Sẽ ghép thận tại Bệnh viện Trung ương HuếĐã tìm được người cho thậnCuộc phẫu thuật ngoạn mục
Phóng to |
GS.TS Bùi Đức Phú (bìa trái) cùng chị Hứa Cẩm Tú (bìa phải) và chồng con - Ảnh: THÁI LỘC |
Trước đó, ca phẫu thuật ngày 6-12-2011 tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, chị Tú bị cắt nhầm cả hai quả thận do trước khi mổ, êkip mổ không phát hiện thận chị bị dị tật dính liền nhau (thận hình móng ngựa). Ngày 4-1-2012, chị Tú nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế đến ngày 10-7 thì được ghép thận.
Mười lần mổ
GS.TS Bùi Đức Phú cho biết ông như vừa thoát ra khỏi một giai đoạn cực kỳ “bạc đầu vì căng thẳng”, bởi ca ghép thận của chị Tú quá khó và phức tạp, phải mổ đi mổ lại nhiều lần với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. GS Phú cho biết trước đó ca mổ chị Tú ở Cần Thơ đã được truyền 1 lít máu của nhiều người cho nên cơ thể tạo ra phản ứng tiền mẫn cảm gây nguy cơ thải ghép. Bệnh nhân đã được mổ nội soi có bơm hơi khoang sau phúc mạc, tạo sự dính liền gây khó khăn cho lần mổ ghép thận. Điều này trở thành yếu tố dễ gây chảy máu khoang sau phúc mạc.
Trong quá trình chờ ghép thận, bệnh nhân lại bị rối loạn nội tiết, rối loạn yếu tố đông máu và lên cơn phù phổi cấp, dễ dẫn đến nhiều biến chứng sau mổ như chảy máu, suy hô hấp, nhiễm trùng... Xác suất tương hợp giữa người nhận và người cho thận cũng rất thấp, phải tìm đến người thứ năm mới có được thận tương đối thích hợp về phương diện hòa hợp tổ chức (HLA)... “Bệnh viện Trung ương Huế đã ghép thận 70 ca, nhưng tất cả đều chỉ mổ một lần. Riêng ca chị Tú khó đến mức khi mổ xong bình thường, ba bốn ngày sau phải mổ lại vì máu chảy; một tuần sau lại mổ tiếp vì máu cứ chảy do rối loạn yếu tố đông máu... Chúng tôi phải mổ đến mười lần như thế!” - GS Bùi Đức Phú cho biết.
Theo GS Phú, sức khỏe bệnh nhân đang rất ổn định, tiến triển tốt. Hiện tượng thải ghép không xuất hiện. Tình trạng chảy máu khoang sau phúc mạc đã được khống chế, không còn máu tụ. Không có dấu hiệu nhiễm trùng, dự kiến sẽ cho bệnh nhân xuất viện vào ngày 30-8. Tuy vậy, bệnh nhân sẽ tiếp tục trở về Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ điều trị và theo dõi theo phác đồ của Bệnh viện Trung ương Huế.
Đến nay, sau hơn bảy tháng điều trị và các cuộc phẫu thuật, ghép thận, tổng chi phí ca này lên đến hơn 2,5 tỉ đồng, hoàn toàn do Bệnh viện Trung ương Huế chi trả.
Uống thuốc chống thải ghép suốt đời
Bác sĩ Tuấn Anh, người đang điều trị cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, cho biết với phác đồ của hội đồng ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân ghép tạng nói chung, trong đó có ghép thận, sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời, song liều lượng sẽ giảm dần theo thời gian. Trong khoảng ba tháng đầu, bệnh nhân được theo dõi định kỳ 1 tuần/lần. Ba tháng tiếp theo theo dõi chừng 2 tuần/lần.
Từ sáu tháng đến một năm sau là 1 tháng/lần, và sau đó có thể 2 tháng/lần. Việc theo dõi định kỳ này nhằm kiểm tra xem thận ghép hoạt động tốt hay không, có biến chứng thải ghép và có tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép hay không.
Về chế độ ăn uống, bác sĩ Tuấn Anh cho hay bệnh nhân ăn uống như người bình thường khác, tất nhiên cần tránh những thức ăn không có lợi cho sức khỏe. Sau khi xuất viện, trong vòng ba, bốn tháng tránh làm việc nặng nhọc, bệnh nhân ghép tạng về cơ bản có thể làm những công việc như những người bình thường...
Mời bạn đọc xem thêm video clip trên Tuổi Trẻ Online
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận