Phóng to |
Trẻ cần được giữ ấm và theo dõi sức khỏe kỹ vào những ngày trời lạnh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi ngày tiếp nhận 1.500-2.000 lượt bệnh nhi. Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận 120-130 bệnh nhi/ngày, phần lớn bị bệnh hô hấp trên, tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhi bị biến chứng dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng phải cấp cứu. Đáng chú ý trong số bệnh nhi này có nhiều trẻ ở độ tuổi rất nhỏ (dưới 1 tuổi).
Bệnh hô hấp ở trẻ sơ sinh
Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho trẻ sơ sinh mới năm ngày tuổi bị viêm phổi nặng. Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng thở nhanh, lõm ngực, bú ít... Một trường hợp khác là bệnh nhi 25 ngày tuổi ở Hà Nội vừa bị tiêu chảy do dị ứng sữa mẹ vừa bị viêm phổi do nhiễm lạnh.
Cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ Khi phát hiện ai đó bị đột quỵ, ngay lập tức đặt họ ở tư thế nằm nghỉ ngơi. Tuyệt đối không được cho bệnh nhân ăn uống hoặc uống các loại thuốc hạ áp, kể cả khi đo được chỉ số huyết áp cao ở bệnh nhân. Sau đó gọi cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa gần nhất càng sớm càng tốt, tỉ lệ được cứu sống hoàn toàn là trong thời gian vàng (khoảng ba giờ kể từ khi bị đột quỵ). TS Nguyễn Văn Hướng (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) |
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những bệnh nhi có biến chứng nặng thường gặp ở lứa tuổi nhỏ, khoảng dưới 6 tháng hoặc dưới 1 tuổi. Đáng nói bệnh viêm phổi ở nhóm trẻ này diễn ra rất nhanh chóng, trong khi các dấu hiệu nhận biết lại rất dễ bị bỏ qua hoặc rất khó nhận biết. “Có nhiều trẻ chỉ mới hâm hấp sốt, không ho nhưng khi đi khám đã bị viêm phổi rất nặng, hay có trẻ ở thời điểm khám bệnh không có biểu hiện viêm phổi, tuy nhiên chỉ sau đó vài giờ đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh. Do vậy nếu chỉ nhìn vào các biểu hiện thông thường hay nghe tim phổi rất khó để chẩn đoán trẻ sơ sinh bị viêm phổi mà phải cần đến việc thăm khám, xét nghiệm sâu hơn” - bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, cha mẹ cần theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ. Đặc biệt nếu trẻ có các triệu chứng như bỏ bú, ngủ li bì bất thường... cần quan sát thêm nhịp thở, lồng ngực. Trong trường hợp trẻ thở gấp, lõm ngực cần đưa đến ngay các chuyên khoa nhi. Trẻ mới xuất hiện các triệu chứng của bệnh hô hấp ban đầu như hắt hơi, sổ mũi... phụ huynh có thể áp dụng các bài thuốc dân gian như chanh đào đường phèn, mật ong để trị ho, rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý hay muối biển... Ông Dũng cho biết thêm nếu trời lạnh kéo dài và nhiệt độ không xuống quá thấp có thể khiến trẻ bị tiêu chảy do virút.
Nhiều biến chứng ở người già
Thống kê tại khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai cho thấy số bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đang điều trị chiếm 25-30% tổng số bệnh nhân. Theo TS.BS Chu Thị Hạnh, phó trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày lạnh nhiệt độ xuống thấp, tỉ lệ bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện cao hơn bình thường. Lý do là thời tiết lạnh gây tác động không tốt tới đường hô hấp, đặc biệt gây ra những đợt cấp đối với bệnh nhân có nền tảng bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
TS Nguyễn Văn Hướng, khoa thần kinh Bệnh viện Lão khoa T.Ư, cũng khuyến cáo thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt từ nóng sang lạnh khiến nhiều bệnh mãn tính ở người lớn tuổi khởi phát nhiều hơn so với ngày thường như cao huyết áp, động mạch vành, phổi, phế quản, tắc nghẽn mãn tính, bệnh xương khớp... Trong đó một biến chứng nguy hiểm nhất là đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Theo bác sĩ Hướng, người lớn tuổi có tiền sử bệnh cao huyết áp, tim mạch, ngoài việc tuân thủ điều trị cần chú ý đến vấn đề giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. “Người lớn tuổi tuyệt đối không được mở cửa, đứng trực diện ở hướng gió mỗi khi thức dậy hoặc từ nhà ra đường mà phải nghiêng người, hé cửa cho không khí bên ngoài vào dần dần để cơ thể kịp thích nghi” - bác sĩ Hướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận