Phóng to |
Ruộng lúa bị chuột cắn phá, Đỗ Văn Vui (40 tuổi, trú thôn Thủy Cam) đấu nối điện nhà vào dây thép giăng quanh ruộng lúa để diệt chuột. Vui thông báo việc này với một số hộ dân sống lân cận, đồng thời cắm hai biển cảnh báo “Ruộng có điện đừng xuống”, “Có điện, cấm xuống”. 19g ngày 27-6-2013, như thường lệ, Vui cắm điện để diệt chuột, nhưng khoảng hai phút sau thì phát hiện em H.T.K. (16 tuổi, trú cùng thôn) bị điện giật nằm ở ruộng lúa. Vui cùng những người dân xung quanh sơ cứu nhưng K. đã tử vong. TAND huyện Phú Lộc xét xử Đỗ Văn Vui về tội “vô ý làm chết người”.
Cái chết đau lòng
Mưa gió. Lạnh. Quãng đường từ thôn Thủy Cam đến TAND huyện Phú Lộc chừng 30km, nhưng bị cáo (được tại ngoại) và cả gia đình đã có mặt từ sớm. Từ cha mẹ đến con cái, người nào người nấy mặc nhiều lớp áo cũ, bạc phếch. Vợ bị cáo gục mặt xuống đứa con mới hơn một tháng tuổi đang ngủ say trong lòng, cố nén nhưng không ngăn được nước mắt. Bị cáo rón rén ngồi xuống ghế rồi lại đứng lên, run lật bật, quay qua phía vợ. Bốn đứa con còn lại, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa gần út ngơ ngơ dại dại vì di chứng của căn bệnh bại não, sợ sệt nép vào nhau.
"Những cái chết đau xót tương tự vẫn xảy ra đều đặn khắp các tỉnh thành, phải chăng ngoài thủ phạm trực tiếp còn có sự tiếp tay của những thủ phạm giấu mặt, đó là sự dốt nát, sự khốn cùng của người trong cuộc và sự bàng quan, vô trách nhiệm của cộng đồng..." |
Lát sau, cha mẹ bị hại lầm lũi vào phòng xét xử. Bị cáo và vợ lí nhí chào. Cha bị hại không ừ hử gì, ngó hết một lượt mấy đứa nhỏ con bị cáo mặt mũi lạnh tím tái, rồi cũng rầu rĩ thở dài thườn thượt. Mẹ bị hại cúi mặt khóc. Cha bị hại nói: “Thôi, bà...”. Mẹ bị hại giọng đứt quãng: “Tui nhớ con, thương con...”. Rồi người mẹ đau khổ nhắc lại từng chi tiết đứa con trai 16 tuổi đã làm gì, nói gì trước khi gặp nạn. Mặt người cha như co rúm lại, kể: “Sự việc ni là chuyện xui xẻo, không ai muốn. Nhà hắn (bị cáo) xui mà nhà tui càng quá xui. Hôm đó, gia đình tui đang lo đám tang cho mẹ tui. Nghe tin bà nội mất nên con tui đang đi học nghề trong Đà Nẵng ra. Ai cũng bận theo đám tang, nhà không có người trông coi nên tui bảo con về trông nhà, thỉnh thoảng chạy qua chạy lại cũng được. Không ngờ chừng 30 phút sau, nghe người trong xóm la làng con mình bị điện giật, tui hoảng hồn chạy thục mạng, nhưng đến nơi thì con đã chết. Tui chỉ muốn chết theo luôn”.
Hai con trai lớn của ông thấy em bất ngờ chết thảm, bức xúc định tìm hung thủ để “tính nợ”. Đau khổ tột cùng nhưng người cha kiên quyết ngăn cản. “Vẫn biết “muối đổ lòng ai nấy xót”, nhưng cái sai của chú ấy (bị cáo) đã có pháp luật xử lý. Không thể từ cái sai này kéo theo cái sai khác được” - cha bị hại trải lòng. Bị cáo cúi gằm. Vợ bị cáo lại cúi xuống đứa con đang ngủ trong lòng, đờ đẫn.
Tình người
Tòa hỏi: “Bị cáo có biết hành vi của mình là nguy hiểm, vi phạm pháp luật không?”. Bị cáo: “Dạ thưa, bị cáo biết việc sử dụng điện để diệt chuột như vậy có thể gây nguy hiểm cho người. Nhưng do mấy mùa liền chuột cắn hết lúa, nhà bị cáo không có gạo ăn, bị cáo mới nghĩ ra cách này. Trước khi dùng điện diệt chuột, bị cáo đến mấy nhà ở xung quanh để dặn và cắm biển thông báo. Mỗi lần cắm điện thời gian khoảng 15 phút, lần mô bị cáo cũng ra trước ngõ canh chừng. Bị cáo không ngờ. Bị cáo khổ tâm và ân hận lắm”.
Sống sao để không phụ những tấm lòng “May nhờ cha mẹ bị hại xin, tòa cho cơ hội, nên chồng tui mới được án treo, được “ở ngoài” để kiếm tiền nuôi gia đình. Bầy con dại của tui không biết lấy chi ăn khi cha ở tù”. Vợ bị cáo nói bởi vậy vợ chồng chị sẽ ghi nhớ câu dặn của vị chủ tọa phiên tòa, sau khi phiên xử kết thúc: “Cha mẹ bị hại là những người giàu tình thương, bao dung độ lượng với lỗi lầm của anh. Anh phải luôn nhớ điều đó, sống làm sao để không phụ những tấm lòng”. |
Đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa xử bị cáo từ 1 năm đến 1 năm 3 tháng tù. Nghe vậy, cha bị hại nghèn nghẹn xin: “Tòa tha cho bị cáo. Chừ bị cáo mà đi tù thì bầy con dại ni chỉ có nước dắt nhau ăn mày...”. Người cha mất con nghẹn ngào nói thêm: “Chú ấy (bị cáo) là lao động chính trong nhà, bình thường hiền lành, chỉ biết chăm chỉ, cặm cụi làm ruộng, làm thuê nuôi con. Chừ chú ấy có đi tù thì con tui cũng không sống lại được, mà bầy con dại của chú ấy không biết sẽ nương tựa vô ai”. Bị cáo một tay vịn vành móng ngựa, tay kia quệt nước mắt. Vợ bị cáo nước mắt lã chã. Cả bốn đứa trẻ mếu máo. Cô thư ký phiên tòa cũng rơm rớm. Cả phòng xét xử như lặng đi. Ai nấy ngậm ngùi. Tòa tuyên án, phạt bị cáo 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo. Lần này bị cáo bật khóc, vợ bị cáo cũng khóc vì vui mừng. “Coi như không uổng cái tình của gia đình tui” - mặt cha bị hại như dãn ra.
Nhà bị cáo ở góc heo hút của thôn Thủy Cam. Hàng xóm lân cận chỉ vài gia đình, cách nhau mấy vạt ruộng. Lối đi nhà bị cáo bùn lầy lội. Trong căn nhà trống tuềnh toàng, vợ bị cáo ngồi đưa nôi, ru đứa con mới sinh. Đứa bị bại não lê la chơi trên nền đất. Mấy đứa khác đi học về, vòng tay chào khách, xong chạy xuống bếp dọn cơm.
Thức ăn độc nhất chỉ có chén nước mắm. Vợ bị cáo kể sau phiên xử, về đến nhà là người chồng lăn vào công việc. Ra đi làm thuê từ sáng sớm, tối mịt mới về nhà, anh kiếm được 150.000-200.000 đồng. Chị nói phải cố gắng gom góp để trả khoản nợ bồi thường chi phí đám tang cho bị hại. Ngay cả khoản tiền này, cha mẹ bị hại cũng đã giảm cho vợ chồng chị một nửa.
Không cố ý, nhưng dù sao chồng chị cũng phạm tội. Làm con người ta chết mà cha mẹ bị hại vẫn tha thứ, lại còn bao bọc cho, tấm lòng đó vợ chồng chị cảm kích lắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận