09/05/2013 07:15 GMT+7

Lo lắng khi hàng xóm tử vong do cúm A/H1N1

THÙY DƯƠNG - MINH MẪN
THÙY DƯƠNG - MINH MẪN

TT - Sau khi đưa đám tang ông N.H.C., 72 tuổi, ở P.2, Q.11, TP.HCM bị tử vong do cúm A/H1N1, một nam thanh niên về bị mệt, sổ mũi phải nhập viện, khiến nhiều người đi đưa tang và người dân gần nhà ông C. lo lắng sợ bị lây bệnh cúm A/H1N1.

XhHesgUQ.jpgPhóng to
Sau thông tin một người dự đám tang ông C. bị nghi nhiễm cúm A/H1N1, nhiều người lo lắng mỗi khi đi ngang nhà ông C.- Ảnh: MINH MẪN

Trưa 7-5, tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, chị H., một người dân ở đây, cho biết dù không rõ ông C. qua đời do cúm gì, nhưng sáng 6-5 chị vẫn đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm. Trước đó, ngày 5-5, chị H. và bạn bè có đến nhà ông C. dự đám tang.

Gần 100 người đang được theo dõi

Một số người dân ở đây cho biết thêm sáng 3-5, xe của Bệnh viện 7A - Quân khu 7 đưa thi thể ông C. về nhà riêng. Đến chiều cùng ngày, khu phố thông báo người dân biết ông C. tử vong do nhiễm cúm. “Từ hôm đó, ngày nào cũng có người của Sở Y tế, trạm y tế P.2 về tận nhà những người dân trong khu phố phát thuốc, phun thuốc khử trùng. Chúng tôi khá lo lắng vì không biết loại cúm làm ông C. tử vong có lây lan gì không, có cần đi xét nghiệm không?” - một người dân nói.

Theo người nhà ông C., đến chiều 8-5 gia đình vẫn chưa nhận được văn bản nào kết luận nguyên nhân gây ra cái chết của người thân. Từ khi nghe tin ông C. tử vong do nhiễm cúm A/H1N1, hầu hết những hộ xung quanh nhà ông C. đóng kín cửa, không tiếp xúc với gia đình ông. “Chúng tôi như đang bị cách ly khỏi cộng đồng” - anh Thành, con ông C., nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Khanh, phó chủ tịch UBND P.2, cho biết đang chờ kết quả xét nghiệm của nam thanh niên sau khi dự đám tang ông C.. “Không chỉ người dân, chúng tôi cũng cần biết kết luận để trấn an dư luận trong khu phố” - bà Khanh nói. Bà Khanh cho biết thêm Trung tâm Y tế dự phòng quận 11 đang theo dõi hơn 100 người có tiếp xúc với ông C. tính từ sáng 26-4.

Sáng 26-4, gần 100 cựu chiến binh (trong đó có ông C.) thuộc 16 phường của Q.11 đi tham quan ở Tràm Chim, huyện Cần Giờ. Ngày 28-4, ông C. có biểu hiện sốt, ho nên vào Bệnh viện 7A điều trị. “11g ngày 3-5, bệnh viện đưa thi thể ông C. về nhà riêng để mai táng. Tuy nhiên, giấy chứng tử của bệnh viện không có kết luận ông C. tử vong là do nhiễm cúm A/H1N1. Đến gần 19g cùng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng quận mới thông báo cho phường biết. Lúc này chúng tôi làm theo hướng dẫn để thực hiện các biện pháp phòng lây lan” - bà Khanh cho biết.

Trao đổi về việc xác định nguyên nhân tử vong của ông C., TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết khi nhận kết quả ông C. bị nhiễm cúm A/H1N1, Bệnh viện 7A đã báo cho Trung tâm Y tế dự phòng TP, sau đó Trung tâm Y tế dự phòng TP đã báo cho Trung tâm y tế dự phòng quận theo dõi những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này.

Người chết không lây bệnh cho người sống

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khẳng định bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H1N1 khi đã tử vong không thể lây bệnh cho những người khác. Theo bác sĩ Châu, người đi đưa tang có thể bị lây nhiễm bệnh cúm từ những người cùng đi chứ không phải từ bệnh nhân tử vong. Đến 16g ngày 8-5, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đi đưa tang đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không bị nhiễm cúm A/H1N1. Hiện sức khỏe bệnh nhân này hoàn toàn ổn định, dự kiến xuất viện hôm nay (9-5). Bác sĩ Vĩnh Châu lưu ý cúm A/H1N1 là loại cúm mùa nên người dân không nên quá hoang mang, lo sợ.

Bác sĩ Vĩnh Châu khuyến cáo không chỉ bệnh cúm A/H1N1 mà các bệnh cúm nói chung đều lây truyền qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi, dịch tiết sẽ bắn ra ngoài không khí làm những người đứng gần trong vòng 1m có thể lây bệnh. Khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi, người bệnh phải dùng khăn giấy hoặc tay để chặn lại, tránh để dịch tiết bắn ra môi trường xung quanh. Sau đó, phải vứt ngay khăn giấy vào thùng rác hoặc rửa tay ngay lập tức. Cách tốt nhất, khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi, người bệnh nên đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác, không đi đến đám đông, lúc nói chuyện cũng nên đứng xa cách hơn 1m. Đối với người khỏe mạnh, cần rửa tay thường xuyên để phòng chống bệnh và mang khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.

Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tham gia chương trình giám sát trọng điểm cúm quốc gia với Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Mỗi ngày bệnh viện đều lấy mẫu ngẫu nhiên từ một số bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để xét nghiệm và phát hiện khoảng 1-5% số bệnh nhân này bị nhiễm cúm A/H1N1. Trong tháng 4-2013, kết quả này là 30%. Tuy vậy, bác sĩ Vĩnh Châu khuyên người dân không nên lo lắng quá vì đa số trường hợp mắc cúm A/H1N1 đều tự khỏi.

THÙY DƯƠNG - MINH MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên