19/03/2006 08:45 GMT+7

Trăm năm nhìn lại cuộc Đông Du

DƯƠNG TRUNG QUỐC
DƯƠNG TRUNG QUỐC

TTCN - Một thế kỷ sau nhìn lại, vào thời điểm dân tộc VN đang bước tiếp vào cuộc hội nhập rộng lớn toàn cầu, với vị thế của một quốc gia độc lập và đang tìm tòi con đường đổi mới (cũng đồng nghĩa với Duy Tân) để phát triển,

6K132Egc.jpgPhóng to
Chùa Nam Nhã - một di tích của phong trào Đông Du ở miền Nam, nơi lưu ngụ của Cường Để và Phan Bội Châu tại Cần Thơ năm 1906
TTCN - Một thế kỷ sau nhìn lại, vào thời điểm dân tộc VN đang bước tiếp vào cuộc hội nhập rộng lớn toàn cầu, với vị thế của một quốc gia độc lập và đang tìm tòi con đường đổi mới (cũng đồng nghĩa với Duy Tân) để phát triển,

Đông Du, một phong trào vận động cách mạng hình thành vào đầu thế kỷ 20, do các sĩ phu yêu nước mà linh hồn là Phan Bội Châu khởi xướng, nhằm đưa một thế hệ những người VN trẻ tuổi vượt biển ra nước ngoài du học, đặc biệt là sang Nhật để học hỏi tấm gương tự cường của nước Nhật và hi vọng dựa vào nước Nhật mưu cầu thoát khỏi ách thống trị thực dân và tự lập tự cường. Ai cũng thừa nhận rằng số học sinh du học đông nhất là từ Nam kỳ.

Số học sinh Nam kỳ luôn chiếm phân nửa, bằng số học sinh ở Bắc và Trung kỳ cộng lại, tất cả chừng 200 người. Và các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng xuất xứ của phong trào là từ miền Bắc và miền Trung. Còn Nam kỳ tham gia muộn hơn và sự tham gia của Nam kỳ dường như đã tạo ra một bước phát triển mới cho phong trào này.

Nam kỳ vào đầu thế kỷ 20 trong ý đồ chia để trị của thực dân đã bị tách ra khỏi cơ thể của nước VN. Nó được áp dụng chế độ trực trị là thuộc địa, một phần “lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp”.

Cuộc Đông Du bắt đầu từ Bắc và Trung kỳ lan dần vào phía Nam. Cho đến khi gặp Tiểu La Nguyễn Thành - một yếu nhân của phong trào Duy Tân ở Quảng Nam, Phan Bội Châu đã nhận được một lời tư vấn quí báu: “Sự nghiệp cứu nước cần nhất là nhân tâm... có nhân tâm thì có tiền bạc. Về tiền bạc thì Nam kỳ là một tiềm năng”. Từ Nhật Bản, Phan Bội Châu viết những áng văn thống thiết: “Thương ôi Lục tỉnh Nam kỳ - Ngàn năm cơ nghiệp còn gì hay không? - Mịt mù một dải non sông - Hỡi ai, ai có đau lòng chăng ai”... (Ai cáo Nam kỳ phụ lão thư)...

Tiếng gọi cứu nước vượt qua những giới hạn ngăn cách của thực dân và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng ở Nam kỳ, và phong trào Đông Du nhanh chóng khai thác được nguồn lực to lớn và những phương thức tham gia rất phong phú. Gilbert Trần Chánh Chiếu không chỉ tự thân qua Hong Kong đưa người con của mình đang theo học tại đó sang Nhật giao phó cho phong trào, mà khi trở về ông còn góp một phần gia sản làm tài chính cho phong trào và còn sử dụng những tờ báo mà ông làm chủ bút như Nông Cổ Mín Đàm hay Lục Tỉnh Tân Văn để ngầm cổ vũ Đông Du.

Nguyễn Thần Hiến, một điền chủ ở Hà Tiên lên lập nghiệp ở Cần Thơ, là người chủ trương lập “Khuyến du học hội” và tự thân cùng con em xuất dương tiếp tục hoạt động cho đến khi bị thực dân bắt thì ông tuyệt thực mà chết...; Huỳnh Đình Điển quê ở Gò Công, chủ nhiều bất động sản ở Sài Gòn và Mỹ Tho, ngoài việc lập Nam Trung khách sạn, rồi Minh Tân khách sạn làm kinh tế giúp rập phong trào, còn dùng tài nghệ của một nghệ sĩ đờn ca tài tử phát triển dòng âm nhạc truyền thống này cổ vũ phong trào yêu nước; rồi Nguyễn An Khương và những đồng chí lập Chiêu Nam Lầu làm cơ sở kinh doanh đồng thời tài trợ cho con em Nam kỳ du học...

KeXGSijd.jpgPhóng to NLVIM4mh.jpg Ydip58bp.jpg
Trần Chánh Chiếu

Nguyễn Thần Hiến

Từ trái sang: Trương Duy Toản và Nguyễn Háo Vĩnh

Có thể nói phong trào Đông Du khi vào đến Nam kỳ đã tìm thấy nguồn lực của một xứ sở năng động. Sau này khi viết lại những hoạt động sôi nổi của phong trào Đông Du, Phan Bội Châu luôn nhấn mạnh đến tính cách nghĩa hiệp, trọng nghĩa khinh tài của dân Nam bộ. Phan nhận rằng: “Mỗi lần thống kê tiền bạc ở trong nước gửi ra thấy nhiều nhất là Nam kỳ... Hiện thời lưu học sinh ở Nam kỳ đông hơn nên hậu viện trông vào Nam kỳ là vậy”.

Cũng phải nói thêm rằng dân Nam kỳ hồi đó tính khí ưa phiêu lưu, nhiều nhà có của, đường giao thông lại thuận tiện nên cũng sớm bước ra ngoài với thiên hạ. Gương ông Trương Vĩnh Ký đi tiên phong là vậy. Cho nên trước khi có phong trào Đông Du, nhiều con em Nam kỳ đã được gửi sang Tàu, sang Tây học tập. Nhưng phong trào Đông Du thổi vào một luồng không khí mới gắn việc du học với mục tiêu vì nước.

Ngược lại, sự đóng góp của phong trào ở Nam kỳ mang lại một luồng sinh khí mới. Nếu con em ngoài Bắc tham gia Đông Du phần lớn xuất thân từ thế hệ những gia đình dòng dõi chống Pháp, coi Đông Du trước hết là phương cách để “cầu viện” từ bên ngoài, thì ở Nam kỳ phần lớn lại là con em những nhà khá giả, thậm chí còn vào làng Tây lấy mục tiêu hàng đầu là cầu học. Từ cầu viện đến cầu học là một bước phát triển, nó gắn kết được tư tưởng của cả hai dòng yêu nước đương thời của Phan Bội Châu nặng về bạo động và Phan Châu Trinh nặng về cải cách...

Do vậy mà sau khi bị thực dân Pháp câu kết với đế quốc Nhật quay ra đàn áp dữ dội, trục xuất các chiến sĩ Đông Du ra khỏi xứ sở một thời được hi vọng nhờ cậy ở sự “đồng chủng đồng văn”, thì phong trào xuất dương du học, đặc biệt ở Nam kỳ vẫn không hề chấm dứt. Kể từ đó cuộc Đông Du không chỉ mang ý nghĩa địa lý là hướng về nước Nhật mà còn rộng lớn hơn.

Có thể nói rằng vào đầu thế kỷ 20, dân tộc VN đã tiến hành cuộc hội nhập thứ nhất vào một thế giới ngoài Trung Hoa, trong điều kiện đất nước bị phương Tây đô hộ. Thất bại của cuộc Đông Du qua Nhật Bản đã mở ra cuộc “hậu Đông Du” đặc biệt mạnh mẽ ở miền Nam. Trong khi nhiều chiến sĩ Đông Du ở Trung và Bắc rời Nhật hướng về Trung Hoa mưu bạo loạn và gặp sự bế tắc, thì dòng Đông Du ở miền Nam vẫn tiếp tục hướng tới chân trời rộng mở hơn rất nhiều.

Những Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường... từ Nam kỳ sang đến châu Âu tìm kiếm giá trị của nền dân chủ phương Tây. Và ngay Nguyễn Tất Thành cũng tiếp bước xuất dương nhờ vào sự tài trợ của một trong những cơ sở kinh tế của phong trào Đông Du và Minh Tân của Nam kỳ là Công ty nước mắm Liên Thành (cũng là cơ sở tài chính giúp Trường Dục Thanh, Phan Thiết)... để rồi đi tới những chân trời rộng lớn hơn lớp cha anh..., để rồi trở thành nhà cách mạng hàng đầu thế kỷ 20: Nguyễn ái Quốc.

Mới đây, tại thành phố Cần Thơ, Hội Khoa học lịch sử VN cùng UBND TP tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Phong trào Đông Du ở miền Nam”. Đây là cuộc hội thảo lần thứ tư nhân kỷ niệm 100 năm phong trào này. Các cuộc hội thảo trước đã được tổ chức tại Hà Nội, Nghệ An và Huế. Với cuộc hội thảo ở Cần Thơ, lần đầu tiên các nhà sử học bàn về chủ đề tập trung vào vùng đất Lục tỉnh xưa.

DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên