Phóng to |
Điều trị bệnh tay chân miệng ở khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Thuận Thắng |
Còn địa phương nào cần công bố dịch và làm gì để chống đỡ với dịch tay chân miệng?
Công bố dịch để phòng tránh bệnh tốt hơn
Nhiều nơi “đủ điều kiện để công bố dịch” Chiều 9-11, TS Viên Quang Mai, phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết trong quá trình khảo sát 11 tỉnh miền Trung, ông nhận thấy có nhiều nơi “đủ điều kiện để công bố dịch”. “Khi mức độ ca mắc bệnh tăng ít nhất gấp ba lần các năm trước đó, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, tử vong hơn trước là có thể công bố dịch. Chứ yêu cầu thêm “vượt khả năng ứng phó của ngành y tế địa phương” thì chung chung và quá trừu tượng, khó đánh giá, khó công bố dịch”, ông Mai khẳng định. |
Bà Phan Thị Lai, phó giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, cho hay việc công bố dịch giải tỏa được bế tắc, khó khăn trước mắt của y tế Ninh Thuận trong phòng chống dịch. Bệnh đã xuất hiện trong tỉnh từ tháng 4 đến nay, nhưng số mắc chỉ thật sự tăng nhanh đột biến từ khoảng tháng 9, tháng 10, gấp hơn 20 lần các năm trước.
Đặc biệt, có tuần trong tháng 10, liên tiếp có hai trẻ dưới 3 tuổi bị tử vong. “Ngành y tế thấy rõ những cố gắng trong truyền thông, giám sát không đem lại hiệu quả mong muốn” - bà Lai cho biết. Một lý do nữa khiến Ninh Thuận quyết định công bố dịch là do ngành y tế thừa nhận không thể giám sát được nguồn lây.
Theo bà Lai, các trường hợp tử vong đều là trẻ được chăm sóc tại nhà, khó xác định được trẻ bị lây từ đâu. Mặt khác, Ninh Thuận cũng phát hiện một số trường hợp người lớn mang mầm bệnh mà không gây bệnh, được dự đoán có thể thành nguồn lây nguy hiểm cho trẻ.
“Ninh Thuận sẽ vào mùa mưa vào tháng 11 và 12, điều kiện thời tiết có thể trở thành chất xúc tác khiến bệnh dịch khó kiểm soát hơn. Công bố dịch, ngành y tế hi vọng các biện pháp truyền thông tổng lực sẽ giúp thay đổi triệt để tập quán, hành vi chăm sóc trẻ, bảo đảm vệ sinh, tránh sự lây lan đáng tiếc” - bà Lai chia sẻ.
Tuy nhiên, sau năm ngày ký quyết định công bố dịch (4-11), tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại Ninh Thuận vẫn diễn biến xấu. Trong vòng chưa đầy một tuần, Ninh Thuận tiếp nhận thêm một trường hợp tử vong do tay chân miệng (từ ba lên bốn trẻ), lúc công bố có 471 trẻ mắc thì đến hôm 9-11, con số này tăng lên thành 552 trường hợp.
“Cái khó lớn nhất của tỉnh nghèo Ninh Thuận vẫn là chi phí dành cho tiền thuốc đối với những bệnh nhân độ nặng quá cao. Trẻ bị sốc, chuyển nặng chắc chắn cần đến thuốc tăng cường miễn dịch, nhưng số tiền dành cho loại thuốc này quá lớn, phí điều trị có khi đến 40-50 triệu đồng/bệnh nhân. Sở có văn bản gửi sang bảo hiểm y tế đề nghị chi trả, nhưng bảo hiểm cũng đã trả lời rõ sẽ không thanh toán vì thuốc này không có trong danh mục bảo hiểm ở tuyến tỉnh”, bà Lai lo lắng.
Dịch đã tới đỉnh?
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình, tích lũy từ đầu năm đến nay đã có tổng số 84.000 ca mắc tay chân miệng, 142 ca tử vong. Ngày 19-11, Bộ Y tế sẽ tổ chức một hội nghị với đại diện địa phương có từ 2.000 ca mắc tay chân miệng trở lên để bàn những phương án chống dịch mới nhất.
Ông Bình cho hay so với tuần trước, số mắc tay chân miệng giảm 3,6%, nhưng vẫn giữ ở mức cao trên 2.500 ca mắc/tuần. Hôm nay 10-11, Viện Pasteur Nha Trang sẽ đi thị sát tình hình dịch bệnh ở Ninh Thuận, kiểm tra công tác phòng chống dịch.
Trước thông tin Ninh Thuận là địa phương đầu tiên công bố dịch tay chân miệng, ông Bình cho biết việc công bố dịch tại địa phương là hoạt động độc lập của địa phương. Trường hợp số địa phương công bố dịch tiếp tục tăng, Bộ Y tế sẽ thực hiện công bố dịch trên phạm vi quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Ông Bình cho biết hiện VN có số mắc bệnh tay chân miệng xấp xỉ 1 ca/1.000 dân, Nhật Bản ở mức 3 ca/1.000 dân, Singapore 5 ca/1.000 dân. Như vậy công tác phòng chống có hiệu quả. Tuy nhiên, so với tháng 9-2011, số mắc trung bình/tuần của tháng 10 và tuần đầu tháng 11-2011 đã tăng khoảng 20% dù Bộ Y tế liên tục khẳng định dịch đã lên đến đỉnh. Câu hỏi dịch tay chân miệng tăng vì sao, bao giờ giảm, phòng chống thế nào là hiệu quả vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận