Phóng to |
Gia đình Phụng và những ngày mỏi mòn chờ giải quyết khiếu nại - Ảnh: P.Vũ |
Ông Bảy Bình (Phan Văn Bình), ba của Phụng, chậm chạp hơn, lưng bà Bảy, mẹ của Phụng, còng hơn và trong mắt họ, những tia hi vọng cũng không còn sáng lên như khi gặp chúng tôi những lần trước.
Những người hàng xóm nghèo, cùng cảnh để xấp hồ sơ khiếu nại đầu giường, thắc thỏm chờ “hễ ông Bảy có kết quả thì đi theo” cũng đã lần lượt nản lòng...
Từ cột mốc định vị...
Chỉ có Phụng là chưa thay đổi. Cô vẫn thao thao, rành mạch kể cho người đối diện nghe về nỗi oan ức của mình, của chị, nỗi bị o ép của cha mẹ, từng mốc sự kiện, thời điểm, từng văn bản, sơ đồ, bảng giá đất...
Tôi đã tiếp xúc nhiều với những người dân bức xúc vì bị giải tỏa, bị mất đất, những người bị oan ức, đã thấy nhiều người gắn liền cả cuộc sống, cả tâm trí vào việc đi kiện. Nhưng đó thường là những người lớn tuổi, khi mà công việc, gia đình không còn những đòi hỏi bức thiết. Còn Phụng, cô mới chỉ 25, đứa con trai mới tròn 3 tuổi, mà vụ khiếu kiện này tính đến nay đã tám năm rồi...
Năm 1998, UBND huyện Tháp Mười ra thông báo (chứ không phải quyết định) thu hồi 5.000m2/9.075m2 đất của gia đình ông Bảy Bình cho dự án Khu Trung tâm thương mại Trường Xuân. Không đồng ý với giá đền bù, đồng thời qua tìm hiểu ông Bảy Bình cho rằng phần đất của mình không nằm trong qui hoạch dự án nên làm đơn khiếu nại.
Đơn khiếu nại chưa được giải quyết thì các đoàn đo đạc, cắm mốc định vị đã đến. Các con của ông Bảy xôn xao nhìn những người lạ đo cắm trên mảnh ruộng nhà mình, càng xôn xao hơn nữa khi những cái cọc, cuộn dây lại cắm ngoài phần đất 5.000m2 được thông báo.
Những cái cọc được cắm xuống, Phụng cùng chị gái là Loan chạy ra nhổ cọc, cuốn dây. Hai người lập tức bị còng tay giải về huyện, bị khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”. Phiên tòa lưu động được mở ngay tại chợ Trường Xuân. Huyện coi đây là án điểm để răn đe những người khiếu nại.
Gia đình Phụng thì mừng vì được xử lưu động, mong sẽ nói được tiếng nói của mình giữa đông đảo bà con. Những người dân xã Trường Xuân thì phấp phỏng chờ xem kết quả để “tính chuyện của mình”. Cũng dễ hiểu, vì quyết định thu hồi đất ở xã Trường Xuân của Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban quản lý dự án chỉ có 9,8ha mà quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp ra trước đó lại giao tới 13,5ha.
Tất cả người dân chúng tôi gặp đều bức xúc về chuyện họ đã không được phép phát biểu lời nào trước phiên tòa lưu động hôm ấy. Phụng bị xử 12 tháng tù giam, Loan 9 tháng tù treo trong sự lặng lẽ ấm ức. Khi đó Phụng mới vừa 20 tuổi.
Gia đình tiếp tục kháng cáo, kêu oan. Phiên phúc thẩm tại tòa án tỉnh Đồng Tháp sau đó tuyên hủy toàn bộ bản án, giao về huyện điều tra lại vì nguyên nhân sâu xa của vụ án là việc thu hồi đất, giải quyết khiếu nại đã không được tiến hành đúng thủ tục, gây bức xúc tất yếu cho những người trong gia đình.
Giờ thì cùng với việc bảo vệ mảnh ruộng, yêu cầu được thu hồi, đền bù hợp lý, ông Bảy Bình còn gánh thêm việc đòi lại danh dự cho con gái. Được trả lại tự do, Phụng cùng cha ngược xuôi lên tỉnh, lên huyện, đi từ công an sang tòa án, từ sở địa chính đến thanh tra.
Nhiều lần tôi định bảo Phụng thôi bỏ đi, dành thời gian, tâm sức làm ăn, buôn bán, còn lo được cho gia đình, giúp cha mẹ nhiều hơn là đi khiếu nại. Nhưng rồi tôi không nói được điều ấy, hiểu rằng mình không có nỗi khổ bị mất đất, giật nhà, không có nỗi đau bị ra tòa, bị ở tù đột ngột vào một buổi sáng... Mới hôm trước, Phụng reo lên báo đã gửi được đơn, đã trình bày được với đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên - môi trường, đã được một chị thư ký tận tình giúp đỡ. Hôm sau cô lại gọi, hốt hoảng kể: “Ba mới nhận thêm một quyết định cưỡng chế, cái lều đã sập ở ven sông, chỉ còn lại vài tấm tôn cũng có yêu cầu di dời”. Tôi biết rằng sẽ không có ai cản được Phụng gắn từng ngày của mình với chồng đơn khiếu nại. |
Mùa lũ 2002, nước ngập trắng đồng. Trên phần đất bị thu hồi của ông Bảy Bình, lần lượt các hộ dân ở vùng sâu được xã cho phép đến cất nhà chạy lũ. Các con của ông Bình cũng cất nhà trên những chỗ đất nằm ngoài qui hoạch của cha. Đoàn đo đạc lại xuất hiện yêu cầu tháo dỡ và thông báo rằng mốc định vị đã thay đổi từ bên phải sang bên trái (!).
Gia đình ông Bảy ngơ ngác khi diện tích hơn 9.000m2 đất của mình chỗ nào cũng bị qui hoạch. Lại khiếu nại. Những lá đơn chưa kịp gửi đi thì lực lượng cưỡng chế hùng hậu đã đến. Ba căn nhà bị giật sập sáng hôm đó, nền đất cuối cùng còn nổi trên mặt nước bị xáng cạp tới múc đi, để lại ao nước mênh mông... Cả nhà kéo nhau chống đỡ cái sàn nước chông chênh ven sông, căng tấm nilông che mưa trú nắng...
Tôi gặp Phụng trong những ngày ấy, khóc mướt nước mắt vì tủi thân, thương cha, thương mẹ. Cô bảo: “Em phải quyết chí lo việc đất cát đến cùng...”, cứ như là trên đời không còn gì đáng làm hơn. Mà Phụng gắn tuổi trẻ của mình vào việc khiếu nại thật. Thỉnh thoảng lại thấy cô đến tìm, gọi điện, thông báo vừa gặp được người này, vừa gửi đơn đến kia, vừa được ai đó hứa xem xét…
Rồi trong quá trình khiếu nại ấy, Phụng lấy chồng. Ông lão mà cha con cô mấy lần gặp ở phòng tiếp dân UBND TP.HCM, kể chuyện, nhờ viết đơn, rồi mời về nhà đã đi từ thông cảm đến thương mến mà cưới Phụng cho anh con trai út hiền lành của mình. Từ đó, quá trình khiếu nại của Phụng có thêm người đồng hành.
Năm 2003, Công an huyện Tháp Mười ra quyết định đình chỉ vụ án với Phụng và Loan, lý do “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Con đường kêu oan bị cắt đứt. Rồi ông Bảy lại bị kiện ra tòa bởi tập thể hơn 30 hộ dân đã được UBND huyện bán nền nhà trên phần đất của ông mà khi nhận đất, vì việc khiếu nại kéo dài họ chưa xây dựng nhà được.
Nhiều chủ đất sau khi hiểu rõ nội tình đã thở dài đi tìm chỗ khác. Ba lần phiên tòa mở ra, hoãn lại, cuối cùng lại có thông báo “đơn kiện đã được rút lại”. Cả những hộ dân được cấp nền nhà chạy lũ khi nhìn thấy cảnh nhà ông Bảy màn trời chiếu đất, thắc thỏm chờ cưỡng chế ngay trên mảnh đất của mình cũng thương, quay ra thăm hỏi hoài việc khiếu nại. Nhiều người lại tự giác dọn đồ về chỗ cũ “để ổng đi ngang khỏi tủi”...
Khu trung tâm thương mại vẫn chưa thấy thành hình, phần đất ông Bảy Bình bị thu hồi chưa có sự đầu tư cơ sở hạ tầng nào, vẫn chỉ có mấy dây dưa gang, hàng đậu bắp ông gieo. Đi hái trái dưa, ông Bảy cười đắng chát: “Rõ ràng đất mình làm ruộng đã mấy chục năm mà giờ trồng cây như đi ăn trộm...”.
_______________
Ý kiến bạn đọc
Lão nông bỗng không mất đất, mất nhà, sống cảnh màn trời chiếu đất, con gái đột nhiên bị bắt, bị giam oan uổng... Công lý ở đâu, các vị lãnh đạo của Đồng Tháp đã làm gì mà để nhân dân của mình phải màn trời chiếu đất, hay các vị ngồi cao quá xa quá, chỉ biết nghe báo cáo?
Còn đâu những năm tháng tình quân dân như cá gặp nước, dân khổ, dân bị oan ức vậy mà không hay không biết. Một việc như thế mà 8 năm trời không thể giải quyết dứt điểm, lòng tin của dân vào Đảng vào chính quyền liệu có còn hay không ? Tôi hy vọng sau bài báo này gia đình chị Phụng sẽ được giải quyết khiếu nại, để họ có thể an cư lạc nghiệp.
Đọc xong bài viết của tác giả Phạm Vũ tôi thực sự thấy chua xót cho số phận của ông, bà Bảy và chị Phụng. Tôi không biết bao nhiêu con người đang phải chịu số phận như gia đình chị Phụng mà cơ quan quản lý pháp luật nhà nước vẫn không hề hay biết.
Những đại biểu quốc hội, những người được nhân dân chúng tôi tin yêu bầu ra để giám sát pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích cho người dân... họ đang ở đâu, làm gì. Họ có còn xứng đáng là đại biểu của nhân dân nữa hay không? Tôi hy vọng rằng những nỗi oan ức như của gia đình chị Phụng sẽ sớm được giải quyết, trả lại niềm tin cho người dân.
Báo chí đã đăng bài về vụ việc này đến nay đã mấy năm, mà sao gia đình cô Phụng vẫn phải chịu cảnh bất công như vậy??? Tôi thấy khi báo Tuổi Trẻ đã can thiệp và đưa tin thì những nhân vật trong bài đã ít nhiều được quan tâm - đó cũng là điều mà tôi yêu thích qúy báo. Vậy hy vọng lần này, quý báo hãy giúp đỡ gia đình người nông dân Bảy Bình ấy giành lại công bằng. Tôi tin rằng ngọai trừ những cán bộ mất chất của địa phương ấy thì vẫn còn nhiều những người biết lẽ phải và tôn trọng quyền con người. Trân trọng cảm ơn quý báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận