16/05/2013 06:12 GMT+7

Bệnh với sáng nắng chiều mưa

THÙY DƯƠNG - QUỲNH LIÊN
THÙY DƯƠNG - QUỲNH LIÊN

TT - Những ngày qua, số người lớn tuổi và trẻ em đến khám và nhập viện tại các bệnh viện đã gia tăng do sự thay đổi của thời tiết, lúc nắng nóng hầm hập, lúc ào ạt mưa rào.

6I2vEpGi.jpgPhóng to
Người lớn, trẻ con “giải nhiệt” tại rạch Bến Nghé (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư ngày 14-5, chỉ tính riêng khoa khám bệnh đã tiếp nhận hơn 2.000 trẻ đến khám. Tính đến 12g trưa 15-5, khoa này tiếp nhận gần 1.600 bệnh nhân tới khám. Trong đó, có đến 70% mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, phế quản, viêm mũi, viêm xoang... Tỉ lệ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cũng tăng mạnh so với ngày thường.

Nguy cơ bệnh hô hấp, tiêu hóa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai - cho biết thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm ở trẻ. Có những loại bệnh tăng mạnh ở trẻ là nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, phát ban ngoài da, chiếm đến 70-80% số trẻ đến khám.

Cũng theo ông Dũng, thời tiết nắng nóng kèm độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển làm thức ăn dễ ôi thiu, trẻ rất dễ bị ngộ độc, tiêu chảy cấp khi ăn phải những loại thức ăn này. Hơn nữa, những ngày nắng nóng làm hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động yếu đi, ít hấp thu cũng như ít bài tiết khiến trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, mệt mỏi... Chưa kể hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước, họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới quạt hoặc máy lạnh.

Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - tư vấn: mưa, nắng bất chợt nên người lớn cần mang sẵn áo mưa để kịp che mưa cho trẻ. Khi về nhà phải lau khô người và mặc ấm ngay. Ngược lại, lúc trời nắng, nóng thì tránh sử dụng quạt máy, máy lạnh không đúng cách.

Muốn vậy, cần bố trí giường ngủ tránh luồng gió lạnh của máy lạnh, cũng như không để quạt gió thổi thẳng vào mặt trẻ. Nên sử dụng loại máy lạnh có chế độ mặc định vào đêm, tức khi đủ nhiệt độ đã cài đặt, máy lạnh chỉ chạy thông gió. Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa này, trẻ cần được ăn uống đầy đủ chất, nhất là trái cây để tăng sức đề kháng; uống nhiều nước để niêm mạc đường thở có đủ độ ẩm cần thiết, chống sự xâm nhập của những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Phần lớn trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính là mắc bệnh nhẹ và sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc tốt. Đáng lo là khoảng 1/4 trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính sẽ chuyển sang viêm phổi. Những trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp chỉ bị ho, hoặc kèm theo sốt, sổ mũi mà không có những dấu hiệu thở nhanh hoặc khó thở, không ăn uống được... thì chỉ cần chăm sóc tại nhà. Còn nếu trẻ bị ho trên một tuần lễ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, ho kèm theo sốt cao liên tục ba ngày trở lên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám.

Nóng quá làm tăng huyết áp, đột quỵ

Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Viện Lão khoa, cho biết những ngày nắng nóng, bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh tăng huyết áp, tim mạch và bệnh liên quan đến nắng nóng như say nắng, say nóng, suy nhược vì mất nước... Trong đó, chiếm tỉ lệ khá cao là các ca đột quỵ, cao huyết áp. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM, cho biết số lượng người già đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi tăng hơn so với những ngày trước đó. Cụ thể, số bệnh nhân đến khám mỗi ngày tăng từ 100-200 bệnh nhân, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn 100 bệnh nhân/ngày so với những ngày trước đó.

Nguyên nhân là do thời tiết nóng bức làm người lớn tuổi đi tắm nhiều lần trong ngày, hoặc sử dụng máy lạnh không đúng cách (để thẳng luồng gió vào người, mở máy ở nhiệt độ thấp...) dẫn đến mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp. Do quá mệt mỏi với thời tiết, có người lại không chú ý đến chế độ ăn uống, ví dụ mệt quá bỏ ăn, ăn ít hoặc uống nước ít khiến sức đề kháng cơ thể giảm, niêm mạc đường hô hấp khô, dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Ngoài ra, thời tiết oi bức, nhiệt độ đột ngột tăng cao làm nhiều người mắc bệnh cao huyết áp thay đổi thân nhiệt, bực bội, khó chịu khiến huyết áp tăng cao, gây đột quỵ. Đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, thời tiết quá nóng, cơ thể dễ bị mất nước, dẫn đến rối loạn nước điện giải, gây ra những biến chứng như rối loạn nhịp tim. Để giảm nguy cơ mắc bệnh trong những ngày nắng nóng, bác sĩ Trung Anh khuyến cáo người lớn tuổi nên uống đủ nước, hạn chế đồ uống có gas, có cồn và cần bổ sung rau xanh, vitamin cần thiết cho cơ thể...

THÙY DƯƠNG - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên