27/04/2014 12:53 GMT+7

Blog bác sĩ: Khi thầy thuốc phải kiêm luôn "kế toán"

TS BS TĂNG HÀ NAM ANHTrưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương 
TS BS TĂNG HÀ NAM ANHTrưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương 

TTO - Có thể thấy rằng điều mà người có thu nhập thấp sợ nhất chính là viện phí phải trả khi bị bệnh. Thật bất công khi những tiến bộ của ngành y nhằm đem lại sức khỏe tốt hơn cho con người cũng đem lại sự sợ hãi cho những người thu nhập thấp.

Blog bác sĩ: Bệnh viện có cần giám đốc điều hành giỏi? Blog bác sĩ: Mồ hôi nách, làm sao chữa?

mxuWvMAV.jpgPhóng to
TS BS Tăng Hà Nam Anh phẫu thuật cho bệnh nhân

Thật vậy, không có dịch vụ nào mắc hơn dịch vụ y tế.

Nước càng giàu, dịch vụ y tế càng mắc. Việt Nam được cho là nơi có dịch vụ y tế rẻ nhất thì viện phí vẫn là nỗi ám ảnh của mọi người.

Trong một môi trường bị ô nhiễm về mọi mặt từ nguồn nước, thức ăn, ánh sáng, tiếng ồn, tai nạn… thì việc những người lao động nặng, thu nhập thấp phải nhập viện là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Và ai cũng thấy rõ rằng số tiền tích lũy hằng năm của họ sẽ nhanh chóng ra đi. Hay đôi khi tệ hơn, những người mà cân bằng thu chi bằng 0 hay âm thì việc mất nhà là chuyện hiển nhiên.

Trong tình cảnh như vậy, sự mong ước được “thất nghiệp” của bác sĩ là không khả thi. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới thì bảo hiểm y tế là cứu cánh duy nhất cho mọi người. Bảo hiểm y tế là trung tâm điều phối nguồn kinh phí để san sẻ bớt gánh nặng cho những người bất hạnh.

Loại hình bảo hiểm này không mới trên thế giới nhưng dường như lại quá mới ở Việt Nam. Cái mới đến từ chỗ hàng bao nhiêu năm nay cơ quan bảo hiểm vẫn loay hoay chưa tìm ra được chính sách hợp lý trong việc chi trả viện phí cho bệnh nhân. Chính sách bảo hiểm vẫn như hoạt động dạ dày của con người lúc co bóp lúc giãn ra.

Dẫu biết rằng không thể thỏa mãn nhu cầu của tất cả mọi người, dẫu biết rằng chính sách nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm nhưng sao một chính sách hợp lý cho phần đông người bệnh vẫn chưa thấy xuất hiện.

Đối với người dân, nhất là những người lao động tự do, bảo hiểm y tế dường như là một cái gì đó quá mới, quá xa xỉ để mọi người quan tâm.

Nhiều lần chúng tôi vẫn nhận được câu trả lời từ người nhà bệnh nhân khi hỏi gia đình có mua bảo hiểm không: Mua làm chi bác sĩ ơi, khi nào bệnh hãy mua, còn khỏe mua làm chi cho tốn tiền.

Khi còn trẻ ta ít bị bệnh nhưng ở đời có mấy ai học được chữ ngờ, hơn nữa chúng ta đang sống trong một cộng đồng, chúng ta không bệnh nhưng ở một nơi nào đó có thể bà con họ hàng chúng ta bị bệnh. Khi đó chính nguồn tiền bảo hiểm của ta và những người khác sẽ làm giảm gánh nặng cho bà con của ta.

Bảo hiểm y tế còn mới đối với cả giới y khoa khi mà chúng ta vẫn còn bị hội chứng người chi trả thứ ba chi phối, nghĩa là vì có người khác trả nên cứ việc chi tiêu thoải mái.

Quỹ bảo hiểm không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi, nó hình thành do chính sự đóng góp của mọi người và của chính chúng ta. Tốc độ mất đi của nó tùy thuộc sự tiêu xài của mọi người. Vậy hãy làm sao cho nó mất đi một cách hiệu quả nhất, nghĩa là càng có nhiều người được điều trị càng tốt.

Cũng theo báo cáo này, dân số thành phố không còn trẻ nữa mà bắt đầu bước qua giai đoạn già. Hậu quả là trong một tương lai gần, mỗi người trẻ phải làm bằng hai bằng ba để có thể gánh gánh nặng an sinh xã hội cho người già. Cần phải có một chế độ an sinh xã hội thật tốt nhất là chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nếu không muốn thấy cảnh người già bị chăn dắt như chúng ta đã thấy.

Làm sao để quỹ bảo hiểm y tế có nhiều hơn? Chỉ có một cách là tăng mức đóng. Ở các nước tiên tiến như Pháp, tiền đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả bảo hiểm y tế rất cao, có thể chiếm đến 15% lương người lao động, đồng thời chủ doanh nghiệp phải đóng thêm 44% nữa.

Vấn đề còn lại là chúng ta phải tính mức lương đủ sống vì hiện tại mức lương nhân viên quá thấp, chủ yếu họ vẫn sống bằng bổng lộc nên tiền đóng bảo hiểm rất thấp. Nhà nước thất thu thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm thất thu nguồn tiền cho quỹ, nhân viên vẫn chân ngoài dài hơn chân trong.

Bảo hiểm y tế khi đã có đủ tiền và chi trả tiền viện phí đúng giá thị trường giúp các bệnh viện mạnh dạn đầu tư trang thiết bị và con người. Như vậy bệnh nhân sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Điều này khuyến khích người dân mua bảo hiểm y tế cho chính mình. Bảo hiểm sẽ đạt được mục đích là quỹ tương trợ của mọi người.

Hi vọng rằng toàn ngành y tế và bảo hiểm xã hội có thể tìm được một kế sách giúp nhiều người, nhất là những người nghèo, có thể được chăm sóc y tế đầy đủ. Có như vậy, bệnh tật sẽ không là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, và các thầy thuốc có thể tập trung suy nghĩ điều trị cho bệnh nhân thay vì phải kiêm luôn nghề tài chính - kế toán giúp bệnh nhân.

TS BS TĂNG HÀ NAM ANHTrưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên