26/02/2009 02:02 GMT+7

Đổ mồ hôi đêm

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG (BV Nhân Dân 115, TP.HCM)
BS LƯU KÍNH KHƯƠNG (BV Nhân Dân 115, TP.HCM)

TT - Bà T.T.X., 70 tuổi, nhà ở Hậu Nghĩa, Long An. Gần đây phát hiện triệu chứng mồ hôi đổ nhiều về đêm, mới đầu bà ngỡ do trời nóng nực gây ra. Sau đó xuất hiện thêm sụt cân, mệt mỏi. Kết quả thăm khám cho thấy bà bị bệnh lymphoma, một dạng ung thư.

Đổ mồ hôi đêm là tình trạng tiết quá nhiều mồ hôi về đêm, làm ướt sũng đồ ngủ hoặc drap trải giường, trong điều kiện phòng ngủ không quá nóng và không mặc nhiều quần áo. Trong một nghiên cứu của Đại học Oklahoma Sciences Center (Hoa Kỳ) trên 2.267 bệnh nhân đến khám ở phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu, có 41% số người bị chứng đổ mồ hôi đêm trong vòng một tháng trước đó. Trong đó, có 23% số người chỉ đổ mồ hôi đêm, 18% số người đổ mồ hôi cả đêm lẫn ngày.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm, người bệnh cần được thăm khám và làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán. Sau đây là tám nguyên nhân thường gặp gây ra chứng bệnh này.

Mãn kinh: cơn nóng bừng của thời kỳ mãn kinh có thể xảy ra về đêm làm đổ mồ hôi. Đây là nguyên nhân rất thường gặp của đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh.

Tăng tiết mồ hôi tự phát: là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều mồ hôi kéo dài mà không có bất kỳ nguyên nhân nào được tìm thấy.

Nhiễm trùng: lao là bệnh nhiễm thường gặp nhất gây ra đổ mồ hôi đêm. Tuy nhiên, các loại nhiễm trùng khác như viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương và áp xe… cũng có thể gây ra đổ mồ hôi đêm. Đổ mồ hôi đêm còn là một triệu chứng sớm của nhiễm HIV.

Ung thư: đổ mồ hôi đêm còn là triệu chứng sớm của một số loại ung thư. Dạng ung thư thường gặp nhất gây đổ mồ hôi đêm là lymphoma. Những người bị ung thư chưa được chẩn đoán, ngoài đổ mồ hôi đêm họ còn có các triệu chứng khác rất có giá trị chẩn đoán như sụt cân và sốt.

Thuốc: một số loại thuốc có thể gây ra đổ mồ hôi đêm. Thuốc chống trầm cảm gây ra đổ mồ hôi đêm với tần suất 8-22%. Các loại khác như niacin, tamoxifene, hydralazine, nitroglycerine, sildenafile và corticoid.

Hạ đường huyết: đường huyết thấp là nguyên nhân đổ mồ hôi. Những bệnh nhân đái tháo đường đang dùng insulin hoặc thuốc viên sulfonylurea có thể bị hạ đường huyết về đêm và đổ mồ hôi. Triệu chứng khác của hạ đường huyết về đêm là người bệnh hay nằm mơ và thấy ác mộng.

Rối loạn nội tiết tố: đổ mồ hôi hoặc cơn nóng bừng có thể do rối loạn nội tiết tố gây ra. Ví dụ như u tủy thượng thận, cường giáp.

Bệnh thần kinh: không thường gặp. Các bệnh thần kinh có khả năng gây đổ mồ hôi đêm là đột quỵ, bệnh thần kinh tự động, rối loạn phản xạ tự động.

BS LƯU KÍNH KHƯƠNG (BV Nhân Dân 115, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên