03/12/2013 09:00 GMT+7

Nên có hội đồng quốc gia về an toàn bệnh nhân

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Ông Phạm Đức Mục, nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đề xuất như vậy nhằm minh bạch hóa vấn đề tai biến y khoa.

cqxhg7ul.jpgPhóng to
Theo Bộ Y tế, tỉ lệ đạt chuẩn mũi tiêm an toàn còn thấp - Ảnh minh họa: Mai Vinh

Câu chuyện tai biến y khoa thường khiến dư luận bức xúc khi có nơi cắt ruột thừa nhầm ruột già, sản phụ và trẻ sơ sinh cùng tử vong tại bệnh viện...

4oJOdHnK.jpg

Ông Phạm Đức Mục - Ảnh: Thúy Anh

Ông Mục nói với Tuổi Trẻ:

- Ở các nước như Mỹ, Anh, Úc đã có hội đồng quốc gia về an toàn bệnh nhân. Ở khu vực châu Á, Malaysia đã có hội đồng như vậy. Họ đã coi an toàn bệnh nhân là vấn đề y tế công cộng, chứ không phải mỗi tai biến y khoa lại đi điều chỉnh trách nhiệm cá nhân.

Do đó họ minh bạch số lượng tai biến y khoa của từng bệnh viện, năm nay có bao nhiêu bệnh nhân bị quên gạc, bị mổ nhầm, bị tương tác thuốc... ở bệnh viện này. Nếu năm sau phấn đấu giảm được số lượng bệnh nhân tai biến coi như công việc điều trị đã có chất lượng cao hơn. Theo thống kê quốc tế, có 30% tai biến y khoa có trách nhiệm trực tiếp của người làm dịch vụ.

* Liên tiếp thời gian qua người dân bức xúc về tai biến tại bệnh viện. Có cả trường hợp người nhà mang quan tài người thân đến bệnh viện. Theo ông, đây có phải là những tai biến y khoa?

- Những gì báo chí lên tiếng mới là phần nổi của tảng băng, chúng ta chưa biết kích thước của nó do chưa có nghiên cứu. Nhưng thế giới đã nghiên cứu một thập kỷ nay thì chúng ta nên theo thế giới.

Nhiễm khuẩn bệnh viện ở Mỹ là 5%, tức hằng năm có 1,7 triệu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện, làm tăng chi phí điều trị và tăng ngày điều trị của bệnh nhân lên bình quân thêm 17,5 ngày/bệnh nhân, và điều trị nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm đến 9,6% chi phí điều trị ở Mỹ. Ở ta chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng khả năng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng có thể bằng nước ngoài.

* Trong tình hình ở VN hiện nay, theo ông, nếu có hội đồng quốc gia về an toàn bệnh nhân thì sẽ làm được gì để giảm những tai biến y khoa?

- Nếu có hội đồng này, ngành y tế có thể công bố một năm có bao nhiêu sự cố y khoa. Đồng thời giúp ngành y tế có quy trình xử lý khi có sự cố y khoa, xây dựng danh mục sự cố y khoa mà bệnh viện bắt buộc phải báo cáo với Bộ Y tế, chứ không phải khi báo chí đăng lên rồi mới báo cáo. Các bệnh viện, sở y tế cũng phải báo cáo năm rồi có bao nhiêu sự cố y khoa, ở đâu có quên gạc, có tương tác thuốc...

Từ đó minh bạch thông tin với người bệnh, nếu họ vào viện và bị nhiễm khuẩn bệnh viện, bác sĩ cũng giải thích để người bệnh hiểu đó là sự cố y khoa.

* Theo dõi bệnh viện ông thấy sự cố nào được xem là mất an toàn hay gặp ở bệnh viện?

- Trong lĩnh vực tôi theo dõi là tiêm an toàn thì một mũi tiêm an toàn phải bao gồm 14 tiêu chí. Nếu vi phạm một tiêu chí thì đã gọi là mất an toàn hay chưa an toàn dù hành vi đó chưa ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh? Thật ra đến 70% sự cố y khoa do tình hình nhân lực và quy trình chung của bệnh viện. Hiện bệnh viện rất thiếu nhân lực, như ở Bệnh viện Việt - Đức có lúc hai điều dưỡng phải trực chăm sóc 80 bệnh nhân.

* Như vậy, theo ông, xử lý những vấn đề này như thế nào khi chưa có hội đồng quốc gia về an toàn bệnh nhân như ông đề xuất?

- Nếu vẽ con đường một bệnh nhân từ lúc vào viện đến khi được điều trị sẽ có rất nhiều bước: từ phòng khám, xét nghiệm, đi chẩn đoán hình ảnh, rồi về khoa, nếu phải phẫu thuật thì lên phòng mổ... Bản thân dây chuyền khám chữa bệnh ở bệnh viện khá phức tạp và cơ chế vận hành bệnh viện cũng chứa đựng nhiều nguy cơ. Trong khi đó sự cố y khoa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với ngay cả những GS lành nghề nhất. Do vậy cần có một cơ quan điều hành. Bệnh nhân được trao quyền, nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ cùng thảo luận, bệnh nhân có thể hỏi tôi được chỉ định dùng thuốc gì, hiệu quả ra sao, tác dụng phụ gì...

Chỉ 6-22% mũi tiêm đạt chuẩn an toàn

Đây là đánh giá của Bộ Y tế và Hội Điều dưỡng VN được công bố tại Hội nghị khoa học ngành điều dưỡng với chủ đề “An toàn bệnh nhân” tổ chức ngày 2-12 ở Hà Nội. Theo nghiên cứu này, tỉ lệ mũi tiêm đạt đủ các tiêu chuẩn an toàn còn chưa cao, chỉ từ 6-22% tùy địa điểm nghiên cứu. Lý do dẫn đến tỉ lệ mũi tiêm an toàn đạt thấp là điều dưỡng thiếu và chưa cập nhật thông tin về tiêm an toàn; chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và các thao tác quản lý nhiễm khuẩn trong thực hành tiêm, trong thu gom và xử lý vật sắc nhọn.

Thống kê tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội, tỉ lệ mũi tiêm được điều dưỡng rửa tay trước khi tiêm chỉ đạt 63%, 17% mũi tiêm còn lưu lại kim trên lọ thuốc, 20% mũi tiêm được thực hiện khi điều dưỡng không sát khuẩn lọ khi lấy thuốc, không đảm bảo vô khuẩn khi tiêm. Tỉ lệ mũi tiêm đạt đủ bốn tiêu chí về vô khuẩn trong quy trình chỉ đạt 45%. Kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy giao tiếp với người bệnh khi tiến hành tiêm còn chưa tốt, chưa có thái độ cảm thông, chia sẻ, chưa động viên và khuyến khích người bệnh.

Khảo sát tại Bệnh viện Việt - Đức cho thấy tỉ lệ thực hiện đầy đủ tám bước trong vận chuyển bệnh nhân chỉ đạt 20,6%. Với người bệnh đa chấn thương, chấn thương cột sống thì việc có điều dưỡng tham gia vận chuyển là cần thiết, nhưng tỉ lệ tại Bệnh viện Việt - Đức chỉ đạt 17,6%.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên