18/09/2010 08:12 GMT+7

Tôi đang tập yêu thương lại cha tôi

PHẠM VĂN TRUNG (TP Cần Thơ)
PHẠM VĂN TRUNG (TP Cần Thơ)

TT - Mỗi nạn nhân của bạo hành gia đình có một cách để giải quyết. Có người bỏ nhà đi để không thấy mặt cha mình hằng ngày, và cũng có người nghĩ tới việc kết thúc bi kịch gia đình bằng cách... giết cha. Tôi cũng từng nghĩ đến chuyện đó, cũng may là tôi kịp thời hồi tỉnh. Đó là khi tôi biết mình là ai và vượt qua ý nghĩ đó bằng cách nào!

Cha tôi là một người nghiện rượu. Khi không có hơi men ông giỏi và hiền lành nhất xóm, nhưng có rượu vào thì ông như người mất trí. Khi còn nhỏ tôi xấu hổ khi gặp ai người ta cũng hỏi: “Cha mày còn nhậu quậy không?”.

Xấu hổ đến nỗi không dám cho bạn bè về nhà vì sợ gặp lúc cha tôi say. Xấu hổ nên khi ai hỏi tôi con ai, tôi chỉ dám nói tên của mẹ và giấu biệt tên cha. Tôi đã trải qua những ngày thơ ấu trong bất an và xấu hổ như thế. Những cơn say triền miên của cha làm anh em tôi căm thù ông ấy. Anh em tôi muốn “gạt” ông ra khỏi cuộc đời này để giải thoát. Mà bằng cách nào cho được? Chỉ có bỏ nhà đi biệt hay giết người mới mong thoát khổ.

Khi lớn lên, có sức vóc chúng tôi bắt đầu có những hành động kháng cự lại cha mình. Khi cha đánh mẹ, tôi và em trai xông vô cản ngăn. Đó là sự kháng cự ban đầu. Dần dần những ý nghĩ cho cha “một bài học” cũng ẩn hiện trong đầu tuổi trẻ hiếu thắng của chúng tôi. Nhiều nhà trong xóm tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cha nhậu say quậy quạng thì bà mẹ ra lệnh cho mấy người con trói lại rồi đánh. Có bà còn hô hào mấy đứa con giết cha chúng đi rồi tù tội gì bà gánh hết! Nhưng mẹ tôi thì không. Bà chịu đựng cha tôi là vì anh em tôi.

Bà muốn chúng tôi được học hành để có sự khác biệt với những đứa trẻ cùng hoàn cảnh. Chúng tôi muốn “trả thù” cho mẹ nhưng mẹ tôi luôn can ngăn bằng câu: ”Ổng dù điên khùng thế nào cũng là cha tụi mày. Tụi mày có học thì đừng hành động như mấy thằng thất học!”.Chúng tôi khóc khi nghe những lời đó, và cơn say nào của cha chúng tôi chỉ biết bỏ đi khỏi nhà cùng mẹ hay cản ngăn khi cha đánh bà.

Trong một hoàn cảnh thê lương như vậy nhưng mẹ luôn tạo điều kiện cho chúng tôi nên người. Anh em tôi đều được ăn học đàng hoàng. Mẹ muốn chúng tôi vào đại học để “cứu vớt danh dự cha mày” bởi cha tôi đã không thể sửa chữa được nữa rồi. Có lần ông khóc vì hối hận khi chúng tôi khuyên ông bỏ rượu nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đó là một phần cuộc sống của ông và anh em tôi bây giờ phải học cách chấp nhận nó từ từ.

Chúng tôi quyết học thành tài để thay đổi cuộc sống. Sẽ tồi tệ biết chừng nào nếu anh em tôi là người thất học và hành xử côn đồ với cha mình như những thanh niên cùng lứa trong xóm. Khi học cao, tôi ý thức vị trí của mình đang đứng. Phải kìm nén sự bực dọc vì mình là người có học. Phải cho người ta thấy được không phải cha nào là con nấy. Phải làm mẹ tôi vui sau những gì bà chịu đựng mấy chục năm qua. Bà sẽ vui biết chừng nào khi chúng tôi làm rỡ ràng danh dự của bà. Chắc gì bà vui khi chúng tôi đánh trả lại cha mình? Biết đâu nó còn làm bà khổ hơn vì sinh ra những đứa con bất hiếu bên cạnh người chồng vũ phu!

Sự cải huấn của người cha là bất khả thi và tôi nghe đâu để thay đổi một con người mất gần mấy chục năm. Từ thù ghét, không muốn nhìn mặt cha mình, tôi đang tập yêu ông từng ngày. Tôi ít nghĩ về những trận đòn trong quá khứ dù giờ đây thỉnh thoảng ông vẫn đánh mẹ tôi. Tôi tìm cái để thương yêu ông. Đó là nghĩ về chuyện ông đi cuốc đất cả ngày, chấp nhận nắng mưa để lấy ba chục ngàn đồng mua gạo cho con. Nếu không có sự hi sinh của cha thì anh em tôi chắc gì bây giờ được phần nào hãnh diện cùng bè bạn. Hay nghĩ đơn giản hơn là không có ông thì cuộc đời này đâu biết tôi là ai.

Mong mọi người sẽ luôn dành sự sẻ chia cho những người đã, đang trải qua hoàn cảnh như chúng tôi.

PHẠM VĂN TRUNG (TP Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên