02/03/2014 07:30 GMT+7

Mười năm sống "vô danh"

NGUYỄN VĂN MIÊN - D.NGỌC HÀ ghi
NGUYỄN VĂN MIÊN - D.NGỌC HÀ ghi

TT - Bị mất giấy tờ tùy thân từ năm 2004, do trục trặc thủ tục, mười năm nay ông Nguyễn Văn Miên (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) sống như người “vô danh” trong xã hội.

ZhPDceqx.jpg
Ông Nguyễn Văn Miên - Ảnh: N.Hà

Tôi sinh năm 1960 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Năm 1976, tôi đi học ở Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện tại TP Thái Nguyên nên đã nhập khẩu vào trường. Năm 1979, Bộ Công nghiệp nhẹ điều động tôi vào làm việc ở Nhà máy dệt Phong Phú thuộc xã Tăng Nhơn Phú (huyện Thủ Đức, TP.HCM) và tôi được cấp hộ khẩu tập thể tại đây. Sau năm 1988, việc quản lý hộ khẩu chuyển về Công an huyện Thủ Đức và đơn vị này cấp cho mỗi người trong hộ khẩu tập thể một bìa hộ khẩu riêng để tiện giao dịch.

Mất hết giấy tờ

Năm 2004, trong một lần đi thăm người thân tại tỉnh Đồng Nai, tôi làm mất toàn bộ giấy tờ, trong đó có sổ hộ khẩu tập thể và chứng minh nhân dân (CMND). Tôi có cớ mất và được Công an xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xác nhận nhưng không trình báo Công an quận 9 (lúc này huyện Thủ Đức đã tách thành ba quận, địa bàn tôi ở thuộc quận 9). Đến năm 2008, tôi có đến Công an quận 9 trình bày sự việc và xin cấp lại hộ khẩu nhưng phòng lưu hồ sơ thuộc Công an quận 9 trả lời miệng rằng hồ sơ của tôi đã bị thất lạc.

Tháng 9-2013, tôi làm đơn tường trình gửi Công an quận 9 và xin được cấp lại hộ khẩu hoặc xác nhận để tôi được nhập hộ khẩu về nơi ở hiện tại trên đường Võ Duy Ninh, phường 22, quận Bình Thạnh. Công an quận 9 trả lời tàng thư Công an quận có quản lý tám nhân khẩu tập thể của Công ty dệt Phong Phú nhưng không có tên tôi. Tôi liên hệ Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM để hỏi thì được cán bộ tiếp dân nơi đây hướng dẫn về huyện Kim Bảng xác nhận quá trình cư trú từ nhỏ, sau đó làm thủ tục nhập hộ khẩu vào địa chỉ đang cư trú tại quận Bình Thạnh. Công an ở quê tôi không xác nhận vì tôi đã cắt hộ khẩu đi khỏi địa phương từ năm 1976.

Không được đăng ký tạm trú

Tôi đã có vợ nhưng chưa đăng ký kết hôn, các con tôi đều có khai sinh do tôi khai và đứng tên cha. Năm 2004, sau khi làm mất sổ hộ khẩu, tôi có đăng ký tạm trú tại căn nhà mình đang ở - nơi vợ và các con của tôi có hộ khẩu thường trú. Do tôi còn giữ được bản photo CMND (cấp năm 1978 tại Công an tỉnh Thái Nguyên) và tôi sống ở đây đã lâu nên người cảnh sát khu vực đồng ý đăng ký tạm trú cho tôi dựa trên số CMND cũ. Đến năm 2008, người cảnh sát khu vực mới không cho tôi đăng ký tạm trú nữa vì tôi không có giấy tờ tùy thân.

Mỗi lần tôi đi xin việc, vợ tôi phải nhờ người quen ở công an phường xác nhận vào sơ yếu lý lịch cho tôi. Khi lãnh lương, thanh toán bảo hiểm xã hội, hoặc có tổ chức nào đòi phải xuất trình CMND thì tôi đưa ra bằng tốt nghiệp của Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện (có dán ảnh) và đơn cớ mất giấy tờ từ năm 2004, năn nỉ họ chấp nhận. Cũng may, tôi chưa bị nơi nào từ chối trả lương hoặc thanh toán bảo hiểm xã hội vì không có CMND. Tuy nhiên, sau khi nghỉ việc ở một đơn vị nào, tôi đều chốt sổ bảo hiểm xã hội, nhận trợ cấp một lần chứ không dám cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm vì sợ mình không có CMND sẽ khó khăn cho việc nhận lương hưu sau này.

Việc sử dụng bằng tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật cơ điện thay thế CMND được các cơ quan khác thông cảm, nhưng với các cơ quan công an thì không. Có lần tôi vi phạm luật giao thông bị cảnh sát giao thông thổi phạt, giữ xe máy nhưng do không có CMND, không có bằng lái xe nên tôi không thể đi đóng phạt để lấy xe ra, đành bỏ luôn chiếc xe máy. Gần đây, tôi cũng lại bị cảnh sát giao thông bắt vi phạm giao thông, tôi đã khai tên con trai tôi và để cho con đi đóng phạt, lấy giấy tờ xe.

Hiện vì không có giấy tờ tùy thân nên tôi rất khó xin việc làm ở những nơi tốt. Tôi đành phải chọn giải pháp làm tự do, ai kêu gì làm nấy, chủ yếu là hàng xóm và những người quen đã biết tôi có nghề cơ khí. Có người quen ở vùng sâu của một tỉnh đề nghị tôi “lo” 4 triệu đồng để “chạy” nhập khẩu vào nhà họ, sau đó chuyển về TP.HCM. Tuy nhiên, tôi thấy cách làm này bất hợp pháp nên đã không đồng ý. Tôi tin rằng mình sống ngay thẳng, không vi phạm pháp luật, lý lịch rõ ràng thì pháp luật sẽ chỉ ra cho mình con đường để đăng ký hộ khẩu thường trú một cách hợp pháp mà không phải “chạy” hay “lo”, tiếp tay cho những người tiêu cực.

Thượng tá Cao Văn Đen (phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM):

Ông Miên sẽ được đăng ký hộ khẩu theo con (*)

Phiếu đề xuất đăng ký hộ khẩu của Phòng cảnh sát quản lý trị an trước đây (nay là Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội), Công an TP.HCM thể hiện ông Miên có hộ khẩu tập thể ở quận 9 tại Công ty dệt Phong Phú. Do thất lạc nên Công an quận 9 chưa tìm ra tên ông Miên trong hộ khẩu tập thể trên.

Căn cứ vào Luật cư trú năm 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành thì ông Miên được nhập khẩu theo con tại quận Bình Thạnh. Trong hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú, ông Miên làm thêm bản tường trình nói rõ sự việc và cam kết hiện chưa đăng ký hộ khẩu thường trú ở đâu.

Trong bản khai theo mẫu HK02 (theo thông tư 81 năm 2011), chủ hộ (vợ của ông Miên) xác nhận đồng ý bảo lãnh ông Miên nhập hộ khẩu về cùng với con. Hồ sơ đăng ký hộ khẩu này không cần xác nhận của địa phương, bao gồm các tờ khai HK01, HK02, bản tường trình, giấy khai sinh của con và bản chính hộ khẩu của vợ con ông hiện nay.

(*) Sau khi nhận được tư vấn trực tiếp của thượng tá Cao Văn Đen qua điện thoại, ông Miên đã đến Công an quận Bình Thạnh để làm hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi đây đã tiếp nhận hồ sơ của ông.

NGUYỄN VĂN MIÊN - D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên