04/03/2013 14:04 GMT+7

Phòng lây nhiễm virút corona mới

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TTCT - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra những thông tin cảnh báo về virút corona chủng mới sau khi trên thế giới ghi nhận đã có 12 bệnh nhân nhiễm virút này, trong đó có năm ca tử vong.

Yi5hlwDu.jpgPhóng to
Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm đơn giản hiệu quả

TS.BS Trần Tịnh Hiền - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - trao đổi với TTCT về mức độ nguy hiểm, cách phòng tránh thế nào đối với virút này.

Tên gọi chính xác của virút này là nCoV (novel Corona virus), tức virút corona chủng mới. Virút này khá giống virút ở loài dơi nên có nghi ngờ dơi có thể là nguồn lây nhiễm cho người. Tuy nhiên họ chưa thiết lập được đường truyền lây nhiễm rõ ràng của virút rất mới này và hiện đang được tiếp tục theo dõi và nghiên cứu.

* Triệu chứng suy hô hấp cấp khi nhiễm corona mới thế nào, thưa tiến sĩ?

- Khi nhiễm virút này, bệnh nhân sẽ xuất hiện hội chứng viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng: sốt cao (trên 38OC), ho, hụt hơi, khó thở, viêm phổi, phổi có tổn thương lan tỏa, suy hô hấp cấp.

UgkVYWVU.jpgPhóng to
TS.BS Trần Tịnh Hiền - Ảnh: L.T.H.
* Khả năng lây lan và mức độ nguy hiểm thế nào?

- Virút corona mới cùng nhóm với virút SARS nhưng WHO xác định không phải là virút SARS, dù triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân khi nhiễm hai loại virút này tương tự nhau. Tuy nhiên virút SARS lây lan giữa người và người rất dữ dội như chúng ta đã chứng kiến hồi năm 2003, trong khi sự lây lan của virút corona mới có giới hạn. Hiện nay chỉ phát hiện trên những người có tiếp xúc gần gũi trong gia đình. Xét nghiệm những nhân viên y tế có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virút corona mới không phát hiện có ai bị lây nhiễm, khác với tình trạng của dịch SARS trước đây.

Tóm lại, virút corona mới khá nguy hiểm vì gây tử vong cao, có thể lây từ người sang người nhưng không lây lan nhanh như SARS.

Cho đến nay đường lây lan của virút này vẫn chưa được khẳng định và đang được các nhà khoa học theo dõi dù đã có nghiên cứu cho thấy nó có thể xâm nhập và phát triển rất nhanh trên tế bào đường hô hấp trên. Tuy nhiên, xâm nhập và phát triển nhanh ở đường hô hấp cũng chưa hẳn đã làm lây lan nhiều từ người này sang người khác.

* Thưa tiến sĩ, khả năng phát hiện và chẩn đoán ở VN thế nào?

- Việc chẩn đoán không khó vì như nhiều loại virút khác có thể sử dụng phương pháp PCR (polymerase chain reaction, còn gọi là phản ứng khuếch đại gen) chỉ cần có sinh phẩm thích hợp... Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ khi WHO cảnh báo có sự xuất hiện của virút corona mới, phòng xét nghiệm đã có sự chuẩn bị và được sự hỗ trợ của Đại học Oxford (Anh) nên nếu có bệnh phẩm là có thể xét nghiệm chẩn đoán được.

Điều quan trọng là chúng ta có giám sát và phát hiện được những trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hay không mà thôi. Hiện nay theo khuyến cáo của WHO cần chú ý đến các trường hợp viêm phổi - suy hô hấp cấp không rõ nguyên nhân; có yếu tố dịch tễ: đến từ vùng có bệnh, có tiếp xúc với người nhiễm virút đã được xác định (nuôi nấng, chăm sóc bệnh nhân)…

* Việc phòng ngừa và điều trị bệnh nhân nhiễm virút corona thế nào, thưa tiến sĩ?

- Giống như SARS, bệnh nhân nhiễm virút corona mới chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thể điều trị triệu chứng. Với những bệnh nhân nhiễm virút này, vừa qua các bác sĩ ở Anh đang cố gắng tìm thêm các phương pháp khác để điều trị. Cụ thể như sử dụng Interferon (giống thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C) hay huyết thanh của người lành bệnh (có kháng thể chống lại virút này). Tuy nhiên do số lượng bệnh nhân còn quá ít nên chưa thể đánh giá kết quả điều trị.

Khuyến cáo của WHO, CDC và Bộ Y tế đều hướng dẫn biện pháp phòng ngừa giống như bệnh SARS. Đó là rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng; không dùng tay dụi mắt, ngoáy mũi và đưa lên miệng; khi ho hay hắt hơi cần dùng khăn tay hoặc giấy che miệng và mũi lại; khi tiếp xúc gần với bệnh nhân có hội chứng hô hấp cấp nên dùng khẩu trang (loại có màng lọc virút). Hiện nay chưa có các khuyến cáo về giới hạn đi lại đến khu vực đã phát hiện bệnh.

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên