14/09/2010 09:03 GMT+7

Chưa phát hiện bọ gây chết người

LAN ANH
LAN ANH

TT - PGS.TS Nguyễn Văn Châu (khoa côn trùng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng T.Ư) khẳng định như trên với Tuổi Trẻ ngày 13-9.

LWny3CQj.jpgPhóng to

Nhóm nghiên cứu của TS Trương Xuân Lam trong buổi bắt bọ xít thuộc ổ bọ xít 270 con tại Cổ Nhuế, Hà Nội - Ảnh: O2TV cung cấp

Trung Quốc: xuất hiện loài bọ lây bệnh chết người

Tuy nhiên, PGS Châu cho hay ở Việt Nam đã xác định có những loại bọ (ve) tương tự loại ve ở Trung Quốc nhưng không gây chết người.

Chỉ gây ngứa, vết loét lâu lành...

Theo PGS Châu, hình ảnh bọ gây chết người ở Trung Quốc được các phương tiện truyền thông công bố vài ngày nay là một loài ve cứng, thuộc họ Ixodiae, bộ ve bét Acarina, lớp hình nhện Arachnida, ngành chân đốt Arthropoda. Tuy nhiên, PGS Châu cho rằng để xác định tên khoa học chính xác cần phải có mẫu vật. Nếu biết loài ve này có ở Việt Nam hay không cần phải có tên khoa học của loài ve đó để đối chiếu với danh sách loài ve đã được phát hiện ở nước ta.

“Họ ve cứng (Ixodiae) trên thế giới đã phát hiện khoảng 750 loài; ở Việt Nam, chúng tôi đã điều tra và thống kê được gần 80 loài thuộc chín giống. Ve là động vật không xương sống có lối sống ký sinh hút máu. Trong đó ve không chỉ hút máu vật chủ, mà nguy hiểm gấp bội là lưu hành vĩnh viễn các mầm bệnh trong thiên nhiên. Ve là những vật chủ trung gian của nhiều ký sinh trùng đường máu, thậm chí gieo rắc, lây truyền các mầm bệnh sốt do ve, bệnh viêm não, bệnh tularemi, bệnh lê dạng trùng, bệnh biên trùng, bệnh xoắn trùng, bệnh Rickettsiosis, bệnh liệt do ve...” - PGS Châu nói.

Song, theo PGS Châu, qua mô tả hình loại ve làm 31 người tử vong ở Trung Quốc cho thấy tại Việt Nam, cũng có một số loại ve tương tự. Mặc dù vậy, tác hại của chúng chủ yếu là gây những vết ngứa, vết loét lâu lành, thậm chí vài năm sau khi ve đốt vẫn còn ngứa ngáy, khó chịu, chứ chưa thấy loại ve nguy hiểm đến mức đốt và làm chết người. PGS Châu cho biết ở nước ta vai trò gây bệnh của ve cứng cho gia súc, gia cầm đã được một số tác giả nghiên cứu, nhưng những bệnh do ve truyền cho con người ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ.

PGS Châu cảnh báo virut, vi khuẩn chủ yếu ở trong máu ve và khi đốt người, các virut, vi khuẩn có thể gây bệnh này sẽ truyền sang người. Vì thế, người dân cần tránh đi vào các khu vực lùm cây rậm rạp, ẩm ướt, giữ vệ sinh nhà cửa, tìm bắt nếu có sinh vật lạ lưu trú trong nhà, tránh bị ve hoặc các sinh vật lạ đốt, bảo vệ sức khỏe.

FDn4Lf52.jpgPhóng to

Ảnh: O2TV cung cấp

Có ký sinh trùng đường máu trong bọ xít

Theo TS Trương Xuân Lam (phòng côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật), hiện Viện Khoa học Việt Nam đã giao nhóm nghiên cứu bọ xít hút máu người thuộc Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật phối hợp với Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Quy Nhơn nghiên cứu về khả năng truyền bệnh của bọ xít hút máu người. Loài bọ xít này đã gây xôn xao dư luận do xuất hiện tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, TP.HCM... thời gian qua.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy ký sinh trùng đường máu trong loại bọ xít hút máu người và làm lây nhiễm sang 40 con chuột thí nghiệm, xem khả năng lây truyền bệnh từ bọ xít sang chuột, sau đó là khả năng lây bệnh sang con người như thế nào.

TS Trương Xuân Lam cũng thông tin thêm nhóm nghiên cứu vừa tìm thấy một “ổ” có tới 270 con bọ xít hút máu người trong một nhà dân ở Cổ Nhuế, Hà Nội. “Đây là ổ bọ xít lớn nhất từ trước đến nay mà chúng tôi tìm thấy và cũng không hiểu sao bằng đấy bọ xít ở cùng một nhà, sinh sôi nảy nở khủng khiếp đến như vậy” - TS Lam cho biết.

Những ngày qua, nhóm nghiên cứu đã tách ổ bọ xít thành nhiều nhóm như bọ xít trưởng thành, bọ xít non và phân tích căn nguyên phát triển thành ổ của chúng, thời gian sinh trưởng, khả năng tồn tại trong môi trường. “Có thể vài ngày nữa chúng tôi mới trả lời được điều này” - ông Lam cho biết.

Hiện bọ xít hút máu người đã xuất hiện ở hầu hết địa phương trong cả nước, với đủ loại địa hình như miền núi, đồng bằng, trong nhà dân, công sở... Tuy chưa phát hiện mối liên quan giữa bọ xít hút máu và một số tình huống người bị bọ xít đốt gặp phải như buồn ngủ bất thường vào ban ngày, ngứa ngáy, đau đầu, nhưng TS Lam vẫn khuyến cáo người dân nên tìm bắt bọ xít bằng cách rọi đèn pin, đặc biệt là tìm trong các ngách tối trong nhà, gầm giường... khi bắt được, thả chúng vào chậu nước.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên