30/04/2013 08:24 GMT+7

Làm đơn cầu cứu nhưng thảm kịch vẫn xảy ra

HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA
HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA

TT - Bà thấy con gái có biểu hiện tâm thần không bình thường - đánh bà, đánh cả chính con mình nên đã làm đơn cầu cứu chính quyền và các ban ngành đoàn thể phường 7, quận 8, TP.HCM, thế nhưng bà đã không cứu kịp đứa cháu...

SqbuLMq1.jpgPhóng to
Thái Kim Tài cùng mẹ bên thùng chiếc xe lôi chở đồ chuyển nhà - Ảnh: Hoàng Điệp

Ngày 25-4-2013, bà Thái Kim Cúc, 61 tuổi, đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi UBND, công an, ban thương binh - xã hội, hội phụ nữ và các ban ngành liên quan của phường 7, quận 8 với nội dung đề nghị chính quyền địa phương và các đoàn thể giúp đỡ để đưa con gái mình là Thái Kim Tài, 23 tuổi, đi bệnh viện điều trị tâm thần vì Tài có những dấu hiệu bất thường như hay bỏ nhà đi rông, thường xuyên đánh đập mẹ bất kể khi nào.

Cháu bé đột tử?

Địa phương không biết hoàn cảnh bà Cúc

Bà Đoàn Thị Kim Thu (chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố 2, khu trưởng khu phố 2, phường 7, quận 8) nói: “Tôi làm khu trưởng khu phố bao nhiêu năm, cũng làm bí thư chi bộ ở đây nữa mà có năm nào thấy báo cáo về trường hợp gia đình chị Cúc khó khăn đâu? Nếu biết chị ấy khó khăn thế thì mỗi năm tết đến chị ấy đã được nhận hỗ trợ rồi. Bây giờ tôi cũng chỉ mong sao các cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa Tài đi điều trị tâm thần. Nếu cứ để Tài sống như vậy thì ai cũng biết cuộc sống của chị Cúc sẽ nguy hiểm đến thế nào”.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Phương Thảo (cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội phường 7, Q.8) cho biết: “Muốn đưa vào trại tâm thần thì người nhà phải có hồ sơ bệnh án. Tôi đã hỏi rất kỹ, mẹ con bà Cúc không nhà cửa, nay đây mai đó. Tôi mới nhận đơn vào lúc 2g chiều thứ sáu thì đến 4g đứa bé đã chết rồi.

Người nhà phải đưa chị Tài đi giám định. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Nếu giám định được thì bên phường còn có thể làm chế độ cho chị Tài, với mức 360.000 đồng/tháng và có bảo hiểm y tế…”.

Theo ông Lê Chu Giang (trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM): “Nếu gia đình bà Thái Kim Cúc và chính quyền địa phương không đưa chị Tài đi khám được thì có thể làm đơn đề nghị công an hỗ trợ. Việc bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu không ảnh hưởng gì đến việc lập hồ sơ và điều trị”.

H.ĐIỆP

Trong đơn, bà Cúc trình bày: “Hằng ngày tôi đi phụ việc ở quán cơm chỉ được 100.000 đồng vừa trả tiền nhà trọ, vừa lo ăn uống cho hai mẹ con vừa mua sữa cho cháu. Mỗi lần xin tiền mà tôi không cho là Tài đấm đá tôi túi bụi. Tuổi già sức yếu nên tôi không thể chịu đựng mãi, nhất là hiện nay mỗi lần lên cơn là nó đánh cả cháu bé - con của chính mình: nắm đầu, dứt tóc, đá đít, bóp cổ cháu bé, cầm chỗ kín của cháu mà ngắt nhéo tím bầm. Mới chiều 24-4-2013 nó bóp cổ cháu bé, cầm vật lên vật xuống như quăng đồ vật trước sự chứng kiến của nhiều bà con lối xóm... Tôi hiện đang rất hoảng sợ, tôi sợ bị đánh đập không đủ sức đi làm thì đời sống của bà cháu tôi không biết trông cậy vào ai, nhưng khi đi làm thì tôi sợ nhất là cháu bé ở nhà không được an toàn, dễ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi viết đơn này mong các quý ban ngành, cơ quan đoàn thể cứu giúp khẩn cấp tình trạng của bà cháu tôi”.

Lá đơn có chữ ký và xác nhận của bà con hàng xóm, tổ dân phố, hội phụ nữ và được chuyển đến UBND phường chiều 25-4. Ngày 26-4, bà Cúc đi làm giấy tờ để khai sinh cho cháu ngoại. Trở về nhà lúc 4g chiều thấy đứa bé mới sinh được 1 tháng rưỡi nằm bất động.

“Mang ra trạm y tế thì người ta nói cháu tôi chết rồi, tôi còn chưa kịp làm khai sinh cho cháu thì cháu đã chết rồi” - bà Cúc vừa kể vừa khóc.

Thái Kim Tài được mời lên công an phường để làm việc và đến ngày 27-4 được thả về, công an kết luận cháu bé chết do đột tử.

Tiếp tục lang thang

Bà Cúc kể bà nhận Thái Kim Tài về nuôi khi Tài còn là đứa trẻ đỏ hỏn được một người ẵm đứng trước cửa Bệnh viện Từ Dũ tìm người có lòng hảo tâm nuôi giùm. Nhà bà Cúc ai cũng nghèo. Khi xưa bà có hộ khẩu cùng với cha mẹ và anh chị em nhưng sau này bà tách hộ khẩu riêng, rồi nhà bị bán mất nên hộ khẩu bị xóa, bà cũng không có chứng minh nhân dân. Thái Kim Tài bởi vậy cũng chẳng có mảnh giấy nào lận lưng.

Chỉ là lao động nghèo, lại không có nhà cửa ổn định nên mẹ con bà Cúc sống nay đây mai đó bằng nghề làm thuê làm mướn. Cũng bởi mải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con nên bà Cúc không biết Tài thường chơi với ai và đi đâu. Nhiều lần đi đến mấy ngày mới trở về. Mỗi lần bà Cúc la mắng là Tài lao vào đánh bà bất kể ngày đêm, khi bà ngủ hay bà thức. Năm 2011 Tài mang thai và sinh ra một bé trai. Thấy hoàn cảnh của mình không nuôi được cháu nên bà Cúc đã gửi cháu vào chùa. Ngày 11-3-2013 Tài lại sinh thêm một bé trai nữa. Lần này bà Cúc nói muốn nuôi cháu hoặc tìm nhà nào đàng hoàng tử tế để gửi gắm. Rồi bà làm đơn gửi Tài đi chữa bệnh, còn mình thì làm thuê kiếm tiền để thỉnh thoảng vào trại tâm thần để được thăm con. Nhưng đã không kịp…

Gửi thi thể cháu ở Bệnh viện Bình Chánh, bà Thái Kim Cúc không có một đồng nào trong túi. Nhờ sự giúp đỡ của những người hàng xóm, bà xin được mấy triệu đồng để hỏa táng cháu bé trong buổi sáng 28-4. 2g chiều, vừa về đến nhà thì chủ trọ nhất quyết không cho ở nữa. Vậy là mẹ con bà lại một lần nữa phải dọn nhà đi.

Chỉ có 50.000 đồng cho một chuyến xe lôi chở đồ đạc từ phường 7 sang phường 6 ở quận 8, Thái Kim Tài lơ ngơ ngồi giữa đống đồ đạc mà món đắt giá nhất chính là chiếc quạt điện. Chiếc xe lôi chạy qua ranh giới phường 7 để sang phường 6. Nhận thức của Thái Kim Tài vẫn chẳng có gì thay đổi. Chị sẽ trừng mắt lên nhìn người vừa hỏi hoặc im lặng, ngửa mặt nhìn trời dường như chẳng quan tâm đến tất cả mọi thứ xung quanh. Ai sẽ quan tâm giải quyết câu chuyện này?

Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM có thể hỗ trợ việc giám định

Qua thông tin trên, có thể nói chị Thái Kim Tài có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Gia đình cần đề nghị các cơ quan chức năng ở phường đưa chị Tài đi khám tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM (152-154 Hồng Bàng, P.12, Q.5) để xác định có bệnh tâm thần hay không nhằm có hướng điều trị. Chi phí giám định là 500.000 đồng, UBND có thể hỗ trợ hoặc trung tâm có thể miễn phí. Do bà Cúc và chị Tài không có hộ khẩu, CMND nên bà Cúc cần xin giấy xác nhận của UBND phường. Trường hợp chị Tài có bệnh và được khuyến cáo điều trị, gia đình chị cầm giấy này đến phòng bảo trợ xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM để được nơi đây tiến hành thủ tục đưa vào cơ sở điều trị.

BS Nguyễn Ngọc Quang(giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM)

T.C. ghi

HOÀNG ĐIỆP - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên