Theo Viện Pasteur TP.HCM, tác nhân chủ yếu gây dịch tay chân miệng tại khu vực miền Nam từ hồi tháng 4 là virus EV71 và phân chủng C4 đã thay thế C5 trong mùa dịch năm nay. TS Trần Ngọc Hữu cho biết những ca nhập viện được xác định chỉ là phần nhỏ của các ca nhiễm. Việc cải thiện điều kiện vệ sinh ở khu vực có ca bệnh đã không tác động đáng kể đến sự lan truyền của virus.
Do đó, cần tập trung truyền thông vệ sinh cho toàn cộng đồng chứ không chỉ tập trung ở những nơi đã xác định ca bệnh. Ông Hữu cũng lưu ý không nên xem việc sử dụng chất diệt khuẩn như là biện pháp thay thế việc cải thiện vệ sinh, gồm các thói quen rửa tay, làm sạch bề mặt với chất tẩy rửa tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc đóng cửa trường học trong mùa dịch tay chân miệng chỉ nên thực hiện rất chọn lọc, nếu không muốn nói là không cần.
“Chúng ta phải tìm cho ra những yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được đối với bệnh tay chân miệng và đây là hướng mà chúng tôi đang tập trung nghiên cứu. Trong số các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được, chúng tôi đang lưu ý đến vấn đề sử dụng corticoid vì nó làm giảm miễn dịch và khiến trẻ dễ mắc tay chân miệng nặng” - ông Hữu nói.
Hội nghị khoa học lần này quy tụ các đại biểu đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức UNAIDS (Liên Hiệp Quốc), Viện Pasteur Paris, Viện Pasteur Campuchia cùng hàng trăm nhà khoa học, bác sĩ từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Mỹ, Úc, Nhật, Nga, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)...
Cũng trong dịp mừng kỷ niệm 120 năm thành lập, Viện Pasteur TP.HCM đã đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng. Được biết, Viện Pasteur Sài Gòn - TP.HCM là Viện Pasteur thứ hai được thành lập trên thế giới sau Viện Pasteur Paris (Pháp).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận