22/04/2014 08:00 GMT+7

Dương Chí Dũng: Có người khuyên bỏ trốn, giờ rất hối hận

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 22-4, Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục hàng hải) nhận sai trong vụ mua ụ nổi hư hỏng 83M, nói lời khai của mình có nhiều uẩn khúc, rất hối hận vì đã bỏ trốn.

54Y5HVBv.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng tươi tắn tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 22-4, xét xử phúc thẩm vụ Dương Chí DũngDương Tự Trọng 18 năm tù, khởi tố vụ án lộ bí mật nhà nướcXem toàn bộ nội dụng vụ án Dương Chí Dũng

Tuy nhiên, Dương Chí Dũng nói không nhận đồng tham ô nào từ Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).

Trả lời Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị cáo Dương Chí Dũng nói giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, có bổ sung một số vấn đề. Bị cáo Dũng kêu oan về tội tham ô tài sản, với tội cố ý làm trái thì bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Về việc mua ụ nổi hư 83M hư cũ, bị cáo Dương Chí Dũng nói "rất hối hận, bị cáo đã sai". Theo tài liệu tòa công bố, tính đến 7-5-2012, Nhà nước đã thiệt hại 367 tỉ, bây giờ không biết thiệt hại bao nhiêu.

Tòa hỏi bị cáo Dũng có nhận tiền của Trần Hải Sơn không? Bị cáo Dũng đáp: "Có trời đất chứng giám, bị cáo hoàn toàn không nhận một đồng nào. Tết nhất anh ấy đến, có phong bì và chai rượu chúc tết thôi".

Theo Dũng, lời khai của bị cáo có lời không được ghi vào hồ sơ. Lúc ở khách sạn Shaton TP. HCM, bị cáo không nhận tiền. Ngoài mấy chai rượu thì bị cáo không nhận tiền của Sơn.

Tòa hỏi lý do vì sao không nhận tiền mà vẫn khắc phục hậu quả?

Dũng đáp: "Với vai trò là lãnh đạo của Đảng, nhà nước, nhân dân, bị cáo để xảy ra việc là có tội rồi. Nên bị cáo bán hết tài sản để khắc phục. Bị cáo đã đề nghị gia đình bán hết, nạp cho bị cáo 4,7 tỉ ở Thi hành án".

Dương Chí Dũng: hối hận vì bỏ trốn

Theo Dương Chí Dũng khai, nhà bố mẹ bị cáo ở Hải phòng, bị cáo cũng không biết gì về gia đình anh Sơn ở Hải phòng, không nhận đồng tiền nào từ anh Sơn. Bị cáo không mâu thuẫn gì với anh Sơn cả. Lúc anh Sơn bị khởi tố điều tra về tội tham ô bị cáo mới biết. Lúc biết bị Khởi tố bị cáo trốn sang Campuchia.

Tòa hỏi bị cáo tại sao bỏ trốn? Dương Chí Dũng đáp nói "Do thông tin người khác nói với bị cáo nên bị cáo trốn, trốn đi xem thế nào, lánh đi một thời gian". Bị cáo Dũng nói giờ thấy việc đó là quá sai, "quá hối hận, không có ý định trốn như thế".

HĐXX cũng hỏi bị cáo Dũng có gì để khắc phục nữa không? Dương Chí Dũng nói bị cáo nguyện khắc phục hết, bán hết, vận động gia đình giúp đỡ. Nhưng ngoài nhà đất, giờ bị cáo chỉ còn ít xe pháo, ngoài ra không còn gì nữa.

Dương Chí Dũng khai nhà 88 Láng Hạ mua gần 4,9 tỉ, là tiền của bị cáo và lấy của vợ bị cáo mua. Chị Thảo (bạn gái Dũng) khai có 600 triệu có đúng không? Bị cáo Dũng đáp "cô ấy nói thế chắc là đúng, đề nghị HĐXX xem xét". Theo Dương Chí Dũng, phần nhà của bị cáo và vợ sở hữu chung, bị cáo mong đem hết phần của bị cáo để khắc phục cho nhà nước.

Trong khi Dương Chí Dũng một mực phủ nhận việc nhận tiền “lại quả” từ việc mua ụ nổi 83M hư hỏng thì bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định lời khai của mình ở phiên sơ thẩm và ở cơ quan điều tra là đúng. Bị cáo không thay đổi lời khai.

KCBZrL75.jpg
Bị cáo Trần Hải Sơn được dẫn tới tòa - Ảnh: Việt Dũng

Trần Hải Sơn khai có việc đưa tiền cho Dương Chí Dũng tại khách sạn Victory nhưng không nhớ rõ ngày.

Tòa hỏi số tiền 5 tỉ đồng đưa cho Dũng ở Hải Phòng là lấy ở đâu? Sơn khai do em gái tên Huyền đưa cho bị cáo, lúc đưa có Huyền và chồng Huyền tên Long.

Bị cáo Trần Hải Sơn khai rõ về việc nhận 1,666 triệu USD: Bị cáo không biết ai thỏa thuận việc nhận tiền này. Chỉ biết ông Goh (người của công ty Nga, bán ụ nổi) nói nhận tiền. Sau đó bị cáo gặp lại anh Dũng và Phúc để xác nhận về việc nhận tiền. Anh Dũng và Phúc giao cho bị cáo tiếp nhận tiền. Ông Goh yêu cầu cung cấp công ty khác để chuyển tiền VN

Sơn khai sau đó bị cáo lấy địa chỉ của công ty của em gái bị cáo. Em gái bị cáo Sơn rút hơn 28 tỉ đồng, Sơn đưa cho Dương Chí Dũng 10 tỉ, Phúc 10 tỉ, anh Chiều 340 triệu, cho em gái bị cáo 2 tỉ

Tòa hỏi lý do gì mà bị cáo phân chia tiền như thế, Trần Hải Sơn đáp: “Anh Dũng chỉ đạo như vậy”.

Tòa hỏi Sơn: “Tại sao bị cáo nhận chỉ ký nháy thôi mà nhận tới 7,8 tỉ. Vai trò thì rất nhỏ mà nhận tiền thì rất lớn”. Sơn đáp: “Bị cáo chỉ nghĩ mình là người sau này quản lý dự án, tiếp nhận dự án”

Tiền thuê người tháo ụ còn tốn hơn tiền bán sắt vụn

Tại phiên tòa, bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT) kháng cáo kêu oan cả hai tội.

Theo Phúc, về tội tham ô tài sản thì bị cáo không nhận một đồng nào của Sơn. Về tội cố ý làm trái thì bị cáo vừa nhận chức được 2 tháng, ký các tờ trình. Chỉ đến khi bị bắt thì bị cáo mới biết Vinalines vi phạm quy định về dự án. Bị cáo không chỉ đạo việc mua ụ nổi. Không bao giờ bị cáo chỉ đạo như vậy.

Tòa hỏi Mai Văn Phúc: “Đến giờ có biết tình trạng ụ giờ thế nào không?”. Phúc đáp: “bị cáo có nghe cơ quan điều tra nói bây giờ không được sửa chữa, không sử dụng được, bỏ không rất lãng phí”.

HĐXX thông tin cho biết: phương án thanh lý ụ nổi giờ rất khó. Giờ chỉ còn cách tháo ra để bán sắt vụn.

“Nhưng tiền thuê người tháo ụ còn đắt hơn tiền bán sắt vụn. bị cáo nghe rõ chưa, bị cáo suy nghĩ xem có còn oan không?”, tòa chất vấn. Bị cáo Phúc tiếp tục thanh minh vòng vo.

8psDHvfr.jpg
Bị cáo Mai Văn Phúc

8g25 sáng 22-4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã khai mạc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng tham ô, cố ý làm trái tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trong phần thủ tục, luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng đề nghị triệu tập 3 nhân chứng, trong đó có 2 người là đại diện công ty Nga bán ụ nổi 83M và người lái xe đã đưa đón bị cáo Dũng tại TP.HCM

Đại diện VKSND tối cao cho rằng Nga là nơi bán ụ nổi, thực tế ụ nổi đã được mua về VN, việc có mặt hay không có mặt bên bán ụ nổi thì không quan trọng, không nhất thiết phải có mặt, hành vi phạm tội của các bị cáo đã đầy đủ. Việc có mặt người lái xe thì có thì tốt, không có thì thôi. Theo đại diện VKS, người lái xe này không chứng kiến được nhiều quá trình chuẩn bị tiền hay đưa tiền.

LS Trần Đình Triển (bào chữa cho Dương Chí Dũng) cho biết ông đã thu thập được lời tuyên thệ của ông Goh (giám đốc công ty AP, Singapore). Tại lời tuyên thệ này, ông Goh cho biết ông Dương Chí Dũng không liên quan đến 1,666 triệu USD tiền “lại quả”. LS Triển cung cấp cho tòa một số tài liệu mà theo ông tòa sẽ phải hoãn xét xử để nghiên cứu.

Trước các đề nghị trên, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ để hội ý.

Tuy nhiên, sau 5 phút hội ý, HĐXX cho biết việc luật sư đề nghị triệu tập các nhân chứng ở Nga là những người có thể biết quá trình thỏa thuận ăn chia số tiền tham ô. HĐXX xét thấy tại tòa, LS Triển đã có những tài liệu liên quan đến ông Goh ở Singapore về quá trình ăn chia này. HĐXX sẽ xem xét các tài liệu này xem có cần triệp tập thêm nhân chứng nữa hay không. Về yêu cầu triệu tập người lái xe của bị cáo Trần Hải Sơn, người lái xe này đã có lời khai tại hồ sơ. Vì vậy, HĐXX tiếp tục làm việc.

Bạn gái Dương Chí Dũng kháng cáo việc kê biên nhà

Trước đó, từ 8g Bị cáo Dương Chí Dũng được đưa đến phòng xử. Trong khi các bị cáo khác mặc đồng phục của trại giam thì Dương Chí Dũng mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen đóng thùng. Ông Dũng đến tòa với thái độ rất tươi tắn.

Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ bị cáo Dương Chí Dũng) có mặt tại tòa với tư cách là người liên quan. Bà Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng của Vinalines (cấp sơ thẩm bị xử phạt 4 năm tù) không có kháng cáo, đến tòa với tư cách là người làm chứng.

Đại diện Vinalies có mặt tại tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Đại diện Bộ GTVT, đại diện Cục Đăng Kiểm VN và Đại diện Bộ Tài Chính cũng có mặt tại phiên phúc thẩm này.

Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho 9 bị cáo, trong đó có 3 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng.

Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn (Thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội). Đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Bùi Đình Tiến và Vũ Quang Huy.

Ngoài kháng cáo của 9 bị cáo kháng cáo thì phiên tòa có kháng cáo của 3 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Mai Phương, Ngô Thị Vân và bà Phan Thị Thảo.

Bà Phan Thị Thảo (bạn gái của Dương Chí Dũng, vắng mặt tại phiên tòa) có đơn đề nghị tòa xử vắng mặt và xem xét lại việc kê biên căn hộ tại 88 Láng hạ, quận Đống Đa, HN

ImrVmBs5.jpgPhóng to
Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội trước phiên xử Dương Chí Dũng sáng 22-4 - Ảnh: Tâm Lụa
SMes40Hu.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng được dẫn giải vào tòa từ sáng sớm - Ảnh: Việt Dũng

Từ 6g50, Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) và các bị cáo được đưa đến tòa và dẫn giải vào phòng xử. Nhiều người dân đứng đợi trước cổng Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để được vào xem xét xử. An ninh phiên tòa được kiểm tra nghiêm ngặt.

Chỉ có khoảng hơn 20 phóng viên báo đài được cấp thẻ và theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi. Dự kiến phiên xét xử kéo dài 3 ngày.

Trong số các bị cáo có kháng cáo phúc thẩm này, Dương Chí Dũng kêu oan về tội tham ô tài sản và xin giảm nhẹ hình phạt về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT) kêu oan về cả hai tội. Các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo bản án, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (cùng các đồng phạm tại Vinalines) đã sai phạm trong việc nhập khẩu ụ nổi 83M hư hỏng nặng không có khả năng hoạt động. Việc này không những gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước mà kết quả điều tra còn xác định trong quá trình mua ụ nổi, Dương Chí Dũng và các bị cáo còn chia nhau hơn 1,6 triệu USD tiền "lại quả" của đối tác từ hợp đồng mua ụ nổi trên.

Trước đó, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng mức án tử hình.

Danh sách 9 bị cáo xét xử trong phiên tòa phúc thẩm gồm:

1. Dương Chí Dũng (57 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)

2. Mai Văn Phúc (57 tuổi, nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT)

3. Trần Hải Sơn (54 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)

4. Trần Hữu Chiều (62 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines)

5. Mai Văn Khang (56 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)

6. Lê Văn Dương (44 tuổi, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)

7. Huỳnh Hữu Đức (49 tuổi, nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa)

8. Lê Văn Lừng (55 tuổi, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa)

9. Lê Ngọc Triện (50 tuổi, nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).

Tòa đã tạm nghỉ, buổi chiều sẽ tiếp tục làm việc

FnDW1iwL.jpgPhóng toBị cáo Trần Hữu Chiều - Ảnh: Việt Dũng
D0snx5PI.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (hàng đầu) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: Việt Dũng
TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên