa sang, xây cất trường lớp, đóng bàn ghế, kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ... Chuyện mở lớp đối với ông Tư chỉ là để giúp bọn trẻ không phải thất học chứ chẳng phải kế sinh nhai. Hằng ngày hai vợ chồng ông vẫn nuôi heo, nuôi gà… để kiếm sống.

dA73N3uA.jpgPhóng to
Những đứa trẻ trong lớp học tình thương của ông Tư Phê - Ảnh: Lê Văn Sơn
Ban đầu lớp chỉ có lác đác vài ba đứa. Nhưng chẳng bao lâu sau, tiếng ông bà Tư mở lớp tình thương lan xa khiến số học sinh tăng lên nhanh chóng. Sĩ số tuy có thay đổi thất thường nhưng vẫn duy trì ở mức trên dưới 70 em. Cá biệt có thời gian học sinh lên đến hơn trăm em.

Do hoàn cảnh mỗi đứa mỗi khác nên việc đến lớp không thể đều đặn. Có đứa bận trông em, có đứa phải theo cha mẹ đi làm, có đứa bán vé số, đứa lượm ve chai nên hễ rảnh lúc nào thì chúng tới lớp lúc đó. Cảm thông với hoàn cảnh ấy nên ông bà Tư không nỡ trách phạt mà trái lại còn thương chúng hơn. Để tụi nó không "chữ thầy trả thầy", vợ chồng ông Tư hy sinh gần hết thời gian của mình để mở thêm nhiều ca học khác nhau.

Sẵn có “vốn” là giáo viên cấp một về hưu, hai ông bà tổ chức dạy chữ cho bọn trẻ cũng không mấy khó khăn. Nhưng chuyện giáo án cũng khiến ông bà bao đêm thức trắng. Bởi soạn giáo án cho học sinh bình thường đã khó, nay lại còn khó hơn đối với những học sinh "cá biệt" này. Rồi ông bà cũng tìm cho mình cách dạy mới nhưng vẫn dạy theo sách giáo khoa hẳn hoi, với sự hướng dẫn, quản lý của phòng giáo dục huyện.

"Phải làm sao để chúng dễ tiếp thu nhất bởi chúng chậm hiểu đã đành, đằng này lại đi học lúc nắng lúc mưa" - bà Tư tâm sự.

Năm 2004 Bộ GD-ĐT đã trao huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho ông và rất nhiều bằng khen, chứng nhận của Sở GD-ĐT và các ban ngành đoàn thể. Những sự quan tâm ấy đã động viên ông bà rất nhiều. Nhưng có ai biết đâu, tiếng là giáo viên đã về hưu nhưng chưa bao giờ ông bà được lĩnh lương hưu.

Tuy nhiên, "Niềm vui nào bằng niềm vui khi nhìn tụi nhỏ ê a đánh vần từng câu chữ, khi thấy chúng lớn khôn từng ngày!". Nhìn sâu vào đôi mắt vợ chồng "nhà giáo" ấy, tôi thấy ánh lên niềm tự hào, niềm tin vào tương lai tươi sáng sẽ dành cho tụi nhỏ. Thế hệ chúng rồi sẽ khác cha mẹ chúng...

Mời bạn tham gia viết "Người đưa đò thầm lặng"

Chuyên mục dành cho tất cả bạn đọc viết về hình ảnh các thầy cô giáo ở mọi cấp học, bậc học nhưng có nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tham gia giảng dạy; có nhiều sáng kiến giá trị, tâm huyết với nghề; chú trọng người thầy có phương pháp đổi mới giảng dạy... Bạn cũng có thể viết những cảm nhận, tản văn về thầy cô giáo mà bạn có nhiều kỷ niệm...

Bài viết có thể là bài báo, ghi chép hoặc cảm nhận..., tối đa 1.000 từ, khuyến khích có hình ảnh của nhân vật hoặc sự kiện đề cập trong bài viết kèm theo (tối thiểu hai ảnh 10x15 hoặc kích thước ảnh từ 80 KB trở lên, ảnh chụp đẹp, có tính chất báo chí là một yếu tố khuyến khích).

Bài viết vui lòng dùng font có dấu tiếng Việt (nếu gửi qua email) hoặc viết trên một mặt giấy (nếu gửi bằng thư) và phải ghi rõ địa chỉ để tiện liên lạc. Tác phẩm chọn đăng được hưởng nhuận bút theo quy định. Tuổi Trẻ Online nhận bài viết từ ngày 25-10-2006 đến ngày 20-11-2006.

Mọi thư từ, bài vở xin gửi về tto@tuoitre.com.vn hoặc quocdung@tuoitre.net.vn hoặc Báo Tuổi Trẻ Online: 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Xin ghi rõ tiêu đề trên email hoặc bì thư: Tham gia viết "Người đưa đò thầm lặng".

Bài, ảnh: LÊ VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên