12/09/2013 15:07 GMT+7

Xử vụ CSGT "gây thương tích khi thi hành công vụ"

V.T. - DUY THANH
V.T. - DUY THANH

TTO - Sáng 12-9, TAND TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ án CSGT huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) “gây thương tích trong khi thi hành công vụ”.

Xử lần 2 vụ công an gây thương tích: lời khai nhiều mâu thuẫnCSGT gây thương tích: yêu cầu làm rõ bị đơn dân sự

2fsaQpmE.jpgPhóng to
Hiếu (trái) và Duy trước tòa

Ở phần mở đầu cũng như kết thúc phần tranh luận phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Nha Trang kiên quyết bảo vệ quan điểm việc truy tố bị cáo Nguyễn Trọng Hiếu (công an viên xã Diên Phú) theo tội danh trên là có căn cứ pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phạt Hiếu 6-9 tháng tù giam; bị đơn dân sự là Công an xã Diên Phú phải liên đới bồi thường thiệt hại cho bị hại theo luật định.

Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Huỳnh Tấn Nam đọc nội dung liên quan trong Thông tư số 60/2009 của Bộ Công an, hướng dẫn CSGT cách xử trí các tình huống cụ thể trong khi tuần tra, kiểm soát.

Luật sư phân tích việc xe CSGT truy đuổi gắt gao anh Nam nhiều cây số chỉ vì hành vi không đội mũ bảo hiểm là hoàn toàn không thích hợp, dẫn đến tai nạn gây thương tích nặng nề cho anh Nam. Lẽ ra chỉ cần ghi lại số xe, nhận dạng người vi phạm để xác minh, xử lý sau đó, hoặc báo các chốt chặn phối hợp… Quan điểm của luật sư được Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và đa số người dự khán đồng tình.

Công an truy đuổi khiến người khác gặp nạn rồi bỏ chạy

Ở phần thẩm vấn, hội đồng xét xử bác bỏ lời khai của bị cáo Hiếu và CSGT Vũ Văn Duy, theo đó, anh Nam chạy xe 100 phân khối bỏ chạy, lại có thể đánh võng để ép xe CSGT 250 phân khối rượt theo với tốc độ 80-90km/g(?), trong khi trên quốc lộ 1A liên tục có xe qua lại. Các nhân chứng đều bác bỏ và cực lực phản đối lời khai của Hiếu và Duy nói bị người dân ném đá nên phải bỏ chạy vội vã khỏi hiện trường, không đưa nạn nhân Nam đi cấp cứu, không bảo vệ nguyên trạng hiện trường.

Các nhân chứng chủ chốt đều khẳng định nhìn thấy xe CSGT ép xe Nam vào lề đường, Hiếu vụt dùi cui trúng Nam làm anh ngã xe. Nạn nhân Nam cũng khẳng định bị xe CSGT ép và bị đánh từ phía sau dẫn đến ngã xe.

Theo cáo trạng, tối 24-4-2010, anh Huỳnh Tấn Nam điều khiển xe máy đi mua bánh mì nhưng không đội mũ bảo hiểm. Thượng sĩ Vũ Văn Duy chở Nguyễn Trọng Hiếu trên môtô đặc chủng đã đuổi theo 2km. Hiếu đã dùng gậy giao thông đánh vào vai gáy của Nam khiến anh này té xuống lề đường, bị thương tích 77%.

Tòa hỏi bị cáo Hiếu và nhân chứng Vũ Văn Duy (công tác tại Đội cảnh sát giao thông Công an huyện Diên Khánh, là người đã lái môtô đặc chủng chở Hiếu truy đuổi anh Huỳnh Tấn Nam đêm 24-4-2010) có thay đổi lời khai hay không sau khi nghe bị hại và bảy nhân chứng trình bày, cả hai đều cho biết không thay đổi gì.

Bị cáo Hiếu một mực kêu oan, cho biết không hề tác động gì đến nạn nhân Huỳnh Tấn Nam mà do anh Nam lái xe tốc độ cao, lạng lách, đánh võng nên bị sụp lề đường, tự gây tai nạn. Vũ Văn Duy cũng cho biết do anh Nam lạng lách, ép xe nên phải truy đuổi suốt chặng đường dài hơn 2km với tốc độ 80-90km/giờ; trước khi ngã và trượt xuống taluy đường, xe anh Nam có nẩy lên nên Duy đoán khả năng đã va chạm với vật gì đó trên đường.

Tòa hỏi nhân chứng Vũ Văn Duy, Thông tư 60/2009 ngày 29-10-2009 của Bộ Công an quy định trong trường hợp người vi phạm không chấp hành lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông còn có nhiều biện pháp khác để xử lý, tại sao không áp dụng mà truy đuổi suốt 2km. Ông Duy nói rằng vì thấy anh Nam tăng tốc độ, chạy lạng lách, đánh võng nên đánh giá là có thể gây nguy hiểm cho người khác nên phải truy đuổi gắt gao để ngăn chặn.

Công tố viên cho rằng anh Nam có lỗi không đội mũ bảo hiểm và không chấp hành lệnh dừng xe chỉ là các lỗi vi phạm hành chính, không phải là nguy hiểm cho xã hội, nên việc truy đuổi của cảnh sát giao thông với tốc độ cao trên quốc lộ có nhiều phương tiện tham gia giao thông là không cần thiết và có thể khiến người bị truy đuổi hoảng hốt, gây ra hậu quả lớn hơn.

Không cứu người bị nạn

Cả bị cáo Hiếu và nhân chứng Duy đều nói rằng sau khi anh Nam té ngã, môtô đặc chủng của hai người còn chạy lướt qua 5-7m rồi mới quay lại. Hai công an xuống xe đến nơi nạn nhân nằm bất động thì người dân đến nhiều, la lối, bức xúc có người dùng đá ném nên cả hai đã lên xe bỏ đi.

Tuy vậy, hầu hết các nhân chứng cho biết môtô của cảnh sát giao thông được dựng ngay ở phần lề đường nơi anh Nam bị nạn; khi mới có 2-3 người dân đến hiện trường, hai công an đã lên xe và quay đầu chạy về phía huyện Diên Khánh.

Đại diện Viện KSND TP Nha Trang cũng công bố các bút lục tường trình của Vũ Văn Duy và Nguyễn Trọng Hiếu với cơ quan chủ quản ngay tối 24-4-2010, trong đó không có chi tiết nói người dân đe dọa, ném đá.

Chủ tọa phiên tòa phân tích cho cả bị cáo Hiếu và nhân chứng Duy rằng là người thi hành công vụ, nhưng khi thấy có tai nạn xảy ra, cả hai đều không bảo vệ hiện trường, không tham gia cứu người bị nạn mà bỏ chạy khỏi hiện trường là phải xem lại trách nhiệm. Luật sư Phan Bạch Mai bào chữa cho bị hại nói rằng hành vi trên của bị cáo Hiếu và nhân chứng Duy là thiếu tình người.

Đề nghị phạt 6-9 tháng tù

Từ thực tiễn xét xử tại tòa và chứng cứ có tại hồ sơ, đại diện Viện KSND TP Nha Trang khẳng định việc truy tố Nguyễn Trọng Hiếu tội “gây thương tích trong khi thi hành công vụ” là có cơ sở, đúng pháp luật. Công tố viên đề nghị tòa xử bị cáo 6-9 tháng tù, buộc Công an xã Diên Phú là cơ quan của bị cáo đền bù thiệt hại hơn 254 triệu đồng cho nạn nhân.

Luật sư Lê Văn Tuấn bào chữa cho bị cáo Hiếu cho rằng chứng cứ truy tố thân chủ ông không vững chắc, lời khai của người bị nạn và các nhân chứng còn mâu thuẫn nhau. Do đó ông Tuấn đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại vụ án, cần thiết có thể đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa thụ lý.

Theo dõi vụ án, một số luật sư cho rằng có dấu hiệu bất thường khi thượng sĩ CSGT Vũ Văn Duy không bị xem xét trách nhiệm hình sự, vì Duy là CSGT chuyên nghiệp, tổ trưởng tổ tuần tra, trực tiếp điều khiển môtô CSGT. Thậm chí ở phiên xét xử ngày 24-12-2012, Duy bị triệu tập với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tại phiên tòa này, Duy chỉ bị triệu tập với tư cách nhân chứng.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát truy tố theo tội “gây thương tích trong khi thi hành công vụ” (điều 107-BLHS), chứ không phải theo tội “cố ý gây thương tích” (điều 104), cho nên chi tiết dùng dùi cui vụt không phải thật sự quan trọng. Về bản chất, nguyên nhân dẫn đến tai nạn gây hậu quả nặng nề là hành vi rượt đuổi gắt gao một cách hoàn toàn không cần thiết, không thích hợp với tình huống anh Nam không đội mũ bảo hiểm, xử lý nghiệp vụ trái quy định tại Thông tư 60. Do vậy, Duy mới là người chịu trách nhiệm chính.

Tòa thông báo sẽ tuyên án vào sáng 16-9.

V.T. - DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên