Mỗi ngày cấp cứu 4-5 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Phóng to |
Bác sĩ Bệnh viện 121 (Cần Thơ) thăm khám bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn - Ảnh: T.Lũy |
Tại khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, Nguyễn Thông (15 tuổi, xã Hòa Thạnh, Tam Bình, Vĩnh Long) kể: “Tối hôm đó hai anh em cùng bị con rắn nằm ở ngạch cửa cắn vào chân, tụi em chỉ đi ngang thôi chứ chưa đạp trúng, nó đã ngóc đầu lên mổ vào mắt cá chân”.
Rắn bò vào nhà Chị Kim Chi, nhà ở khu dân cư Nam Long (P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, Cần Thơ), kể tháng nay đã ba lần thấy rắn lục đuôi đỏ bò vào nhà. Không dám đến gần vì nghe nói là rắn độc, chị lấy thuốc xịt cho rắn bỏ đi. Anh Trung Dân (ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cũng cho biết: “Gần đây nhà tôi và mấy nhà hàng xóm liên tiếp đập được rắn lục đuôi đỏ, nó bò lên hàng rào và cây kiểng quanh nhà”. |
Còn tại Bệnh viện 121 (Quân khu 9) ở Cần Thơ, một địa chỉ thường tiếp nhận điều trị rắn cắn, bác sĩ Hoàng Xuân Thục - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân y 121 - khẳng định: “Mấy năm trước, chúng tôi thường gặp rắn hổ và các loại rắn khác. Nhưng từ khoảng năm 2012 đến nay rắn lục đuôi đỏ chiếm phần lớn. Vì vậy trong đề tài nghiên cứu điều trị rắn cắn mới đây, chúng tôi có riêng đề tài nghiên cứu về điều trị cho bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong 100 ca rắn lục cắn được nghiên cứu năm 2013 tại bệnh viện, có 63 trường hợp là do rắn lục đuôi đỏ”.
Dược sĩ Nguyễn Danh Sinh, nguyên giám đốc Trung tâm Nuôi trồng và chế biến dược liệu Quân khu 9 (trại rắn Đồng Tâm), khẳng định loại rắn lục xanh đầu vồ (đuôi đỏ) sinh sôi nảy nở chủ yếu trong tự nhiên, việc nuôi nhốt chỉ phục vụ nghiên cứu. Đây là loại rắn thường sống trên cây, trong bụi rậm xung quanh nhà. Loại rắn lục xanh miền Nam (rắn lục đầu vồ, đuôi đỏ) là loại đẻ con (chứ không đẻ trứng), thường tìm mồi vào ban đêm...
Dược sĩ Sinh cho biết thêm việc trong dân gian nói về tác dụng giảm đau của thuốc chế từ rắn lục đuôi đỏ (đối với bệnh nhân ung thư) đã có từ lâu, nhiều người uống thấy hiệu quả nên trại rắn cũng mua rắn lục này về đốt làm thuốc. Tuy nhiên chủ yếu là rắn bắt trong tự nhiên.
Về nguyên nhân xuất hiện nhiều loại rắn này gần đây, nhiều người dân cho rằng “do rắn này người ta không bắt ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó không có tác dụng nên thả ra, từ đó sinh sôi nảy nở nhiều”.
Theo bà Trần Thị Hà - giám đốc Trung tâm Nuôi trồng và chế biến dược liệu Quân khu 9, mỗi năm trung tâm tiếp nhận cấp cứu điều trị 500-600 ca rắn cắn, gần đây người bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhiều hơn loại khác. Bà Hà cho rằng có thể do các loại rắn hổ thường bị săn bắt nên khan hiếm, còn loài này chủ yếu sống trong tự nhiên và ít người bắt nên nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận