17/04/2012 08:22 GMT+7

16 năm đòi bồi thường oan sai

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Bị khởi tố, bắt giam 103 ngày sau đó được đình chỉ điều tra, từ năm 1996, một người dân Cần Thơ đã gõ cửa khắp nơi yêu cầu được bồi thường oan sai, nhưng đến nay các cơ quan chức năng ở địa phương không lay chuyển.

jNxGJhYp.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Triều với chồng hồ sơ dày cộm sau 16 năm đi khiếu nại - Ảnh: Chí Quốc

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Triều (53 tuổi, ngụ P.Ba Láng, Q.Cái Răng).

Từ tranh chấp đất thành tội hình sự

Mọi việc xuất phát từ tranh chấp 905,31m2 đất tại ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) giữa chú của ông Triều với ông Nguyễn Văn Út (có tên gọi khác là Nguyễn Văn Năm). Theo Công an Q.Cái Răng, phần đất này có nguồn gốc do ông nội của ông Triều cho ông bà ngoại của ông Út sử dụng, sau đó hai người này để lại cho ông Út.

Năm 1991, chú của ông Triều đòi lại đất vì cho rằng đất chỉ cho ông bà ngoại ông Út ở với cam kết đến cuối đời sẽ trả lại. Cuối năm 1993, ông Út được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 13.664m2 (trong đó bao gồm cả phần đất tranh chấp 905,31m2).

Tháng 6-1994, UBND huyện Châu Thành có quyết định buộc ông Nguyễn Văn Tưng (quyết định ghi sai tên, đúng ra là ông Nguyễn Văn Tuân - chú của ông Triều) phải giao trả cho ông Út phần đất “lấn chiếm trái phép” 700m2. Ông Tuân không chấp hành quyết định này và cho cháu ruột là ông Nguyễn Văn Triều đến cất nhà ở ngay phần đất nói trên, sau đó ủy quyền cho ông Triều tham gia tranh chấp từ tháng 10-1994.

Ngày 4-9-1995, UBND huyện Châu Thành ra quyết định 65 xử phạt hành chính ông Triều, buộc ông dỡ nhà trả lại đất cho ông Út. Do ông Triều không chấp hành, ngày 3-11-1995 UBND huyện Châu Thành ra quyết định 90 cưỡng chế hành chính. Ngày 10-3-1996, Công an huyện Châu Thành khởi tố, bắt tạm giam ông Triều về tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Ngày 13-7-1996, TAND huyện Châu Thành đưa vụ án ra xét xử nhưng do có việc sai tên ông Tuân như đã nêu và sai diện tích đất tranh chấp hơn 905m2 nhưng chỉ ghi 700m2 nên tòa đã trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan công an điều tra bổ sung.

Đến năm 2004, khi chia tách huyện Châu Thành thành Q.Cái Răng (TP Cần Thơ) và huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), quá trình chuyển giao đã làm hồ sơ vụ án ông Triều bị thất lạc nên tòa án không thể tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Báo cáo với Công an TP Cần Thơ vào năm 2007, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ cho biết do hồ sơ vụ án bị thất lạc nên không có chứng cứ thể hiện ông Triều có hành vi vi phạm pháp luật hình sự dẫn đến việc khởi tố, bắt tạm giam.

Cơ quan này đề nghị tổ chức cuộc họp giữa các cơ quan tố tụng thống nhất cách giải quyết vụ này cũng như làm rõ trách nhiệm cán bộ điều tra vi phạm chế độ quản lý hồ sơ tố tụng.

Ngày 9-2-2009, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Cái Răng có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Triều theo điều 25 Bộ luật hình sự “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.

Bên nói “oan”, bên nói “không”

Ông Nguyễn Văn Triều tiếp tục khiếu nại khắp nơi. Cuối tháng 4-2011, văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) có văn bản gửi ông Triều thông báo: “Chúng tôi đã phối hợp với Viện KSND tối cao xác minh giải quyết đơn (của ông Triều - PV). Kết quả xác minh thấy trường hợp của ông thuộc diện được bồi thường oan sai theo nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với ông là Công an Q.Cái Răng, TP Cần Thơ”.

Hai tháng sau, Công an Q.Cái Răng thông báo cho ông Triều: việc khởi tố, bắt tạm giam ông là có căn cứ, đúng quy định pháp luật, trường hợp của ông không phải oan sai.

Vì sao cơ quan trực thuộc Bộ Công an kết luận ông Triều oan sai nhưng công an quận cho rằng ông không bị bắt oan? Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, phó trưởng Công an Q.Cái Răng, cho biết ngày 18-4-2011 đã có cuộc họp liên ngành công an - viện kiểm sát - tòa án quận. Cuộc họp này thống nhất quan điểm việc bắt tạm giam ông Triều là đúng, không oan sai và đến nay vẫn bảo lưu.

Ông Sáng nói: “Chúng tôi đã có báo cáo với Bộ Công an và Công an TP Cần Thơ. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ có thông báo quan điểm này cho ông Triều”. Cũng theo ông Sáng, cán bộ làm thất lạc hồ sơ vụ án đã bị xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác.

Luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cho rằng lý do nêu trong quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Cái Răng là không đúng. “Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quá thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải đình chỉ điều tra và coi hành vi đó không có tội, không thể khác hơn được” - luật sư Thành nói.

Theo luật sư Thành, Cục điều tra Viện KSND tối cao cần vào cuộc xem xét vụ này bởi có dấu hiệu vi phạm tố tụng. Viện kiểm sát phải hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra và xác định, xử lý trách nhiệm của người làm mất hồ sơ vụ án thì vấn đề mới được sáng tỏ.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên