24/01/2013 06:10 GMT+7

Để trộm cướp lộng hành, xem xét trách nhiệm giám đốc công an

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là đề nghị của bà Lê Thị Nga - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - tại hội nghị về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng và nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì, ngày 23-1.

* 532 tử tù vẫn chờ thuốc độc

Bà Nga bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng cướp giật, giết người diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn một số địa phương, đặc biệt là TP.HCM trong thời gian gần đây. “Đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân khi ra đường là trách nhiệm của chính quyền mà cơ quan chuyên trách là công an. Chúng tôi đề nghị nơi nào để trộm cướp lộng hành thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu, tức là giám đốc công an các tỉnh thành, nếu đồng chí nào không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng nên thay thế” - bà Nga nói.

Bà cũng bày tỏ sự bức xúc trước các cơ quan tư pháp về tình trạng án quá hạn. Hai trường hợp được nêu lên làm ví dụ là vụ Phạm Đình Tiến - nguyên thiếu tá công an Hà Nội - đã tạm giam đến năm thứ 7 mà không tuyên rõ được là có tội hay không có tội và vụ Trần Minh Anh ở Ngọc Hà, Hà Nội bị tạm giam từ 2009 đến nay chưa mở được phiên tòa xét xử.

Báo cáo tại hội nghị, đại tướng Trần Đại Quang - bộ trưởng Bộ Công an - cho biết: Qua một tháng triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm (từ ngày 15-12-2012 đến 15-1-2013), đã phát hiện gần 5.000 vụ phạm tội hình sự, đã bắt, xử lý gần 8.500 đối tượng; triệt phá 390 băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm...

Bộ Công an đã tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa bàn trọng điểm; tăng cường 600 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát cơ động cho Công an TP.HCM để tăng cường trấn áp tội phạm ở các địa bàn giáp ranh giữa TP.HCM với các địa phương.

Đối với việc thực hiện thi hành án tử hình, ông Quang cho biết Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị tại năm cơ sở thi hành án tử hình là Hà Nội, TP.HCM, Sơn La, Nghệ An và Đắk Lắk. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc công an 63 tỉnh, thành. Đang trình nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Đến nay số bị án tử hình chưa thi hành còn 532 đối tượng, đang chờ nghị định.

Báo cáo về tình hình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng, phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết các công việc vẫn đang được tiến hành theo kế hoạch. Ban Tổ chức trung ương đang xây dựng kế hoạch điều chuyển cán bộ từ Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sang các cơ quan khác.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Qua các giải pháp thì tôi vẫn chưa thấy quyết tâm của ngành thanh tra. Các vụ Vinashin, Vinalines thì thấy thanh tra xong rồi, nhưng sau đó mới phát hiện thấy tham nhũng. Với những vụ như vậy mà những người đứng đầu đoàn thanh tra không chịu trách nhiệm gì thì chúng tôi rất băn khoăn”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên