18 năm kể từ ngày được ra trại, tôi luôn mong muốn nhập lại hộ khẩu nhưng không được.
Phóng to |
Vợ chồng anh Trương Hồng Khanh - Ảnh: T.L. |
Năm 1986, do gây rối trật tự công cộng tại địa phương, tôi bị cưỡng bức cải tạo lao động một năm tại Nông trường Duyên Hải (quận 8, TP.HCM) và bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu gia đình. Nhờ cải tạo tốt nên chỉ trong vòng tám tháng, tôi được trở về nhà. Đến năm 1991, tôi bị kết án 18 tháng tù giam vì đánh lộn với bạn bè. Cả hai lần sau khi ra trại, tôi đều trình diện đầy đủ tại Công an phường 5, quận 8.
Câu chuyện trên xuất phát từ lá thư của ông Phạm Văn Ngàn (82 tuổi, ở đường Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8) gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Thường xuyên lui tới lớp học tình thương chùa Liên Hoa, ông Ngàn biết chuyện ba đứa trẻ nhà nghèo chưa được làm giấy khai sinh nên đã giúp anh Trương Hồng Khanh làm đơn, gửi đi các nơi để xin được nhập hộ khẩu. Ông cũng là người đã động viên anh Khanh không được nản lòng và giúp con anh làm giấy khai sinh trễ hạn. Ông cũng đã giúp đưa anh Khanh đến phòng tư pháp quận truy lục hồ sơ gốc ở Nông trường Duyên Hải Cần Giờ nhưng không tìm thấy. |
Đầu tiên tôi đến Công an phường 5 thì được chỉ lên UBND quận 8. UBND quận 8 hướng dẫn các thủ tục cần thiết rồi chỉ tôi qua công an quận. Công an quận 8 bảo phải có sổ hộ khẩu của gia đình vợ. Lúc đó gia đình vợ tôi chỉ có KT3, tôi mang KT3 lên nộp thì công an quận không chấp nhận. Tôi thắc mắc không biết tại sao xin nhập hộ khẩu mà lại cần đến sổ hộ khẩu của nhà vợ, nhưng vì nghèo và ít học nên chẳng biết hỏi ai. Tôi ngược trở về công an phường, phường chỉ qua quận, quận chỉ qua phòng tư pháp...
Tôi loay hoay như thế cả năm 1994 nhưng không được ai giải quyết.
Rồi một người bạn làm bên quận báo cho tôi biết hồ sơ xin hộ khẩu của tôi thiếu giấy xác nhận ra trại của Nông trường Duyên Hải. Vì năm 1994, trong một lần sửa lại nhà, tôi làm mất cả giấy khai sinh lẫn giấy xác nhận nói trên, chỉ còn giữ được giấy ra tù của án tù 18 tháng.
Theo lời chỉ dẫn của mọi người, tôi lên Phòng Tư pháp quận 8 truy lục lại hồ sơ tại Nông trường Duyên Hải song không tìm thấy. Cán bộ phường 5 và cán bộ Công an quận 8 bảo thiếu mất giấy ra trại này thì họ bó tay. Đầu năm nay, tôi đã cầu cứu nhiều cấp chính quyền ở phường 5 quận 8, gửi đơn lên ông trưởng Công an quận 8 nhưng không thấy hồi âm...
Tình cảnh gia đình tôi hiện đang ngày càng túng quẫn, vợ tôi nhận nấu cơm mướn mỗi ngày được 50.000 đồng (trừ bốn chủ nhật), bản thân là thợ sơn tự do mà lúc này thường khó kiếm việc, lại thêm mắc chứng bệnh đau khớp thường tái đi tái lại. Tính ra với ngần ấy thu nhập cho năm miệng ăn thật quá khó khăn. Vì không có hôn thú, tôi không thể làm giấy khai sinh cho con theo họ mình. Nhờ được người quen giúp đỡ, ba đứa con tôi vào giữa năm nay mới được làm khai sinh trễ hạn theo họ mẹ, cũng mới vừa được nhập khẩu vào sổ hộ khẩu của gia đình vợ tôi. Các cháu được theo học tại lớp học tình thương của chùa Liên Hoa (quận 8).
Tôi biết tội của mình lúc còn trai trẻ đáng phải đi cải tạo và lãnh án tù. Từ ngày ra trại, tôi luôn cố gắng làm việc để chăm lo cho vợ con. Điều luôn làm tôi thấy khổ sở là suốt gần 20 năm qua, tôi không có hộ khẩu, không được cấp gạo cứu đói, con không được làm khai sinh... Tôi luôn mang trong mình mặc cảm người đi tù về, nghèo, không biết chữ. Những lần xin nhập hộ khẩu không được, tôi lại càng mặc cảm. Tôi chỉ mong được nhập lại hộ khẩu gia đình để không phải suốt đời tạm trú, được đường hoàng sống như bao người khác. Nhưng tôi không biết phải làm thế nào.
Ngày 8-10, trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp xin nhập khẩu của anh Trương Hồng Khanh, ông Nguyễn Văn Đức, đội trưởng đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 8, cho biết: “Chắc có một số nhầm lẫn của cấp dưới, hoặc do anh Khanh không biết chữ nên nhờ người làm thay mà không được hướng dẫn rõ ràng. Nông trường Duyên Hải đã giải thể, vì thế hồ sơ xin nhập khẩu của anh Khanh không cần giấy xác nhận ra trại của nông trường này. Hồ sơ của anh Khanh cần các giấy tờ cơ bản như giấy khai sinh, giấy chứng nhận ra trại của án 18 tháng, giấy xác nhận có tên trong sổ hộ khẩu gốc của gia đình, sổ hộ khẩu của cha mẹ, bản tường trình cam kết của anh Khanh về việc tạm trú ở phường, có xác nhận của UBND phường 5”. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ xin nhập khẩu của anh Khanh, ngày 9-10 ông Nguyễn Văn Đức cho biết: “Tôi đã xem hồ sơ và thấy không có vấn đề gì. Chúng tôi đang đợi xác minh ở phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Công an thành phố (PC53), nếu lý lịch của anh Khanh ở PC53 không vấn đề gì thì chúng tôi sẽ giải quyết cho anh Khanh được nhập khẩu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận