Tỉ lệ này khiến tình hình chống dịch nóng ngay từ đầu năm.
Phóng to |
Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng tại Trung tâm Phụ sản - nhi Bệnh viện Đà Nẵng sáng 22-2 - Ảnh: LÂM LINH |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm nay bộ thay đổi phương án chống dịch bằng cách xây dựng kế hoạch chống dịch từ đầu năm, với ba loại dịch bệnh trọng điểm là tay chân miệng, viêm não do não mô cầu và cúm các loại.
Theo báo cáo hôm 22-2 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tại hội nghị triển khai công điện ngày 20-2 của Thủ tướng về công tác chống dịch cúm A/H5N1, sáu tuần đầu năm nay ở 60/63 địa phương trong cả nước đã có 6.328 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chín trẻ đã tử vong, tỉ lệ tử vong/mắc là 0,14%, tương đương năm ngoái là năm có dịch tay chân miệng lớn nhất từ trước đến nay.
Hành động ngay, không chờ công bố dịch
"Tập trung truyền thông theo hướng khuyến cáo các gia đình thực hiện ăn sạch, uống sạch, đồ chơi của trẻ sạch, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày" Công điện của bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng |
Dịch nóng nhưng chống dịch thế nào và có nên công bố dịch để công khai, minh bạch quá trình chống dịch là câu hỏi liên tục được báo chí đặt ra tại hội nghị.
Theo ông Viên Quang Mai - phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, so với cùng kỳ năm 2011, số mắc bệnh tay chân miệng đã gia tăng ở tất cả các tỉnh miền Trung, tại Đà Nẵng đã có trường hợp tử vong. Các địa phương như Khánh Hòa, Bình Định số mắc đã gia tăng rất mạnh.
Để quyết liệt chống dịch hơn, ông Mai cho rằng nên chia rõ mức độ dịch: mức độ “có dịch” để y tế chủ động phòng chống dịch, mức “công bố dịch” khi dịch bệnh ở mức độ cao hơn, cần sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp ở địa phương.
Rõ ràng năm 2011, những lúng túng về việc có công bố dịch hay không, thế nào là dịch vượt tầm kiểm soát của địa phương, có đưa số mắc được báo cáo bổ sung vào số mắc trong tuần... là những vấn đề tạo nhiều dư luận trái chiều về hoạt động phòng chống dịch.
Chính vì vậy tại hội nghị này, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình đề nghị các địa phương thành lập ngay ban chỉ đạo liên ngành phòng chống dịch, chủ động điều phối công tác dập dịch, không để công bố dịch 24 giờ rồi mới thành lập ban chỉ đạo liên ngành như quy định, vì lúc đó tình hình đã nóng bỏng quá rồi.
Văcxin ít tác dụng
Phóng to |
Một ca bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC |
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông Văn Đăng Kỳ (Cục Thú y) cho hay tính đến ngày 22-2, đã có thêm tỉnh Bắc Ninh có dịch cúm gia cầm, nâng tổng số địa phương có dịch cúm gia cầm H5N1 đến nay là 12 tỉnh thành. So với cùng kỳ năm 2011, số địa phương có dịch cúm gia cầm tăng hơn ba tỉnh.
Ông Kỳ cho hay cái khó trong chống dịch H5N1 trên gia cầm hiện nay là virút đã chuyển type 2.3.2.1, trong đó có hai phân nhánh A và B, thì độ nhạy với văcxin của nhánh B chỉ từ 10-30%. Vì vậy tại khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây nguyên, văcxin ít tác dụng phòng dịch trên gia cầm. Yếu tố này cộng với tình hình thời tiết mưa ẩm, tỉ lệ gia cầm mang trùng cao nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá sẽ có dịch gia cầm lớn trong năm 2012.
Theo ông Văn Đăng Kỳ, giám sát tại 30 địa phương cho thấy tỉ lệ gia cầm (đặc biệt là thủy cầm) mang virút cúm A/H5N1 tăng rất cao, trung bình 4,13%, cá biệt có địa phương như Hà Tĩnh tỉ lệ này lên đến 18%. Trong khi năm 2011, giám sát cho kết quả thấp hơn nhiều, tỉ lệ gia cầm mang virút trung bình 1,6-2%, cao nhất cũng chỉ 6%.
Theo ông Kỳ, trước đây tỉ lệ tử vong/mắc ở người nhiễm H5N1 thường ở mức 50%, nhưng bốn năm gần đây tỉ lệ này thường là 100%, chứng tỏ độc lực của virút ở mức cao. Theo ông Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, virút H5N1 đã có biến đổi gen nhưng không thay đổi về độc lực, giám sát virút H5N1 từ năm 2005-2010 ở miền Bắc cho thấy hình thái virút trong giai đoạn này đã khác hẳn với năm 2004 trở về trước.
Chỉ đạo dồn dập
Ông Nguyễn Trần Hiển cho biết trong vùng dịch tay chân miệng, tỉ lệ người lành mang trùng thông thường khoảng 50%. Tại một số địa phương, tỉ lệ này lên đến 71%. Ông Hiển nhận định năm 2012, số mắc bệnh tay chân miệng rất có thể sẽ lên đến mức tương đương năm 2011 (110.000 trường hợp), nhưng số tử vong có thể giảm thấp hơn do hiện đã áp dụng phác đồ điều trị mới (năm 2011, phác đồ điều trị mới được áp dụng chỉ trong vài tháng cuối năm).
Hôm 21-2, bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện gửi chủ tịch UBND các địa phương, đề nghị tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch tay chân miệng, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trực tiếp theo dõi, bố trí kinh phí và huy động nguồn lực chủ động chống dịch tại địa phương, không để tình trạng có địa phương chỉ dành... 150 triệu đồng cho chống dịch như năm 2011.
Hôm 20-2, Thủ tướng đã có công điện về phòng chống dịch cúm A/H5N1. Hôm nay 23-2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có cuộc họp trực tuyến với các địa phương về chống dịch cúm trên gia cầm.
Dịch bệnh nóng bỏng ngay từ đầu năm, mỗi biện pháp chỉ đạo chống dịch hiệu quả ở thời điểm này sẽ giảm được số người mắc và tử vong trong năm nay.
Thêm người tử vong vì cúm gia cầm ở Indonesia Giới chuyên gia y tế cảnh báo cúm gia cầm đang là một mối lo lớn tại khu vực châu Á. Indonesia ngày 22-2 xác nhận một nữ giúp việc 19 tuổi thiệt mạng tuần trước vì nhiễm cúm gia cầm, nâng số nạn nhân tại nước này từ đầu năm lên ba người. Hãng tin AFP dẫn nguồn Bộ Y tế Indonesia cho biết nạn nhân thiệt mạng ngày 13-2, một ngày sau khi được đưa vào bệnh viện ở quận Tangerang, ngoại ô Jakarta. Trước đó, cô bị sốt bốn ngày. Cơ quan hữu quan không tìm thấy nguồn bệnh nào ở nơi làm việc của nạn nhân và các khu vực xung quanh. Có khả năng cô đã tiếp xúc với gia cầm bệnh khi về quê ở Kebumen, Trung Java ngày 4-2. Tháng 1-2012, ở Indonesia đã có hai người tử vong do cúm gia cầm. Các nước khác cũng có trường hợp tử vong từ đầu năm bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Hi Lạp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận