06/08/2010 05:03 GMT+7

Nghiện game online và tội ác

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hai vụ án trong đó bị cáo là học sinh, sinh viên và đều nghiện game online cho thấy hiệu ứng kinh hoàng của loại trò chơi đáng sợ này.

IeGtXMvs.jpgPhóng to

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Do nghiện game online nên T.Đ.H. - học sinh lớp 9, ở xã Xuân Hiệp, Trà Ôn, Vĩnh Long - dùng tiền cha mẹ cho đi học “đốt” sạch vào thế giới ảo. Tuy nhiên số tiền 3.000 đồng không đủ cho H. “nhấp chuột” mỗi ngày 3-4 giờ và mật độ được đẩy lên 7-8 giờ khi nghỉ hè.

Để có tiền chơi game, H. trộm đồ của hàng xóm đem bán. Rồi sau đó để ý thấy bà L.T.R. ở cùng xóm đeo nhiều nữ trang, thường ở nhà một mình, H. lên kế hoạch giết người cướp của.

Đã một lần H. cầm búa sang nhà bà R. nhưng lúc đó có con trai bà R. ở nhà nên H. quay về. Hai hôm sau, đợi đến 1g30 H. đột nhập vào nhà lúc bà R. đang ngủ, dùng búa đập mạnh vào ngực, vào đầu nạn nhân. Thấy bà R. vẫn còn rên la, tên sát thủ 15 tuổi lạnh lùng lấy gối đè lên mặt cho đến khi người xấu số nằm bất động.

Sau đó, H. lấy tư trang cùng 1 triệu đồng tiền mặt của nạn nhân rồi đón xe lên TP Vĩnh Long lao vào các tiệm net. Hai ngày sau, khi công an đến bắt, H. vẫn đang say sưa với cảnh đánh đấm bạo lực trên màn hình vi tính; còn bà R. chết tại bệnh viện...

Đó là nội dung cáo trạng mà vị đại diện Viện kiểm sát đọc trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long khiến ai cũng rợn người.

Khuôn mặt non choẹt của bị cáo bình tĩnh đến lạ lùng khi trả lời hội đồng xét xử: “Dạ, tại trong đầu bị cáo lúc nào cũng hiện lên những cảnh chém giết đánh đấm, rất nhiều quái vật, kẻ ác đã ngã gục với kiếm, súng của bị cáo khiến bị cáo hành động như vậy. Giờ bị cáo rất hối hận, xin tòa xử nhẹ để bị cáo về nhà”.

Tòa tuyên 12 năm tù, bị cáo cũng tỏ ra thản nhiên, cơ hồ như mức án đó là của ai chứ không phải của mình.

Biến đổi con người

Xóm giềng đều nói H. rất hiền, lễ phép, chỉ thấy suốt ngày lo học, gặp người lớn từ xa đã cúi đầu chào. Nhưng trước khi gây án vài tháng, H. bỗng trở thành kẻ trộm, nhiều lần hái trộm cam, bưởi của hàng xóm đem bán, rồi tụ tập đánh nhau. Nhiều người chặc lưỡi: “Trò chơi gì ghê gớm vậy, khiến một đứa trẻ cướp của giết người”.

Khi tôi đến nhà H., bà C., mẹ H., mở tủ lấy cho tôi xem cả xấp giấy khen của con. Trong học bạ năm cấp I có lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm: hạnh kiểm tốt, học lực xuất sắc. Còn cấp II, từ lớp 6 đến lớp 8 năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Bà C. buồn bã kể gia đình có ba đứa con, đứa thứ hai nghỉ học sớm, đứa út học ở mức trung bình, riêng H. học giỏi nên gia đình rất kỳ vọng. Chồng đi làm thuê phương xa, còn bà bán cá ở chợ xã mỗi ngày kiếm chỉ được 20.000 đồng.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình nên khi đi học H. không xin tiền, ngoài giờ học còn lột hạt điều thuê kiếm mỗi ngày 5.000 đồng. Đến năm lớp 9 H. mới xin tiền và bà đều giúi vào tay con mỗi ngày 3.000 đồng.

Rồi đến giữa năm học, nỗi lo sợ len vào lòng người mẹ khi giáo viên chủ nhiệm đến báo H. thường trốn học. Bà khuyên dạy, năn nỉ, thậm chí dùng roi vọt nhưng H. vẫn không nghe.

Nỗi lo sợ ngày càng tăng lên khi thấy tính tình con bỗng nhiên thay đổi, từ một đứa trẻ lễ phép, H. trở nên cộc cằn, thô lỗ, trộm cắp, gây gổ đánh nhau. Nhiều hôm H. lấy cây vót thành kiếm múa vù vù ngã rạp cây cỏ, xưng là đại hiệp, miệng hô “giết, giết”, hoặc lấy tre làm cung tên bảo rằng bắn quái vật.

Lúc đó bà hoảng hồn sợ con bị “ma nhập” mới thay đổi tính tình như vậy. Rồi khi nghe nói H. trốn học để chơi game online, bà lén đến tiệm vi tính rình, bắt gặp con ngồi dán mắt trên màn hình đầy cảnh đâm chém, đánh nhau loạn xà ngầu. Bà bắt con về và phân giải thiệt hơn.

Tuy nhiên những giọt nước mắt chảy tràn chua xót, những trận đòn roi, những lời khuyên bảo hay quát mắng của người mẹ đều không thắng nổi những trò chơi của thế giới ảo.

Bị điều khiển

Vốn là sinh viên có học lực khá giỏi của khoa công nghệ thông tin Trường đại học Cần Thơ nhưng vì mê game online nên L.T.A.T., 22 tuổi, học hành sa sút và nợ nần tứ tung.

Để có tiền trả nợ, T. đã tống tiền ông V.H.M. bằng cách liên tục gửi tin nhắn và thư với nội dung: “Tôi biết con gái lớn của ông đang học ở Trường đại học Cần Thơ, con trai nhỏ thường đi chơi ở đâu. Tôi không cần nhiều, tôi thiếu người ta đúng 5.380.000 đồng nên mượn của ông số tiền như vậy. Khi nào có tiền tôi sẽ trả. Giờ tôi túng quẫn quá, ông không cho mượn tôi không ép, nhưng tính mạng hai đứa con ông không đảm bảo an toàn...”.

Sợ chuyện nguy hiểm sẽ xảy ra với con nên ông M. một mặt chuyển khoản cho T. 5,4 triệu đồng, một mặt báo công an. Sau khi nhận được tiền, T. bị bắt khi lại tiếp tục nhắn tin hăm dọa buộc ông M. phải gửi tiền tiếp.

Trong phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án nhân dân quận Ô Môn, TP Cần Thơ, T. thừa nhận hành vi của mình: “Thưa tòa, tại vì bị cáo thiếu nợ nhiều quá nên mới làm chuyện dại dột. Thật ra nếu ông M. không đưa tiền thì bị cáo cũng không dám làm gì hai con ông M., bị cáo chỉ hù dọa thôi”.

Hội đồng xét xử thẩm vấn: “Bị cáo là sinh viên, được cha mẹ chu cấp tiền bạc, chỉ có nhiệm vụ học hành, bị cáo làm gì đến nỗi phải mang nợ?”. Bị cáo ấp úng trả lời vì quá mê game online nên số tiền gia đình cho bị cáo đã tiêu sạch vào những trò chơi, sau đó để chơi tiếp bị cáo phải mượn thêm bạn bè.

Chủ tọa thở dài: “Bị cáo đã là một thanh niên chứ đâu phải trẻ nít mà không làm chủ được bản thân. Cha mẹ làm lụng vất vả để cho bị cáo được ngồi trên ghế giảng đường đại học. Đúng ra bị cáo phải lo dung nạp kiến thức để sau này biến ước mơ, hoài bão của đời người thành hiện thực, đằng này lại để một trò chơi điều khiển biến mình thành kẻ phạm pháp”.

Hội đồng xét xử nói đúng, bị cáo chẳng những đã để một phần thời gian vàng của tuổi trẻ trôi qua mà còn quăng quật tả tơi bản thân mình, giờ chắc cũng ray rứt, hối hận nên cứ cúi gằm mặt. Khi tòa tuyên 18 tháng tù treo, hình như bị cáo thở hắt ra.

Cũng may cho T. là bị bắt sớm, nếu không số tiền cưỡng đoạt nhiều thì mức án tù sẽ cao hơn. Hi vọng, bài học đắt giá này là liều thuốc giúp T. chữa dứt bệnh nghiện game online, đủ nghị lực từ bỏ thế giới ảo để quay về với thế giới thực xây dựng lại tương lai như kỳ vọng của người thân...

Người trẻ dễ nghiện game online

Chuyên gia tâm lý Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, cho biết: “Với ưu thế là một loại hình giải trí hiện đại, dễ chơi, rõ ràng hiện nay ngoài tác dụng giải trí, game online cũng tiềm ẩn nhiều tác hại... Trò chơi này dễ gây nguy hiểm đối với người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Các em về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ nên rất dễ nghiện game online. Theo thống kê không đầy đủ, trong hơn 500 người đến khám và điều trị tại Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên (thuộc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) có 5-7% là người nghiện game online. Nhiều em khi đến khám đã có biểu hiện rối loạn cảm xúc hoặc hành vi, nhiều trường hợp bỏ học, bỏ nhà đi lang thang hoặc trộm cắp để lấy tiền chơi game online”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên