16/12/2013 10:47 GMT+7

Ai mật báo để Dương Chí Dũng bỏ trốn?

V.V.THÀNH - C.MAI - T.LỤA thực hiện
V.V.THÀNH - C.MAI - T.LỤA thực hiện

TT - Tại phiên xét xử Dương Chí Dũng, tòa đã yêu cầu bị cáo này cho biết ai đã mật báo tin sẽ bị khởi tố để bị cáo này bỏ trốn, nhưng Dương Chí Dũng một mực không chịu nói.

Vinalines tan nát dưới thời Dương Chí Dũng

JVE8okho.jpgPhóng to
Bị cáo Dương Chí Dũng (trái) tại phiên xử ngày 13-12 Ảnh: DOÃN TẤN

Đó là câu hỏi chưa được trả lời trong phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines.

Trong phiên tòa này, khi tòa đề cập việc ai báo tin sẽ bị khởi tố, Dương Chí Dũng trả lời: “Tôi đã khai ở cơ quan điều tra rồi, không khai lại ở đây nữa, không tiện nói tên người báo”. Tình tiết này đang được dư luận rất quan tâm. Câu hỏi được đặt ra là có cần thiết công khai danh tánh người báo tin cho Dương Chí Dũng? Liệu có chuyện bỏ lọt người, lọt tội?

* Ông Nguyễn Sĩ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Đông đảo cử tri đều quan tâm

tXEDy99j.jpgPhóng to

"Đảng ta nêu rõ trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì “không có vùng cấm”. Với tinh thần đó, tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ tình tiết dẫn đến việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn. Trong vụ án xảy ra tại Vinalines có nhiều bị can, tại sao riêng bị can Dương Chí Dũng lại được báo tin để bỏ trốn?"

Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương, nguyên trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương)

Cá nhân tôi và chắc là đông đảo cử tri đều quan tâm đến một chi tiết hết sức quan trọng, đó là: ai mật báo cho ông Dương Chí Dũng thông tin về việc bị khởi tố và tạm giam, để ông này bỏ trốn?

Tôi còn nhớ, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 14-6-2012 liên quan đến vấn đề ông Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh bắt tạm giam, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn, xem có lộ, lọt thông tin hay không. Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật”.

Rõ ràng người ngoài thì không thể biết được các thông tin mật của vụ án, phải là người trong cuộc. Nếu làm rõ được câu hỏi này, tôi tin rằng sẽ góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy công quyền.

* Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương):

Không thể để trôi qua

Lâu nay không phải không có ý kiến băn khoăn trong chống tham nhũng ta nói nhiều nhưng làm chưa tương xứng, hay nói đúng hơn là làm không đáp ứng được yêu cầu. Gần đây, qua bước đầu xét xử một số đại án tham nhũng, trong đó có vụ án Vinalines với những bản án hết sức nghiêm minh, những ai quan tâm đến lĩnh vực này đều nhận thấy thật sự có bước chuyển động.

Hơn lúc nào hết, các cán bộ, đảng viên làm công tác tư pháp, công tác điều tra, kiểm sát... có liên quan đến những vụ án lớn đã, đang và sẽ được đưa ra xét xử phải chứng minh cho dư luận thấy sự công tâm, trí tuệ và khách quan của mình. Không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà còn không được để lọt tội phạm, gây băn khoăn trong dư luận. Chẳng hạn như trong vụ án Vinalines, cần làm rõ khởi nguồn việc Dương Chí Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt, khám xét... Vai trò của em trai bị cáo là ông Dương Tự Trọng đến đâu và có hay không vai trò mật báo của ai nữa? Không thể để cho việc này trôi qua mà không được làm rõ.

*Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Tình tiết quan trọng cần làm rõ

2RiimnXj.jpgPhóng to

"Tại phiên chất vấn ở Quốc hội chiều 14-6-2012, tôi trực tiếp chuyển tới bộ trưởng Bộ Công an hai câu hỏi, trong đó có câu hỏi về trách nhiệm việc để bị can Dương Chí Dũng trốn thoát. Là người đã chất vấn, tôi rất quan tâm đến câu trả lời cho câu hỏi “ai báo” của tòa, đồng thời chờ đợi rằng câu trả lời sẽ có trong phiên tòa xử vụ những người tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài"

Ông Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Người mật báo cho Dũng là ai? Làm sao biết được thông tin để báo tin cho bị cáo Dũng? Những vấn đề này rất cần phải được làm sáng tỏ. Tuy tình tiết này không liên quan trực tiếp đến việc xác định tội danh, sai phạm của Dương Chí Dũng tại Vinalines nhưng nó cũng nằm trong chuỗi sự kiện diễn biến khách quan của vụ việc, cần phải làm rõ mới giúp hội đồng xét xử đánh giá toàn diện, khách quan về vụ án.

Tại phiên tòa, hội đồng xét xử có hỏi đến việc này nhưng bị cáo Dũng từ chối khai báo mà nói đã khai tại cơ quan điều tra và không muốn khai tại phiên tòa này nữa. Theo điều 18 Bộ luật tố tụng hình sự, nguyên tắc xét xử của tòa án là công khai. Tại sao có những vấn đề có liên quan chặt chẽ đến vụ án mà lại không công khai tại phiên tòa? Việc tòa dừng lại, không truy tiếp đối với Dương Chí Dũng về tình tiết này khiến những người dự tòa cảm thấy hụt hẫng vì bị ngắt khúc.

Xét về mặt chứng cứ, tình tiết có cuộc điện thoại báo tin cho Dương Chí Dũng biết rất quan trọng, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ để xem xét xử lý. Đáng lẽ khi xét hỏi đến vấn đề này, hội đồng xét xử cần hỏi tiếp để xác định trách nhiệm của người mật báo cho Dương Chí Dũng, làm rõ luôn việc người này có bị xem xét trách nhiệm trong vụ án “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” (sắp tới sẽ xét xử) hay chưa? Nếu qua xét hỏi, thấy người gọi điện cho ông Dũng chưa được xem xét trong vụ án đó thì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, hội đồng xét xử có thể kiến nghị cơ quan điều tra, viện kiểm sát làm rõ hoặc ra quyết định khởi tố vụ án.

* Ông Nguyễn Thanh Hà (Hội thẩm nhân dân phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Vinalines):

Phiên tòa này không liên quan tới án bỏ trốn

Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi, tranh luận. Các bị cáo, luật sư, người liên quan cũng như đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa không còn ý kiến gì. Về việc Dương Chí Dũng không khai tên người báo tin cho Dũng bỏ trốn, phiên tòa sắp tới đây sẽ làm rõ điều đó. Việc này liên quan đến vụ án xét xử những tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, điều đó buộc phải làm rõ. Còn phiên tòa này là án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản, không liên quan gì đến án bỏ trốn, nên bị cáo có khai hay không cũng không quan trọng.

* Kiểm sát viên Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM):

Phải xem xét đầy đủ trong vụ án tiếp theo

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bị cáo có quyền khai hay không khai nhận hành vi của mình. Trường hợp bị cáo từ chối khai báo tại phiên tòa thì hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các chứng cứ và lời khai khác để xét xử. Những trường hợp cần thiết, nếu bị cáo không khai báo, tòa có quyền công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.

Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đang bị xét xử về tội tham ô, cố ý làm trái, việc làm rõ làm sao bị cáo biết thông tin bị khởi tố để bỏ trốn tuy có ý nghĩa làm rõ thêm các tình tiết của vụ án nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định tội phạm của Dương Chí Dũng. Theo tôi biết, việc Dương Chí Dũng bỏ trốn và những cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ bị cáo bỏ trốn đã được khởi tố điều tra để xem xét trong vụ án khác. Khi xử vụ án này tòa cần triệu tập Dương Chí Dũng, nếu lúc đó mà tòa không truy vấn, làm rõ để xem xét trách nhiệm của người điện thoại mật báo cho Dũng bỏ trốn thì mới bị xem là vi phạm tố tụng, bỏ qua dấu hiệu tội phạm.

0kO0qbcU.jpgPhóng to
"Việc bị cáo Dương Chí Dũng từ chối khai báo với mục đích cá nhân là quyền của bị cáo. Nếu tòa xét thấy việc cuộc điện thoại mật báo cho Dương Chí Dũng trốn là rất quan trọng thì cần thiết phải được làm rõ ngay tại phiên tòa lần này. Không nhất thiết phải ngắt khúc lời khai về chuỗi hành vi của Dương Chí Dũng để chờ đến phiên tòa xét xử những bị cáo giúp Dương Chí Dũng trốn"

Luật sư Đinh Văn Thảo (phó chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Đoàn luật sư TP.HCM)

Ông Nguyễn Bá Thanh theo dõi vụ Vinalines

Sáng 15-12, một lãnh đạo Ban Nội chính trung ương xác nhận với Tuổi Trẻ việc ông Nguyễn Bá Thanh (phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trưởng Ban Nội chính trung ương) có mặt tại phiên tòa xét xử nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm. “Có thể nói thêm, đây cũng là vụ án trọng điểm hàng đầu trong tám vụ án trọng điểm, việc xử lý vụ án này được theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Về việc xuất hiện của ông Nguyễn Bá Thanh tại phiên tòa, vị lãnh đạo Ban Nội chính trung ương giải thích: “Với cương vị và chức năng, nhiệm vụ là phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trưởng Ban Nội chính trung ương thì đồng chí Nguyễn Bá Thanh theo dõi chặt chẽ vụ án này và trực tiếp nghe phiên xét xử công khai đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm”.

* Tin bài liên quan:

Vợ bị cáo Trần Hải Sơn bán nhà để khắc phục hậu quảTheo dõi toàn bộ Đại án Dương Chí DũngDương Chí Dũng xin được đối chất với giám đốc công ty AP“Xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, toàn thể nhân dân”Tranh luận gay gắt quanh ụ nổiXem toàn cảnh thông tin về Vinalines

V.V.THÀNH - C.MAI - T.LỤA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên