05/06/2012 08:49 GMT+7

Nhà báo được tự do thể hiện quan điểm

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Quyền tự do thể hiện quan điểm rốt cuộc đã được các cơ quan tư pháp châu Âu đánh giá cao hơn "danh dự" của một sản phẩm, cho dù sản phẩm đó có là món đặc sản quốc hồn quốc túy của một đất nước đi chăng nữa, như trường hợp rượu vang vùng Tokaj của Hungary.

Z7Mr7y9B.jpgPhóng to
Nhà báo Uj Péter - Ảnh: hetek.hu

Tòa án tối cao Hungary vừa ra phán quyết bác bỏ tất cả những bản án trước đó của các tòa cấp dưới, đặt dấu chấm trong cuộc đua pháp lý khá kỳ quặc kéo dài hơn bốn năm giữa một ký giả nổi tiếng, ông Uj Péter, với một doanh nghiệp nhà nước mang tên Tokaj K..

Từ "vương tửu, tửu vương " của Hungary...

Ðể hiểu được nội tình và tầm quan trọng của phán quyết pháp lý trên đây, cần trở về vài trăm năm trước, khi vùng rượu Tokaj lịch sử của Hungary được coi như một trong những "thánh địa" của rượu nho trên thế giới. Do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng hết sức đặc biệt, các loại nho trồng ở vùng Tokaj-Hạ Sơn (Hegyalja) qua tay các bậc thầy trong nghề đã cho ra loại rượu độc nhất vô nhị, thương hiệu tầm thế giới của Hungary.

Danh tiếng của rượu vùng Tokaj lên cao vào thế kỷ 17, khi vua Louis 14 - người rất sành điệu và có khả năng thưởng thức ẩm thực hết sức tinh tế - đã gọi loại rượu này là "vương tửu, tửu vương". Không chỉ là loại rượu luôn có mặt trên bàn tiệc của giới vương hầu châu Âu, rượu vùng Tokaj còn được giới văn nghệ sĩ hết sức ưa chuộng. Rượu vùng Tokaj cũng được đưa vào kiệt tác Faust của thi hào Ðức Goethe và một tác phẩm của Franz Schubert.

Hơn thế nữa, cái tên vùng Tokaj cũng được đưa vào lời của bản quốc ca Hungary, do thi sĩ Kölcsey Ferenc sáng tác vào đầu thế kỷ 19. Ngày nay, vùng rượu Tokaj với diện tích 6.202ha được UNESCO liệt vào danh sách các di sản thế giới. Hiện tại, trong số các nhà sản xuất loại rượu này, duy nhất có một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước là Tokaj K., chiếm thị phần lớn nhất.

... Đến lời chỉ trích quá đà

Trên cái nền ấy, việc một nhà báo đưa ra những nhận xét trực diện - thậm chí có phần thô tục - đối với rượu này, trong mắt nhiều người là sự phạm thượng không thể tha thứ. Ðó là trường hợp của ký giả Uj Péter: ngày 1-1-2008, trong một bài viết đăng trên tờ nhật báo lớn nhất của Hungary Tự Do Nhân Dân (Népszabadság), ông đã lớn tiếng phê phán việc nhà nước "bao cấp" doanh nghiệp sản xuất rượu và cho rằng loại rượu giá rẻ của thương hiệu này là "như cứt"!

Lập tức, Tokaj K. đệ đơn kiện nhà báo và tòa các cấp ở Hungary lần lượt xử thắng cho doanh nghiệp. Ở phiên sơ thẩm, ký giả Uj Péter bị buộc tội "vu khống" và bị án tù treo. Phiên phúc thẩm, Tòa án TP Budapest sửa đổi tội danh thành tội "xúc phạm danh dự" và hình thức phạt là cảnh cáo. Cuối cùng, Tòa án tối cao tuyên y án.

Không chịu lùi bước, thông qua đại diện pháp luật là Hiệp hội Vì các quyền tự do (TASZ), Uj Péter đưa vụ việc lên Tòa án nhân quyền châu Âu (trụ sở tại Strasbourg, Pháp). Theo ông và các luật sư, bất kể ai - kể cả nhà báo - đều có quyền tự do nói lên ý kiến và lựa chọn phong cách thể hiện. Ngoài ra, quan điểm về loại rượu này phải được coi là ý kiến về một vấn đề mang tính xã hội quan trọng, vì đây là một sản phẩm của doanh nghiệp do nhà nước hỗ trợ tài chính.

Theo cách nhìn ấy, sự diễn đạt trên mặt báo của ký giả Uj Péter có thể mang tính chủ quan, cũng có thể đã đi quá đà, gây sốc nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ tự do ngôn luận, tự do báo chí và việc một doanh nghiệp nhà nước tận dụng phương tiện pháp luật để "chặn họng" nhà báo là điều không thể được. Vai trò "cầm cân nảy mực" như thế đã được chuyển sang một cơ quan "trọng tài" quốc tế là Tòa án nhân quyền châu Âu.

"Không phải là bêu xấu"

Tòa án nhân quyền châu Âu khi ra phán quyết đã thừa nhận rằng để bảo vệ danh dự, nhân phẩm một cá nhân, đôi khi phải hạn chế quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một doanh nghiệp thì chỉ nhắm đến những lợi ích kinh tế chính đáng. Do đó, không thể áp dụng những điều luật vốn được đặt ra để bảo vệ cá nhân vào mục đích bảo vệ doanh nghiệp, nói đúng hơn là để "bịt miệng" những ý kiến phê bình.

Ðó là chưa kể đến chuyện trong trường hợp này, xét thấy nhà báo đã nêu ý kiến về một doanh nghiệp sở hữu nhà nước, mà sản phẩm và hoạt động của nó nằm dưới sự quan tâm và giám sát của toàn xã hội. Tòa thấy mục đích của nhà báo không phải là "bêu xấu" sản phẩm của doanh nghiệp, mà chủ yếu nhằm phê phán những bất cập của việc nhà nước sở hữu một doanh nghiệp như thế.

Tòa án nhân quyền châu Âu còn khẳng định bản thân sự thô tục vẫn nằm trong phạm vi tự do ngôn luận.

Cuối cùng, Tòa án nhân quyền châu Âu tuyên bố các bản án của tòa án các cấp Hungary đã vi phạm quyền tự do thể hiện quan điểm của nhà báo Uj Péter. Cho dù trong đơn kiện, Uj Péter không đòi hỏi bồi thường, nhưng Tòa án nhân quyền châu Âu vẫn buộc Nhà nước Hungary phải chi trả 3.580 euro cho nguyên đơn để bù đắp những chi phí của ông trong vụ kiện.

Gần một năm sau phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu, trung tuần tháng 5 vừa qua, Tòa án tối cao Hungary đã phải xem xét lại, hủy bỏ những bản án trước đó và tuyên bố Uj Péter vô tội vì đã không có hành vi phạm pháp xảy ra. Theo nhận định của TASZ, cho dù việc xem xét lại nói trên chỉ mang tính hình thức, nhưng với động thái này, Nhà nước Hungary chính thức thừa nhận rằng chính quyền đã hạn chế nhà báo Uj Péter một cách bất hợp pháp khi ông thực thi quyền tự do thể hiện quan điểm.

NGUYỄN HOÀNG LINH (từ Budapest)

Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên