09/01/2005 07:49 GMT+7

Bồi thường oan sai: con đường nhọc nhằn

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTCN - Năm 2004 là năm mà nghị quyết 388 về bồi thường oan sai có hướng dẫn và phân cấp cụ thể để thực hiện. Hàng loạt đơn yêu cầu được bồi thường, hàng loạt vụ oan sai nhiều năm lần lượt được đưa ra trước công luận. Người ta chợt giật mình: có nhiều người bị oan đến thế, oan sai lại đã khủng khiếp đến vậy.

nJGDbnEv.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Công Ơi

TTCN - Năm 2004 là năm mà nghị quyết 388 về bồi thường oan sai có hướng dẫn và phân cấp cụ thể để thực hiện. Hàng loạt đơn yêu cầu được bồi thường, hàng loạt vụ oan sai nhiều năm lần lượt được đưa ra trước công luận. Người ta chợt giật mình: có nhiều người bị oan đến thế, oan sai lại đã khủng khiếp đến vậy.

Việc giải quyết bồi thường còn gặp bao trắc trở và người ta lại giật mình: vẫn còn nhọc nhằn đến thế trên đoạn cuối của con đường đòi lại danh dự và công bằng.

Nước mắt cuối hành trình

Sáng 6-12, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Chợ Gạo, Tiền Giang mở phiên xét xử vụ đòi bồi thường thiệt hại giữa ông lão Nguyễn Công Ơi và TAND tỉnh Tiền Giang. Ông Ơi đã 84 tuổi, hai lần bị oan sai, 14 năm đi khiếu nại. Trước tòa, ông lập cập trình bày yêu cầu được bồi thường cho 542 ngày bị tạm giam và 2.277 ngày chờ minh oan. Để có được quyết định giám đốc thẩm xác định mình không phạm tội “gây rối trật tự công cộng”, ông Ơi đã hai lần xách bị cói đón xe đò ra Hà Nội, sao lục, nhờ người soạn thảo hàng trăm bộ hồ sơ gửi đi khắp nơi.

Trước hôm ra tòa, gặp chúng tôi bên cái lều chăn vịt, ông Ơi đưa hai tay ra phía sau diễn tả lại rất rành rọt hoàn cảnh dẫn ông đến việc bị bắt giam, bị khởi tố. Nhưng hôm nay ông lúng túng không biết trả lời ra sao khi đại diện TAND tỉnh Tiền Giang đòi ông phải đưa ra các văn bản, chứng từ chứng minh nguồn thu nhập của mình trước khi bị bắt, đòi y bạ, hóa đơn thuốc chứng minh ông bị bệnh trong lúc bị giam giữ. Ông Ơi không có những giấy tờ ấy.

Phía bị đơn, tức đại diện TAND tỉnh Tiền Giang, công bố những xác minh mà các thẩm phán đã thực hiện về thu nhập của ông Ơi: “Từ 1976-1980 ông Ơi làm nghề sửa xe đạp. Nhưng lúc này dân còn nghèo, cả ấp chỉ có khoảng 10 chiếc xe đạp nên thu nhập không đáng kể. Khoảng 1980-1983, ông chạy xe ngựa rồi ngựa chết. Thời điểm 1993-1994 khi bị bắt, ông chủ yếu làm vườn, trồng khoảng ba công dừa. Thu nhập rất thấp do giá dừa lúc đó rẻ...”.

Kết luận của những bản xác minh ấy là TAND tỉnh Tiền Giang không đồng ý bồi thường cho ông Ơi về khoản thu nhập bị mất trong thời gian bị bắt, dù yêu cầu của ông Ơi cũng chỉ dừng ở mức rất khiêm tốn là 15.000đ/ngày. Ông lão nghẹn ngào khóc giữa phiên tòa.

Luật sư Trần Công Ly Tao cũng nghẹn lời phải ngừng lại giữa lời phát biểu: “Ông Ơi đã lưu giữ từng cái phiếu nhận đơn, từng cái phong bì trong quá trình khiếu nại vì ông quyết đòi lại danh dự. Còn những cái đơn thuốc? Ông đâu có nghĩ đến việc được bồi thường. Còn những khoản thu nhập? Ông Ơi đâu có phải công chức nhà nước mà có bảng lương, nhưng chắc chắn ông không sống chỉ nhờ hít thở”. Những người đến dự phiên tòa đều biết rằng hiện giờ, ở tuổi 84, ông lão Ơi vẫn còn lên thành phố làm bảo vệ, về nhà vẫn làm vườn, chăn vịt tự nuôi thân và phụ giúp con cháu. Mười mấy năm nay ông đi làm, dành dụm được đồng nào lại đổ vào việc khiếu kiện. Những tâm lực, nước mắt, mồ hôi ấy có chứng từ nào ghi nhận được?

Hôm trước (9-11-2004), ở Tòa án huyện Gò Công Tây, vợ chồng ông Bùi Văn Mãnh cũng không thể tìm đâu ra những giấy tờ để chứng minh những khoản thu nhập, tài sản bị mất trong thời gian phải chịu oan sai. Vợ chồng ông chỉ có những câu chuyện trào nước mắt về cảnh sáu đứa con leo nheo đói khát những ngày cha bị bắt, mẹ bỏ trốn. Những vất vả, cơ cực khi người vợ gánh rau, khoai vừa đi bán vừa lòng vòng gửi đơn kêu oan cho chồng, khi đàn con đứa lớn phải đi làm thuê nuôi đứa bé. Những ngậm ngùi chua xót sau khi được tuyên không phạm tội, nhà cửa, tài sản tiêu tán, con cái thất học... “Cả núi vàng cũng không thể chuộc lại cho tôi những mất mát ấy”, vợ chồng ông Mãnh khẳng định với chúng tôi như vậy. Và ông lại phải lặp đi lặp lại nhiều lần nữa tại phiên tòa đòi bồi thường oan sai, sau những nỗ lực không thành về việc chứng minh những thiệt hại của mình bằng chứng từ cụ thể.

“Nếu ở địa vị của những người bị oan, liệu tòa án có đủ tỉnh táo, sáng suốt, chu đáo đến mức thu thập tất cả chứng từ để chuẩn bị đòi bồi thường?”. Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn cứ chốc chốc lại phải thốt lên như vậy. Nhưng bên bị đơn vẫn lạnh lùng đòi tất cả mọi thiệt hại phải được chứng minh bằng giấy trắng mực đen.

Đường kêu oan... dài lắm!

kjuU9nkZ.jpgPhóng to
Ông Phạm Văn Thành phát biểu sau khi được công an Tiền Giang xin lỗi công khai tại địa phương
Không chỉ có ông Ơi, ông Mãnh ra tòa và sẽ tiếp tục nộp đơn kháng cáo. Ông Phạm Văn Thành “14 năm đòi xóa tội giết con” cũng đã nộp đơn kiện Công an tỉnh Tiền Giang ra Tòa án huyện Chợ Gạo. Hầu hết các khoản tiền ông đòi bồi thường như sức khỏe bị tổn hại, tài sản bị người khác chiếm đoạt, chi phí cho người chăm sóc… đều không được chấp nhận vì không có văn bản chứng minh. Chỉ duy có Trần Văn Chiến, người đã trải qua 16 năm tù để hoàn tất cái án chung thân vì tội giết người, là đồng ý với mức bồi thường 250 triệu của Tòa án Tiền Giang.

Nhiều người theo dõi sự việc đã cho rằng anh dại dột vì mức bồi thường như vậy là quá thấp so với 16 năm tù oan. Nửa cuộc đời đáng ra phải được dành cho sự trưởng thành, học tập, lao động, gây dựng sự nghiệp, gia đình của Chiến đã phải trải qua trong tù. Nhưng dù đã ký vào biên bản thương lượng số tiền hết sức tượng trưng ấy, đến hơn tám tháng sau Chiến mới được nhận tiền.

Ở báo Tuổi Trẻ, chúng tôi nhận được rất nhiều, rất nhiều những đơn thư, hồ sơ kêu oan của bạn đọc. Từng câu chữ trong các lá đơn như thấm đầy nước mắt và có khi cả máu. Không phải là những người bị oan, cũng không phải là người gây oan sai, nhưng ai trong chúng tôi khi đã đọc qua những bộ hồ sơ dày cộm, lần lượt những lệnh bắt giam, kết luận điều tra, án sơ phúc thẩm... rồi tới lệnh đình chỉ điều tra, giấy trả tự do... đều không thể yên lòng.

Có hồ sơ thể hiện sự oan sai rất rõ ràng như hồ sơ của ông Lưu Việt Hồng ở Bến Tre. Tổ hợp xây dựng của ông Hồng đang thực hiện các công trình cho thị xã thì đột nhiên ông bị bắt giam, bị khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN”. Tạm giam 8 tháng, các hợp đồng đổ vỡ, toàn bộ tài sản bị phát mãi... Sau bao nhiêu lần trả và giao hồ sơ giữa Viện Kiểm sát và TAND tỉnh Bến Tre, chín năm sau ông Hồng mới được cả hai tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên không phạm tội. Thế nhưng đã một năm rưỡi kể từ khi ông nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, báo Tuổi Trẻ đã chuyển đơn ba lần, các cấp trung ương, tối cao, Ủy ban thường vụ Quốc hội đều đã có thư yêu cầu giải quyết, song cơ quan đã gây oan sai cho ông Hồng là VKS tỉnh Bến Tre vẫn im hơi lặng tiếng.

Có hồ sơ rõ ràng “tình ngay, lý gian” như của Phan Thị Kim Phụng ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Có xuống tận xã Trường Xuân, nhìn cái sạp ván lợp một nửa mái lá chông chênh trên đồng nước mênh mông mới thấu được nỗi oan của Phụng. Tỉnh qui hoạch khu chợ Trường Xuân, gia đình Phụng nhận được thông báo sẽ bị thu hồi 5.000m2 đất với số tiền bồi thường hơn 30 triệu. Không đồng ý với giá bồi thường, Phụng và cha làm đơn khiếu nại. Đơn chưa được giải quyết thì đoàn đo đạc, thu hồi đã đến cắm cọc, căng dây và căng lấn qua cả ranh giới 5.000m2. Quá bức xúc, Phụng và chị gái ra nhổ cọc, cuốn dây. Chỉ có thế, hai chị em bị bắt giam và khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”.

Phiên tòa xét xử lưu động đã làm xôn xao cả xã Trường Xuân, Phụng bị kết án 12 tháng tù giam. Tòa phúc thẩm đã bác toàn bộ án sơ thẩm và yêu cầu xử lại. Nhưng phải đến ba năm sau Công an huyện Tháp Mười mới ký quyết định đình chỉ điều tra với lý do “do biến chuyển của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Biến chuyển ấy là ba căn nhà của gia đình Phụng đã bị cưỡng chế, múc bỏ cả nền đất ngay giữa mùa lũ; là những lô nhà đã được huyện phân chia lần lượt mọc lên trên đất ruộng nhà Phụng; là cha mẹ cô ngày một già yếu đêm đêm co ro trên cái sàn ván, đốt lửa chờ trời sáng... 24 tuổi, Phụng chưa bao giờ thảnh thơi ngồi nói chuyện về ước mơ, tương lai hay về đứa con trai nhỏ. Phụng cứ thao thao với người đối diện về ranh giới đất, quá trình khiếu nại từ huyện lên tỉnh, về những bức xúc mà gia đình cô đang phải gánh chịu.

Chông chênh là hồ sơ kêu oan của bà Phạm Thị Út. Bà Út bị khởi tố về tội “giết người và hủy hoại tài sản”, hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam. Bà đã ngăn nhà của mình ra làm đôi, một nửa cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Một đêm căn phòng cho thuê bị cháy, hai vợ chồng người thuê nhà bị bỏng, trước lúc chết trối lại “Bà Út đốt tôi”. Cơ quan điều tra tìm thấy trong nhà bà có một cái thang dựng lên bức tường ngăn, phía sau nhà hai cái can đựng xăng dầu, bà Út đang nợ hai vợ chồng người thuê nhà món tiền thế chân đến ngày hẹn trả. Thêm vài lời khai khác nữa, và thế là đủ để bà phải lãnh án giết người. Nhưng cả kết luận điều tra lẫn nhận định của hội đồng xét xử đều không giải thích được vì sao bà Út muốn quịt nợ 2 chỉ vàng lại đi đốt cả nhà mình, không chứng minh được cách bà Út đã giội xăng dầu, mồi lửa như thế nào…

Các chứng cứ để buộc tội đều yếu, có tính gián tiếp và suy diễn. Theo kháng nghị của VKSND tối cao, TAND tối cao đã bác bỏ cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị điều tra lại. 11 năm sau vụ án, phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai được đưa ra xét xử, chưa có tình tiết nào mới và vẫn tuyên buộc Phạm Thị Út 20 năm tù giam. Ở trong tù, bà Út viết đơn kháng cáo. Ở nhà, chồng con bà tiếp tục viết đơn kêu oan gửi đi khắp các cấp...

Chúng tôi không biết con đường kêu oan của Phụng, của bà Út, của nhiều người khác sẽ có kết quả như thế nào, nhưng những khắc khoải chờ đợi, những kiên gan pha lẫn nản lòng, mệt mỏi thì chúng tôi cảm nhận được rất thật mỗi khi thấy một gương mặt quen thuộc xuất hiện, mỗi khi mở phong thư và thấy những lá đơn được đánh số thứ tự tới... hàng trăm. Ban công tác bạn đọc của báo Tuổi Trẻ đã phải ghi lên rất nhiều bộ hồ sơ như thế một chữ “lưu”, vì lẽ đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền cao nhất quá nhiều lần. Mỗi lần lưu một hồ sơ như thế, chúng tôi lại xót ruột nghĩ đến những người đang đau đáu chờ hồi âm ở nơi nào đó.

“Chúng tôi tin tưởng chờ đợi sự công minh, sáng suốt của pháp luật”, đó là câu cuối thường đọc được trong các lá đơn kêu oan, cũng là câu các đương sự thường trình bày trước tòa, trước các cán bộ thanh tra, nhà báo. Khi một người được minh oan, tức hành động của cơ quan tiến hành điều tra tố tụng được chứng minh là sai trái, thì niềm tin nội tâm của mọi người vào pháp luật sẽ vơi đi hay được củng cố thêm? Ông Ơi, ông Thành, ông Mãnh, Hồng, anh Chiến đều rất thanh thản mà trả lời: “Pháp luật cũng là do con người sinh ra, con người thực hiện. Mà con người thì phải có sai lầm. Chúng tôi là những người không may gặp phải những sai lầm ấy. Vẫn có may mắn đi kèm theo là pháp luật đã nhận ra mình sai. Chúng tôi đang chờ đợi sự sửa sai...”.

Con đường họ đã đi để tìm được sự minh oan, lời xin lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng thật nhọc nhằn, và vẫn còn nhọc nhằn khi phải ra tòa đòi bồi thường. Phía sau họ, còn bao nhiêu người nữa như ông Hồng, như Phụng đang tiếp tục nhọc nhằn bước?...

Từ khi có nghị quyết 388 về “bồi thường thiệt hại do oan sai trong tố tụng hình sự” của Ủy ban thường vụ Quốc hội, rất nhiều người nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Số tiền yêu cầu bồi thường cũng ngày một tăng lên, từ mức khá vừa phải như ông Nguyễn Công Ơi (Tiền Giang) yêu cầu bồi thường 65 triệu cho tới ông Nguyễn Tấn Triển yêu cầu bồi thường 26,2 tỉ đồng. Tuy nhiên từ khi có thông tư hướng dẫn thực hiện tới nay, con số những vụ bồi thường oan sai đã giải quyết dứt điểm đếm không hết trên một bàn tay.

* Ông Hoàng Hữu Hương được VKSND TP Hà Nội bồi thường 29 triệu đồng cho 8 tháng rưỡi bị tạm giam vì bị khởi tố oan tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản XHCN”.

* Phạm Việt Nam Hòa Bình được VKSND TP.HCM hỗ trợ 30 triệu đồng cho 18 tháng tù vì bị kết án oan tội “vi phạm an toàn giao thông đường bộ”.

* Trần Kiêm Viết được TAND huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc bồi thường 24 triệu đồng cho 96 ngày tù vì bị kết án oan tội “tham ô tài sản XHCN”.

* Hai vợ chồng ông, bà Nguyễn Thị Thơm và Nguyễn Thanh Hải được TAND TP.HCM bồi thường 48 triệu đồng cho 84 ngày tạm giam (tổng cộng cả hai người) vì bị kết án tội “cưỡng đoạt tài sản công dân”.l Ông Trần Văn Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường 250 triệu đồng cho 16 năm tù vì bị kết án oan tội “giết người”.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên