Những lá thư, bản thảo viết tay của Tô Hoài được nhà văn Vũ Tú Nam lưu giữ cẩn thận - Ảnh: V.V.Tuân |
Bản thảo viết tay cuốn Chiều chiều và những lá thư viết tay nhà văn Tô Hoài gửi nhà văn Vũ Tú Nam - Ảnh: V.V.Tuân |
Những lá thư viết tay của Tô Hoài chữ viết luôn cẩn thận, ngay ngắn - Ảnh: V.V.Tuân |
“Dù tôi đã chuẩn bị tâm lý cho sự ra đi của anh Tô Hoài từ khi anh đau yếu ở tuổi ngoài 90, nhưng khi nhận được tin anh về cát bụi, tôi không khỏi ngỡ ngàng, trống vắng và nhớ tiếc anh. Nhớ lắm anh Tô Hoài của chúng tôi”.
Nhà văn Vũ Tú Nam, từng là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam khóa IV chia sẻ, như một lời tiễn biệt “ông Dế Mèn” về nơi cát bụi.
Cùng là nhà văn tâm huyết với văn học thiếu nhi, nếu Tô Hoài được bạn đọc yêu thích tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký thì Vũ Tú Nam được nhiều bạn đọc biết đến qua tác phẩm Văn ngan tướng công. Không chỉ có thời gian công tác, làm việc cùng nhau ở Hội nhà văn Việt Nam, Ban văn học thiếu nhi, hai nhà văn của thiếu nhi này còn là đôi bạn thân thiết. Tô Hoài thường gọi ông bằng cái tên trìu mến: Tú Nam.
Đến bây giờ, nhà văn Vũ Tú Nam vẫn còn giữ lại tất cả những lá thư tay cũng như bản thảo viết tay mà Tô Hoài gửi cho ông. Mỗi lần giở lại những kỷ vật ấy, ông lại rưng rưng. Ông ngắm rất lâu những nét chữ viết tay cẩn thận, ngay ngắn của Tô Hoài.
“Bây giờ, anh ấy đã đi xa, về nơi cát bụi, mỗi lần giở lại những nét chữ viết tay của anh ấy, tôi như được thấy lại bóng hình anh. Và cảm giác như tôi và anh lại được cầm tay nhau thủ thỉ nói chuyện như ngày anh còn sống” - ông nhớ lại. “Ngày ấy, anh Tô Hoài là Bí thư đảng ủy Hội nhà văn, còn tôi là phó. Anh ấy viết thư tay cho tôi nhiều, chủ yếu là trao đổi công việc, và những tâm tư về nghề văn, thời cuộc. Chữ anh Tô Hoài đẹp lắm. Anh viết thư hay viết bản thảo cũng đều chân phương, sạch sẽ, ít gạch xóa”.
Mỗi lần đi công tác, Tô Hoài thường viết thư gửi Vũ Tú Nam để dặn dò ông chăm lo công việc của Hội nhà văn. “Tô Hoài rất cẩn thận, tỉ mỉ từng việc cụ thể. Mỗi khi Hội nhà văn tổ chức họp, ông luôn dặn Vũ Tú Nam “nên chú ý có chút kẹo bánh, với ít bia” - nhà văn Vũ Tú Nam nói.
Trong thư viết gửi nhà văn Vũ Tú Nam cuối tháng 10-1980, Tô Hoài viết: “Tú Nam. Vậy là tôi phải nằm viện. Phải mất hàng tháng, vì bệnh cũng lôi thôi. Mọi viện Đảng ủy ở nhà, tôi đề nghị Nam lo cho, và tôi nghĩ có những việc như sau: Việc Đảng ủy Văn nghệ, Nam tổ chức cuộc họp như ta đã bàn nhé. Nội dung là liên hoan phấn khởi và dặn dò đôi chút. Nói về quá trình phát triển liên tục của Đảng bộ ta cho tới ngày nay. Các chi bộ cần phải phát huy. Thành phần nên: các chi ủy cũ, chi ủy mới được chỉ định (kể cả đảng ủy ta), các phụ trách cơ quan, bốn đảng đoàn, các phụ trách công đoàn chi bộ và công đoàn khối. Còn mời trên cần mời ai thì Tú Nam tổ chức cuộc họp trước, đã biết. Thế nào cũng có kẹo và bia”.
Khi viết xong bản thảo cuốn Chiều chiều lần đầu, Tô Hoài đã gửi cho vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam đọc thử để góp ý. Vũ Tú Nam đã khuyên Tô Hoài nên viết thêm những chương cuối cho cuốn sách như hiện nay. Trong đó có chương kể lại việc Tô Hoài vừa viết văn, vừa làm công tác Hội nhà văn, nhưng vừa kiêm chức tổ trưởng tổ dân phố lo tem phiếu, nhà ở, cứu tế…
“Tôi thấy những chi tiết đó tuy nhỏ nhưng rất đắt mà nếu bỏ đi thì uổng phí quá. Nó giúp độc giả hiểu thêm về con người Tô Hoài ngoài đời” - nhà văn Vũ Tú Nam chia sẻ.
Trong thư gửi nhà văn Vũ Tú Nam ngày 3-8-1998 kèm theo bản thảo viết tay những chương cuối cuốn sách Chiều chiều, Tô Hoài có viết: “Anh Tú Nam! Theo gợi ý của Tú Nam, tôi đã viết thêm chương làm tổ trưởng cho tập hồi ký. Như vậy sẽ có: 1/ Đi thực tế Thái Bình; 2/ Đi học trường Đảng; 3/ Làm tổ trường khu phố; 4/ Đi nước ngoài; 5/ Chương cuối (về lại Thái Bình).
Gửi Tú Nam, Thanh Hương đọc chơi và để cám ơn sự nhắc nhở. Tôi viết luôn một mạch, cho đến bây giờ cũng không mở sổ sách gì cả, tin mình nhớ đúng. Không ngờ mà cũng vô khối việc. Tôi sẽ đưa in báo Thế giới mới chương tổ trưởng này”.
Bản thảo cuốn Chiều chiều do Tô Hoài viết tay kèm theo bức thư ấy vẫn được nhà vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương lưu giữ cẩn thận. Một số lá thư đã được ông trao tặng lại cho Bảo tàng Hội nhà văn.
Có những lá thư Tô Hoài viết để bày tỏ nỗi lòng với người bạn văn của mình. Trong thư đề ngày 14-9-1990 tại Vũng Tàu, Tô Hoài giãi bày nhiều tâm sự về công việc của Hội nhà văn, và nhờ nhà văn Vũ Tú Nam trình bày với Ban chấp hành Hội nhà văn hai nguyện vọng của ông là được thôi ủy viên Hội đồng Văn xuôi và được thôi Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi.
Lý do mà Tô Hoài viết trong thư là: “Như tôi, một người 70 tuổi, viết và đã in 126 quyển sách, 46 tuổi Đảng, có các loại huân chương cao, có 8 năm phụ cấp thâm niên hoạt động trước Cách mạng - Hội ta chưa có ai hoạt động lâu mà được công nhận như thế, mà còn bị đối xử sơ sài đến vậy thì quả là lạ lùng. ấy là chưa kể sau 30 năm làm việc ở Hội, khi đi không nợ một xu, không mượn một cái ghế, chưa hưởng một tiêu chuẩn gì - đã kiểm điểm là ưu tiên trước khi chuyển công tác”.
Nhà văn Vũ Tú Nam cho biết, khi đó, ông thực sự bối rối trước những lời tâm sự và lời đề nghị thật lòng của Tô Hoài. Ông đã cố gắng giải quyết sự việc, nhưng rồi phải tôn trọng quyết định của “ông Dế Mèn”.
Cất lại những bản thảo, những lá thư của một người anh, người đồng nghiệp đã về nơi cát bụi, nhà văn Vũ Tú Nam nghẹn ngào: “Tôi rất quý anh Tô Hoài. Anh ấy không bao giờ rời cây bút và viết bất cứ lúc nào, trên bất cứ giấy gì. Tô Hoài xứng đáng là Anh hùng lao động. Tôi nhớ tiếc một con người, một người anh, một người đồng nghiệp. Nếu anh còn sống 1 phút anh còn viết 1 phút, anh còn sống 2 tiếng anh còn viết 2 tiếng. Cuộc đời lao động văn chương của Tô Hoài sẽ vẫn tiếp diễn nếu anh còn sống. Tôi nhớ lắm, anh Tô Hoài”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận