30/07/2012 07:38 GMT+7

Luật đất đai vênh với nhiều luật khác

ANH KIỆT
ANH KIỆT

TT - “Do Luật đất đai 2003 “đá nhau” với Bộ luật dân sự, Luật nhà ở, Luật công chứng, Luật khiếu nại tố cáo (kể từ ngày 1-7-2012 trở về trước) nên công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính liên quan đến đất đai gặp khó khăn”.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc làm việc về giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai giữa UBND TP Đà Nẵng với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Văn Phúc - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII - dẫn đầu mới đây tại Đà Nẵng.

Theo TP Đà Nẵng, có mâu thuẫn giữa khoản 2, điều 50 Luật đất đai với khoản 2, điều 689 Bộ luật dân sự, do đó cần sửa Luật đất đai theo hướng thống nhất các giao dịch đất đai phải được công chứng hoặc được UBND cấp có thẩm quyền chứng thực. Không công nhận tính hợp pháp của các giao dịch chưa hoàn thiện nhằm tránh tiêu cực trong việc ký xác nhận của chính quyền, gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Cũng từ sự mâu thuẫn giữa Luật đất đai với Luật khiếu nại tố cáo cho thấy cần phải sửa Luật đất đai theo hướng: người khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần thứ hai thì có quyền kiện ngay ra tòa án hành chính.

Ngoài ra cần phải sửa Luật đất đai thống nhất về quy định: Các giao dịch liên quan đến đất đai phải có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Hệ thống pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền thụ lý giải quyết giữa các cơ quan hành chính với hệ thống tòa án nhân dân. Luật đất đai và Luật khiếu nại tố cáo chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Việc quy định ủy quyền theo Luật khiếu nại tố cáo phạm vi quá rộng đã tạo điều kiện cho một số phần tử lợi dụng để kích động khiếu nại thuê.

ANH KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên