10/01/2006 17:00 GMT+7

Đào tạo tiến sĩ: Những chuyện chỉ có ở Việt Nam

Theo Thể thao & Văn hóa
Theo Thể thao & Văn hóa

Sau cuộc họp tổng kết về đào tạo sau ĐH của Bộ GD-ĐT vừa qua, dư luận lại râm ran về các thạc sĩ, tiến sĩ "giấy", thậm chí chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận có gần 2.500 tiến sĩ có trình độ yếu.

kzodvce4.jpgPhóng to
GS Lê Quang Minh

Bằng cấp với nhiều người chỉ để làm đẹp hồ sơ, tạo cơ hội cho sự thăng tiến. Có 1.001 lý do để ra đời những thế hệ "tiến sĩ giấy", trước hết hãy dạo qua các cơ sở đào tạo sau ĐH.

Đi học cho vui

Một nghiên cứu sinh cho biết: "Việc cơ quan nhàn rỗi, quan hệ vợ chồng trục trặc, không có gì hay ho nên đi học tiến sĩ cho vui!". Không phải là chuyện tiếu lâm Việt Nam, mà là chuyện thật 100%.

Một vị GS của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể về một "nghiên cứu sinh": Trang phục như đi dạ hội, lúc nào cô ấy cũng đến muộn buổi giảng bài của tôi. Một hôm do không sắp xếp buổi học sớm hơn được nên tôi yêu cầu học viên học môn của tôi muộn hơn dự kiến 1 giờ đồng hồ. Cô ấy bảo: "Giờ ấy thì em không đến được".

Bữa khác cô ấy chuyển cho tôi thư tay của một vị có chức sắc, nội dung thư đề nghị tôi viết giúp cô ấy mấy bài "nghiên cứu khoa học" in trên tạp chí chuyên ngành để "lấy điểm". Dĩ nhiên tôi từ chối, nhưng có phải có mỗi mình tôi để cô ấy nhờ đâu và cô ấy cũng không phải trường hợp cá biệt".

Một vị có chân trong hội đồng tuyển nghiên cứu sinh đang làm việc tại một Viện nghiên cứu của ngành giáo dục cho biết: Có cô thi ngoại ngữ để tuyển đầu vào nghiên cứu sinh, chưa đủ trình độ nhưng muốn "đốt cháy giai đoạn" nên cứ liều đi thi cùng với "phao". Quay cóp, bị lập biên bản, cứ tưởng thế là "trượt vỏ chuối", thế mà bẵng đi một thời gian, cô ấy đã là tiến sĩ.

Học sinh phổ thông quay cóp đã đành, tiến sĩ cũng quay cóp. Đi thi đầu vào còn quay cóp, thế nên chuyện xào luận văn người khác, ăn cắp chất xám của người khác cũng không phải là chuyện hiếm. Vì không phải hiếm nên nhiều người làm mà không xấu hổ.

Có những cơ quan, trường học, trong bản tổng kết cuối năm nào cũng không quên thống kê số lượng tiến sĩ, thạc sĩ, như một tiêu chí quan trọng để "tính điểm thi đua". Và để có "điểm", buổi họp nào thủ trưởng cơ quan cũng kêu như vạc đề nghị nhân viên đi học. Người làm công việc giảng dạy, nghiên cứu đi làm nghiên cứu sinh đã đành, người làm công việc hành chính, công việc mang tính ứng dụng thực tiễn cũng thành tiến sĩ.

Trong cuộc họp tổng kết về đào tạo sau ĐH của Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã thừa nhận: Nhiều cơ sở đào tạo đã chạy theo số lượng, tổ chức tuyển sinh chưa nghiêm, chưa ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong thi cử, các điều kiện dự tuyển được xử lý mang tính đối phó với quy chế. Bởi vậy không ít cơ sở đã cho 100% nghiên cứu sinh dự tuyển đỗ cả, không hề có sự sàng lọc.

Chấm 6 luận án đã có 2 trùng lặp

GS Lê Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Nếu như ở các nước, đánh giá để "chấm" một tiến sĩ, người ta căn cứ vào nhiều thứ... thì theo quy định của Việt Nam, các cơ sở chỉ đánh giá thông qua đề cương nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

Nghiên cứu sinh không cần thiết phải trình bày quá trình nghiên cứu của mình như thế nào. Không trình bày rõ là đã có những luận án nào nghiên cứu cùng vấn đề với mình, nghiên cứu đến đâu. Nghiên cứu sinh đã nghiên cứu, tham khảo, và tiếp tục nghiên cứu những phần mới như thế nào... Như vậy mới rõ ra được "phần nào là của chính nghiên cứu sinh tạo nên".

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính từ năm 1976 đến nay, đã đào tạo được 8.400 tiến sĩ và 39.000 thạc sĩ.

Tại các nước, các đề tài nghiên cứu khoa học cũng được tung công khai lên mạng. Qua đó giúp người nghiên cứu biết để tránh những gì người khác đã làm mà người chấm cũng có căn cứ để xác định đâu là phần sáng tạo của nghiên cứu sinh. Việt Nam không làm được điều này, bởi vậy chuyện trùng đề tài, trùng vấn đề là phổ biến.

GS Minh kể: "Tôi mới trực tiếp chấm 5-6 luận án, thì có đến 2 luận án đề cập đến cùng một vấn đề. Như vậy nếu xét ở số lượng luận án lớn hơn, số trùng nhau sẽ nhiều đến thế nào?!".

Những nghiên cứu không có gì mới, chưa nói đến việc sao chép, là sự vô bổ, lãng phí sức người, tiền bạc, thời gian, để cuối cùng cho ra một chất lượng "tiến sĩ giấy".

Trời ơi sao nhiều "tiến sĩ danh dự" đến vậy?

Cũng GS Minh kể: "Năm trước, tôi có một "sáng kiến" là nhân dịp năm học mới, định lập một danh sách những tiến sĩ xuất sắc để biểu dương, tặng quà. Ở nước ngoài, người ta cũng thường xuyên xét danh hiệu tiến sĩ danh dự cho những người xuất sắc để khích lệ người tài.

Thế nhưng khi yêu cầu đồng sự đưa danh sách lên, tôi giật mình vì thấy có đến 40 người, 40 tiến sĩ xuất sắc. Trời ơi, "tiến sĩ danh dự" sao lại nhiều đến vậy. Trên thực tế, người mà tôi thấy thực sự xuất sắc chỉ có 1. Thế là "sáng kiến" của tôi đổ bể".

Chuyện mà GS Minh vừa kể quả là chỉ có ở Việt Nam. Học sinh tiểu học khi tổng kết năm học có đến 80-90% khá giỏi, học sinh THPT tốt nghiệp 100%, với trên 50% khá giỏi là chuyện nghe đã thành quen, nhưng tiến sĩ xuất sắc của một trường nhiều đến thế thì có thể ghi vào "kỷ lục Việt Nam".

Với các nước khác, khung chấm luận án tiến sĩ từ 6-10, trong đó số người được 7 điểm khá hiếm hoi. Nếu được 8, lập tức phải có một hội đồng thứ hai chấm lại và so sánh hai lần chấm để thống nhất mức điểm phù hợp. Tiến sĩ danh dự theo tiêu chuẩn nước ngoài là phải đạt điểm 9, 10. Ở Việt Nam, luận văn tiến sĩ đạt điểm 9 là bình thường. Thảo nào mới nhiều tiến sĩ danh dự đến thế.

--------------

Tin, bài liên quan:

- Những quy định lạ lùng- Đào tạo sau ĐH: Cấp bằng cao cho người trình độ không cao?- Đào tạo sau ĐH: Chất lượng đáng lo!- Sẽ giao quyền tự chủ đào tạo TS cho các trường ĐH- Thời gian tối đa bảo vệ luận án tiến sĩ là 8 năm- 3.500 chỉ tiêu sau đại học: đích xa?

Theo Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên