19/04/2009 22:29 GMT+7

Dị dạng bạch mạch

BS VÕ KIM ĐIỀN(khoa ung bướu và xạ trị BV FV TP.HCM)
BS VÕ KIM ĐIỀN(khoa ung bướu và xạ trị BV FV TP.HCM)

TTO - Cách đây 7 năm tôi có đi khám, được chẩn đoán bạch mạch lành tính vùng cổ, BS điều trị có khuyên mổ, nhưng được thông báo là không điều trị dứt được, bạch hạch sẽ tái phát, vì thế tôi đã không mổ điều trị.

Nay thì hạch này phát triển lớn ở vùng cổ, phía bên trái. Những khi tôi ăn những thực phẩm có hóa chất bảo quản hay thịt bò, tôm, hải sản...thì có khi hạch sưng rất to gây đau nhức cả bên vai và cánh tay trái, uống thuốc chống dị ứng có xẹp bớt.

Tôi cũng siêu âm vài lần BS bảo hình siêu âm chỉ thấy những khối dịch nằm rải rác. Tôi xin phòng mạch online của TT Online cho biết hiện nay đã có phương pháp và BV nào điều trị khỏi hẳn bệnh này không, nếu có chi phí điều trị khoảng bao nhiêu? Tôi có nghe nói đến tia Gamma, có điều trị được không? (Tôi là nữ, 54 tuổi)

Trần Ngọc Mai

U bạch mạch (Lymphangioma) và bướu mạch máu (Hemangioma) là hai tổn thương lành tính thường gặp ở vùng đầu - cổ, nhất là ở các trẻ em nhỏ. U bạch mạch thật ra không phải là bướu (Tumor) mà bản chất thật sự là một dị dạng bẩm sinh (Congenital Malformation) của mạch bạch huyết. Ngày nay, người ta dùng tên gọi chính xác là Dị dạng bạch mạch (Lymphatic Malformation).

Ở người lớn, thật ra các dị dạng đã có từ trước nhưng do chúng phát triển chậm nên chúng ta chỉ phát hiện về sau khi tổn thương đủ lớn để có thể nhận biết. Các tổn thương này hoàn toàn lành tính, không bao giờ biến đổi thành ác tính. Đa số các tổn thương thường gặp ở vùng đầu - cổ (70% các trường hợp), sau đó có thể ở các vị trị́ như thân mình (19%), tay - chân, đôi khi nằm trong lồng ngực hoặc trong ổ bụng. Khi thăm khám lâm sàng và qua các xét nghiệm như siêu âm, chụp CT scan có cản quang, chụp cộng hưởng từ, cấu trúc của các dị dạng này được xác định là những nang chứa dịch. Số lượng, kích thước các nang thay đổi tùy theo trường hợp.

Dị dạng bạch mạch được chia làm 3 nhóm chính:

Tổn thương lớn: chỉ gồm các nang có đường kính lớn hơn 2cm hoặc chứa nhiều hơn 30ml dịch bên trong 1 nang.

Tổn thương nhỏ: chỉ gồm các nang nhỏ.

Hỗn hợp: vừa có tổn thương lớn, vừa có tổn thương nhỏ.

Khi tổn thương nhỏ, người bệnh có thể không gặp trở ngại gì trong cuộc sống. Ngược lại, khi tổn thương to, người bệnh có thể gặp một số vấn đề trở ngại về thẩm mỹ, nhất là với giới nữ.

Về chức năng:

Nếu tổn thương nằm trong vùng họng - miệng, chúng có thể gây ra các triệu chứng nuốt vướng, nuốt khó, cảm giác khó thở...

Nếu tổn thương nằm trong ngực, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như nặng ngực, tức ngực...

Nếu tổn thương nằm trên ống tiêu hóa, bệnh nhân có thể có các rối loạn tiêu hóa.

Từ trước đến khoảng năm 2000, phẫu thuật được xem như là chọn lựa duy nhất để điều trị dị dạng bạch mạch. Tuy nhiên, tỉ lệ tái phát khá cao và gần như không tránh khỏi bởi vì các tổn thương không có ranh giới rõ ràng và có khuynh hướng lan tỏa vào các vùng mô lành xung quanh. Do vậy, rất khó phẫu thuật lấy hết các tổn thương. Khoảng 10 năm gần đây, phương pháp làm xơ hóa các nang ngày càng được chọn lựa nhiều hơn. Có thể mô tả đơn giản phương pháp này như sau:

Bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc gây mê.

Dùng siêu âm hoặc CT scan để định vị các tổn thương.

Dùng kim chuyên dụng cho các thủ thuật mạch máu (angiocatheter) đâm xuyên qua da vào các nang.

Hút dịch chứa trong nang càng sạch càng tốt.

Bơm thuốc vào bên trong nang để làm xơ hóa.

Thủ thuật này có thể phải thực hiện nhiều lần. Các thuốc gây xơ hóa được dùng bao gồm: Ethanol, Sodium tetradecyl sulphate, Bleomycine, OK - 432 và Doxycycline. Trong đó 3 thuốc đầu ngày càng ít sử dụng vì nhiều tác dụng phụ và độc tính hơn, như Bleomycine là hóa chất dùng chữa ung thư. 2 thuốc sau ít tác dụng phụ, ít độc và có hiệu quả vượt trội hơn:

Doxycycline là một loại kháng sinh.

OK - 432 (Picibanil) là hỗn dịch vi khuẩn Streptococcus pyogenes và benzylpenicillin. Vi khuẩn đã hoàn toàn bị chết.

Nhiều bệnh viện như Bệnh viện nhi British Columbia (Vancouver, Canada), Bệnh viện Dartmouth - Hitchcock Medical Center (Lebanon, New Hampshire, Mỹ), Bệnh viện nhi Lucile Packard (của Trường đại học Y khoa Stanford, California, Mỹ), Bệnh viện nhi Boston (của Trường Y khoa Harvard, Boston, Massachusetts, Mỹ) đã có những nghiên cứu với kết quả khá khích lệ: 80-90% các trường hợp giảm từ 60% đến trên 90% kích thước các nang trong hơn 2 năm theo dõi.

Trường hợp của chị nếu đúng là dị dạng bạch mạch thì thường không thể có hiện tượng tổn thương “sưng to và đau nhức khi ăn các thức ăn có chất bảo quản, thịt bò, tôm, hải sản”. Trong trường hợp sưng to và đau, ta nên cần loại trừ tình trạng tổn thương bị bội nhiễm hoặc có thể có tổn thương khác kèm theo. Cần phải có chẩn đoán chính xác để có thể chọn lựa biện pháp điều trị thích hợp.

Điều trị bằng tia Gamma chính là xạ trị. Các phương pháp hóa trị và xạ trị không có hiệu quả trong việc điều trị dị dạng bạch mạch. Trên nguyên tắc, các bệnh viện có trang bị máy siêu âm, và máy chụp CT scan đều có thể thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, các thuốc gây xơ hóa không có nhiều loại để chọn lựa như các nước Âu - Mỹ.

* Anh tôi năm nay 32 tuổi. Đã mổ "u trung thất" tại bệnh viên ung bướu cách đây 3 năm. Kết quả xét nghiệm là bướu lành tính. Hiện tại anh thường hay bị đau bả vai, cánh tay và bị sưng cổ. Tái khám tại bệnh viện bác sĩ không cho thuốc cũng không yêu cầu mổ lại. Gia đình tôi đang rất hoang mang. Chúng tôi muốn biết tình trạng bệnh phải làm sao? Chữa trị thế nào?

Vân

Nếu đã chẩn đoán xác định là "bướu trung thất lành tính" thì sau khi phẫu thuật bệnh nhân không cần phải đều trị gì thêm. Phải tìm ra nguyên nhân "đau vai, cánh tay và sưng cổ" là do đâu. Đau chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của nhiều bệnh lý. Có thể bệnh nhân nên đến khám tại các bệnh viện có khoa "điều trị đau", khi đó các bác sĩ có thể sẽ tìm ra nguyên nhân gây đau và điều trị hiệu quả hơn. Hiện tại ở thành phố Hồ Chí Minh có 2 bệnh viện có khoa điều trị đau là Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện FV.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

BS VÕ KIM ĐIỀN(khoa ung bướu và xạ trị BV FV TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên