23/12/2011 08:03 GMT+7

Những bước chân đã lạc mất nhau

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - ...Những cánh đồng ngoay ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành.

(Trích trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư)

bFx58zEs.jpgPhóng to

Bị cáo trong vụ án không tên Hận, tên Thù mà có cái tên rất sáng: Nguyễn Văn Trí.

Lăn lóc trên đồng

Cha mẹ chia tay nên hai chị em Nguyễn Văn Trí bị phân ra theo hai hướng. Chị ở lại TP Cần Thơ với mẹ. Em mới sinh đỏ hỏn mấy ngày tuổi theo bước chân cha về Kiên Giang. Nhà nghèo nên đứa bé chỉ uống nước cơm thay sữa, cứ thế ngặt nghẽo lớn lên trong bữa đói nhiều hơn bữa no. Khi những bạn đồng trang lứa đến trường thì bước chân Trí bắt đầu lang thang kiếm sống, hết nhổ cỏ thuê, mót lúa cánh đồng gần đến gặt lúa thuê, chăn vịt những đồng xa...

"Giá như cha mẹ bị cáo đừng sinh ra bị cáo, sống làm chi mà khổ cực quá, giờ phải ở tù... "

Bị cáo Nguyễn Văn Trí

Cả năm những bước chân đưa Trí về gặp cha và mẹ một vài lần, dịp tết, chẳng qua vì người ta không mướn, cũng không có chỗ ở nên đành phải về, thế thôi. Trong những ngày đoàn tụ ít ỏi đó, hai cha con ít khi nói chuyện với nhau, nếu có cũng là những ngôn từ cộc lốc, hoặc gây gổ. Không ít lần trong cơn say, Trí xưng hô mày, tao với cha. Về với mẹ cũng không vui vẻ gì hơn.

Trong mắt người mẹ nghèo khó, đứa con trai mưu sinh lăn lóc trên những cánh đồng, lâu lâu về thăm nhà nhiều khi chỉ đem phiền phức cho mình. Có lần bà mất 100.000 đồng, người mẹ nhất quyết nói con trai lấy. Còn Trí, sau khi phân trần nhưng mẹ không tin, đã tự ái, phừng phừng chặt đứt lóng tay của mình...

Rồi trong lần về thăm quê mẹ, Trí nghe tin đứa cháu 2 tuổi con của chị mình bị bệnh. Do trước đây chị của Trí sống chung như vợ chồng với anh H. có con, rồi chia tay, nên Trí yêu cầu anh H. đến thăm con. Anh H. thì cho rằng đã chia tay với chị của Trí nên không còn dính líu gì nữa. Nghe thế cơn giận ngùn ngụt dâng lên, Trí liền thách thức đánh nhau với anh H.. Tối đó khoảng 20g, Trí giắt con dao bước những bước chân cuồng nộ đến nhà kêu anh H. ra nhưng không nghe tiếng trả lời. Trí vòng ra vườn sau nhà đợi. Một lúc sau, bà ngoại của anh H. cầm đèn pin từ trong nhà đi ra cửa sau, Trí tưởng nhầm bà là anh H. nên đã vung dao chém vào cổ khiến bà ngã ngửa xuống. Trí tiếp tục chém nhiều nhát vào mặt, vào đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ...

Không...

Chủ tọa thẩm vấn: - Bị cáo có biết chữ không?

Bị cáo: - Không.

- Thế bị cáo biết mình bao nhiêu tuổi không?

- Không.

Những câu trả lời khô khốc, gọn lỏn.

Chủ tọa hỏi người mẹ: - Bà có làm giấy khai sinh cho con không?

Người mẹ: - Dạ, không. Hộ khẩu do nội cháu giữ nên tôi nghĩ bà nội cháu đã làm rồi.

Chủ tọa: - Vậy bà còn nhớ năm sinh của con không?

Người mẹ lừng khừng: - ...Tôi... quên mất rồi...

Chủ tọa (thở dài): “Làm cha mẹ, sinh ra con cái phải có trách nhiệm, ít nhất cũng cho con mình giấy khai sinh để còn được đến trường, đằng này...”. Rồi vị chủ tọa công bố bút lục rằng khi cơ quan điều tra vụ án, không ai biết Trí bao nhiêu tuổi bởi chẳng những Trí không có giấy khai sinh, chứng minh nhân dân mà cũng không có tên trong hộ khẩu nên muốn biết tuổi phải giám định xương. Vì vậy số tuổi bị cáo không phải là con số cụ thể mà trải ra theo kết luận giám định, khoảng từ 16 năm 9 tháng đến 17 năm 3 tháng.

Chủ tọa hỏi: “Tại sao bị cáo có ý định chém anh H.?”. Bị cáo: “Do tức giận vì con của ảnh mà ảnh không chịu nhìn”. Chủ tọa phân tích: “Sự việc anh H. không nhìn con xảy ra một năm rồi, chuyện này do người lớn hoặc pháp luật giải quyết, chứ đâu tới phiên bị cáo. Vả lại nếu có giải quyết thì đâu phải côn đồ, tàn độc như vậy”.

Con ruột của nạn nhân khi được hỏi ý kiến đã quyết liệt đòi mạng phải đền mạng, ngược lại anh H. - cháu ruột của nạn nhân - lại xin giảm án cho bị cáo. Sự mâu thuẫn của ý kiến thân nhân nạn nhân khiến gương mặt bị cáo lúc đỏ bừng, lúc tái xám, rồi đột nhiên bị cáo bật khóc: “Giá như cha mẹ bị cáo đừng sinh ra bị cáo, sống làm chi mà khổ cực quá, giờ phải ở tù...”.

Bị cáo nghèn nghẹn tiếng được tiếng mất kể đại để rằng mình hành động như vậy bởi nghĩ đứa bé lớn lên sẽ giống như mình: suốt ngày bàn chân nghẽn trong bùn quánh, phơi mình dưới nắng gắt hanh hao ruộng đồng, đêm gió hun hút đồng lạnh thổi giấc ngủ co ro trong căn chòi chăn vịt... Chưa bao giờ bị cáo có được vòng tay ấm áp của mẹ khi giá rét, cũng như chưa bao giờ được cha hỏi han khi ngã bệnh, thậm chí không biết mình bao nhiêu tuổi... nên khi nghe anh H. trả lời là không biết tới đứa con, khiến những gì bị đè nén lâu ngày trong Trí bùng lên thành cơn cuồng nộ dẫn đến những hành động điên rồ, độc ác...

Một mình

Vụ án giết người nói trên được TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử lưu động. Người đến xem kín cả nhưng người cần có mặt lại không đến: người cha. Từ ngày con bị bắt, ông cũng không một lần đến thăm. Còn người mẹ, khi chủ tọa hỏi rằng bà có chịu liên đới bồi thường cho con mình một khoản tiền nào không, bởi Trí chưa đủ 18 tuổi, người mẹ liền buông câu: “Tôi nghèo không có tiền. Tuy tôi sanh ra con nhưng trời sanh tánh mà...”.

Hầu như các bà mẹ đều tranh thủ cơ hội khi được tòa hỏi để thêm vài câu xin giảm tội cho con mình, nhưng người mẹ trong vụ án này thì không. Không biết có phải khi trao đứa con mới được vài ngày tuổi cho chồng thì bầu sữa tình thương của người mẹ cũng đã khô héo cạn kiệt ngay thời điểm đó...

Tòa tuyên 18 năm tù. Tòa vừa tuyên xong, mẹ và chị của bị cáo bước những bước chân vội vã ra về, không có cảnh khóc lóc, lo lắng, bịn rịn chạy đến nói chuyện với bị cáo như thường thấy ở những phiên tòa hình sự khác. Còn bị cáo cũng không quay lại nhìn người thân mà bước những bước chân bơ vơ lên xe tù. Ánh nắng trưa đổ gắt xuống đôi chân bị cáo thành hai cái bóng dài. Những bước chân côi cút khiến bóng này chồng lên bóng kia, lặng lẽ. Những bước chân khiến người thân ngày càng xa nhau, những bước chân đã lạc mất nhau từ rất lâu rồi...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên