15/06/2008 18:37 GMT+7

Giãn tĩnh mạch thừng tinh và vô sinh nam

Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT
Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT

TTO - Em đã lấy vợ được 2 năm mà chưa có con, và đặc biệt 5 tháng vừa qua em bị đau tức bìu liên tục, em đi khám các BS chẩn đoán là giãn tĩnh mạch thừng tinh độ III.

Kiểm tra tinh dịch đồ cho kết quả: Tinh trùng yếu.

Em được biết ở Bệnh viện đại học y dược TP HCM chữa bệnh này rất tốt bằng vi phẫu cột tĩnh mạch tinh bị hư phải không. Do em ở rất xa bệnh viện này (Tuyên Quang) em có thể đăng ký lịch mổ với Bệnh viện trước được không, và thủ tục như thế nào? Em được biết ở một số BV chỉ mổ nội soi nên tỷ lệ tái phát rất cao nên em không dám mổ.

(Thuan Pham)

- Trả lời của phòng mạch online:

Chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc thắc mắc về bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh (GTMTT), mối liên hệ của bệnh này với vô sinh nam và cách điều trị bệnh. Sau đây là bài viết về bệnh lý nhằm làm rõ những thắc mắc mà bạn đọc quan tâm.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, xã hội và ngành y tế ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Vì vậy, vô sinh trong đó có vô sinh nam ngày càng được chú trọng. Ngày càng có nhiều bệnh nhân nam đến khám vì vô sinh tại các phòng khám nam khoa của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Từ Dũ…

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai sau một năm chung sống không dùng phương pháp ngừa thai nào.

Tỷ lệ vô sinh tại Việt Nam và thế giới trên các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh sản khoảng 15%. Vô sinh nguyên nhân do nam giới chiếm khoảng 50% trong đó GTMTT là nguyên nhân hay gặp nhất và có thể điều trị được bằng phẫu thuật.

GTMTT là sự giãn và xoắn bất thường của tĩnh mạch tinh đoạn đi trong thừng tinh. Bệnh chiếm 15% ở nam giới. GTMTT là nguyên nhân của 35% trường hợp vô sinh nam nguyên phát và 75-81% trường hợp vô sinh nam thứ phát.

Ở một số bệnh nhân GTMTT, người ta ghi nhận có một số bất thường như: thể tích tinh hoàn nhỏ, rối loạn sinh tinh do sự thay đổi mô học của tinh hoàn, bất thường của tinh dịch đồ, giảm nồng độ testosterone và thay đổi nhiều hormon khác. Những bất thường này hồi phục tốt sau phẫu thuật thắt tĩnh mạch tinh giãn.

Hiện nay, cơ chế chính xác gây tổn thương tinh hoàn ở bệnh nhân GTMTT vẫn chưa rõ. Có thể do nhiều yếu tố góp phần. Cơ chế tổn thương do tăng nhiệt độ ở bìu (làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên 0,6-0,8 độ C) được nhiều người chấp nhận nhất. Ngoài ra còn một số giả thuyết ít được chấp nhận như: trào ngược các chất chuyển hóa từ thượng thận - thận vào tĩnh mạch tinh, ứ đọng máu tĩnh mạch, tăng prostaglandine hoặc catecholamine trong tĩnh mạch tinh.

PUPdSCQz.jpgPhóng to

Hình 1: Hệ thống động, tĩnh mạch của tinh hoàn. Minh họa: P.N.V

Phần lớn các trường hợp GTMTT không có triệu chứng. Ở người lớn, GTMTT thường được phát hiện khi bệnh nhân khám vô sinh. Ở người trẻ, bệnh nhân đến khám chủ yếu vì đau tức, khó chịu ở vùng bìu với đặc điểm: giảm khi nằm nghỉ, tăng khi ngồi lâu, đứng lâu hoặc vận động nhiều. Bệnh nhân cũng có thể đến khám vì thấy bìu to hoặc thậm chí nhìn thấy các mạch máu ở bìu giãn to hằn lên dưới da.

Khám bệnh nhân ở hai tư thế nằm ngửa và đứng trong phòng ấm. Trường hợp điển hình có thể nhìn thấy khối giãn tĩnh mạch to ngoằn ngoèo phía trên tinh hoàn; sờ có cảm giác như “búi giun”. Trường hợp giãn nhẹ: khám bìu cẩn thận và làm nghiệm pháp Valsalva mới phát hiện được GTMTT. Trong khi khám phải đánh giá mức độ teo nhỏ của tinh hoàn bằng cách: đo bằng thước đo Prader hoặc so sánh kích thước tinh hoàn hai bên để phát hiện sự bất đối xứng (sự khác biệt có ý nghĩa khi thể tích tinh hoàn này nhỏ hơn 75% thể tích tinh hoàn kia hoặc khi thể tích hai tinh hoàn chênh lệch hơn 2ml).

Điều trị bằng thuốc không có hiệu quả đối với GTMTT. Về phẫu thuật, dù theo phương pháp mổ nào, với mắt thường hoặc qua nội soi, phẫu thuật viên sẽ khó nhận biết được động mạch tinh do kích thước quá nhỏ và nhịp đập rất nhẹ. Vì thế xu hướng hiện nay là dùng kính phóng đại để thực hiện vi phẫu thuật. Ưu thế của kính hiển vi phẫu thuật là dễ nhận biết và bảo tồn động mạch tinh và hệ bạch mạch, tránh biến chứng teo tinh hoàn hoặc tràn dịch tinh mạc. Hiện nay mổ vi phẫu được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị GTMTT.

91ONfXDp.jpgPhóng to
Hình 2: Phẫu thuật vi phẫu điều trị GTMTT tại BV ĐHYD TP.HCM. Ảnh P.N.V

Chỉ định phẫu thuật khi GTMTT lớn gây khó chịu hoặc đau tức bìu kéo dài, GTMTT ảnh hưởng đến tinh hoàn (giảm thể tích tinh hoàn) và tinh dịch đồ (ở nam giới trên 17 tuổi và các trường hợp vô sinh nam).

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy sau phẫu thuật, khoảng 80% bệnh nhân có tinh dịch đồ cải thiện đáng kể, 45% bệnh nhân có vợ thụ thai.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

Bác sĩ CKI PHẠM NAM VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên