30/08/2012 16:48 GMT+7

Y án 20 năm tù cựu chủ tịch Vinashin

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO- Chiều 30-8, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Vinashin, HĐXX không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Cựu chủ tịch Vinashin nói lời xin lỗi

Cựu chủ tịch Vinashin kêu không đóng nổi án phíÔng Phạm Thanh Bình: Tôi cố ý làm trái, nhưng...

opTR4YAy.jpgPhóng to
Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình (phải) - Ảnh: VTC cung cấp

Theo HĐXX, uá trình diễn biến tại phiên tòa không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Cụ thể mức án đối với các bị cáo như sau:

1. Bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) 20 năm tù

2. Bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên giám đốc Công ty Viễn dương) 19 năm tù

3. Bị cáo Tô Nghiêm (nguyên chủ tịch Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cái Lân) 18 năm tù

4. Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 16 năm tù

5. Bị cáo Trịnh Thị Hậu (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy) 14 năm tù

6. Bị cáo Hoàng Gia Hiệp (nguyên phó tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT) 13 năm tù

7. Bị cáo Trần Quang Vũ (nguyên tổng giám đốc Tổng công ty CNTT Nam Triệu) 11 năm tù

8. Bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) 10 năm tù

Trưa 30-8, trước khi hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm vụ Vinashin nghị án, các bị cáo đã nói lời cuối cùng. Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình xin chịu trách nhiệm về tất cả hành vi của mình, đồng thời xin lỗi về việc không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Bị cáo Bình cũng gửi lời xin lỗi đến toàn thể cán bộ, nhân viên, công nhân của Tập đoàn Vinashin và xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo Bình xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự. Các bị cáo khác cũng xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trước đó đã diễn ra phần đối đáp giữa đại diện viện kiểm sát và luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Đề cập trách nhiệm dân sự trong dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Đình Côn (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) đặt vấn đề bản án sơ thẩm đã nêu việc chia phần bồi thường thiệt hại hơi lạ.

Cụ thể, bản án sơ thẩm buộc các bị cáo Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Vinashin), Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Hoàng Anh) và Đỗ Đình Côn phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty Hoàng Anh hơn 34 tỉ đồng, chia theo phần mỗi bị cáo Phạm Thanh Bình và Nguyễn Văn Tuyên phải bồi thường hơn 13 tỉ đồng, riêng bị cáo Đỗ Đình Côn phải bồi thường hơn 6 tỉ đồng.

j4N2ymTI.jpgPhóng to
Bị cáo Đỗ Đình Côn (thứ hai từ phải vào) - Ảnh: VTC

“Tôi không hiểu tòa sơ thẩm dựa vào đâu để trong cùng một vụ việc lại chia phần bồi thường thiệt hại cho các bị cáo theo cách hai người bồi thường ngang nhau và một người bồi thường ít hơn, cứ như chia phần theo đội hình bóng đá 4-4-2 vậy. Tôi được biết vợ bị cáo Côn hiện nay gần 60 tuổi, đang ở nhà làm ruộng đã nói rằng không biết lấy tiền đâu mà đền. Chúng tôi biết rằng vụ án Vinashin hiện nay đang là vấn đề thời sự, nhưng trong thời sự cũng phải phân biệt rõ đúng sai” - luật sư này nói.

Phía đại diện viện kiểm sát khẳng định trong vụ án này, những công việc liên quan việc trưng cầu giám định là đúng với các quy định pháp luật có liên quan. Nếu các luật sư thấy có sai phạm nào đó thì có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật về giám định.

“Việc xác định các bị cáo phải bồi thường trách nhiệm dân sự là có căn cứ” - đại diện viện kiểm sát nói.

Cũng theo đại diện viện kiểm sát, các luật sư lưu ý nhiều những yếu tố chủ quan, khách quan dẫn đến việc thân chủ có hành vi phạm tội, nhất là đặc thù thí điểm của Tập đoàn Vinashin.

Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát cho rằng: “Việt Nam còn nghèo, phải huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế. Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu cầu những người nắm giữ nguồn vốn tài sản nhà nước phải đầu tư có hiệu quả, chắt chiu, tiết kiệm, phát huy vốn, tài sản nhà nước để xây dựng đất nước chứ không phải để thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Do vậy yêu cầu đặt ra là phải xử lý nghiêm các hành vi làm thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước”.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên