06/04/2011 08:51 GMT+7

Khởi tố vụ "cục bêtông" gây chết người

HÀ MI - ĐÔNG HÀ
HÀ MI - ĐÔNG HÀ

TT - Một cô gái đã ra đi sau khi xe chở cô đụng cục bêtông cắm cọc tiêu công trình thi công mở rộng quốc lộ 51. Liên quan cái chết của cô, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thi công đoạn đường xảy ra tai nạn.

Read this on Tuoitrenews.vn

WeXGKCDH.jpgPhóng to

Hiện trường vụ đơn vị thi công đặt cục bêtông để cắm cọc tiêu nhưng không có biển báo đã gây ra tai nạn, dẫn đến cái chết thương tâm của em Phạm Hoài Diễm sáng 17-1-2011 - Ảnh: Thế Thái

Cơ quan công an vừa khởi tố một vụ án tai nạn giao thông hi hữu. Đối tượng bị điều tra làm rõ là cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thi công đoạn đường để xảy ra tai nạn.

Chiều 5-4, Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật hình sự để điều tra trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến cái chết thương tâm cho em Phạm Hoài Diễm (17 tuổi, ngụ ở ấp Tân Ngọc, thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

6fYrWF6u.jpgPhóng to
Bà Dung và nỗi đau mất con - Ảnh: Đông Hà

Tai nạn

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 5g30 ngày 17-1, bà Vũ Thị Dung (49 tuổi) chạy xe máy chở con gái Phạm Hoài Diễm đi trên quốc lộ 51 từ Bà Rịa - Vũng Tàu về hướng TP Biên Hòa (Đồng Nai). Khi đến đoạn đường thuộc địa bàn xã An Phước, huyện Long Thành thì xe va chạm vào cục bêtông của hàng rào công trình thi công đường khiến bà Dung và con gái văng xuống đường. Ngay lúc đó, ôtô do tài xế Nguyễn Anh Bằng (28 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, Bình Thuận) chạy cùng chiều đã cán lên người Diễm làm em chết tại chỗ, bà Dung bị thương.

"Tình trạng thi công đường một cách bừa bãi gây rất nhiều bức xúc. Có nhiều vụ việc, người đi đường bị thiệt hại tài sản, tính mạng vì vấp phải “chướng ngại vật” do đơn vị thi công để lại. Thế nhưng, hình như chưa có đơn vị thi công nào hay người đứng đầu đơn vị đó chịu trách nhiệm cả về dân sự lẫn hình sự. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc khởi tố vụ án của Công an huyện Long Thành. Sau khi điều tra, nếu xác định đúng là đơn vị thi công có liên quan đến cái chết của em Diễm, theo tôi, cần xử lý nghiêm để làm gương"

Luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Công an huyện Long Thành cho biết sau khi tai nạn xảy ra, cơ quan điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn có liên quan đến trách nhiệm hai cán bộ của Công ty cổ phần cơ giới và xây lắp số 9 và Công ty cổ phần Licogi 9-2 (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1).

Theo cơ quan điều tra, Công ty cổ phần đầu tư phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (chủ đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 51) thuê Công ty cổ phần cơ giới và xây lắp số 9 trải thảm nhựa ở đoạn đường xảy ra tai nạn. Công ty này giao lại cho công ty “con” là Licogi 9-2 thực hiện. Khi trải thảm nhựa xong một phần đường, đơn vị thi công để lại cục bêtông cắm cọc tiêu trên nền đường nhưng không có biển báo, bà Dung đã vấp phải cọc tiêu này và gặp nạn.

Đề cập vụ tai nạn, thượng tá Trần Văn Thuân - phó trưởng Công an huyện Long Thành - nói: “Từ khi quốc lộ 51 được thi công mở rộng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người do rào chắn thi công không đảm bảo. Từ vụ em Diễm bị chết do đụng vào cục bêtông, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu điều tra, củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật”.

Đại tá Võ Văn Sáng - phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, phó Ban an toàn giao thông tỉnh - nói: “Câu chuyện thi công trên quốc lộ 51 dẫn đến tai nạn chết người đã được chúng tôi lên tiếng cảnh báo nhiều lần nhưng việc khắc phục còn chậm. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận những đơn vị thi công cẩu thả, xem nhẹ tính mạng của người đi đường”.

Theo trạm kiểm soát giao thông quốc lộ 51 (thuộc Phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai), từ khi thi công mở rộng quốc lộ 51 (tháng 9-2009) đến nay, quốc lộ này đã xảy 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 45 người. Trong đó nhiều vụ tai nạn xảy ra do các đơn vị thi công không đặt đủ rào chắn, cọc tiêu, biển báo theo quy định.

Nỗi đau mất con

Chiều 5-4, gặp chúng tôi, nỗi đau buồn của người mẹ mất con vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt bà Vũ Thị Dung. Càng nói chuyện về vụ tai nạn, về con gái mình, nước mắt bà càng tuôn trào.

Bà kể, những ngày giáp Tết Tân Mão được nghỉ học nên Diễm cùng đi xe máy với bà đến TP.HCM chở hàng về bán tết. Hôm đó trời tờ mờ sáng, lại không có biển báo nên bà không thấy cục bêtông dùng làm hàng rào nằm giữa đường. Khi té, bà văng vào trong lề đường, cháu Diễm té ra ngoài. Lúc tỉnh dậy mới biết tin con gái đã chết, bà điếng người. Từ ngày mất con, bà Dung sang lại sạp bán hàng và ở nhà hẳn. Bà bảo: “Tôi cảm thấy cháu vẫn còn ở nhà nên tôi ở nhà để cháu đỡ buồn, đỡ tủi”.

Điều đáng nói, đơn vị thi công có liên quan đến cái chết của Diễm chưa hề đến thăm hỏi, động viên gia đình một lần nào. “Con tôi đã mất, họ có bồi thường bao nhiêu tiền đi nữa cũng không bù đắp được. Nhưng quan trọng là tình người, là trách nhiệm” - bà Dung nghẹn ngào nói.

HÀ MI - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên