30/03/2014 07:55 GMT+7

8 năm chưa làm được giấy chứng tử!

LÊ TRUNG
LÊ TRUNG

TT - Đã tám năm từ khi cơn bão Chanchu qua đi, những người vợ ở xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam có chồng mất tích trong cơn bão dữ ấy vẫn chưa làm được giấy chứng tử cho chồng.

HsMsxAsW.jpgPhóng to
Chồng mất tích đã tám năm nhưng đến nay bà Miên vẫn chưa làm được giấy chứng tử cho chồng - Ảnh: Lê Trung

Năm 2006, ông Trần Minh Hùng, chồng bà Võ Thị Miên (45 tuổi), cùng nhiều ngư dân khác ở thôn Tân Phú, xã Tam Phú mất tích trong cơn bão Chanchu. Từng ngày từng giờ, bà Miên cùng năm con nhỏ dại vẫn thấp thỏm hi vọng người chồng, người cha sẽ có ngày sống sót trở về. Tuy nhiên, đã tám năm trôi qua, mọi hi vọng về sự trở về ấy thật sự quá mong manh. “Lúc trước tui đâu có nghĩ đến chuyện làm giấy chứng tử, vì cứ mong chồng mình vẫn còn sống, đang phiêu dạt ở một nơi nào đó sẽ trở về với mẹ con mình. Nhưng cho đến khi có người ở thôn nói là phải làm giấy chứng tử để con cái sau này dễ làm lý lịch xin việc, kết nạp Đảng nên tôi mới đi làm” - bà Miên nói.

Chỉ vì thủ tục

"Việc làm giấy chứng tử cho người thân khi mất tích là rất cần thiết. Những người con khi đi học, ra trường xin việc vào cơ quan nhà nước, nước ngoài hoặc kết nạp Đảng đều phải được yêu cầu khai kỹ về lý lịch về việc chết và mất tích của người thân mình"

Ông Đặng Quốc Lộc(chánh án TAND TP Tam Kỳ)

Bà Miên kể năm 2010 bà đến Ban tư pháp - hộ tịch xã Tam Phú làm giấy chứng tử cho chồng nhưng cán bộ xã hướng dẫn nhiều thủ tục rắc rối nên bà về. Đến tháng 10-2013, bà tiếp tục đến xã hỏi các thủ tục để làm giấy chứng tử nhưng công an xã chỉ xác nhận với nội dung: “Vào năm 2006, ông Trần Minh Hùng đi làm nghề mực khơi, nhưng do bão số 1 (bão Chanchu) làm chìm tàu đến bây vẫn chưa tìm thấy thi thể” và được cán bộ xã hướng dẫn nộp đơn tại Tòa án nhân dân (TAND) TP Tam Kỳ yêu cầu tuyên bố mất tích.

Ngày 14-3-2014, TAND TP Tam Kỳ có thông báo viện dẫn điều 330 Bộ luật tố tụng dân sự: “Hồ sơ yêu cầu của bà Miên thiếu chứng cứ để chứng minh chồng bà đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc chồng bà còn sống hoặc đã chết và hồ sơ không thể hiện việc bà đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm”. Vì thế, TAND TP Tam Kỳ yêu cầu bà Miên bổ sung các chứng cứ nêu trên. Ngoài ra, thủ tục còn có phần thông báo tìm người vắng mặt được đăng trên báo hằng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp”. “Chồng tôi mất tích, khi tôi làm đám tang và lập bàn thờ đều có chính quyền địa phương tới dự thì ai cũng biết. Vả lại, nhà tôi nghèo, lại nuôi con đông, tiền đâu có mà kiếm vài triệu đồng để đăng báo hay đài về việc mất tích của chồng tôi. Sao mà làm cái giấy chứng tử thôi lại thấy phức tạp đến vậy!” - bà Miên bức xúc.

Hiện bà Miên có năm người con. Trong đó hai con đang học đại học, cao đẳng sắp ra trường. Mong muốn của bà là có được giấy chứng tử cho chồng để các con sau này ra trường dễ làm lý lịch để xin việc làm. Thôn Tân Phú còn có bốn trường hợp cùng cảnh ngộ với bà Miên, là vợ của các ngư dân Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Tuyền, Huỳnh Công Tổng, Nguyễn Minh Quang cũng mất tích trong bão Chanchu. Tuy nhiên, do nhiều thủ tục rắc rối nên những phụ nữ làng biển này bỏ luôn ý định làm giấy chứng tử cho chồng. Trong đó, có trường hợp có chồng là cựu chiến binh như gia đình bà Miên vì không làm được giấy chứng tử nên chưa được nhận tiền trợ cấp và các chế độ ưu tiên khác.

Phải có đơn yêu cầu tuyên bố đã chết

Ông Lê Văn Hiển, cán bộ Ban tư pháp - hộ tịch xã Tam Phú, cho biết: “Sau bão Chanchu, xã Tam Phú có năm người mất tích. Khi người dân xin làm giấy chứng tử, chúng tôi đã hướng dẫn họ làm đơn yêu cầu TAND TP Tam Kỳ tuyên bố người mất tích. Cán bộ xã đã làm hết trách nhiệm của mình. Bên phía tòa án phải có một bản án thì chúng tôi mới có cơ sở để làm giấy chứng tử được. Chính tôi trực tiếp dẫn họ lên tòa án để nhờ tòa hướng dẫn làm thủ tục. Lúc đó tòa án hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ba kỳ báo, phát trên đài phát thanh. Còn mọi chi phí để đăng báo thì người dân tự chịu, chúng tôi không biết”.

Ông Đặng Quốc Lộc, chánh án TAND TP Tam Kỳ, cho biết: “Theo điều 81, khoản 1, điểm C, Bộ luật dân sự, nếu một ngươi bị tai nạn, bị thảm họa thiên tai mà sau một năm kể từ ngày bị nạn không có tin xác thực còn sống thì có quyền công bố người này đã chết. Tuy nhiên, trong đơn bà Miên gửi TAND TP Tam Kỳ, bà lại yêu cầu tuyên bố mất tích. Vì thế, chúng tôi đã hướng dẫn gia đình phải thông báo việc mất tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như quy định.

Chúng tôi đã cho cán bộ văn phòng hướng dẫn, tư vấn bà Miên làm đơn yêu cầu tuyên bố chồng bà đã chết, trong thủ tục sẽ không phải đăng báo, đài và không tốn tiền. “Vừa qua, chúng tôi cũng đã nhận được đơn của bà Miên gửi lại lần hai. Tòa án sẽ mở một phiên họp gồm đại diện viện kiểm sát, một thẩm phán, thư ký để xem xét điều kiện hồ sơ. Không chỉ riêng bà Miên, những hộ khác có hoàn cảnh tương tự nếu có nhu cầu làm giấy chứng tử thì hãy làm đơn yêu cầu tuyên bố người thân đã chết để gửi lên tòa án, chúng tôi sẽ giải quyết hết” - ông Lộc nói.

LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên