10/12/2010 07:00 GMT+7

Phòng khám hù người bệnh

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG

TT - Không bệnh thành có bệnh, bệnh nhẹ thành nặng. Khám bệnh mà không mua thuốc khó có đường... lui. Đó là phản ảnh của nhiều bạn đọc về phòng khám phụ khoa Trung Quốc ở số 141 Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

dIOLkYmR.jpgPhóng to
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Theo xác minh từ Sở Y tế TP.HCM, phòng khám này do bác sĩ Long Bái Vân (người Trung Quốc) đứng tên phụ trách. Chức năng hành nghề theo giấy phép là “khám chữa bệnh ngoại trú bằng phương pháp y học cổ truyền”.

Không bệnh nói có bệnh

TS.BS Lê Thị Thu Hà - phó khoa khám bệnh Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết về nguyên tắc chuyên môn, nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh ung thư thì phải làm các xét nghiệm như PAP (tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ đã có gia đình), soi cổ tử cung và sinh thiết tại vị trí tổn thương nghi ngờ mới có cơ sở để chẩn đoán, kết luận. Để điều trị một bệnh phụ khoa thông thường như nhiễm nấm candida hoặc bị viêm ở cổ tử cung thì tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân chỉ mất 700.000 - 800.000 đồng, không thể tốn kém cả chục triệu đồng.

Theo chị D., đầu tháng 11-2010 chị đến phòng khám phụ khoa Trung Quốc ở số 141 Phan Đăng Lưu khám bệnh. Sau khi đóng 20.000 đồng tiền sổ và 240.000 đồng tiền khám, chị được dẫn lên lầu khám bệnh. Người khám nói bệnh chị rất nặng, tử cung bị loét, nếu không điều trị sẽ bị ung thư.

Cách điều trị là mỗi ngày phải đến rửa, xông và uống thuốc, tiền thuốc 300.000 đồng/ngày. Khi chị D. nói không đủ tiền để điều trị, một nhân viên phòng khám bảo chị móc túi ra xem còn bao nhiêu tiền. Chị phải móc hết tiền túi ra cho họ xem và phải đóng hết số tiền này cho việc rửa, xông thuốc.

“Họ bảo tôi cố gắng chạy cho đủ 2,1 triệu đồng để tiếp tục điều trị và mua thuốc uống năm ngày. Tôi thoái thác và nói đi làm đến tối không thể quay lại mua thì họ bảo sẵn sàng chờ đến tối” - chị D. kể.

Sáng hôm sau, chị D. đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám lại. Kết quả khám cổ tử cung bình thường, rà soát ung thư cũng không có gì bất thường. Bác sĩ nói không cần uống thuốc mà chỉ cần dùng nước rửa phụ khoa.

Hù dọa khách hàng

Ngày 30-11, chúng tôi đến phòng khám phụ khoa Trung Quốc. Sau khi đóng 20.000 đồng, tôi được gọi vào phòng khám. Phòng có hai phụ nữ mặc áo blouse trắng khoảng 50 tuổi, nói tiếng Trung Quốc, hai nhân viên phiên dịch và ghi chép. Khi tôi hỏi tên bác sĩ, phiên dịch mới giới thiệu một trong hai phụ nữ lớn tuổi là “bác sĩ họ Lương”.

Sau khi xem mạch và nghe tôi kể các triệu chứng, bác sĩ Lương chẩn đoán tôi bị “hội chứng tiền mãn kinh”. Bác sĩ Lương còn nói tôi bị thận yếu tì hư, chức năng gan và thận không còn hoạt động tốt, nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ càng nặng thêm. Một đợt điều trị phải mất 20 ngày, tiền thuốc tổng cộng là 6 triệu đồng (mỗi ngày 300.000 đồng).

Khi tôi nói không đủ tiền mua thuốc 20 ngày, người phiên dịch liền hỏi tôi mang bao nhiêu tiền, tôi trả lời 600.000 đồng. Bác sĩ Lương liền tỏ vẻ khó chịu và bảo sức khỏe của tôi suy yếu lắm, không đủ tiền thì đóng trước 600.000 đồng rồi về nhà lấy tiền, một giờ sau quay lại lấy thuốc hoặc ngày mai lấy cũng được. Thuốc này do bà “phối” riêng cho bệnh của tôi. Tôi từ chối, bác sĩ Lương dọa: “Không có thuốc tây nào điều trị được. Chỉ có thuốc của tôi phối mới chữa được bệnh cho chị”. Thấy tôi đắn đo, bà Lương cố thuyết phục, cuối cùng tôi phải đề nghị bán hai ngày thuốc về uống thử.

“Phải ở đây mới hết bệnh”

Mấy hôm sau, trong vai một người bệnh khác, tôi tiếp tục vào khám tại phòng bệnh này. Phòng khám cũng có hai phụ nữ khoảng 50 tuổi mặc áo blouse trắng, không đeo bảng tên. Một người bắt mạch cho tôi và hỏi bệnh bằng tiếng Trung Quốc. Sau khi nghe tôi kể bệnh, phiên dịch nói ngay: “Trị liệu tây y chỉ hết bệnh một thời gian, phải chữa ở đây mới hết bệnh”. Bác sĩ cho xét nghiệm huyết trắng và soi tử cung với giá 350.000 đồng. Trong lúc soi, một nhân viên nhận xét: “Nhiều huyết trắng quá, bị viêm rồi! Nếu không điều trị những chỗ viêm đỏ này sẽ vỡ ra, gây chảy máu”.

Khi có kết quả xét nghiệm và hình soi tử cung, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm loét cổ tử cung và nhiễm khuẩn candida. Một nhân viên còn đem hình soi tử cung của bệnh nhân khác cho tôi xem và nói như dọa là không điều trị tôi cũng sẽ bị lở loét tử cung như hình của bệnh nhân này, thậm chí không điều trị sẽ chuyển sang ung thư cổ tử cung. Trong khi kết quả khám phụ khoa định kỳ của tôi vừa làm trước đó không lâu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM là bình thường.

Vị bác sĩ khám nói bệnh của tôi phải điều trị hai đợt. Sau đó uống thuốc 20 ngày, tiền thuốc uống mỗi ngày là 400.000 đồng. Họ còn đưa ra bốn cách điều trị với giá tiền khác nhau để tôi lựa chọn: điều trị hiệu quả nhanh nhất có giá 1,5 triệu đồng/ngày, loại thứ hai 900.000 đồng/ngày, loại thấp hơn 630.000 đồng/ngày, loại rẻ nhất 500.000 đồng/ngày. Tôi nói không mang theo nhiều tiền, để về nhà thu xếp tiền bạc rồi quay lại điều trị sau nhưng bác sĩ lại tìm mọi cách thuyết phục tôi điều trị ngay. Dù tôi viện nhiều lý do, bác sĩ vẫn hỏi: “500.000 đồng cũng không có à?”.

Khi tôi ra về, nhân viên phòng khám bỏ vào túi đựng thuốc của tôi quyển “sổ tay tuyên truyền sức khỏe phòng khám phụ khoa Trung Quốc” và tờ quảng cáo về phòng khám này. Trong sổ tay cho biết phòng khám này có tới 15 trung tâm chẩn đoán và điều trị, nhiều loại thiết bị tiên tiến thuộc loại hiện đại nhất thế giới. Trong đó có các trung tâm phá thai không đau, trung tâm vô sinh, trung tâm chỉnh hình phụ khoa, trung tâm rối loạn chức năng tình dục... Trong phần giới thiệu “chuyên khoa chỉnh hình cơ quan sinh dục”, họ quảng cáo phẫu thuật vá màng trinh, phẫu thuật thắt chặt âm đạo, chỉnh hình âm hộ...

Tuổi Trẻ nhận được thông tin bạn đọc phản ảnh có cháu 5 tuổi bị u não, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Pháp đã tiên lượng khó cứu. Cha mẹ em đã mang con ra Hải Dương chữa bằng thuốc gia truyền của một ông thầy ở khách sạn Vườn Hồng (77 Trương Hán Siêu, TP Hải Dương). Mỗi ngày người bệnh phải trả tiền thuốc 1 triệu đồng, tiền ở hơn 100.000 đồng/ngày...

Trong vai người đi tìm thầy chữa u não cho người nhà ở TP.HCM, tôi hỏi thăm người đàn ông trung niên đứng ở quầy lễ tân khách sạn. Ông này cho biết ở đây có thầy Thọ chuyên chữa u bướu bằng thuốc gia truyền, nhưng hôm nay thầy đang đi lấy thuốc ở Lào Cai, bệnh nhân cho về nhà nghỉ hết.

Người đàn ông dắt chúng tôi vào phía trong, có hai thanh niên nữa. Một người xưng là con trai thầy Thọ, nói thầy Thọ chữa u bướu bằng cách “xăm thuốc gia truyền”. Bệnh nhân ở xa có thể điện thoại trực tiếp cho thầy để miêu tả tình trạng sức khỏe. Với bệnh nhân u não, thầy Thọ quan tâm việc bệnh nhân có ăn uống được không, khối u ảnh hưởng đến mắt chưa, miệng có méo lệch hay không, đã mổ chưa, người có tỉnh táo không, dùng thuốc hay hóa chất gì chưa... “Phải hỏi như vậy vì bệnh nhân chưa phẫu thuật thì hiệu quả điều trị tốt hơn” - thanh niên xưng là con trai thầy Thọ cho hay.

Cũng theo vị này, cách “điều trị” của thầy Thọ là xăm thuốc đông y trực tiếp vào vị trí có khối u. Vì đây là thuốc gia truyền nên không cho người lạ xem. Tuy nhiên, khi biết chúng tôi có ý định đưa người nhà đến điều trị ở cơ sở của thầy Thọ, anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe ôm khu vực này, phản ứng ngay: “Nếu chưa đưa bệnh nhân đến thì đừng đưa nữa, mười người chữa ở đây thì mười người không khỏi, phải về. Bệnh gì ông Thọ cũng xăm thuốc, hôm trước có ông đi đãi vàng về bị ho lao, ông ấy chữa bằng cách xăm vào lưng, hết mấy chục triệu đồng mà không khỏi bệnh. Còn bệnh nhân nữ bị bệnh ở tử cung thì xăm thuốc vào đùi”.

Chúng tôi đã đến Sở Y tế Hải Dương để hỏi về chất lượng điều trị tại cơ sở của thầy Thọ, ông Nguyễn Văn Doanh - trưởng Phòng y tế TP Hải Dương - cho hay cách đây khoảng một tuần phòng y tế đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra cơ sở khám bệnh này, nhưng người chủ khách sạn cho biết họ chỉ mời ông Thọ đến chữa cho người nhà, không điều trị cho người ngoài. Khi đoàn kiểm tra về thì lại có bệnh nhân trong khách sạn. Theo ông Nguyễn Văn Tường - phó trưởng phòng quản lý hành nghề Sở Y tế Hải Dương, ông Thọ đang hành nghề nhưng chưa hề đăng ký với Sở Y tế.

Theo ông Doanh, Phòng y tế TP Hải Dương sẽ đề nghị cơ quan công an phối hợp theo dõi, cấm hành nghề ở cơ sở này do lương y hành nghề không phép, chưa rõ bằng cấp, năng lực và cơ sở chưa được Sở Y tế cấp phép hành nghề.

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên