Bệnh nhân là anh P.V.T., 25 tuổi, ngụ ở TP.HCM. Giữa tháng 7-2012, anh T. về quê ở Tây Hòa, Phú Yên, cùng bạn bè lặn bắt trai ở một cái bàu (ao). Đến ngày 29-7 anh T. bị sốt cao, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Ngày 30-7 anh được nhập viện tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TP.HCM với biểu hiện nhức đầu, lơ mơ. Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được mời qua Bệnh viện Nhân Dân Gia Định hội chẩn. Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân nhiễm một loại amip nên chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị.
Theo bác sĩ Phú, bệnh nhân được điều trị tích cực, tuy nhiên do con amip này đã đi từ mũi lên thẳng não gây viêm não, viêm màng não nên sau đó bệnh nhân bị hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở ba lần tại bệnh viện. Thấy vậy, ngày 31-7 người nhà đã xin xuất viện và bệnh nhân tử vong trên đường về nhà. Ngày 21-8, kết quả xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy bệnh nhân bị tử vong do amip “ăn” não người, có tên khoa học là Naegleria fowleri.
Bác sĩ Phú cho biết đây không phải loại amip thông thường gây bệnh kiết lỵ mà là loại “ăn” vào não người, hiếm gặp, nguy cơ tử vong rất cao. Từ năm 1937, lần đầu tiên xác định được loại amip “ăn” não người đến nay, ở Mỹ đã có 121 người mắc bệnh này nhưng chỉ một người được cứu sống, còn lại đều tử vong. Những bệnh nhân này trước đó đều đi bơi hoặc tắm, lặn ở ao, hồ. Sau đó từ 1-2 tuần những người bệnh này sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, nhức đầu, nôn ói.
Loại amip này thường sống ở những vùng nước ngọt như như ao, bàu, hồ, hồ bơi (nếu không được vệ sinh, sát khuẩn)... Khi mắc bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm vẫn có thể cứu sống. Vì vậy, bác sĩ Phú khuyên sau khi đi bơi, lặn, tắm ở ao, hồ mà có biểu hiện sốt, nhức đầu, nôn ói, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay để được phát hiện bệnh kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận