12/08/2011 01:34 GMT+7

Bệnh than tăng trở lại ở miền núi phía Bắc

LAN ANH
LAN ANH

TT - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay bảy tháng đầu năm đã có 76 bệnh nhân mắc bệnh than ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, tăng gấp rưỡi so với năm 2010 và tăng gấp năm lần so với năm 2009.

Đây là căn bệnh lây từ trâu bò sang người, biểu hiện ban đầu là các vết phỏng nước sưng mọng trên da, sau đó các vết sưng chuyển màu đen như than. Trong 76 bệnh nhân mắc bệnh than từ đầu năm đến nay, đã có một trường hợp tử vong.

Theo ông Bình, phương thức lây truyền bệnh than chủ yếu là qua da khi tiếp xúc với da thịt động vật (cừu, dê, heo, ngựa, trâu, bò) chết vì bệnh than. Đặc biệt, vẫn có thể nhiễm bệnh từ các sản phẩm làm từ nguyên liệu của động vật chết vì bệnh than như trống, bàn chải hoặc sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật nhiễm bệnh than. Bệnh than thể phổi - thể nguy hiểm nhất ở bệnh nhân bệnh than - xảy ra do hít phải bào tử vi khuẩn khi thuộc da, chế biến lông, xương động vật nhiễm bệnh.

Cục Y tế dự phòng vừa có văn bản gửi sở y tế hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, yêu cầu tăng cường dự phòng lây nhiễm trực khuẩn than sang người. Tuyệt đối không sử dụng, chế biến thịt súc vật ốm nghi do bệnh than.

Tuy nhiên, ông Bình cho hay quan trọng nhất là ngăn chặn được dịch trên động vật vì bệnh không lây từ người sang người. Do căn nguyên gây bệnh như trên nên phần lớn bệnh nhân mắc bệnh than là người chăn nuôi gia súc, tham gia giết mổ hoặc chế biến sản phẩm từ gia súc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, trước đây từng có bệnh nhân bệnh than ở Gia Lâm, Hà Nội. Ở Thường Tín (Hà Nội) cũng từng xuất hiện bệnh nhân bệnh than ở công nhân chế biến da và lông trâu bò, trong đó có trâu bò nhiễm bệnh than.

Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh than chỉ xuất hiện ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, rải rác vào các tháng trong năm với tần suất năm 2009 là 16 trường hợp (ở cả hai tỉnh), năm 2010 là 56 trường hợp và năm 2011 tăng cao với 76 trường hợp chỉ mới trong bảy tháng đầu năm.

Ông Bình cũng khẳng định nếu không xử lý ổ dịch triệt để, bệnh than sẽ “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng xuất hiện do mầm bệnh có thể tồn tại hàng chục năm trong môi trường. Một số chuyên gia cho rằng có bằng chứng về tình trạng nhiễm bệnh ẩn (nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng) ở những người thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Bệnh nhân đã mắc bệnh than có thể mắc bệnh lần thứ hai nhưng khả năng này ít khi xảy ra.

Ông Bình cho biết mầm bệnh than thông thường thể da dễ điều trị. Nhưng bệnh nhân thể phổi diễn biến nhanh, thường dẫn tới suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc, viêm màng não cần được cấp cứu điều trị từ đầu. Bệnh than thể dạ dày- ruột khó điều trị hơn thể da, tuy không nặng bằng thể hô hấp nhưng cũng có thể dẫn đến mất nước, mất máu, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột. Hiện phác đồ điều trị bệnh than là sử dụng kháng sinh peniciline.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên