Phóng to |
Bia 333, một sản phẩm của Sabeco, được xếp trong kho một đại lý bia - Ảnh: Minh Đức |
Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án cố ý làm trái tại công ty này.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2005-2010 một số cán bộ của Sabeco biết việc mua malt (một trong những nguyên liệu chủ yếu để sản xuất bia) trong nước không có các khoản chi phí khác như mua của nhà cung cấp nước ngoài, nhưng khi thương thảo, ký kết hợp đồng vẫn chi các khoản chi phí trái với quy định này cho Công ty cổ phần Đường Man và Công ty cổ phần Thanh Tùng, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Tối 23-12, trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau khi vừa trở về từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Anh Dũng - hiện là phó tổng giám đốc Công ty liên doanh TNHH Melinh Point, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (hiện đã chuyển thành Tổng công ty cổ phần Bia - rượu nước giải khát Sài Gòn) - cho biết cơ quan điều tra mời ông lên làm việc liên quan đến quá trình ký hợp đồng mua malt ký ngày 28-3-2005 dưới thời ông làm tổng giám đốc.
Theo ông Dũng, ban đầu việc tính toán giá mua cho hợp đồng mua 5.870 tấn malt đầu tiên với Công ty Đường Man - doanh nghiệp trong nước duy nhất sản xuất được malt ở thời điểm nói trên - được dựa trên cơ sở chi phí sản xuất và giá thành của 1 tấn malt thành phẩm (chưa tính lãi) từ phía nhà sản xuất báo giá là 418,66 USD/tấn (chưa có VAT).
Phóng to |
Sản phẩm bia Sài Gòn của Sabeco - Ảnh: THUẬN THẮNG |
“Nguyên nhân là lúc đó trong nước chỉ có duy nhất Công ty Đường Man là sản xuất được malt. Còn trước đó, việc mua malt được nhập khẩu 100% từ nước ngoài” - ông Dũng nói. Mặt khác, chủ trương khuyến khích sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu cũng được Văn phòng Chính phủ, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) truyền đạt dưới nhiều văn bản khác nhau, trong đó có cả công văn yêu cầu “tích cực hỗ trợ Công ty Đường Man trong việc tiêu thụ sản phẩm malt trong nước”.
Tuy nhiên, với cách tính giá theo phương pháp dựa vào chi phí sản xuất của nhà cung ứng, ông Dũng cũng được khuyến cáo không nên áp dụng phương pháp này để ký hợp đồng, bởi Sabeco không có đủ điều kiện để kiểm tra chi phí sản xuất của doanh nghiệp cung cấp.
Thay vào đó, bộ phận nghiệp vụ phòng cung ứng của Sabeco đề nghị sử dụng phương pháp so sánh với giá nhập khẩu để làm cơ sở tính toán giá mua với Công ty Đường Man theo nguyên tắc: giá malt của Đường Man vào kho của công ty không vượt quá giá nhập khẩu tính đến kho của công ty. Cụ thể, giá malt nhập khẩu (là giá được thông qua đấu thầu) của một số công ty cung ứng malt cho Sabeco + 5% thuế nhập khẩu + cộng chi phí giao nhận (chi phí tại cảng, hải quan, vận chuyển, bốc dỡ...).
Với cách tính này, giá malt được Sabeco tính lại ở mức 393,19 USD/tấn (chưa tính VAT 10%) và đã được Công ty Đường Man chấp thuận. Ông Dũng nói lúc đó ông mới nhậm chức tổng giám đốc, nên đã phê vào tờ trình của phòng cung ứng “xem lại vấn đề này và báo cáo phó tổng giám đốc phụ trách cung ứng để có quyết định phù hợp với chủ trương”.
Đúng bốn tháng sau ngày ký hợp đồng, ngày 23-7-2005 ông Dũng xin nghỉ việc với lý do sức khỏe và chuyển sang làm việc tại Công ty liên doanh TNHH Melinh Point cho đến nay. Sau ông Dũng, chủ trương mua malt theo phương pháp so sánh với giá nhập khẩu nói trên vẫn được tiếp tục thực hiện.
Theo ông Dũng, việc cơ quan điều tra cho rằng ông làm thất thoát 5% thuế nhập khẩu (khoảng 30 tỉ đồng) và để “5% thuế nhập khẩu này rơi vào túi Công ty Đường Man” là hoàn toàn không đúng. Nhưng ông Dũng cho rằng mức thuế nhập khẩu 5% “là quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm khuyến khích họ. Nếu không, không một ai dám lao vào đầu tư lĩnh vực này. Thay vào đó họ chỉ nhập khẩu để bán lại”.
Theo kế hoạch, cơ quan điều tra còn tiếp tục triệu tập làm việc với một số cán bộ lãnh đạo khác của Sabeco.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận