04/04/2014 08:38 GMT+7

Trẻ tử vong sau tiêm văcxin: Bao giờ mới hết "huề"?

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tính từ tháng 10-2013 đến nay, đã có bốn trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem. Nếu tính cả năm 2013 (trong đó có năm tháng tạm ngừng sử dụng văcxin này), đã có 12 trẻ tử vong sau tiêm Quinvaxem, đó là chưa kể ba trẻ tử vong sau khi tiêm nhầm thuốc tại Hướng Hóa, Quảng Trị.

Thêm 1 trẻ em tử vong sau chích văcxin QuinvaxemRà soát kỹ, trẻ chống chỉ định tiêm Quinvaxem tăngĐà Lạt: Dân “né” văcxin Quinvaxem

eu1UUjcK.jpg
Gia đình bé trai T.L.N. (Đà Lạt, Lâm Đồng) bên di ảnh bé T.L.N. tử vong sau tiêm Quinvaxem vào ngày 15-1 - Ảnh: Mai Vinh

Tuy nhiên, ngoại trừ vụ ở Hướng Hóa phần nào tìm ra manh mối (tiêm nhầm thuốc gây mê cho trẻ), các vụ tai biến còn lại đều có chung kết luận: do bệnh trùng lặp sẵn có của trẻ, do sốc phản vệ không rõ nguyên nhân và không liên quan tới văcxin, quy trình tiêm chủng.

Trẻ khỏe mạnh vẫn tử vong sau tiêm

"Bộ Y tế vừa nhập khẩu văcxin vừa tổ chức tiêm chủng, vừa điều tra tai biến sau tiêm, dù có là cơ chế hội đồng nhưng thật ra chỉ là bàn tay khác của cùng một người"

Ông NGUYỄN ĐÌNH BẢNG (nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế)

Cách đây hơn 10 ngày, gia đình anh Vũ Văn Hiệp ở Lục Nam, Bắc Giang vừa đưa tiễn con gái Vũ Đình Tường Vy, gần 6 tháng tuổi về với đất mẹ, chỉ nửa ngày sau tiêm văcxin Quinvaxem (Tuổi Trẻ 21-3 đưa tin).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, người bố trẻ nghẹn ngào cho biết bé Vy sinh non hơn một tháng, nhưng từ khi được xuất viện về nhà đến lúc bé được tiêm chủng văcxin Quinvaxem, bé hầu như không bị bệnh gì đáng kể. Vậy mà bé đã tử vong với kết luận ban đầu nghi là... tim bẩm sinh.

Gọi đến Tuổi Trẻ, anh Cước, bác của bé, bức xúc: “Nói cháu mất do bệnh tim, gia đình muốn khiếu nại thì phải khai quật mộ cháu lên để mổ tử thi khám nghiệm, nếu không đồng ý thì phải viết cam kết không khiếu nại. Gia đình chúng tôi cùng bàn thống nhất thôi cháu đã mất rồi thì để cháu mồ yên mả đẹp”.

Trường hợp như bé Vy chỉ là một trong số hàng chục trẻ tử vong trong thời gian qua sau tiêm văcxin. Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho rằng hầu hết các ca tử vong sau tiêm đều được kết luận là do bệnh trùng lặp, bệnh sẵn có của trẻ, sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân, hoặc có trường hợp được kết luận là do “phản ứng quá mẫn với văcxin”, dù trước tiêm tất cả các cháu đều mạnh khỏe, không có biểu hiện bệnh tật.

“Có một số trường hợp không tìm được nguyên nhân, nhưng chưa có trường hợp nào liên quan đến chất lượng văcxin hay quy trình tiêm chủng” - ông Phu cho biết. Và với những kết luận như vậy, chỉ có đứa trẻ thiệt mạng và gia đình, người thân của đứa trẻ đó chịu thiệt thòi, chịu đau xót, còn lại là “huề”.

Chỉ mời công an khi có dấu hiệu vi phạm

Một giảng viên của bộ môn sản ĐH Y Hải Phòng nêu ý kiến rằng sau mỗi tai biến, trước hết ngành y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm điều tra đầu tiên, xem văcxin liên quan như thế nào, dịch vụ tiêm chủng có liên quan gì đến ca tai biến... Trong tình huống có dấu hiệu bất thường như nghi tiêm nhầm, tiêm văcxin hết hạn... và gây hậu quả thì nên mời hội đồng độc lập tham gia điều tra.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, khi được hỏi về việc có nên mời cơ quan thứ ba, cơ quan độc lập để điều tra nguyên nhân các vụ tai biến sau tiêm văcxin.

Có thể xem vụ việc ba trẻ tử vong sau tiêm văcxin được cho là văcxin ngừa viêm gan B tại Quảng Trị tháng 7-2013 là khởi đầu.

Ban đầu vụ việc này cũng được tạm kết luận là sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân, nhưng nhờ sự tham gia của cơ quan công an, vụ việc đang dần sáng tỏ.

“Theo tôi thì chỉ nên mời cơ quan công an vào cuộc khi vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự. Còn lại thì xử lý theo quy chế chuyên môn của ngành y tế, có hội đồng độc lập điều tra nguyên nhân. Nước mình đang quy định như vậy và những nước khác trên thế giới cũng quy định như vậy” - ông Quang nói.

Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu khẳng định các hội đồng chuyên môn phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không thể nói họ chịu áp lực của cơ quan quản lý nhà nước mà “phán bừa” về các trường hợp tử vong!

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi gần đây với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Bảng - nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế - đề xuất rất nên thành lập một hội đồng độc lập gồm các nhà chuyên môn có uy tín, có năng lực để điều tra tai biến sau tiêm văcxin, hội đồng này nên đặt bên ngoài Bộ Y tế để tránh tình trạng Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hiện Cục Quản lý dược chịu trách nhiệm cấp phép lưu hành và quyết định ngừng sử dụng văcxin, Cục Y tế dự phòng quản lý nhà nước về tiêm chủng, tổ chức điều tra nguyên nhân tai biến sau tiêm, tuy là hai cục khác nhau nhưng cùng thuộc Bộ Y tế. Các cơ quan kiểm định, tổ chức tiêm chủng cũng đều thuộc bộ này. Nếu có tai biến, thật khó có kết luận minh bạch bởi thật ra là “chân nọ đá chân kia”.

Trong hơn 1.300 điểm tiêm chủng được khảo sát trên toàn quốc, Bộ Y tế cho biết có đến 98,3% là đạt yêu cầu, thế nhưng các tai biến sau tiêm vẫn xảy ra. Vì vậy đã đến lúc cần một quy trình điều tra độc lập, khách quan, có sự tham gia của bên thứ ba xem xét trong mỗi trường hợp tai biến sau tiêm chủng, giờ đã trở thành nỗi sợ của các bậc cha mẹ.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên