Phóng to |
Kỳ thi vừa kết thúc, chỉ 2/7 môn thi kiểu “phổ thông”: thuộc bài (cô bạn tôi nổi hứng viết một lèo hai tờ giấy thi xả hết bức xúc về chế độ thi cử đầy bất cập ở bậc ĐH!). Chưa lần nào tôi khá hài lòng như lần này (dù có môn thi không được tốt lắm).
Hầu hết những môn chuyên ngành đều thuộc dạng “đề mở”. Thậm chí ngay như môn nhập môn truyền thông đại chúng, thầy tuyên bố “đề đóng” nhưng thật sự “mở” 100%. Khi giám thị đọc đề, nhiều bạn lớp tôi té ngửa vì cái kiểu đặt câu hỏi “trời ơi” thế này:
Câu 1: Anh (chị) hiểu như thế nào về hiện tượng “nhiễu” thông tin? Hãy chứng minh.
Câu 2: Hãy lấy một sự kiện truyền thông và phân tích để thấy rõ những đặc trưng của nó.
Cả hai câu hỏi đều tạo cơ hội cho SV tha hồ “bay nhảy tung tăng”.
Câu số 1 không thuộc phần trọng tâm, chỉ là phần giảng ngoài lề, đòi hỏi SV phải nắm và hiểu được vấn đề. Câu số 2 yêu cầu chứng minh từ thực tế để qua đó kiểm tra lý thuyết. Tôi cho rằng đây là đề thi hay, đúng chất báo chí. Lâu lắm rồi, tới kỳ thi thứ ba ở ĐH, tôi mới gặp kiểu thi thật sự là thi như thế.
Nếu thi theo kiểu gạo bài chỉ phân biệt được ai nhớ tốt hơn ai, ai có khả năng học thuộc lòng hơn. Và chỉ dừng lại ở đó. Người ta không thấy được ai có khả năng sáng tạo hơn; ai có trình độ nhìn nhận, đánh giá và trình bày quan điểm cá nhân hơn...
Chúng tôi không muốn trở thành những con mọt sách, những tiến sĩ (cử nhân) giấy có “hình” mà không có “hồn”.
Cải cách giáo dục, đừng kêu gọi ở đâu xa mà ngay từ những khâu nhỏ như đề thi. Chúng tôi rất cần, rất muốn và khát khao được nói bằng chính tiếng nói của mình
LTS: Bạn có cùng "khát khao được nói bằng chính tiếng nói của mình" qua những đề thi mở như tác giả My Lăng? Những "đề thi đóng" phải chăng đã đồng thời "đóng' cánh cửa tư duy và tâm hồn rộng mở của chúng ta? Liệu những đề thi mở sẽ có vai trò gì trong sự tiến bước của cả một thế hệ SVHS Việt nam?...
Hãy gửi những ý kiến, tâm tư của các bạn về Tuổi Trẻ Online (hoặc qua email tto@tuoitre.com.vn )
Ý kiến bạn đọc
Cứ mỗi mùa thi lại đến, việc ra đề thi mở hay đóng luôn trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của rất nhiều SV. Có SV thích đề mở để khỏi phải học bài, có SV lại thích đề đóng để đạt điểm cao hơn. Tựu trung của tình trạng này là SV hiện nay đang ưa thích đề mở nhiều hơn bởi vì với dạng đề này SV có thể trình bày những hiểu biết và suy nghĩ của mình về một vấn đề nào đó. Nhưng đôi khi việc thi đề mở đã làm một bộ phận SV lười học bài và không chịu đến lớp nghe giảng. Vì thế để giải quyết vấn đề trên, các giảng viên đã kết hợp đề thi vừa mở vừa đóng.
Nhưng theo tôi, việc ra đề thi mở hay đóng không quan trọng lắm bởi vì quá trình học tập của SV ở môn học đó thì mới quan trọng hơn nhiều. Cho nên các trường đại học và cao hơn là Bộ GD-ĐT cần thay đổi cách đánh giá năng lực của SV. Chúng ta không nên quan trọng hoá vào các kỳ thi cuối khoá mà thay vào đó là việc đánh giá thông qua một quá trình nỗ lực của SV.
Đề “mở” là một trong những biện pháp hạn chế tiêu cực
Không phải chỉ sinh viên mà bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào, khi bước chân vào môi trường học tập đều mong muốn được tiếp thu nhiều kiến thức, được quyền thể hiện quan điểm, ý kiến của mình, được thi cử công bằng, chứ không muốn mình làm cái máy photocopy vô hồn, vô cảm, cuối cùng là vô kiến thức.
Tôi vừa hoàn thành một năm trời miệt mài học tập trong một ngôi trường chính quy thuộc hàng “tầm cỡ quốc gia” và tôi “ngộ” ra một điều: “Không ít Tiến sĩ, Thạc sĩ là những người biết diễn đạt những điều đơn giản trở thành khó hiểu hoặc làm cho không ai hiểu nổi(!)”. Khi đã hiểu được rồi thì người nghe (đọc) mới “bật ngửa” ra: “Ô, sao đơn giản thế!”; và học viên lại tiếp tục “không hiểu” là tại sao người ta không dùng từ ngữ đơn giản nói thẳng vào vấn đề cho dễ hiểu, đỡ mất thời giờ, mà cứ diễn đạt vòng vo, rối rắm, tối nghĩa để làm gì?.
Nội dung ôn thi tốt nghiệp là trường đã cho trước 18 câu hỏi ôn với 18 môn học khác nhau, nội dung hỏi thì bao quát toàn bộ phần lý thuyết môn học đó (với cách diễn đạt “cao siêu” “kiểu Tiến sĩ, Thạc sĩ” đã nói ở trên, học viên tài thánh cũng chẳng thuộc nổi) và thêm phần minh họa thực tế. Môn thi không được biết trước, đến giờ thi đại diện lớp bốc thăm trúng hai câu hỏi nào thì thi hai câu hỏi đó.
Học viên phải soạn trước đáp án 18 câu hỏi, còn chuyện tự soạn hay thuê người khác soạn là “chuyện ai người ấy biết”. Vốn quen soạn thảo văn bản trên máy vi tính, tôi tự mình soạn bài trên máy mà không cần viết trước trên giấy, nhanh nhất mỗi câu hỏi trả lời đúng nội dung yêu cầu cũng mất một ngày (tức 8 giờ). Vậy mà những anh bạn cùng học còn bảo rằng tôi soạn khá nhanh, chớ các anh ấy còn làm chậm hơn.
Soạn xong, tôi viết thử ra giấy, thấy dài quá, bèn nghiên cứu rút ngắn cho cô đọng lại. Xong viết thử vẫn thấy dài quá, không thể viết kịp trong 210 phút thi nên tôi rút ngắn thêm một lần nữa. Nghĩa là bài soạn của tôi từ ban đầu giống như một con gà sống với bộ lông óng ả, sặc sỡ, oai vệ, đang cất tiếng gáy vang… sau nhiều lần “gọt giũa” đã trở thành một con gà chết bị vặt trụi hết lông, cẳng, cánh, đầu, cổ… không phân biệt được trống, mái gì nữa.
Vào phòng thi mới thấy đề thi y chang câu hỏi ôn thi không sai một chữ, nghĩa là để viết đủ nội dung theo yêu cầu câu hỏi bạn phải ngồi viết xuyên suốt liên tục không nghỉ ít nhất 1 ngày. Kiểu này người chấm bài muốn “bắt chặt bắt lỏng” chấm điểm lên xuống thế nào mà chẳng được, muốn cho là bài làm của bạn thiếu ý thì rõ ràng rành rành là thiếu ý, muốn cho đủ ý thì trong bài yêu cầu có vài chữ nói đến ý đó cũng là đủ ý thôi. '
Chép đề xong, mạnh ai nấy lôi “phao” ra cắm đầu cắm cổ chép liên tục ra giấy thi, tôi đã quen viết nên viết lẹ chớ người khác còn tệ hơn, vậy mà tôi cũng phải cũng phải bỏ bớt một số ý phụ, không giải thích, lý luận gì hết mà cũng mất hơn 2 giờ đồng hồ mới tạm ổn phần lý thuyết, thời gian còn lại viết phần minh họa thực tiễn, chữ tôi nhỏ nên tôi viết đầy 2 đôi rưỡi giấy thi (tức 10 mặt giấy, giấy thi lớn bằng tờ giấy A3 xếp đôi). Tôi viết đến sém bị “què” ngón tay, đến mấy ngày sau vẫn còn đau ngón tay giữa chổ tì cây viết.
Cái mà tôi nghiệm ra được trong kỳ thi này là nhà trường cố tình “làm khó” học viên, để làm gì thì “không nói ra nhưng ai cũng biết”. Hồi tôi học Đại học thời bao cấp, tuy vẫn thi đề đóng nhưng năm thứ 3 là đã phân ngành xong, sinh viên biết trước sẽ thi tốt nghiệp 4 môn nào nên từ năm thứ 3 đã bắt đầu đầu tư học kỹ những môn đó. Đề thi bao giờ cũng gồm 2 phần: lý thuyết và bài tập (tức vận dụng lý thuyết để giải quyết một tình huống cụ thể).
Người ta ra đề theo kiểu tính toán sao cho sinh viên học lực trung bình là đủ khả năng làm bài tốt nghiệp, thời gian thi 180 phút thì có 30 phút cho thí sinh chuẩn bị, suy nghĩ về đề bài, lập dàn bài rồi mới viết vào giấy thi. Ai học giỏi, thuộc bài thì chỉ cần 120 phút là làm xong bài. Ai viết nhiều nhất cũng chỉ hết 2 tờ giấy thi (8 mặt, giấy thi lớn bằng tờ giấy A3 xếp đôi), bình thường chỉ viết hết 1 tờ rưỡi (6 mặt). Hồi đó tôi viết có 6 mặt giấy thi cũng được 8 điểm.
Còn bây giờ trường này không cho biết trước sẽ thi 2 môn nào trong 18 môn học đó, cái kiểu ra đề thi như vậy là “cấm suy nghĩ” khi làm bài thi, cho dù học viên có thuộc bài làu làu tất cả 18 môn học thì cũng phải có thời gian đọc đề, nhớ lại kiến thức, suy nghĩ xem đề yêu cầu cái gì, trình bày ra sao rồi mới viết. Đằng này bài soạn sẵn, chép đề xong là lấy tài liệu ra cắm đầu chép liên tục, không có thời gian để ho, để nghỉ cho bớt đau tay…
Như vậy dù bạn có thuộc hết bài cũng không thể làm bài kịp nếu bạn thi cử một cách nghiêm túc, đàng hoàng. Cho nên, chuyện “chạy” Hội đồng, “chạy” giám thị, “chạy” chỗ ngồi (bố trí cho ngồi chỗ kín đáo bên trong, tránh xa hành lang, giở “phao” ra chép thoải mái), “chạy” điểm….diễn ra như “chuyện thường ngày ở… trường” vậy.
Nhiều người vào phòng thi viết được rất ít vì viết chậm, nhưng vẫn xin thêm nhiều giấy thi, không viết mà bỏ túi mang về, trong giấy thi đã có chữ ký của giám thị đầy đủ, về nhà chỉ việc viết bổ sung rồi “câu móc” đánh tráo bài thi (tờ thứ 3) là xong. Cuối cùng, ai cũng tốt nghiệp vui vẻ, thậm chí nhiều người loại giỏi hẳn hoi nhưng trong đầu thì không có chút kiến thức nào.
Dân gian có câu “Ba ông thợ giày bằng một ông Khổng Tử”, qua bài viết phân tích, đánh giá một sự kiện thực tế, đề xuất biện pháp giải quyết, người ta có thể biết được quan điểm, lập trường, kiến thức, trình độ lý luận của tác giả bài viết, và từ đó còn có thể có nhiều sáng kiến hay để áp dụng trong thực tế nữa; cần gì phải thuộc làu làu hàng đống sách vở.
Nếu chỉ cần thuộc không sai một chữ, con người chúng ta không thể bằng cái máy photocopy hay máy ghi âm, và không cần phải học hành chi cho mệt, cứ photo, ghi âm lại, cần thì nhấn nút “xả” ra là xong. Những chuyện tiêu cực trong học hành, thi cử kia là kết quả (hay hậu quả) của kiểu ra đề thi “đóng”, coi trọng lý luận một cách máy móc mà vô tình (hay cố ý) quên rằng “Tất cả lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi” (Gớt).
Đề thi “mở” không những làm cho người học có hứng thú, sáng tạo trong học tập, mà còn góp phần giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực tràn lan trong thi cử hiện nay, tạo sự công bằng và là môi trường nuôi dưỡng, phát hiện nhân tài. Chương trình đổi mới, cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục - Đào tạo trước tiên nên bắt đầu bằng việc loại bỏ cách ra đề thi khô khan, máy móc và thay thế bằng việc “mở hóa” tất cả các loại đề thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận