18/05/2011 08:23 GMT+7

122 câu tư vấn bệnh viêm gan siêu vi

(Lâm Thanh Hùng, 23 tuổi tuổi, thanhhunglamvn@... ) 
(Lâm Thanh Hùng, 23 tuổi tuổi, thanhhunglamvn@... ) 

TTO - 958 câu hỏi của bạn đọc đã gửi về chương trình tư vấn trực tuyến Viêm gan siêu vi B, siêu vi C và siêu vi A do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng nay 18-5-2011. Các khách mời là những chuyên gia hàng đầu về gan mật tại các bệnh viện đã tư vấn cùng bạn đọc những kiến thức cơ bản để phòng chống những căn bệnh này.

txKyfPzU.jpgPhóng to
Các khách mời của buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Đạm

Khách mời của chương trình gồm:

- BS chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Chí - phó chủ nhiệm bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa - phó chủ nhiệm bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM

- BS Trần Nguyên Hà - trưởng khoa nội 4 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

- ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN:

* Tôi bị viêm gan B, điều trị bằng Adefovir và Lamivudin từ 24-4-2008 đến nay, đã hai lần xét nghiệm sinh học phân tử, đều cho kết quả < 250x10 mũ 0 copies/ml huyết tương. Xin hỏi tôi đã khỏi bệnh chưa? Có còn cần uống thuốc nữa không? (Phạm Văn Thụy, 59 tuổi, phamvanthuy52@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa -phó chủ nhiệm bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM: Bệnh viêm gan B của bạn đang điều trị bằng Adefovir và Lamivudin. Đây là 2 loại thuốc ức chế sao chép của virut. Vì vậy HBV-DNA dưới 250 copies/ml là đang có đáp ứng virut tốt chứ chưa có ý nghĩa là khỏi bệnh. Bạn cần tiếp tục dùng thuốc cho đến khi mất HBeAg và có antiHBe. Bác sĩ điều trị sẽ theo dõi và quyết định thời điểm có thể nên điều trị an toàn để tránh tái phát.

* Tôi đã chích ngừa viêm gan siêu vi C được khoảng 4 năm. Xin hỏi bao lâu thì tôi có thể đi xét nghiệm và chích ngừa lại. Xin cảm ơn! (Nguyễn Thành Minh, 28 tuổi, minh...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Rất tiếc, câu hỏi của bạn chưa chính xác! Hiện nay, trên toàn thế giới chưa có thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan siêu vi C, vì vậy tôi không biết bạn chích ngừa ở đâu? Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm xét nghiệm tầm soát bệnh viêm gan siêu vi C bạn có thể đến nhiều trung tâm hoặc bệnh viện trong thành phố để xác định bệnh viêm gan của bạn.

* Mẹ tôi bị viêm gan siêu vi B mạn tính từ năm 2008 và bắt đầu điều trị, uống thuốc Lamuvidin từ đó. Cứ sau 3 tháng đi xét nghiệm và đếm virus. Số virus không quá 2000, men gan ổn định. Từ tháng 11-2009, mẹ tôi bắt đầu ngưng thuốc và đều tái khám khoảng 3 tháng/lần. Tình hình đến nay đều ổn định. Xin hỏi bác sĩ, sắp tới mẹ tôi nên điều trị thế nào? Khi có điều gì bất thường tôi phải làm sao? Xin chân thành cảm ơn. (Nguyễn Lê Trà, 24 tuổi, tra.nguyen@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa - phó chủ nhiệm bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM: Mẹ của bạn được điều trị viêm gan B mạn với Lamivudine và đã được ngưng thuốc từ tháng 11-2009. Thông thường bác sĩ cho bệnh nhân ngưng điều trị khi có bằng chứng miễn dịch kiểm soát được virút tức là đạt được mất HBeAg và có kháng thể antiHBs, đồng thời virút trong máu ở mức thấp (thông thường là HBV-DNA âm tính hay < 1000 copy/ml. Khi có dấu hiệu này, bệnh nhân cần có thêm thời gian điều trị củng cố 12 tháng để hạn chế thấp nhất khả năng tái phát.

Mẹ bạn cần tái khám để kiểm tra chức năng gan mỗi 3 tháng, xét nghiệm HBsAg, AFP và siêu âm mỗi 6 tháng cho đến khi mất hết HBsAg. Đồng thời cũng cần làm xét nghiệm HBV-DNA mỗi năm nếu có điều kiện để bảo đảm virut không có tái hoạt. Khi phát hiện có tăng men gan thì cần báo cho bác sĩ để được xét nghiệm HBV-DNA.

* Chào Ths BS Lê Thị Tuyết Phượng, năm 2005 em nằm viện điều trị viêm cơ tim thì có xét nghiệm viêm gan. Khi ra viện em được chẩn đoán là viêm cơ tim, viêm gan HPV. Khoảng 1 năm trước em xét nghiệm kiểm tra viêm gan thì bác sĩ nói em bị nhiễm viêm gan siêu vi B ở người lành mang bệnh. Em bị như vậy thì có nguy hiểm gì không? Có nguy cơ bị nhiễm viêm gan hay xơ gan không? Xin cám ơn bác sĩ.

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Người mang virut viêm gan B mạn có thể ở nhiều dạng.

1. Người mang virut không hoạt động trường hợp này có thể chỉ theo dõi chưa cần điều trị đặc trị, tuy nhiên ở một thời điểm nào đó có thể từ dạng không hoạt động sẽ chuyển sang dạng hoạt động gây tổn thương cho gan, vì vậy tuy ở dạng không hoạt động người mang virut viêm gan B vẫn phải được theo dõi thường xuyên.

2. Viêm gan siêu vi B mạn hoạt động dạng này sẽ có thể gây tổn thương gan và có thể phải chỉ định điều trị đặc trị để hạn chế dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Trong trường hợp của bạn có thể bạn nhiễm siêu vi B ở dạng không hoạt động cần phải theo dõi định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng. Tuy nhiên bạn có tiền căn viêm cơ tim nếu phải điều trị có sử dụng corticoid hoặc những thuốc ức chế miễn dịch khác bạn phải đến bác sĩ chuyên khoa gan mật để được chỉ định điều trị sớm hơn hạn chế tình trạng bùng phát siêu vi.

* Trường hợp bị viêm gan siêu vi B do quá thờ ơ việc kiêng rượu bia dẫn đến xơ gan thì việc nhận biết dấu hiệu xơ gan là như thế nào và phương thức điều trị ra sao? (huy, 22 tuổi, huyho_ht@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Trường hợp đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B mà bệnh đang tiến triển lại còn thờ ơ với việc kiêng rượu bia thì trước sau cũng sẽ dẫn đến bệnh lý xơ gan.

Như đã nói ở trên, bệnh xơ gan hay còn gọi là bệnh chai gan là trường hợp lúc đó gan không còn hoạt động như bình thường nữa mà các tế bào gan bị xơ đi, không tống được những chất độc còn đọng lại trong cơ thể, khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ăn không tiêu, trướng bụng, thậm chí có cổ trướng mà từ chuyên môn gọi là báng bụng.

Xơ gan là một yếu tố nguy cơ cao gây ung thư gan nguyên phát đứng sau HBV ở các nước nằm trong vùng dịch tế học, là yếu tố nguy cơ đứng hàng đầu ở các nước giàu như Mỹ, Pháp, Canada. Như ở Mỹ thì trong số các bệnh nhân chết vì xơ gan do rượu khi được mổ tử thi, người ta thấy khoảng 10 cho đến 55 trường hợp có ung thư gan.

Ngược lại người ta thấy có xơ gan kèm theo từ 60-80% trường hợp ung thư gan. Tức là nguy cơ ung thư gan trên bệnh nhân xơ gan là rất cao, gấp 40 lần người không bị xơ gan, nhưng chỉ từ 3-4% bệnh nhân xơ gan tiến triển thành ung thư gan mỗi năm.

Các loại xơ gan được xác định có khả năng gây ung thư gan là xơ gan do viêm gan, do rượu, do nhiễm sắc tố sắt. Như vậy, vừa bị viêm gan siêu vi B lại kèm thêm uống rượu bia quá độ sẽ gia tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan rất nhiều.

* Bệnh viêm gan siêu vi B chữa được không? Nói là chữa được nhưng sao lại bị tái lại? Mẹ bị viêm gan siêu vi B khi mang thai sinh ra con có bị viêm gan siêu vi B như mẹ không? (Tran Thi Thuan, 23 tuổi, manhtrangcuoirung_7777_ngoc@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Việc điều trị bệnh viêm gan siêu vi nhằm mục đích kiểm soát virut và tránh các biến chứng xơ gan và ung thư gan nhiều năm về sau. Khi điều trị thành công chất liệu di truyền của virut vẫn còn hiện diện trong nhân của tế bào gan và có thể gây tái phát khi miễn dịch của cơ thể không thể kiểm soát được virut. Vì vậy sau khi ngưng điều trị bệnh nhân vẫn cần được theo dõi cho đến khi mất hẳn dấu ấn HBsAg.

Mẹ bị viêm gan B có HBeAg dương có khả năng truyền siêu vi cho con. Vì vậy trẻ sanh từ mẹ mang HBsAg cần được sử dụng Immunoglobulin và văcxin ngừa viêm gan cùng lúc trong 24 giờ đầu sau sanh. Biện pháp này rất có hiệu quả để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con và đang được áp dụng ở tất cả các bệnh viện phụ sản hiện nay.

* Viêm gan siêu vi B từ khi bị bệnh đến khi bị ung thư mất thời gian bao lâu? Khi phát hiện bệnh nên kiểm tra định kỳ bao nhiêu lâu một lần? Bị bệnh nên ăn và không nên ăn những loại thức ăn gì? Dấu hiệu nào để biết mình bị ung thư gan? (vu quang duong, 28 tuổi, vuquangduong@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Chào em, về liên quan giữa viêm gan siêu vi B và ung thư gan, người ta thấy có sự liên quan chặt chẽ và có sự gia tăng rõ xuất độ ung thư gan theo thời gian nhiễm virus. Ở người nhiễm HBV lâu năm thì nguy cơ bị ung thư gan tăng gấp từ 100-200 lần so với người bình thường không bị nhiễm. Ngược lại, tỉ lệ ung thư gan có HBsAg dương tính cũng đặc biệt cao ở người châu Á và châu Phi (chiếm từ 60-90%). Ở TP.HCM thì tỉ lệ này là trên 70%, ở Hà Nội trên 80%.

Khoảng từ 20-30% những người mang HBV lâu năm sẽ có biến chứng xơ gan và khoảng 3% trong số này sẽ bị ung thư gan. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tùy theo mức độ nhiễm HBV và tùy theo từng trường hợp từ lúc nhiễm HBV cho đến khi bị ung thư gan có thể từ 10 năm cho đến 20 năm hoặc hơn nữa.

Khi phát hiện bệnh nên kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần. Khi bị bệnh, tùy theo giai đoạn mà có thể ăn uống từ bình thường cho đến một chế độ ăn đặc biệt dành cho những người bị bệnh xơ gan hay còn gọi là chai gan và ung thư gan. Nhìn chung, nên ăn nhiều rau quả tươi, chất xơ, hạn chế chất béo, thịt đỏ... Tốt nhất là có sự tư vấn về dinh dưỡng của bác sĩ trong những trường hợp đặc biệt.

Về những dấu hiệu nào để biết mình bị ung thư gan, đa số trường hợp triệu chứng đầu tiên thường là đau tức hoặc khó chịu ở dười bờ sườn phải. Đôi khi, đau lói ra sau lưng hoặc lên vai, đau vùng chấn thủy xảy ra khi bướu to và ở thùy bên trái. Khởi đầu thường là triệu chứng đau âm ỉ nhưng đôi khi cũng có những cơn đau đột ngột, cấp tính do bướu vỡ gây xuất huyết nội. Các triệu chứng khác như trướng bụng, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn, rối loại tiêu hóa...

Bác sĩ khám sẽ thấy gan to là triệu chứng rất thường gặp - từ 50-90% trường hợp ung thư gan. Có nước trong bụng - có từ khoảng 30-60% trường hợp. Sốt, suy kiệt, vàng da, nổi những gân máu ớ da vùng bụng... Sau đó, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm để khẳng định thêm như siêu âm vùng bụng, thử một loại protein phôi thai (AFP) hoặc bác sĩ có thể chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm để xem trên kính hiển vi loại tế bào ung thư hay không. Các xét nghiệm khác bác sĩ có thể làm thêm như chụp CT vùng bụng cũng như các xét nghiệm về chức năng hoạt động của gan.

* Điều trị viêm gan siêu vi B bằng thuốc Tây hay thuốc Nam sẽ tốt hơn? Nếu uống thuốc Tây thì thời gian là bao lâu thì hết bệnh? (LÊ ĐÌNH LONG, 29 tuổi, ledinhlong1982@... )

- ThS ThS.Bs Lê Thị Tuyết Phượng: Hiện nay việc điều trị viêm gan siêu vi B có các loại thuốc chính thức được FDA công nhận gồm các loại thuốc uống diệt siêu vi và Interferon, Peg - Interferon. Tuy nhiên chỉ định và chọn lựa loại thuốc nào tùy từng trường hợp cụ thể phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. Một vài loại thuốc hỗ trợ có thể sử dụng nhưng hiệu quả chưa được ghi nhân rõ ràng.

Thời gian điều trị viêm gan siêu vi B mạn khó xác định cụ thể, tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên ít nhất là phải vài năm. Trong quá trình điều trị bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ gây tình trạng bùng phát siêu vi và kháng thuốc gia tăng tỉ lệ tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan...

* Ba tôi năm trước có bị viêm gan siêu vi B hay C gì đó, chỉ biết là phải chích thuốc và điều trị 1 năm. Mỗi tháng chích 4 lần, chi phí mỗi tháng 18-20 triệu đồng. Liệu ba tôi có chắc chắn hết bệnh? Và làm cách nào để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh? Cám ơn. (Lâm Thành Chiến, 20 tuổi, vokj_kaka@...)

- BS Nguyễn Hữu Chí: Thông tin về tình trạng bệnh của ba bạn quá sơ sài nên chúng tôi không rõ loại viêm gan cũng như mức độ bệnh nên khó có câu trả lời chính xác. Hiện nay, đối với viêm gan siêu vi B hay C điều có thể điều trị bằng thuốc chích, nhưng cách sử dụng có đôi chút khác nhau và kết quả phụ thuộc rất nhiều yếu tố: chẩn đoán muộn, thể bệnh, tuổi tác, bệnh kèm theo...

* Tôi đi khám bệnh và xét nghiệm, kết quả báo tăng men gan. Vậy có bị viêm gan không? (Nguyễn Văn Hòa, 30 tuổi, nvhoa1983@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Chào bạn, tăng men gan chưa hẳn đã bị viêm gan, đó chỉ là yếu tố gợi ý, bạn cần làm thêm một số xét nghiệm khác do bác sĩ chỉ định để xác định tình trạng gan của mình.

* Viêm gan siêu vi C và siêu vi A nguy hiểm như thế nào? (Ánh Hoa, 28 tuổi, Auhoa... @... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Bệnh viêm gan siêu vi A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, biểu hiện bệnh chủ yếu vào giai đoạn cấp tính, không để lại hậu quả và dư chứng lâu dài về sau.

Bệnh viêm gan siêu vi C thường diễn tiến mạn tính, kéo dài trong nhiều chục năm. Biến chứng quan trọng nhất là xơ gan và ung thư gan, vì thế đây là bệnh có nhiều nguy cơ tử vong. Với tình hình dịch nhiễm HIV lan rộng, mức độ nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C cũng có khuynh hướng gia tăng.

* Em bị viên gan B mạn tính, uống thuốc BARACLUDE từ năm 2007. Uống liên tục khoảng 15 tháng và định lượng thì dưới ngưỡng phát hiện. Cứ khoảng 4 tháng định lượng 1 lần, lúc có em uống thêm một thời gian, đến lúc không phát hiện nữa thì uống thêm 2 tháng là ngưng.

Cuối năm 2010 em định lượng thì phát hiện bị lại và uống thuốc đến nay nhưng 3 lần định lượng vi rút giảm không đáng kể. Xin bác sĩ cho biết có phải vi rút đã lờn thuốc? Hiện có thuốc nào điều trị tốt mà rẻ tiền hơn? Em thấy kết quả ghi là: 271000 CSBT/ngưỡng 300 copies/ml. Vậy số VR của em là/ml máu hay toàn bộ trong cơ thể. Xin cảm ơn. (NGÔ LỢI, 38 tuổi, LOIDOOR@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Baraclude là loại thuốc có hoạt lực chống siêu vi B mạnh. Tuy nhiên trên người đã sử dụng Lamivudin và bị kháng thuốc thì hiệu quả không cao. Khi đang điều trị trên 6 tháng mà mật độ siêu vi trên 100000copies/ml có thể nghi ngờ là đáp ứng virut kém, nếu em dùng thuốc liên tục đúng thời điểm trong ngày (cùng thời điểm và cách xa bữa ăn), không có bị gián đoạn. Em không nên tự điều trị mà cần được theo dõi và quyết định trị liệu của bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay trên thị trường có Entecavir với rất nhiều biệt dược khác nhau, là loại thuốc tương đương sinh học như Baraclude, có giá thành thấp hơn.

* Người bị viêm gan B mạn tính thì cần làm gì để giữ sức khoẻ tốt? Ăn uống như thế nào? Tập thể thao các môn gì? Uống thêm thuốc gì để bồi bổ cho gan? Cảm ơn. (Nguyễn thị kim Chi, 30 tuổi, nhoc_ot_0503@... )

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Người bị nhiễm siêu vi B mạn tính cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Theo dõi và tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

+ Hạn chế tối đa các chất kích thích như rượu bia các loại nước có gas, các loại hóa chất, các loại phụ gia thực phẩm.

+ Hạn chế chất béo động vật.

+ Tập thể dục đều đặn.

+ Không sử dụng bất ký loại thuốc gì nếu không có chỉ định của bác sĩ đặc biệt các loại thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc ngủ...

Hiện nay có vài nghiên cứu ghi nhận sử dụng cà phê, chocolate đen có thể tốt cho những người có bệnh lý gan, hạn chế tỷ lệ dẫn đến xơ gan.

* Có phải bệnh viêm gan B gây nên ung thư gan không? (Nguyễn Minh Đại, 38 tuổi, conho.nguyenminh@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Ung thư gan là một trong những bệnh phổ biến nhất và có thể gặp mọi nơi trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Người ta ước tính có khoảng hơn 1.200.000 ca ung thư gan mới mỗi năm trên toàn thế giới.

Theo số liệu mới nhất của thống kê ghi nhận ung thư trên toàn cầu (GLOBOCAN 2008) thì ở VN ung thư gan đứng hàng đầu trong năm bệnh ung thư thường xảy ra nhất ở cả hai giới. Tần xuất bệnh thay đổi rất nhiều ở các khu vực địa lý. Tần suất bệnh cao nhất ở châu Á và châu Phi, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Người ta nhận thấy, ở thành thị, ung thư gan xảy ra nhiều hơn ở nông thôn do môi trường chật chội, ẩm ướt, thức ăn dễ bị nhiễm độc tố...

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan gồm có: nhiễm HBV (tức viêm gan B), viêm gan C, xơ gan, nhiễm các độc tố như nấm Aspergillus flavus và chất aflatoxin... có thể tìm thấy trong nhiều loại ngũ cốc bị quá hạn, đặc biệt ở các nước có khí hậu nóng ẩm - đây là yếu tố nguy cơ ung thư gan đặc biệt nghiêm trọng ở những người mang mầm bệnh HBV mãn tính. Như vậy, bệnh viêm gan B là một trong những yêu tố nguy cơ quan trọng gây ung thư gan.

* Cách phòng tránh bệnh viêm gan siêu vi B, C? Tầm soát bệnh viêm gan như thế nào là đúng? (Trần Anh Tuấn, 44 tuổi, huy...@... )

- ThS.Bs Lê Thị Tuyết Phượng: VGSV B, C lây qua ba đường máu, tình dục và mẹ truyền cho con. Vì vậy để phòng ngừa chúng ta lưu ý các vấn đề sau:

1/ Không tiêm chích, sử dụng chung những vật dụng có khả năng dính máu với người khác

2/ Không sử dụng ma túy

3/ Quan hệ tình dục an toàn

4/ Thăm khám thai và tuân theo chỉ dẫn của BS khi mang thai đặc biệt ở những bà mẹ mang thai có nhiễm virus B, C.

* Tầm soát bệnh viêm gan: Xét nghiệm máu để tầm soát người bị nhiễm.

Nếu xét nghiệm máu nghi ngờ có nhiễm siêu vi viêm gan B, C nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được tư vấn cụ thể hơn.

* Bệnh viêm gan B có thể điều trị khỏi được không? Phác đồ điều trị như thế nào, kéo dài bao lâu? Ở VN có những trung tâm nào điều trị bệnh viên gan B hiệu quả? Cảm ơn bác sĩ. (trần trung long, 21 tuổi, changngoctimvo90@... )

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Viêm gan siêu vi B có 2 dạng:

+ Cấp tính: có thể khỏi bịnh hoàn toàn và tạo được kháng thể miễn dịch suốt đời. Việc điều trị trong giai đoạn cấp đa số chỉ cần nghỉ ngơi và các biện pháp hỗ trợ thích hợp.

+ Mạn tính:

Dạng không hoạt động chỉ cần theo dõi định kỳ chưa cần điều trị đặc trị.

Dạng hoạt động tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị đặc trị uống (Lamivudin, adefovir, entercavir, tenofovir,...) hoặc chích (Interferon hoặc Peg - interferon). Thời gian điều trị tùy từng trường hợp cụ thể nhưng thường phải kéo dài từ một đến vài năm thậm chí một số trường hợp phải điều trị suốt đời.

* Kháng thể kháng siêu vi C gây viêm gan tồn tại trong máu bao lâu? Kháng thể này có khả năng giúp cơ thể tránh tái nhiễm siêu vi C hay không? Vì sao trong bệnh viêm gan thì hay có Ferritine máu cao? Xin cảm ơn. (Nguyễn Quốc Hội, 40 tuổi, quoc...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Đối với các trường hợp nhiễm viêm gan siêu vi C, kháng thể Anti-HCV xuất hiện khoảng 3 tháng sau khi tiếp xúc với siêu vi C và tồn tại trong nhiều năm. 10-15% người nhiễm có kháng thể Anti-HCV nhưng không có siêu vi C trong máu. Muốn hạn chế khả năng tái nhiễm, cách tốt nhất là không tiếp xúc với siêu vi C qua các đường: máu và các phẩm vật của máu, các vật dụng bén nhọn có dính máu, quan hệ tình dục không an toàn.

Đối với những trường hợp bệnh gan có nồng độ Ferritine trong máu cao thường có liên quan đến đáp ứng không tốt với điều trị và có thể liên quan phần nào đến biến chứng.

* Tôi là nam giới, năm nay 23 tuổi. Theo kết quả xét nghiệm tôi nhiễm cả siêu vi B lẫn siêu vi C. Hiện nay tôi vẫn đi khám bệnh định kỳ, và theo như lời các bác sĩ thì do chức năng gan tôi vẫn bình thường nên chỉ theo dõi chứ không đặc trị. Tôi lo lắng, muốn các bác sĩ tư vấn là có cách nào để sau này lấy vợ, vợ và con tôi sẽ không bị lây bệnh từ tôi không? Xin chân thành cảm ơn. (Một bạn nam giấu tên, 23 tuổi, nhanqu...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Đối với việc lây nhiễm viêm gan siêu vi C qua các quan hệ vợ chồng, theo các nghiên cứu khoa học, là tương đối thấp. Nhiều cặp vợ chồng chung sống trong nhiều năm, tỉ lệ lây nhiễm không vượt quá 5%. Lây niễm siêu vi C từ mẹ sang con cũng rất thấp nên bạn đừng quá lo lắng.

Đối với việc lây nhiễm viêm gan siêu vi B, lây nhiễm qua quan hệ quan hệ vợ chồng tương đối cao. Đồng thời, viêm gan siêu vi B lại có thuốc chủng ngừa hiệu quả. Bạn nên đưa vợ đến trung tâm y tế để xác định xem có bị nhiễm siêu vi B từ trước không? Nếu không nhiễm, vợ bạn có thể được chích ngừa và như thế vợ bạn sẽ không bị nhiễm viêm gan siêu vi B từ bạn và cũng sẽ không lây nhiễm cho con bạn về sau này.

* Sau khi chữa khỏi bệnh viêm gam siêu vi B, tôi có thể chích ngừa viêm gam B được không? (Phạm Văn Thụy, 59 tuổi, phamvanthuy52@... )

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Khi bị nhiễm siêu vi B mạn tính mục tiêu điều trị là làm sao thải trừ được virut đến mức không phát hiện được trong máu, hạn chế tối đa gây tổn thương gan, hạn chế tỉ lệ xơ gan, ung thư gan.

Tỉ lệ chữa khỏi hẵn siêu vi B mạn tính rất rất thấp (được gọi là khỏi hẵn bịnh khi HbsAg (-) anti Hbs (+)), khi đã có anti Hbs nghĩa là bạn đã khỏi bịnh và không cần phải chích ngừa.

* Xin bác sĩ cho biết những biểu hiện nhận biết sớm của bệnh viêm gan siêu vi A, B và C. Khi đã nhiễm vi rút viêm gan siêu vi thì có thể tiêm ngừa được nữa không? Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ đến các bác sĩ. (Hoàng Thành, 33 tuổi, tancongdhtl@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Đa số các bệnh viêm gan siêu vi A, B, C đều không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên làm xét nghiệm để xác định.

Hiện nay, chúng ta chỉ có thuốc chủng ngừa đối với 2 loại bệnh viêm gan A và B. Đối với những trường hợp đã nhiễm phải siêu vi A, người nhiễm thường có kháng thể bảo vệ nên không cần thiết phải chích ngừa. Đối với những người đã nhiễm phải siêu vi B, cần làm xét nghiệm kiểm tra để xác định xem có nên chích ngừa hay không. Nếu người này vẫn còn mang kháng nguyên của siêu vi B, cần được theo dõi thường xuyên. Đối với những người đã có kháng thể chống siêu vi B ở mức độ cao thì cũng không cần thiết phải chủng ngừa.

* Thưa Ts. BS Phạm Thị Lệ Hoa. Trước đây khoảng 2 tháng tôi có đi xét định lượng viêm gan B, C tại bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, kết quả định lượng cho thấy tôi bị nhiễm viêm gan siêu vi C(344coppies/100coppies).

Sau đó khoảng 1 tháng tôi có định lượng lại lần 2 tại Trung tâm Á Châu TP. HCM, kết quả không phát hiện mẫu bệnh viêm gan siêu vi C (ngưỡng phát hiện của máy đo là 300 coppies). Xin hỏi, như vậy tôi có bị nhiễm viên gan C không? Nếu có thì điều trị thế nào? Thời gian và chi phí ra sao? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thanh Bình, 34 tuổi, thanhbinhtnxp@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bệnh nhân nhiễm virut viêm gan C với HCV-RNA dương tính được xem là nhiễm siêu vi có hoạt tính. Nếu có kèm men gan tăng cần được cân nhắc điều trị để tránh biến chứng. Trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm viêm gan C có 40 đến 70% trường hợp tự đào thải được virut và biến mất HCV-RNA trong máu. Tuy nhiên dấu ấn antiHCV ở trong máu vẫn còn dương tính và không có ý nghĩa virut còn hoạt tính và không cần phải điều trị.

Hiện nay có nhiều kỹ thuật xét nghiệm HCV-RNA với ngưỡng phát hiện khác nhau. Xét nghiệm lần 1 là 344Copies/ml là ở mức thấp, vì vậy có thể không phát hiện được nếu sử dụng kỹ thuật với ngưỡng là 300copies/ml. Như vậy bạn có nhiễm virut viêm gan nhưng có thể đang đào thải được virut. Bạn có thể xét nghiệm kiểm tra HCV-RNA sáu tháng sau để bảo đảm kết quả xét nghiệm âm tính.

* Chào BS Trần Nguyên Hà cho hỏi thăm giữa triệu chứng đau dạ dày và ung thư gan khác nhau ở chỗ nào? Sao có những người đau dạ dày cũng bị đau nơi vùng bụng giống như đau ung thư gan? (Nguyễn Hữu Lộc, 44 tuổi, nhloc1667@... )

l9IRfR7m.jpgPhóng to
BS Trần Nguyên Hà - trưởng khoa nội 4 Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

- BS Trần Nguyên Hà: Bạn có thể tham khảo ở các phần trả lời trên về triệu chứng ung thư gan. Ung thư gan thường có triệu chứng đau ở bờ sườn bên phải, khi bướu ở gan lớn hoặc ở vị trí thùy bên trái của gan thì người bệnh có thể đau ở vị trí như đau dạ dày. Đặc biệt ung thư gan ở thời kỳ đầu thường không đau hoặc chỉ đau mông lung, âm ỉ vì gan ít có dây thần kinh cảm giác. Khi bệnh đã nặng, bướu to làm căng vỏ bao gan thì mới có triệu chứng đau nhiều.

Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để bác sĩ cho chỉ định làm siêu âm bụng, để loại trừ bướu hoặc ung thư ở gan.

* Tôi bị bệnh viêm gan siêu vi B cách nay khoảng 2 năm. Khi khám ở Bệnh viện nhiệt đới, bác sĩ không cho thuốc uống mà chỉ kêu định kì 3 tháng hoặc 6 tháng đi xét nghiệm máu. Vậy bệnh của tôi có nặng không? Ở nhà tôi có mua một số thuốc như Giải độc gan Tuệ linh, Diệp hạ châu u uống có được không?(ĐĂNG HƯƠNG, 30 tuổi, phancao...@...)

- ThS.Bs Lê ThS Thị Tuyết Phượng (Phó khoa Nội tiêu hóa BVND 115): Viêm gan siêu vi B đa số ở dạng không hoạt động, không cần điều trị đặc trị. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân nhiễm siêu vi B ở dạng không hoạt động sẽ chuyển sang dạng hoạt động. Vì vậy tuy không điều trị đặc trị bạn vẫn phải theo dõi định kỳ từ 3 đến 6 tháng để phát hiện kịp thời nếu bịnh chuyển sang dạng hoạt động hoặc có nguy cơ viêm gan mạn. Các loại thuốc chiết xuất từ cây Diệp hạ châu đắng có thể sử dụng được nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.

* Cách tốt nhất để kiểm tra xem có nhiễm virus viêm gan siêu vi B hoặc C không là gì? Tiêm ngừa virut siêu vi B và C sao cho hiệu quả vì tôi nghe một bác sĩ nói có loại tiêm 1 lần, có loại tiêm mấy lần? - Những bệnh viện y tế vùng sâu vùng xa cấp huyện như Phú Quốc, có đáng tin để xét nghiệm và tiêm ngừa virus viêm gan B hoặc C không? Vì tôi thấy rất nhiều người có tiền ở đây đều đi đất liền xét nghiệm và chữa bệnh. (NGUYỄN HỮU BẢO, 31 tuổi, bao.phuquoc@)

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng:

Cách tốt nhất để kiểm tra xem có nhiễm siêu vi B hay C không là cần làm xét nghiệm máu.

Hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa siêu vi C.

Thuốc chủng người siêu vi B đã có từ lâu và mang lại hiệu quả rất cao. Phác đồ chủng ngừa tùy một số trường hợp, có thể 0-1-6, 0-1-2-12. Việc chủng ngừa có thể nhắc lại một mũi sau 5-8 năm tùy lượng kháng thể có trong máu.

Tất cả những Trung tâm y tế hoặc bệnh viện có điều kiện bảo quản thuốc chủng ngừa đều có thể chích ngừa được không cần đi đến những nơi xa khác.

* Tôi năm nay 21 tuổi. Cách đây 9 tháng, tôi đi xét nghiệm viêm gan siêu vi B tại viện Pasteur và kết quả là dương tính nhưng bác sĩ không cho thuốc, nói là chỉ theo dõi, sau 6 tháng sau thì xét nghiệm lại.

Vào ngày 18-2 vừa rồi, tôi đi xét nghiệm lại và kết quả là dương tính 910,4(HBeAg, S/Co<1)và bác sĩ vẫn không cho thuốc uống. Tôi muốn hỏi là với tình trạng như vậy tôi có cần điều trị thuốc không? Và tôi đang ở giai đoạn nào của bệnh, nên làm gì để bệnh không chuyển biến xấu hơn? (Diễm, 21 tuổi, diembluesky@...)

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Bạn bị nhiễm siêu vi B nhưng ở dạng không hoạt động nên chỉ cần theo dõi chưa cần điều trị đặc trị. Trong trường hợp của bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

Vẫn phải khám và theo dõi định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng.

Hạn chế những thói quen hoặc sử dụng những thực phẩm không tốt cho gan (bạn tham khảo ở các câu trả lời khác có liên quan).

Khi lập gia đình và dự định có thai bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có những tư vấn thích hợp, hạn chế sự lây nhiễm cho bạn đời và con cái sau này.

Lưu ý những hành vi có thể lây nhiễm cho những người xung quanh đặc biệt không sử dụng chung những vật phẩm có khả năng dính máu như: cắt móng tay, dao cạo, bàn chải đánh răng... với người khác.

Phải báo cho bác sĩ biết tình trạng nhiễm siêu vi B của bạn đặc biệt khi thực hiện một vài thủ thuật như nhổ răng... để bác sĩ lựa chọn những phương pháp hạn chế ảnh hưởng đến gan của bạn và hạn chế sự lây nhiễm cho người xung quanh.

* Theo tôi được biết Viêm gan C type 1 rất khó điều trị. Hiện nay một số nước đã ứng dụng phương pháp Plasmapheresis để hỗ̉ trợ điều trị cho các bệnh nhân này và mang lại hiệu quả rất khả quan, không biết các bác sĩ có quan tâm vối phương pháp này? (Nguyen thang Long, 37 tuổi, longth...@...)

- BS Nguyễn Hữu Chí: Theo hiểu biết của chúng tôi, phác đồ điều trị tốt nhất hiện nay đối với bệnh viêm gan siêu vi C là phối hợp PEG-INTERFERON alpha + RIBAVIRIN. Chúng tôi không có kinh nghiệm về cách sử dụng Plasmapheresis trong bệnh viêm gan siêu vi C.

* Vừa rồi em có làm xét nghiệm chức năng gan và xét nghiệm viêm gan, siêu âm bụng, chụp CT cắt lớp có cản quang ở BV Hòa Hảo và phát hiện bị viêm gan siêu vi B, có khối u khoảng 50mm trong kết luận của các BS là u gan. Em có cần phải mổ không? Khi mổ thì thời gian bình phục bao lâu? (Tuấn Anh, 36 tuổi, tuananhdriver@... )

- BS Trần Nguyên Hà: U gan có thể lành hoặc là ung thư. Tùy theo hướng chẩn đoán của bác sĩ qua lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và các dấu hiệu sinh hóa, sinh học để quyết định có mổ hay không. Em nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được tư vấn thêm.

* Tôi chích ngừa viêm gan siêu vi B được hai lần, lần thứ ba cách sau đó một năm vì công việc tôi quên không chích. Như vậy có tác dụng gì không? Xin cảm ơn. (nguyen hoang viet, 36 tuổi, vietnguyenhoang76@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bạn nên đi kiểm tra antiHBs. Nếu antiHBs trên 10 UI/L là bạn đã có kháng thể. Khi antiHBs vượt trên 100 UI/L là miễn dịch của bạn đủ mạnh để được bảo vệ khi có tiếp xúc với virut và không cần chủng ngừa thêm. Trường hợp nghề nghiệp của bạn có nguy cơ nhiễm virut viêm gan B cao (y tế, cán bộ trại giam,...) bạn cần duy trì antiHBs trên 100 UI/L. Nếu bạn chưa đạt được mức kháng thể nói trên thì có thể chủng ngừa nhắc lại một liều và kiểm tra kháng thể 1 tháng sau khi tiêm.

* Khi đến giai đoạn ung thư gan là bó tay phải không bác sĩ? (nguyen thi mao, 78 tuổi, haiannguyenvanan@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Tùy theo giai đoạn của bệnh mà tiên lượng của người bị bệnh ung thư gan có khác nhau. Nếu phát hiện sớm bướu còn nhỏ và không có bệnh lý gan khác đi kèm như xơ gan thì phẫu thuật là phương pháp có thể điều trị tận gốc.

Nếu không phẫu thuật được, thì cũng có những phương pháp khác để điều trị như là TOCE, TACE, phẫu thuật đông lạnh, diệt bướu bằng sóng cao tần... cũng có ích cho một số trường hợp thích hợp. Ngoài ra mới đây người ta còn điều trị ung thư gan giai đoạn trễ bằng thuốc sinh học hay còn là liệu pháp nhắm trúng đích. Thuốc này khi vào cơ thể làm ngăn chặn đường dẫn truyền tín hiệu làm bướu phát triển cũng như ngăn chặn sự phát triển của những mạch máu tới nuôi bướu.

* Tỉ lệ người mắc bệnh viêm gan C chuyển sang ung thư gan là bao nhiêu phần trăm? (nguyễn văn minh, 30 tuổi, minhhoangbt@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Bên cạnh nhiễm viêm gan B, bệnh viêm gan C được coi là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan ở các nước phát triển như ở Nhật, Mỹ... Người ta nhận thấy sự gia tăng ung thư gan trong ba thập kỷ qua ở Nhật là do HCV. Tỉ lệ nhiễm HCV ở các nước này rất cao, từ 40-80%, tuy nhiên tại VN, tình trạng nhiễm HCV ở người ung thư gan không cao. Qua khảo sát hơn 300 bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thì chỉ có khoảng 3% bị nhiễm HCV.

Như vậy tại VN, tỉ lệ nhiễm HCV không cao. Tuy nhiên, khi bị nhiễm HCV cần phải được điều trị đúng mức vì nguy cơ ung thư gan ở người bị nhiễm HCV cao hơn HBV.

* Chồng tôi bị viêm gan B từ lúc lọt lòng (di truyền từ mẹ), tôi thì không bị do có tiêm ngừa. Hiện tại tôi đang mang thai được 7,5 tháng. Xin hỏi BS sau này con tôi có bị viêm gan B như bố hay không? (Nguyễn Cát Tường, 28 tuổi, cattuong@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bệnh viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con nếu mẹ mang virut viêm gan B lúc có thai. Bạn đã có tiêm ngừa và bạn đã có kháng thể antiHBs, tức là bạn đã được bảo vệ với viêm gan B. Con của bạn không bị ảnh hưởng bởi tình trạng nhiễm siêu vi B của bố. Sau khi sinh con bạn vẫn cần được chích ngừa siêu vi B bắt buộc như trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tránh nhiễm siêu vi từ mọi nguồn lây khác.

* Tôi bị viêm gan B, có nên uống thuốc Diệp hạ châu BVP không? Cám ơn bác sĩ. (Lương văn Nhiền, 1972 tuổi, luongvan.nhien@... )

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Diệp hạ châu đắng có thể sử dụng cho người bị viêm gan B nhưng không phải là thuốc điều trị đặc trị.

* Tôi 32 tuổi, bị VG B mãn tính trên 20 năm, khám siêu âm mỗi 3 tháng/ lần và điều trị bằng Baraclude 1v/ ngày cùng với 2v Garis (hoặc thay bằng Dusmarus, …) từ năm 2007 đến nay.

Ban đầu test HBV-DNA phát hiện virus 5 triệu đv, sau đó giảm còn 2,5tr, sau đó âm tính trong vòng 1 năm cho đến nay. Hiện nay tôi vẫn duy trì điều trị và khám đều đặn, HBV-DNA âm tính, kết quả siêu âm tốt, chỉ bị gan nhiễm mỡ nhẹ (men gan AST không cao, ALT cao hơn chuẩn nhưng không nhiều). Quý Bác sĩ cho hỏi tôi phải điều trị bao lâu nữa, có dừng sử dụng thuốc được không ạ? Chân thành cám ơn. (Hoang, 32 tuổi, huhu68...@...)

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Baraclude là thuốc điều trị đặc trị viêm gan B, thời gian điều trị và chỉ định ngưng điều trị không chỉ dựa vào HBV_DNA, men gan mà còn, dựa vào HbeAg, antiHbe và HbsAg, antiHbs. Do vậy việc chỉ định ngưng điều trị bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đang điều trị cho bạn để có câu trả lời chính xác nhất.

* Tôi bệnh viêm gan C, trị bằng Pegasys và uống Ribavirin nhưng không đáp ứng. Nay tôi đọc trên mạng thấy có loại thuốc Telaprevir, Boceprevir (Mỹ) vậy tôi có nên dùng không? Nếu được thì trị bao lâu? (Trần văn phương bình dương, 1957 tuổi, phongba...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Qua những hội nghị quốc tế gần đây, hai loại thuốc trên có thể phối hợp với điều trị chuẩn (pegasys+ ribavirin ) cho kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, những loại thuốc này chưa được tung ra trên thị trường quốc tế và VN.

* Vợ tôi bị nhiểm viêm gan siêu vi B trước khi có thai, nay con trai tôi 1 tuổi. Con tôi có bị nhiễm viêm gan không? Tôi đã chích thuốc ngừa viêm gan, xét nghiệm đã có kháng thể. Vậy tôi có bị lây nhiễm viêm gan từ vợ không (vợ chồng tôi quan hệ tình dục bình thường)? (Nguyễn Văn Cang, 36 tuổi, vancang1205@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bạn đã được chích ngừa và có kháng thể nên không còn lo ngại bị lây nhiễm siêu vi B. Nếu khi mang thai vợ bạn có HBeAg dương tính thì có thể truyền siêu vi B cho con. Tuy nhiên hiện nay tất cả các bé sanh từ mẹ bị nhiễm siêu vi B đều được chích văcxin và dùng HBIg ngay sau sanh để được bảo vệ trong tháng đầu đời. Con trai của bạn cần được xét nghiệm HBsAg và antiHBs sau 18 tháng để bảo đảm việc chủng ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng là hiệu quả và có kháng thể bảo vệ.

* Tôi uống rượu nhiều có phải là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm gan siêu vi không? (paul, 23 tuổi, quocuy...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Bia rượu gây nên hậu quả nhiều mặt và nhiều nơi trên cơ thể của bạn chứ không hẳn chỉ riêng ở gan. Siêu vi gây viêm gan là nguyên nhân khác. Nếu cùng lúc bị viêm gan siêu vi và uống quá nhiều bia rượu sẽ gây ra nhiều hậu quả trầm trọng hơn. Tốt nhất, bạn nên hạn chế tối đa bia rượu để giảm bớt nguy cơ và có sức khỏe tốt hơn.

* Khả năng chuyển từ viêm gan siêu vi B tới ung thư gan là chắc chắn hay tùy vào từng điều kiện chủ quan của mỗi bệnh nhân? Thời gian là bao lâu? Khả năng di truyền của bệnh có hay không? Nếu chích ngừa lúc chưa bị nhiễm bệnh thì khả năng mắc bệnh có là 0%? (Kiều Mạnh Trường, 19 tuổi, kmt_tix92@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Như đã trả lời ở trên, viêm gan siêu vi B chỉ là yếu tố nguy cơ cao chứ không phải là nguyên nhân gây ra bệnh nên khả năng chuyển từ viêm gan siêu vi B tới ung thư gan không phải là chắc chắn mà còn tùy vào điều kiện chủ quan của bệnh nhân như em nói.

Viêm gan mạn tính cho dù bất cứ nguyên nhân nào (như do siêu vi, do rượu, do độc tố... ) đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan. Một lối sống và chế độ ăn thích hợp cũng như việc chủng ngừa viêm gan siêu vi B được cho là giải pháp hợp lý để phòng ngừa ung thư gan tại VN.

* Tôi bị viêm gan siêu vi B và đã uống thuốc được nửa năm. Tuy nhiên, việc uống thuốc không đều đặn vì bệnh viện cách nhà khá xa, không tiện cho việc đi khám và lấy thuốc. Vậy bệnh của tôi có bị nặng thêm không? Nếu chỉ uống thuốc thì có điều trị dứt điểm không? Viêm gan B có dẫn đến ung thư gan? (Lê Mạnh Hùng, 45 tuổi, lethuy_nt2112@... )

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bệnh nhân viêm gan B khi có chỉ định điều trị cần tuân thủ điều trị tốt (uống thuốc đúng giờ, không bỏ cử thuốc). Nếu bệnh nhân tuân thủ tốt và kiểm soát được virut, mất HBeAg thì có thể ngừng điều trị để theo dõi giám sát virut. Việc điều trị không liên tục sẽ dẫn đến kháng thuốc làm tăng chi phí điều trị và hạn chế thành công. Ngoài ra kháng thuốc còn dẫn đến những đợt viêm gan bùng phát có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc là diễn tiến nhanh đến xơ gan, ung thư gan.

Khi bệnh nhân kháng thuốc thì phải thay đổi phác đồ hoặc phối hợp thêm thuốc. Hiện nay chỉ có 4 nhóm thuốc để điều trị viêm gan B nên nhiều trường hợp việc điều trị trở nên nan giải vì không có thuốc khác để thay thế. Bạn không nên ngưng điều trị hoặc tự ý thay đổi thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

* Cách đây 2 năm tôi đi xét nghiệm máu và phát hiện HBsag , bác sỹ nói chưa cần điều trị, 6 tháng sau đến tái khám. Tuy nhiên, vì nghĩ có điều trị cũng không khỏi nên 2 năm qua tôi không đi khám lại. Hằng ngày tôi vẫn tập thể dục đều đặn, ăn ngủ rất tốt liệu như vậy có đẩy lùi được bệnh. Tôi sắp lấy vợ (vợ đã tiêm ngừa viêm gan B, C) vậy viêm gan có ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con không?. Cảm ơn bác sỹ.(Phi, 29 tuổi, cub....@...)

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Như đã trả lời ở các câu trả lời khác có liên quan, người mang virus viêm gan B mạn không hoạt động có thể vẫn chuyển sang dạng hoạt động gây viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan.

Viêm gan siêu vi B được gọi là tên giết người thầm lặng, vì diễn biến rất âm thầm không biểu hiện triệu chứng gì chỉ đến khi có biến chứng nặng nề thì mới biểu hiện rõ gây khó khăn và giảm hiệu quả điều trị. Vì vậy, bắt buộc bạn phải theo dõi định kỳ từ 6-12 tháng.

Nếu vợ bạn đã chích ngừa viêm gan B và có đủ kháng thể bảo vệ thì sẽ không bị lây nhiễm từ bạn.

Nhiễm viêm gan B ở dạng không hoạt động sẽ không ảnh hưởng đến tinh trùng hoặc khả năng có con, tuy nhiên nếu viêm gan mạn hoặc xơ gan thì sẽ có ảnh hưởng.

* Xét nghiệm HBsAg: NEG;S/Co=0.14 ( so với csbt NEG: S/Co<1)); Anti-HBs: 102 ( so với csbt: <10 mUI/ml); Anti - HCV : NEG:S/Co = 0.17 ( so với csbt NEG: S/Co<1). Tôi không có thói quen thường dùng rượu, bia, tuy nhiên làm việc khá căng. Xin các bác sĩ chuyên gia cho biết tôi có nguy cơ viêm gan ( A , B , C ) không? Các bác sĩ có thể cho tôi biết hướng điều trị tình trạng gan của tôi hiện nay (tôi hiện dùng thuốc VieGan_B , Bididi theo toa thuốc BHYT của bệnh viện). Dùng viên Omega3 có tác dụng trong trị gan nhiễm mỡ không. Xin cảm ơn. (Vũ Đức Hòa, 48 tuổi, vuduchoa...@...)

- BS Nguyễn Hữu Chí: Với kết quả xét nghiệm của bạn, may mắn là bạn không bị nhiễm phải siêu vi B mà đã có kháng thể chống được siêu vi B (không cần thiết phỉ chích ngừa nữa), không bị nhiễm viêm gan siêu vi C. Bạn lại không có thói quen dùng bia rượu, vì vậy, bạn sẽ không gặp những bất lợi do siêu vi B, C và bia rượu gây nên.

Các loại thuốc mà bạn vừa nêu chỉ là những thuốc điều trị triệu chứng hoặc bổ dưỡng chưa có bằng chứng xác định hiệu quả cụ thể. Tốt nhất, muốn xác định tình trạng gan nhiễm mỡ, bạn nên đến bệnh viện hoặc trung tâm chuyên khoa.

* Viên gan B mạn tính điều trị một năm, xét nghiệm men gan ở trong khoảng cho phép thì có nguy cơ bị xơ gan hay ung thư gan không? (Hà Dũng, 48 tuổi, kimhoangtttm@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Xét nghiệm men gan ở trong khoảng cho phép thì không thể hoàn toàn yên tâm. Bạn cần phải kiểm tra đều đặn bằng các xét nghiệm khác do bác sĩ chỉ định ngoài xét nghiệm trên. Chúc bạn may mắn!

* Hiện em mang thai được 6 tháng, nhiều lần đi xét nghiệm kết quả virut cao hơn mức độ cho phép. Bác sĩ bảo chưa phải điều trị gì và bảo 3 tháng sau xét nghiệm lại. Đến lần thứ 5 vẫn vậy. Xin hỏi, nếu sinh con, em có cho con bú được không? (Trần Thị Son, 29 tuổi, kqndvn@... )

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Người mang virus siêu vi B mạn khi mang thai cần lưu ý:

+ Vẫn có thể điều trị đặc trị nếu có chỉ định (việc này phải được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa gan mật)

+ Khi sinh bác sĩ sẽ có những biện pháp cụ thể và sử dụng vacxin chủng ngừa cho em bé để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm từ mẹ sang bé.

Hiện tại chưa có khuyến cáo không cho con bú ở người mẹ mang virus B mạn tính, tuy nhiên trong quá trình cho con bú cố gắng hạn chế sự trầy sướt núm vú và miệng em bé. Nếu lo lắng bạn có thể vắt sữa mẹ vào bình cho bé bú.

* Mẹ tôi mắc bệnh viêm gan C điều trị nhiều năm rồi (chích thuốc, uống thuốc v.v..) ở các bệnh viện, trong đó có BV Nhiệt Đới nhưng vẫn không dứt. Các bác sĩ cho tôi hỏi:

1. Ở Việt Nam hiện tại có thể điều trị được dứt điểm C không?

2. Điều trị ở đâu hiệu quả? Bệnh viện nào có thể điều trị được?

3. Những loại thuốc nào hỗ trợ cầm cự hoặc tốt hơn nữa là trị được dứt bệnh loại viêm gan này?

4. Chi phí điều trị hết bao nhiêu? Và thời gian điều trị là khoảng bao lâu?

Tôi xin cám ơn các bác sĩ đã tư vấn!

(Nguyễn Cường, 28 tuổi, truongan...@...)

- BS Nguyễn Hữu Chí: Ở nước ta cũng như trên thế giới, phác đồ điều trị tốt nhất cũng không mang lại kết quả 100%. Tuy nhiên, đối với viêm gan siêu vi C, điều trị thành công là khi sau 6 tháng ngưng thuốc (thời gian điều trị tùy thuộc vào type siêu vi C) mà không tìm thấy siêu vi C trong máu của bệnh nhân.

Những trường hợp này, tỉ lệ tái phát sau 5 năm không vượt quá 1%, vì vậy có thể được xem là hết bệnh. Những loại thuốc hỗ trợ chỉ giải quyết phần nào triệu chứng và dĩ nhiên là không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Về chi phí, tùy thuộc vào các loại thuốc điều trị, thời gian điều trị cũng như mức độ bệnh.

* Tôi bị nhiễm viêm gan siêu vi B đã lâu, tuy nhiên HBeAg âm tính, SGOT <40 nhưng SGPT thì 57. Nếu tôi không lầm SGPT cao là do viêm gan B gây nên. Xin bác sĩ cho biết tôi có nên bắt đầu điều trị hay không? Chi phí có cao và khả năng hết bệnh và thời gian điều trị là như thế nào? (có thể chích ngừa được không?). Xin chân thành cảm ơn! (Nguyễn Quốc Khải, 30 tuổi, nguyenquockhai...@...)

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Nhiễm siêu vi viêm gan B với HBeAg dương tính có nghĩa virut còn hoạt tính và cần được giám sát để điều trị. Trong quá trình theo dõi SGPT tăng trên 80 U/L (loại trừ tăng do các nguyên nhân khác) mà HBeAg còn dương tính sau nhiều lần xét nghiệm lặp lại là có chỉ định điều trị đặc hiệu.

Ở người châu Á có 40 - 50% bệnh nhân viêm gan B nhưng HBeAg âm tính. Trường hợp này HBV-DNA được sử dụng như dấu ấn thể hiện hoạt tính của virut nếu mật độ HBV-DNA vẫn còn trên 100000Copies/ml. Bạn có men gan tăng nhẹ nên cần được khảo sát HBV-DNA và điều trị nếu kết quả cho thấy virut còn hoạt tính và có tổn thương gan tiến triển.

Việc điều trị bằng thuốc gì và thời gian điều trị tùy thuộc vào đáp ứng điều trị của bạn. Trường hợp đáp ứng tốt có thể ngưng điều trị sau 2 năm. Cũng có trường hợp cần điều trị kéo dài trên 5 năm. Các thuốc điều trị có trong danh mục bảo hiểm y tế.

* Có HBsAg ,SGOT, SGPT trong giới hạn bình thường, gammaGT bình thường. Vậy cho hỏi cần theo dõi như thế nào để phát hiện ung thư gan sớm nhất trên những đối tượng này? (Trấn Hiếu Phượng, 49 tuổi, bsttphuonggm@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Không biết đối tượng này có bị các yếu tố nguy cơ kể trên có thể dẫn tới ung thư gan không. Nếu có, nên khám đều đặn ở bác sĩ và làm các xét nghiệm như siêu âm, thử AFP và các xét nghiệm bổ sung khác...

* Xin cho biết phương pháp TACE là gì? Hiện đã có thuốc đặc trị tiêm dưới da để điều trị viêm gan siêu vi C mạn tính? Tôi bị viêm gan B, vậy nên tiêm thuốc đặc trị gì? Tôi đang uống thuốc Diệp Hạ Châu vì khi khám bệnh định kỳ, bác sĩ nói tôi không cần uống thuốc, chỉ cần ăn uống tránh tổn hại cho gan. (NGUYỄN NHẬT TÂM, 42 tuổi, nhattam99@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Phương pháp TACE là một kỹ thuật làm tắt mạch máu bằng hóa chất qua động mạch, được dùng trong trường hợp ung thư gan tiến triển tại chỗ nhưng không thể mổ được. Thuốc đặc trị để điều trị viêm gan siêu vi C bạn có thể tham khảo ở phần trả lời của các bác sĩ ở trên.

Tùy theo tình trạng bệnh lý của gan, việc uống thuốc thảo dược cần nên cẩn trọng vì có khi làm bệnh thêm trở nặng. Vì vậy bạn nên tuân theo lời chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.

* Tôi phát hiện nhiễm virut B vào khoảng năm 2005, không dùng phương pháp điều trị nào. Đến năm 2010 tôi có vào TP.HCM xét nghiệm, bác sĩ nói bệnh tôi bình thường, virut không hoạt động, không cần điều trị, có thể sống chung với bệnh hoặc chữa bằng phương pháp dân gian (uống cây hạ diệp châu). Xin hỏi, tôi phải làm gì để có lá gan khỏe? (không tên, 31 tuổi, khongten@... )

cMnvRsiJ.jpgPhóng to
TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa - phó chủ nhiệm bộ môn Nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Việc xác định virut viêm gan B là không hoạt động cần có hai dữ kiện là HBeAg âm tính và HBV-DNA dưới 1000copies/ml. Ngay cả trong trường hợp virut không hoạt động, người nhiễm siêu vi B cũng cần được theo dõi để bảo đảm không có tổn thương gan do virut tái hoạt. Cũng có trường hợp không có biểu hiện tổn thương gan với men gan không tăng nhưng vẫn diễn biến đến ung thư gan.

Ông cần theo dõi định kỳ ở một đơn vị khám chuyên khoa để xét nghiệm siêu âm bụng, ALT, HBsAg, HBeAg và AFP mỗi 6 tháng, HBV-DNA (mỗi 12 tháng). Ngoài ra cũng cần theo một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, ít chất béo, hạn chế bia rượu, không lạm dụng chất bột, đường và kiểm soát tốt cân nặng để tránh tổn thương gan do nhiễm mỡ.

* Tôi bị bệnh viêm gan C 20 năm nay. Thời gian gần đây, men gan của tôi cao gấp 5 lần so với bình thường, bác sĩ theo dõi cho uống thuốc nhưng không giảm. Xin hỏi, như vậy bệnh có phải là giai đoạn cuối hay không? Có cách nào điều trị khỏi không? Xin cảm ơn bác sĩ. (nguyen van tan, 41 tuổi, khon_ten...@... )

- BS Nguyễn Hữu Chí: Theo ý kiến chúng tôi, đã đến lúc bạn phải vào bệnh viện để xác định mức độ và giai đoạn bệnh, từ đó, các bác sĩ sẽ hướng dẫn những biện pháp và phương cách điều trị phù hợp cho bạn. Đừng quá bi quan, hãy cố gắng lên!

* Tôi bị bệnh viêm gan B đã hơn 2 năm, trị hoài không khỏi. Xin hỏi, bệnh này thời gian bao nhiêu lâu thì chuyển qua ung thư và tử vong? (Huỳnh chí Trung, 30 tuổi, Trungcd98@... )

- BS Trần Nguyên Hà: Không phải bệnh viêm gan B nào cũng chuyển qua ung thư gan và tử vong như bạn nghĩ. Bạn chớ quá lo lắng, nên kiên trì đi khám bệnh và tuân thủ theo việc điều trị cũng như thiết lập cho mình một chế độ ăn uống, lối sống thích hợp thì sẽ không sao cả.

Nhiều người vẫn bị viêm gan đấy thôi, quan trọng là sống với bệnh viêm gan như thế nào cho đúng, hạn chế tối đa khả năng biến chứng của nó. Chúc bạn may mắn!

* Các bác sĩ cho tôi hỏi bệnh viêm gan siêu vi B có lây qua đường ăn uống không? Nếu ăn ở chung phòng với người bi bệnh này thì nguy cơ lây lan như thế nào? Tôi xin cảm ơn! (nguyễn văn thi, 24 tuổi, nguyenvanthi...@...)

Wtw6nXwt.jpgPhóng to
ThS.BS Lê Thị Tuyết Phượng - phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

- Ths. BS Lê Thị Tuyết Phượng: Siêu vi B không lây qua đường ăn uống và những tiếp xúc thông thường như ăn chung, bắt tay, làm việc chung...

* Nên làm gi khi biết mình viêm gan B? Có nên đi khám thường xuyên không? Tôi có nên lập gia đình và sinh con không, nếu có thì cần lưu ý gì ? Xin cảm ơn bác sĩ và chương trình! (Lương Quốc Sinh, 24 tuổi, sinhauto@...)

- TS.BS Phạm Thị Lệ Hoa: Bệnh viêm gan B có thể tự giới hạn và cũng có thể điều trị được. Người bị nhiễm siêu vi B vẫn lập gia đình và có con bình thường. Tuy nhiên người nhiễm siêu vi B cần được theo dõi và điều trị khi có chỉ định nhằm ngăn ngừa biến chứng bùng phát viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Đa s

(Lâm Thanh Hùng, 23 tuổi tuổi, thanhhunglamvn@... ) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên