07/01/2011 07:23 GMT+7

Yêu cuồng

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Yêu đơn phương để rồi đốt cháy cả sự nghiệp, tương lai, sinh mạng của chính mình khi trở thành kẻ giết người. Vị tình yêu ở đây quá đắng.

PrJEZR4g.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Ngày 24-12-2010, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo N.Đ.C. - cử nhân kỹ thuật y học (khoa xét nghiệm sinh hóa - huyết học, Bệnh viện ND) - 12 năm tù về tội “giết người”.

Cuối năm 2008, N.Đ.C. vào Bệnh viện ND làm việc rồi yêu đơn phương nữ đồng nghiệp cùng khoa là chị N.T.B.T.. Nhiều lần tỏ tình với chị T. qua điện thoại nhưng C. đều bị chị T. từ chối do chị đã có người yêu. Tối 25-2, C. gọi điện cho chị T. thì được biết chị đang ăn bún bò do người yêu mang tới. Vì hờn ghen, C. nảy sinh ý định tự sát trước mặt chị T..

Nhét hai con dao vào túi quần, C. đến bệnh viện định dùng dao cứa vào cổ để tự sát tại hành lang. Nhưng thấy có bóng người, sợ bị bắt gặp, C. đi vào phòng nghỉ của bác sĩ nam ngủ thiếp đi. Đến 4g sáng 26-2, C. thức dậy uống hết nửa chai rượu, bước sang phòng xét nghiệm đợi chị T. vì biết thời điểm này chị T. sẽ mang mẫu xét nghiệm vào phòng.

Vừa bước vào phòng, thấy C. với vết máu trên cổ, tay cầm dao, chị T. hét lên thất thanh.

C. xông đến đâm nhiều nhát vào người chị T. và cứa vào cổ tay mình nhưng do giằng co làm rớt dao. C. lấy tiếp con dao thứ hai đâm tiếp vào người chị T. và bụng mình cho đến khi bảo vệ đến tước dao và đưa cả hai đi cấp cứu...

Yêu khổ, được yêu cũng khổ

Khi vị nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi tại sao yêu mà bị cáo lại định giết chết chị T., bị cáo đáp: “Lúc đầu bị cáo không có ý đâm T. mà chỉ muốn tự vẫn trước mặt T. để T. phải sống trong dằn vặt, hối hận”.

Nữ chủ tọa lắc đầu, chất vấn rằng nếu như trước đây chị T. yêu bị cáo, rồi sau đó yêu người khác thì bị cáo mới có thể lập luận như vậy, đằng này tình yêu của bị cáo chỉ đơn phương mà thôi.

Sau khi phân tích, vị nữ thẩm phán dịu giọng: “Chị T. đã không tiếp nhận tình yêu của bị cáo, đương nhiên bị cáo sẽ đau khổ, tổn thương, nhưng bị cáo là người có lý trí, có học, phải hiểu rằng người bị cáo yêu chưa chắc yêu bị cáo, cũng như người yêu bị cáo chưa chắc bị cáo đã yêu họ. Đó là chuyện thường tình trên thế gian. Không có cái lý nào ép người ta phải yêu mình được. Cha mẹ đã cực nhọc nuôi bị cáo ăn học, thế mà chỉ vì nhầm lẫn tình trường mà định hủy hoại sinh mạng quý giá của mình và người mình yêu, quên hết bổn phận, trách nhiệm với gia đình, xã hội, như thế là rất ích kỷ, tàn nhẫn với người thân của mình”.

Tại phiên tòa, chị T. rớt nước mắt xin giảm án cho C. và không đòi bồi thường chi phí điều trị, tổn thất khác (chị T. bị tổn thương sức khỏe đến 39%).

Lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án của bị cáo đầy sự hối lỗi: “Bị cáo biết mình sai nên không xin giảm tội, chỉ mong sau khi ra tù được trở lại nơi làm việc. Cũng như chúc cho T. hạnh phúc. Và xin lỗi cha mẹ, người thân”.

Phiên tòa hôm ấy, đồng nghiệp, người quen ở chung nhà trọ của bị cáo đến dự rất đông. Đa số đều nói N.Đ.C. rất hiền, nhã nhặn, siêng năng trong công việc nên ai cũng thấy tiếc, thấy đau, thấy xót cho bị cáo.

Trên hàng ghế đầu, cha của bị cáo là ông N.V.H., khuôn mặt sạm đen, mắt trũng sâu, thỉnh thoảng hai tay ôm lấy đầu.

Giờ tòa nghị án, tôi bắt chuyện cùng ông. Ông ưu phiền tâm sự hai vợ chồng ông vắt sức mình vào những công ruộng để nuôi ba người con ăn học. Và C. cũng biết nỗi khổ cực của cha mẹ nên ngày đêm miệt mài đèn sách. Suốt những năm phổ thông C. đều là học sinh giỏi, thi năm đầu đỗ vào hai trường đại học: Y Hà Nội và Hàng hải.

Chẳng những gia đình ông H. mà cả dòng tộc đều hãnh diện. C. khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp với hoài bão sôi nổi tuổi trẻ. Lời hứa khi thành đạt rước ba mẹ về ở chung của đứa con khiến lòng người cha rộn rã niềm hạnh phúc, nên khi nhận được hung tin con mình gây án, ông đứng như trời trồng, còn vợ ông té xỉu. Rồi ông cấp tốc khăn gói từ tỉnh Thái Bình vào TP.HCM, đến bệnh viện gặp cấp trên của con mình và gặp gia đình nạn nhân xin lỗi.

Giọng ông buồn rười rượi: “Bệnh viện, gia đình cháu T. không nặng nhẹ, trách móc càng khiến tôi thấy hổ thẹn, đau lòng. Tôi tức mình vì con nó quá nông nổi. Từ ngày nó bị bắt tới nay, mẹ nó suy sụp tinh thần, buồn rầu phát bệnh liên miên”.

Khi con bị dẫn giải ra xe tù, ông liêu xiêu đi như chạy theo, nhìn đến khi xe tù mất hút. Rồi ông hớt hải tìm luật sư hỏi cách thức kháng cáo. Luật sư trả lời rằng chỉ có N.Đ.C. mới được quyền kháng cáo, còn cha mẹ không thể làm thay cho con được.

Vị luật sư cũng cho biết C. đã nói với luật sư rằng mình không kháng cáo. Người cha bèn nhẩm tính, 13 ngày nữa đến ngày thăm nuôi, ông sẽ thuyết phục con làm đơn kháng cáo xin giảm án...

Quà tặng cái chết

Trước phiên tòa nói trên mười ngày, TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm Trương Ngọc Ải về các tội giết người và cướp tài sản. Ải yêu một nữ tiếp viên quán nước nhưng không được đáp lại. Nghĩ rằng món quà đắt tiền tặng cô gái nhân ngày sinh nhật sẽ chinh phục được cô nên bị cáo đi ăn cướp.

Bị cáo giấu con dao trong người, đến đường 30-4, có vài người chạy xe ôm đến hỏi nhưng bị cáo lắc đầu vì thấy xe họ cũ. Khi thấy anh N.V.S. chạy chiếc xe mới, trên tay có đeo nhẫn cưới, Ải thuê anh S. chở. Đến chỗ vắng, Ải bảo anh S. dừng lại cho mình đi vệ sinh.

Khi anh S. dừng xe, Ải từ phía sau đâm thẳng vào anh S.. Anh S. cuống cuồng bỏ xe chạy, kẻ thủ ác rượt theo đâm thêm bốn nhát khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.

Cuộc thẩm vấn tại tòa cho biết trước đây bị cáo có yêu một người con gái. Để chứng tỏ mình yêu hết dạ, là anh hùng dám hi sinh tất cả cho tình yêu, bị cáo đã chặt ngón tay út của mình.

Oái oăm thay, cô gái chẳng những không đáp lại tình yêu mà còn hoảng sợ trước cách tỏ tình kiểu “khủng bố” tinh thần như thế nên tìm mọi cách tránh xa bị cáo. Còn bạn bè, xóm giềng không ai nói bị cáo là anh hùng mà gọi bị cáo là người “năm trên”, người trần tục thích làm những chuyện của người... cõi trên.

Sau đó, Trương Ngọc Ải lại đến các quán nước, gặp nữ tiếp viên nào mà cảm thấy thích thì tặng quà rồi ngỏ lời yêu. Và cho đến lần gặp người nữ tiếp viên ấy, sau nhiều lần tỏ tình bị từ chối, bị cáo lại nghĩ cách tặng quà đắt tiền để lấy lòng người đẹp...

Vị chủ tọa nghiêm khắc: “Đúng ra bị cáo phải rút kinh nghiệm, chuyện yêu đương trai gái không phải cưỡng cầu dùng “khổ nhục kế” hay cố “ghi điểm” bằng cách đi mua quà cáp vật chất mà có được. Nếu như cô gái xem tất cả những món quà đắt tiền là lý do chính để tình yêu có mặt thì bị cáo có đáp ứng nổi không với đồng lương công nhân 1,5 triệu đồng/tháng của mình? Và nếu như người ta chú ý đến quà tặng thì người ta yêu món quà đó chứ có yêu bị cáo đâu”.

Vị nữ hội thẩm thẩm vấn: “Thế sau đó bị cáo không đem nhẫn bán lấy tiền mua quà tặng?”. “Bị cáo sợ, nhớ đến máu của anh S. dính trên áo của bị cáo”. “Bị cáo nghĩ sao khi cô gái biết món quà bị cáo định tặng chính là do giết người cướp của mà có?”.

Bị cáo cúi đầu nói lời hối hận xin tòa giảm tội. Vị nữ hội thẩm thở dài: “Tại sao trước khi hành động bị cáo lại không suy nghĩ? Chỉ vì muốn có món quà tặng để lấy cảm tình của người con gái mà đi giết một mạng người. Giờ cho dù bị cáo có hối hận cách mấy cũng không làm cho anh S. sống lại”.

Khi kiểm sát viên đề nghị mức án tử hình, nhiều tiếng vỗ tay vang lên từ phía thân nhân nạn nhân. Khi tòa nghị án, mặt bị cáo xanh chành, ngồi cúi gục đầu xuống, thỉnh thoảng đưa đôi tay bị còng lau nước mắt. Tiếng ai đó nói lớn: “Giết người làm chi, giờ lại khóc”.

Sự lên án của người dự khán, cộng thêm những ánh mắt nảy lửa của thân nhân nạn nhân càng khiến bị cáo rúm ró người lại.

Tòa tuyên án tử hình. Mẹ bị cáo té xỉu trước khi thốt lên: “Con ơi! Sao dại dột vậy hả con”. Mặt bị cáo càng xanh nhợt nhạt, đôi mắt cồn lên sự hoảng loạn, môi run bần bật, chân bước loạng choạng phải có cảnh vệ dìu. Cô em út đầm đìa nước mắt, cố nhoài người qua đám đông thảng thốt kêu: “Anh Ba ơi!...”.

Bị cáo ngoái lại, trong khoảnh khắc đó có lẽ bị cáo ít nhiều hiểu ra trên thế gian này không chỉ có tình yêu nam nữ mà còn nhiều điều quý giá khác, đó là tình mẹ con, tình anh em, và nhất là sự sống...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên