05/09/2003 08:27 GMT+7

5 nông dân bắc cầu qua sông Thạch Hãn

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT (Quảng Trị) - Thú thật hơn một năm trước khi nghe đến ý định bắc một chiếc cầu phao qua sông Thạch Hãn của những nông dân xã Triệu Độ, tôi không mấy tin rằng họ có thể làm được. Vậy mà bây giờ chiếc cầu ấy đang hiên ngang xoải mình qua dòng Thạch Hãn. Và đó cũng là chiếc cầu đầu tiên ở Quảng Trị được làm theo phương thức nông dân bỏ vốn.

WbaH8FOc.jpgPhóng to
Toàn cảnh cây cầu bắc qua sông Thạch Hãn
TT (Quảng Trị) - Thú thật hơn một năm trước khi nghe đến ý định bắc một chiếc cầu phao qua sông Thạch Hãn của những nông dân xã Triệu Độ, tôi không mấy tin rằng họ có thể làm được. Vậy mà bây giờ chiếc cầu ấy đang hiên ngang xoải mình qua dòng Thạch Hãn. Và đó cũng là chiếc cầu đầu tiên ở Quảng Trị được làm theo phương thức nông dân bỏ vốn.

Những nông dân chung một... giấc mơ

Họ là năm người cùng quê xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Cao niên nhất là ông Lê Văn Diện (60 tuổi), trẻ nhất là Lê Quý (35 tuổi), các anh Trương Đăng Duệ, Lê Đình Uynh, Phan Khắc Minh đang tuổi tráng niên; trừ anh Minh đang là “cán bộ nhà nước” nhưng cũng là người quê Triệu Độ, bốn người còn lại đều là nông dân “gộc”.

Giấc mơ về một chiếc cầu băng qua đoạn sông này hẳn đã có từ trăm năm nay bởi cả một vùng rộng lớn gồm bảy xã vùng sâu Triệu Phong là Triệu An, Triệu Vân, Triệu Phước, Triệu Độ, Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Thuận... muốn ra Đông Hà, thị xã tỉnh lỵ, phải đi một quãng đường vòng gần 20km, trong khi chỉ cần lên bến Trung Yên đi đò ngang qua Lập Thạch thì đã đặt chân lên phường Đông Lễ của thị xã. Và ai cũng ước mơ một cây cầu, nhưng mơ ước chỉ là mơ ước thôi...

Cho đến ngày mấy ông nông dân này ngồi coi tivi thấy có vài nơi người ta làm cầu “tự cứu trước khi Nhà nước cứu”, cũng bán vé, thu hồi được vốn, vậy là... quyết! Ngay sau khi ý tưởng này được đề xuất, ông Vũ Trọng Kim - khi ấy vừa về nhậm chức bí thư tỉnh ủy - đã về ngay Triệu Độ để tìm hiểu ý định này và động viên anh em.

Ông Kim cũng chỉ thị các ngành tạo điều kiện cho ý tưởng này sớm triển khai trên cơ sở nghiên cứu kỹ về thủy văn, các yêu cầu kỹ thuật và tuyệt đối an toàn. Vì Thạch Hãn là con sông nằm trong hệ thống quản lý cấp quốc gia nên thủ tục ban đầu cũng qua nhiều công đoạn, nhất là quãng sông này lại có nhiều thuyền bè qua lại, là cầu phao nhưng phải đạt độ tĩnh không cần thiết để an toàn cho tàu thuyền. Và chạy ngược chạy xuôi gần hai năm cho đến khi hồ sơ đủ hàng chục con dấu đỏ của các cấp liên quan, đến đầu tháng bảy vừa qua những chiếc phao và giàn thép mới được tập kết về bến sông Trung Yên...

Thật ra quá trình thi công không có gì phức tạp, ngoại trừ phần tĩnh không cho thuyền phía gần bờ bắc. Ban đầu định làm cố định, nhưng sợ khi nước lên phần tĩnh không giữa sàn cầu và mặt nước không đủ cao độ cho tàu bè qua lại. Và cũng vướng phần này nên công trình đã khánh thành chậm lại vài hôm so với dự kiến.

Tuy nhiên mỗi ngày hàng trăm người dân quanh vùng vẫn tụ tập về đây để xem giấc mơ của họ đang nên vóc dáng hình hài. Vui nhất là những đứa trẻ hai bờ cứ chạy nhong nhong trên mặt cầu lát ván tinh khôi cười đùa hồn nhiên. Còn năm người dân đã góp công góp của làm cầu vẫn chưa yên tâm cung cấp thông tin cho nhà báo.

Cứ như cách của nông dân, lúa vô nhà mới tin là thu hoạch xong mùa màng, bao giờ... bán vé qua cầu rồi hãy viết.

Bài toán lợi nhiều đường

Anh Lê Văn Ngưu, chủ tịch xã Triệu Độ, “bật mí” trước với chúng tôi: nếu tính như lượng khách qua đò trên hai chiếc đò ngang tại hai bến Trung Yên và An Dạ qua Đông Hà là 1.000 khách/ngày và lấy như giá đò ngang 500 đồng/người thì chiếc cầu mỗi ngày thu vào chừng 500.000 đồng, nhân với 30 ngày, nhân với 12 tháng thì mỗi năm dự trù thu khoảng 180 triệu, thu năm năm thì hoàn vốn.

Ấy là giấy trắng mực đen ở mức trung bình, chứ đi qua cầu này ra Đông Hà cũng như đi đò ngang, xe máy: 2.000 đồng, xe đạp: 1.000 đồng, đi bộ 500 đồng, xe kéo: 4.000 đồng (taxi cũng qua được cầu này nhưng chuyện ấy tính sau...).

Cùng với chiếc cầu phao này, nhóm làm cầu cũng đã đúc thêm 450m đường bêtông nối từ bến cầu phao lên tận đường thôn, bởi nếu không có đoạn bêtông này, mùa mưa đường lầy chắc dân cũng nản mà không đi. Và chỉ mới khởi động thôi mà dáng vẻ thị tứ đã hình thành bên hai đầu cầu.

Bờ bắc cầu, phía Lập Thạch (phường Đông Lễ) một cái chợ nhỏ đã mọc lên, vài quán nước chưa chi đã phục vụ người dân đến coi cầu phao, không giấu sự phấn khởi đã kêu mấy chai “gọi là mừng trước”.

Thầy Quyền, giáo viên Trường Triệu Độ, nhà ở Đông Hà, ngày hai bận đi xe máy về đây, khiêng xe lên thuyền, khiêng xe xuống thuyền... cả chục năm nay, nay cứ nhìn chiếc cầu tần ngần trong sự mừng vui.

Cả vùng bảy xã nơi đây có hàng vạn niềm vui như thế khi từ nay nông sản, thực phẩm của nông dân một vùng rộng lớn cuối đồng bằng Triệu Phong sẽ ung dung ra chợ tỉnh, các cậu học trò không phải đi hàng chục cây số ra Đông Hà mua sách. Mỗi người vui một cách, có lẽ đấy không phải là niềm vui khi có một công trình mới, mà hơn thế, họ đang đi trên chiếc cầu “tự mình”, chiếc cầu “nông dân bắc”.

Và họ còn tự hào vì đây là chiếc cầu đầu tiên ở Quảng Trị được xây dựng theo kiểu “nông dân bỏ vốn” như thế.

Tôi tìm về bến đò Trung Yên, An Dạ, lâu nay dân trong vùng qua sông trên hai chiếc đò ngang của hai ông Trương Thỉ và ông Lê Sắt. Ông Thỉ, bao nhiêu năm nay quen với chiếc đò ngang, nghe tôi hỏi về chiếc cầu mai mốt thay cho đò ngang vậy ông có buồn, ông cười: “Buồn chi chú ơi, mờng không ngạ (mừng không hết)”.

Tôi rời Triệu Độ khi đầu cầu bên bờ nam bắt đầu sáng đèn. Nhiều người dân vẫn còn kéo ra đi lui đi tới trên cây cầu mới. Gió từ sông Thạch Hãn thổi lên rời rợi. Từ chiếc cầu “đột phá khẩu” này, tôi hiểu rằng câu chuyện của người nông dân quê tôi sẽ bắt đầu với một cách thế khác. Họ tự tin vào mình, tự tin vào những gì mình làm, không quá trông chờ vào những dự án “từ trên rót về”...

Tương lai thế nào cũng sẽ có một cây cầu bêtông vĩnh cửu, nhưng bây giờ hãy mơ thật gần như nông dân, bắt đầu với một chiếc cầu nhỏ để khỏi “qua sông lụy đò”; và cuộc đời họ, cuộc đời những người nông dân đâu chỉ chuyện qua sông, một chuyến lụy đò... Chiếc cầu phao nhỏ này đã bắt đầu một truyền kỳ mới của người nông dân bên dòng Thạch Hãn.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên